Sau sự việc xảy ra tại Tiên Lãng, Hải Phòng, nhiều ý kiến cho rằng lẽ ra những cán bộ liên quan đến sai phạm đã phải từ chức. Tương tự là trường hợp của ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT EVN, lẽ ra ông này nên chủ động từ chức thay vì để Thủ tướng miễn nhiệm do làm ăn thua lỗ triền miên. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, từ chức không phải là điều dễ dàng.
Bài 1: Khi quan trường là chốn mưu sinh
Chức tước thường đi đôi với quyền lực, ở khía cạnh nào đó là bổng lộc. Nếu từ chức có nghĩa sẽ không còn gì cả. Tuy nhiên, đối với những người có lòng tự trọng, thật lòng vì nước, vì dân, việc từ chức được coi là hết sức bình thường.
Hiện Bộ Nội vụ đang triển khai đề án Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, đề cập nhiều nội dung, trong đó có quy chế về từ chức, văn hóa từ chức. Đón nhận thông tin này, số ý kiến đồng tình ủng hộ cũng nhiều, song ý kiến tỏ ra hoài nghi về tính khả thi cũng không phải ít.
Không làm được phải rút lui
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định việc từ chức không khó khi tự người nào đó cảm thấy không hoàn thành trách nhiệm trong công việc. “Việc này thế giới làm từ lâu và rất nhẹ nhàng. Ví dụ như ở Ấn Độ, đoàn tàu lật vì lý do sự cố, nhưng Bộ trưởng quản lý lĩnh vực này từ chức. Điều này ở Việt Nam xem ra còn rất nặng nề”, bà Thu nói và cho rằng, nếu quan chức không làm tròn trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó thì nên tự rút lui khỏi vị trí đó, để người khác làm. Ở nước ta, công tác cán bộ là công tác của Đảng, cán bộ là của Đảng, do Đảng phân công. Tuy nhiên, Đảng cũng không bắt buộc cá nhân nào phải giữ một vị trí nhất định, nếu cá nhân ấy không đủ năng lực, trình độ. “Để đào tạo được người lãnh đạo rất khó và mất thời gian. Tuy nhiên, nếu anh không hoàn thành nhiệm vụ thì nhất quyết phải từ chức hoặc bị bãi nhiệm”, bà Thu nói.
Chung quan điểm, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ thường trực Bộ Chính trị, cho biết: “Những người có lòng tự trọng, có trách nhiệm, thật lòng vì Đảng, vì dân thì sẽ thấy việc từ chức là bình thường”. Theo ông Duyệt, việc Bộ Nội vụ đang soạn thảo quy chế về từ chức là rất tốt. Nhưng nếu coi đó mực thước, để mọi người dựa vào mà thực hiện thì cũng rất khó. Bởi văn hóa từ chức là điều mới mẻ, phụ thuộc vào sự giác ngộ, nhận thức, ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân người lãnh đạo.
Từ chức là hết nguồn sống?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, thì cho rằng, việc từ chức ở Việt Nam hiện nay khó thực hiện vì sự ràng buộc lợi ích cá nhân là chính. Nhiều người nại lý do nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao, nếu từ chức chẳng khác nào từ chối nhiệm vụ do Đảng phân công. “Nhưng họ nhầm. Nếu anh kém, chẳng ai bắt anh ở nguyên vị trí đó cả. Thậm chí có không ít người dù kém vẫn hay đánh bóng tên tuổi để giữ ghế, trục lợi cá nhân, nói gì đến chuyện họ tự nguyện từ chức”, tướng Thước bình luận.
Từ góc độ khác, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và chiến lược, Bộ Công an, đánh giá: “Việt Nam khác với ở các nước phát triển khác trên thế giới. Nếu như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… vị trí lãnh đạo tại các cơ quan công quyền tồn tại như một nghề, họ sẵn sang từ bỏ khi thấy không còn thích hợp để đi làm nghề khác. Ngược lại, ở Việt Nam, chốn quan trường là nơi mưu sinh, là nguồn sống, ngoài lương ra còn vô số bổng lộc khác. Chính vì thế mà khi từ bỏ, quan chức không biết làm gì khác để sống”. Bên cạnh đó, trong cấu trúc quyền lực cũng như hệ thống pháp lý của chúng ta chưa phân tách rõ ràng trách nhiệm cũng như quyền hạn giữa cá nhân và tập thể. Đó là chưa kể, dư luận bấy lâu nay vẫn thường rất nặng nề, tạo thành áp lực về vấn đề này. Thông thường một lãnh đạo từ chức hoặc bị mất chức, dân tình sẽ bàn tán nói đi nói lại chuyện đó cả tháng trời.
Về quy chế từ chức mà Bộ Nội vụ đang soạn thảo, ông Cương cho rằng đây là ý tưởng tốt, song ông cũng không tin tưởng vào tính khả thi của nó. Ông nói: “Để từ chức có thể trở thành văn hóa chính trị, tôi cho rằng phải thay đổi rất nhiều điều, như tổ chức lại hệ thống giám sát quyền lực, sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật xử lý vi phạm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, cụ thể hóa trách nhiệm và quyền hạn trong hệ thống công quyền… Nếu không thì dù có 100 quy chế tương tự cũng không giải quyết được vấn đề gì”.
Bài 2: Nặng nề truyền thống “thích làm quan”
Mạnh Đồng - Tuyết Trịnh