Để trả lời cho câu hỏi ông Nguyễn Phú Trọng là ai? là người như thế nào ? Mời các bạn theo dõi những luồng thông tin đúng sự thật về tiểu sử/lý lịch và quá trình hoạt động của Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng
Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944, xuất thân trong gia đình nông dân, dân tộc Kinh. Quê quán: xã Ðông Hội, huyện Ðông Anh, thành phố Hà Nội. Nơi ở hiện nay: số 5, phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Nghề nghiệp khi được tuyển dụng: học sinh.
Ngày được tuyển dụng làm cán bộ, công chức, viên chức: 5-12-1967.
Ngày vào Ðảng: 19-12-1967; ngày chính thức: 19-12-1968.
Trình độ được đào tạo: giáo dục phổ thông: tốt nghiệp hệ 10 năm.
Chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Ðại học Tổng hợp Hà Nội (hệ 4 năm).
Học hàm, học vị: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Ðảng).
Lý luận chính trị: Cao cấp
Ngoại ngữ: Tiếng Nga
Khen thưởng: Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí, Huy chương Vì sự nghiệp thế hệ trẻ…
Ủy viên chính thức Trung ương Ðảng các khóa VII, VIII, IX, X.
Ủy viên Bộ chính Trị các khóa VIII, IX, X; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8-1999 – 4-2001).
Ðại biểu Quốc hội các khóa XI, XII.
Tóm tắt quá trình công tác
1957-1963: Học Trường phổ thông cấp II, cấp III Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội.
1963-1967: Sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
12-1967 – 7-1968: Cán bộ Phòng Tư liệu, Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí cộng sản).
7-1968 – 8-1973: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Ðảng, Tạp chí Cộng sản. Ði thực tập ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (1971); Bí thư Chi đoàn cơ quan Tạp chí Cộng sản (1969-1973).
8-1973 – 4-1976: Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế – Chính trị, Trường Ðảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Chi ủy viên.
5-1976 – 8-1980: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Ðảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư chi bộ.
9-1980 – 8-1981: Học Nga văn tại Trường Ðảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
9-1981 – 7-1983: Thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Ðảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.
8-1983 – 2-1989: Phó Trưởng ban Xây dựng Ðảng (10-1983), Trưởng Ban Xây dựng Ðảng, Tạp chí Cộng sản (9-1987); Phó Bí thư Ðảng ủy
(7-1985 – 12-1988), Bí thư Ðảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản (12-1988 -12-1991).
3-1989 – 4-1990: Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản.
5-1990 – 7-1991: Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
8-1991 – 8-1996: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
1-1994 đến nay: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt nam các khóa VII, VIII, IX, X.
8-1996 – 2-1998: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Cán sự Ðại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
12-1997 đến nay: Ủy viên Bộ chính Trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X.
2-1998 – 1-2000: Phụ trách công tác Tư tưởng-Văn hóa và Khoa giáo của Ðảng.
8-1999 – 4-2001: Tham gia Thường trực Bộ Chính trị.
3-1998 – 8-2006: Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (3-1998 – 11-2001); Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, phụ trách công tác lý luận của Ðảng (11-2001 – 8-2006).
1-2000 – 6-2006: Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV.
5-2002 đến nay: Ðại biểu Quốc hội các khóa XI, XII.
6-2006 đến nay: Bí thư Ðảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng (tháng 1- 2011), đồng chí đã được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác và tăng cường đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai nước, Chiều 29/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Chile do Chủ tịch Guido Girardin Lavin tại Trụ sở Trung ương Đảng.
Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Chủ tịch Thượng viện Chile Guido Girardin Lavin và Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Chile sang thăm Việt Nam; đánh giá cao kết quả các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo cấp cao Quốc hội và Nhà nước Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Thượng viện Chile, Guido Girardi Lavin
Chúc mừng những thành tựu của nhân dân Chile trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Tổng Bí thư cũng cảm ơn những tình cảm đoàn kết và sự ủng hộ quý báu mà nhân dân Chile dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay; bày tỏ hài lòng về sự phát triển nhanh chóng của quan hệ hai nước, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo với Chủ tịch Thượng viện Chile một số nét lớn về tình hình Việt Nam gần đây; mong muốn Quốc hội hai nước tăng cường quan hệ hợp tác, góp phần củng cố, phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước và sự thịnh vượng của mỗi nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á, Mỹ La tinh và trên thế giới.
Về phía Chile, Chủ tịch Thượng viện Guido Girardin Lavin chúc mừng những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới ở Việt Nam; tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Chủ tịch Thượng viện Chile thông báo với Tổng Bí thư kết quả của các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo cấp cao Quốc hội, Nhà nước Việt Nam và một số nét lớn về tình hình Cộng hòa Chile gần đây; đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của quan hệ hai nước trong đó có quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp; mong muốn và khẳng định tiếp tục thúc đẩy và tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa Quốc hội, Nhà nước và nhân dân hai nước, đưa quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn./.
Sáng nay (27/2), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình- Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, chỉ đạo và trực tiếp truyền đạt, quán triệt Nghị quyết. Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tham dự hội nghị còn có hơn 1.000 đại biểu.
Tại phiên khai mạc, Hội nghị đã nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị .
Tổng Bí thư nêu rõ: Trong mọi giai đoạn, Đảng ta rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng. Các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận đã tác động, tạo nên những chuyên biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu, những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Theo Tổng Bí thư có 4 lý do cần thiết phải ban hành Nghị quyết: Thứ nhất trong mọi giai đoạn công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong giai đoạn đất nước đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, càng cần phải coi trọng công tác xây dựng Đảng.
Thứ hai là trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị to lớn, nặng nề, khó khăn, đòi hỏi Đảng phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu.
Thứ ba là trong thực tế thời gian qua, đã có những hiện tượng tiêu cực, phức tạp mới gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chống phá điên cuồng sự nghiệp đổi mới của Đảng ta nhằm xóa bỏ chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng hơn nữa lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo.
Chính vì vậy ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận, đồng tình, nhất trí cao, cho rằng Nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Nghị quyết Trung ương 4 tập trung vào 3 vấn đề cấp bách. Thứ nhất, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Ba nội dung đó có quan hệ gắn bó, trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất.
Tổng Bí thư cũng phân tích những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trên cả 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, chỉ ra tính chất, phạm vi, xu thế và hậu quả của những yếu kém, khuyết điểm.
Đáng chú ý trong những nguyên nhân chủ quan là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.
Nguyên tắc tập trung dân chủ thực hiện chưa tốt, bị buông lỏng, không ít nơi có tình trạng dân chủ hình thức; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện rất kém, thiếu thẳng thắn, thiếu trung thực…
Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách pháp luật thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời, công tác cán bộ còn nhiều bất cập…. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Việc kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết…
Trên cơ sở xác định ba nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách nêu trên, Trung ương đã chỉ ra các giải pháp bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp giữa “chống và xây” “xây và chống”, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất, cấp bách nhất với 4 nhóm giải pháp.
Đó là Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong và gương mẫu của cấp trên; Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; Nhóm giải pháp về công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng.
Những việc cần làm ngay là từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tự giác, gương mẫu, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống.
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ nội dung, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham những, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm. Cần đặc biệt chú ý chuẩn bị và tiến hành tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao; giữ gìn đạo đức lối sống của bản thân và của người thân trong gia đình.
Về một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm hành động; ngay sau khi kết thúc Hội nghị, căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo hướng dẫn của các ban Đảng và cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch, chương trình học tập, quán triệt và triển khai có hệ thống Nghị quyết phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình, ngành mình; từng cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, phải gương mẫu làm trước…; Phải thực hiện các nhiệm vụ và các giải pháp một cách đồng bộ, tổng hợp, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm…; Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, tránh làm lướt, qua loa, hình thức, chiếu lệ…; Phải đặt việc thực hiện Nghị quyết trong tổng thể thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ… Phải thật sự tự giác, chân thành, công tâm…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị cùng toàn thể cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tập trung nghiên cứu, thảo luận, góp ý kiến để tạo thống nhất cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Cùng trong ngày làm việc hôm nay, Hội nghị đã nghe phổ biến dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị; nghe phổ biến hướng dẫn kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình, phê bình của cán bộ, đảng viên; nghe hướng dẫn thực hiện “Quy định về những điều đảng viên không được làm” và Kế hoạch công tác tư tưởng và Kế hoạch tiếp tục triển khai Chỉ thị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Cuối giờ chiều nay, các đại biểu làm việc tại tổ, thảo luận quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị và góp ý kiến dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị.
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 sẽ làm việc đến ngày 29/3./.
Nguyễn Tấn Dũng (sinh ngày 17 tháng 11 năm 1949 tại Cà Mau) là Thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam, đồng thời là trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và từ năm 1997, ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa X, XI, XII, XIII thuộc đơn vị bầu cử khu vực 3 Thành phố Hải Phòng (huyện Tiên Lãng), trưởng ban Ban Chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án EPCO - Minh Phụng từ năm 2002.
Ông được Quốc hội bầu lên vị trí Thủ tướng Chính phủ từ ngày 27 tháng 6 năm 2006 sau khi Thủ tướng tiền nhiệm Phan Văn Khải quyết định về hưu năm 2006 và tái đắc cử nhiệm kì thứ 2 vào ngày 25 tháng 7 năm 2011. Ông là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thuộc thế hệ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cũng là Thủ tướng trẻ nhất khi nhậm chức (57 tuổi).
Tiểu sử
Nguyễn Tấn Dũng có quê quán tại Thành phố Cà Mau, thuộc tỉnh Cà Mau. Là con thứ hai trong gia đình, Nguyễn Tấn Dũng còn được gọi với cái tên Ba Dũng. Năm 1961), ông tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm công tác văn thư, liên lạc, cứu thương, y tá, y sĩ. Nguyễn Tấn Dũng sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu đội bậc trưởng (tương đương Trung sĩ), Trung đội bậc trưởng (Chuẩn úy), Đại đội bậc phó (Thiếu úy), Đại đội bậc trưởng (Trung úy) - Đội trưởng Đội phẫu thuật, Đại đội trưởng và Chính trị viên trưởng Đại đội Quân y thuộc Tỉnh đội Rạch Giá. Nguyễn Tấn Dũng gia nhập Đảng Lao động Việt Nam ngày 10 tháng 6 năm 1967, chính thức ngày 10 tháng 3 năm 1968. Cuối năm 1969, nhờ người bạn chiến đấu Phan Trung Kiên, ông thoát chết trong một trận càn quét ở Cà Mau-Kiên Giang.
Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó đang là cấp bậc trung úy, đã chọn ở lại phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau năm 1975, ông lần lượt giữ các chức vụ Thượng úy, Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 207; Đại úy, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Bộ binh 152; Thiếu tá, Trưởng ban cán bộ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.
Từ tháng 10 năm 1981 trở đi, ông phục viên và tham gia công tác chính trị, sinh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam tại địa phương, lần lượt giữ các chức vụ: Tỉnh ủy viên Kiên Giang, Phó Ban Tổ chức cán bộ Tỉnh ủy; Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, Bí thư Huyện ủy Hà Tiên; Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Bí thư Đảng ủy quân sự tỉnh Kiên Giang; Ủy viên Đảng ủy Quân khu 9; Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Từ tháng 1 năm 1995, ông tham gia công tác trong trung ương với các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Nội vụ (1/1995 - 5/1996), Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương. Được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng tại các kỳ Đại hội Đảng CSVN thứ VI (năm 1986) và thứ VII (năm 1991). Được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương và được Bộ Chính trị phân công làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ VIII và là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phụ trách vấn đề tài chính của Đảng CSVN (từ tháng 6/1996 đến tháng 8/1997).
Thủ tướng Dũng và Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tại APEC 2006 tại Hà Nội
Từ tháng 9 năm 1997, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá X (đại biểu khu vực 3 Hải Phòng) và được đề cử và sau đó được Quốc hội thông qua giữ chức Phó Thủ tướng; sau đó Thủ tướng Phan Văn Khải cử giữ chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực và Chủ tịch Hội đồng Tài chính - Tiền tệ của Chính phủ, trong thời gian này ông được nhà nước Lào tặng thưởng Huân Chương Ítxala hạng nhất (huân chương cao quý nhất của Lào). Tháng 5 năm 1998, Quốc hội thông qua cử ông kiêm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chức vụ này ông giữ đến tháng 12 năm 1999 thì bàn giao lại cho ông Lê Đức Thúy.
Tháng 8 năm 2002, ông tiếp tục được đề cử giữ chức vụ Phó Thủ tướng và được Quốc hội khoá XI thông qua.
Ngày 16 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đề cử Nguyễn Tấn Dũng làm người kế nhiệm mình trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI. Ngày 27 tháng 6 năm 2006, Nguyễn Tấn Dũng được Quốc hội bầu làm tân Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 25 tháng 7 năm 2007, Quốc hội khóa XII tiếp tục bầu ông Nguyễn Tấn Dũng giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, với tỷ lệ 96,96% phiếu đồng ý hợp lệ trên tổng số đại biểu.
Ngày 26 tháng 7 năm 2011 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII ông tái đắc cử chức thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông là Thủ tướng trẻ nhất của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam đầu tiên hội kiến Giáo hoàng. Thủ tướng đầu tiên hứa sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng, tuy nhiên hiện nay tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng và phổ biến trong xã hội.
Năm 2010, Việt Nam với vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN được đánh giá là thành công trong hoạt động ngoại giao và kết nối các thành viên được nhiều báo chí đánh giá là nhờ công lớn của ông.
Gia đình
Ông và phu nhân (bà Trần Thanh Kiệm) có ba người con. Con trai cả của ông tên là Nguyễn Thanh Nghị, sinh năm 1976, lấy bằng tiến sĩ ngành kỹ sư công chánh (xây dựng) ở Đại học George Washington ở Washington, được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng ngày 11 tháng 11 năm 2011, người được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI.
Người con kế là con gái, Nguyễn Thanh Phượng tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Đại học quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ (International University in Geneva); tuy nhiên theo thông tin bằng tiếng Việt trên website của Quỹ Đầu tư Bản Việt thi lại ghi là Đại học Geneva là một trường đại học hoàn toàn khác với thứ hạng cao hơn (University of Geneva). Ở tuổi 27, Nguyễn Thanh Phượng đã là Chủ tịch Quỹ Đầu tư Bản Việt, doanh nghiệp với số vốn khoảng 55 triệu đô la Mỹ. Ngày 16 tháng 11 năm 2008, Nguyễn Thanh Phượng thành hôn với Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam, một người trước đây quốc tịch Hoa Kỳ nhưng nay mang quốc tịch Việt Nam.
Con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tên là Nguyễn Minh Triết, học A level tại trường St. Michael College(Mỹ), theo học cử nhân về kỹ sư kỹ thuật hàng không ở Đại học Queen Mary và hiện đang chuẩn bị hoàn tất khóa học thạc sỹ chuyên ngành kỹ sư chế tạo máy. Hiện đang công tác tại Ban thanh niên nông thôn - Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Lời phát biểu của Tổng thống George W. Bush trong một cuộc gặp gỡ tại Hà Nội dịp APEC 2006, BBC cho hay các con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng du học tại Hoa Kỳ và một người đã kết hôn với một người Mỹ gốc Việt.
Tuy nhiên, trong lần đối thoại trực tuyến (tháng 2-2007), ông Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng thông tin này không chính xác: chỉ người con trai của ông (Nguyễn Thanh Nghị) từng làm nghiên cứu sinh và lấy bằng tiến sĩ tại Mỹ, hiện nay đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây Dựng , còn người con gái (Nguyễn Thanh Phượng) lúc đó chưa lập gia đình cũng như chưa từng du học tại Mỹ.
Hoạt động trong nhiệm kỳ
Nguyễn Tấn Dũng có những thành công về mặt đối ngoại. Năm tháng sau khi nhậm chức, ông để lại dấu ấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình với thành công của hội nghị APEC (tháng 11/2006). Tháng 5/2007, tạp chí World Business bình chọn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á.
Trong nhiệm kỳ Thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sau đó là thành viên luân phiên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2008/2009).
Ngày 29 tháng 4 năm 2009, ông ban hành công văn 650/TTg-KTN, chỉ đạo các bộ ban ngành phối hợp triển khai dự án bauxite tại Tây Nguyên.
Trong cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khi lạm phát cả năm của Việt Nam lên cao nhất khu vực (25%), chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua gói kích cầu trị giá tổng cộng 8 tỷ đô la (tương đượng 143.000 tỷ đồng). Về gói kích cầu này ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng, dòng tiền chảy không đến các mục đích như được thông báo, không có khu vực kinh tế nào ở Việt Nam tỏ ra khởi sắc sau gói kích cầu ngoài thị trường chứng khoán và nâng mức thâm hụt ngân sách lên đến 8% so với 5% của năm 2008. Tuy nhiên,theo Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định thì gói kích cầu của Chính phủ đã có tác dụng tốt và kinh tế Việt Nam quý IV năm 2009 được đánh giá là hồi phục và tăng tốc.
Tuy nhiên, sang năm 2010, gói kích cầu đã bộc lộ nhược điểm: bội chi ngân sách đến mức báo động, dự trữ ngoại hối quá thấp, bất ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này dẫn tới lạm phát tăng cao, các chính sách thắt chặt tiền tệ ngay sau đó gây khó khăn kinh tế. IMF và WB phải đề nghị Việt Nam thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô.
Sự kiện
Trong nhiệm kỳ của ông, có những sự kiện như:
Ngoại giao: Việt Nam được vào WTO, tổ chức thành công APEC 2006.
Những vụ tham nhũng: Vụ PMU 18, Đề án 112, vụ hối lộ quan chức Việt Nam của PCI, Vụ tiền Polyme.
Kinh tế: Lạm phát Việt Nam cao nhất khu vực năm 2008, vụ tranh luận về vấn đề độc quyền và quản lý các tập đoàn nhà nước (như Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, vụ Tổng Công ty Quản lý và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) can thiệp vào thị trường chứng khoán, vụ Vinashin vay nợ quá khả năng từ năm 2005, thành lập nhiều công ty con, chỉ sau 4 năm hoạt động đã vay nợ hơn 80.000 tỷ VNĐ. Năm 2011 là năm khó khăn của kinh tế VN, khi lạm phát Việt Nam cao nhất châu Á, hạng nhì thế giới tháng 4 năm 2011 (17.15% so với cùng kỳ).
Chính sách
"Tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí: kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức; không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí phục vụ lợi ích riêng" (Chỉ thị 37).
Từng bước tiến dần đến chính phủ điện tử và công khai hóa các hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, sau sự thất bại của Đề án 112 (Đề án Tin học hóa hành chính nhà nước), tiến trình này đã chậm lại.
Ký hợp đồng với Nga mua các tàu ngầm, máy bay chiến đấu MiG-29 và các loại vũ khí hạng nặng khác về trang bị cho Quân đội Việt Nam.
Chính thức mời Nga hợp tác và giúp đỡ Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với các điều kiện bảo đảm cần thiết.
Các câu nói
"Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay." (Lễ nhậm chức Thủ Tướng)
"Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng - có lẽ làm thủ tướng lâu nhất - có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng". Vì nội dung câu nói này bị nhiều người hiểu nhầm, nên trong phần trả lời chất vấn đại biểu tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Bạch Mai tại Quốc hội vào ngày 24 tháng 11 năm 2010, , ông Nguyễn Tấn Dũng đã giải thích như sau: "Tôi trình bày chất vấn tại kỳ họp sáu là như vậy, nhưng có lẽ diễn đạt chưa đầy đủ. Khi phát hiện sai phạm thì lãnh đạo phải có kiểm tra. Không có kiểm tra không có quản lý. Mà khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý. Nhưng không thể xử lý theo ý muốn cá nhân được mà phải theo quy định của pháp luật, của Đảng, có lý có tình và đúng bản chất sự việc."; "Xin trình bày là không thể, với một vụ việc mà mới nghe một thông tin mà Thủ tướng đã ra quyết định kỷ luật được. Luật không cho phép làm như thế."
"Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở."
"Tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường."
"Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm về Vinashin!"
"Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai." Trả lời về trách nhiệm với vụ Vinashin.
Một số quyết định quan trọng
Có nhiều sự kiện quan trọng xảy ra tại Việt Nam trong (các) nhiệm kỳ của ông. Bao gồm:
Tái cơ cấu Vinashin: khủng hoảng nợ tại Vinashin bùng phát vào tháng 5/2010 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đưa ra quyết định vội vàng tái cơ cấu Vinashin, cơ cấu lại các khoản nợ. Từ đó, có nhiều vấn đề bị phanh phu về quản lý nhà nước đối với tập đoàn kinh tế này. Theo báo cáo, Vinashin nợ hơn 100 nghìn tỷ VND (tương đương 5-6 tỷ USD) với khả năng không thể thanh toán nổi.
Phá giá tiền tệ: trong vòng 14 tháng tính tới 13/2/2011, Việt Nam đã phải phá giá đồng tiền bốn lần. Lần gần nhất, VND bị phá giá 9.3%
Quyết định 97/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ. Trong đó ở điều 2 mục 2 có nhấn mạnh: nếu có ý kiến phản biện về đường lối,chủ trương,chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.
Nghị quyết 11 NQ/Cp thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô gây ra nhiều vấn đề, tác dụng phụ, cho nền kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, ngân hàng khủng hoảng.
Ý kiến chỉ đạo vụ cưỡng chế đất gây tranh cãi tại Tiên Lãng, Hải Phòng.
Ý kiến chỉ đạo vụ tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá giữa Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG).
Thúc đẩy Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện các văn bản pháp quy, đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện nguyên tử đầu tiên khu vực Đông Nam Á tại Ninh Thuận.