Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi tự hào với quân hàm “binh bét”

Một chiều cuối năm, chúng tôi gõ cửa căn nhà nằm sâu trong ngôi làng ven sông, nơi ít nhiều còn giữ được sự yên tĩnh của chốn làng quê dù chỉ cách hồ Gươm hơn mười cây số. Một người đàn ông trong bộ quần áo giản dị ra mở cửa đón khách.
Đó là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Chủ nhà chọn nơi tiếp khách là thư viện gia đình, nơi chứa cả ngàn đầu sách và tài liệu. Có đủ loại sách về tư tưởng của các vĩ nhân, sách nghiên cứu, tiểu thuyết võ hiệp, truyện trinh thám… Tất cả đều gọn gàng, ngăn nắp và được xếp theo chủ đề.

Bất ngờ, tướng Vịnh hỏi chúng tôi đã đọc hai tập sách Hồng Kông thủa ấy chưa? “Một tác phẩm hay của James Clavell, tên nguyên bản là Tai-Pan. Rất đáng tìm đọc, nhiều khi văn học và lịch sử giúp ta sáng lên ý tưởng cho những vấn đề thời sự hiện nay”.

Mong tổ chức du lịch ra Trường Sa

Khách và chủ nhà trò chuyện từ chập tối đến tận khuya, bắt đầu từ câu chuyện về những ngày giáp Tết cách đây vừa tròn một năm. Tướng Vịnh kể:

- Cuối năm, tôi ra Trường Sa, đi chúc tết bộ đội và nhân dân trên đảo. Đây không phải lần đầu đến với Trường Sa nhưng đúng là chỉ sau một vài năm không ra đảo, tôi đã thấy được sự thay đổi ở đây lớn lao biết chừng nào. Tôi đến từng gia đình trên đảo, trò chuyện với bà con, nhiều người nói với tôi rất ngắn gọn: “sống được”. Có thể thấy sự hài lòng về cuộc sống bình yên ánh lên trong mắt họ. Trường Sa bây giờ cơ bản “điện thừa nước đủ”. Đêm xuống, khi chúng ta ngắm Trường Sa sẽ thấy như một thành phố nổi trên biển lung linh với những ánh đèn rực sáng.

Cũng như nhiều người khác có dịp ra Trường Sa, tôi thắp hương ở đền thờ Bác Hồ, ngôi đền xây dựng rất trang nghiêm ở đảo Trường Sa Lớn. Chúng ta cũng đã có các ngôi chùa ở đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây. Tại mỗi nơi có một tượng phật ngọc do Liên đoàn Phật giáo thế giới trao tặng Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng cung tiến ra Trường Sa. Hai tượng phật ngọc này rất quý giá không những về giá trị, mỹ thuật mà còn về ý nghĩa tâm linh. Có một điều đặc biệt là mỗi viên gạch, mỗi viên ngói xây dựng các công trình trên đảo đều có dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc huy.

Tôi nhớ bữa cơm đầu tiên ở Trường Sa, khi anh em bộ đội làm thịt một con lợn nuôi trên đảo để đãi khách quý, miếng thịt mặn chát. Vị mặn biển Đông chứ không phải mặn do chế biến. Và dư vị ấy thì còn mãi. Vào dịp Tết, khách ra đảo thường được tặng một quả bàng vuông. Tôi đã đem quả bàng đó về đặt lên bàn thờ Tổ quốc, như một thứ quả mới bổ sung vào mâm ngũ quả Tết truyền thống dân tộc…

Bác Hồ và gia đình các ông Nguyễn Chí Thanh, Trần Đăng Ninh và Nguyễn Sơn tại Phủ Chủ tịch, tháng 1-1968. Ông Nguyễn Chí Vịnh lúc ấy là cậu bé đứng bên Bác - Ảnh tư liệu gia đình

* Nếu không phải với tư cách một vị tướng mà là một công dân, ông mong muốn điều gì sau khi ra Trường Sa?

- Tôi mong muốn khi có điều kiện thuận lợi, chúng ta tổ chức cho bà con trong nước cũng như Việt kiều yêu nước đi du lịch ra Trường Sa. Đây sẽ là một điểm du lịch vô cùng ý nghĩa. Những chuyến công tác nước ngoài, nếu có dịp tiếp xúc với bà con Việt kiều, tôi thường kể câu chuyện Trường Sa và sau khi nghe thì bà con rất ngạc nhiên, xúc động. Tôi tin rằng là người Việt Nam, bất cứ ai có dịp ra Trường Sa thì tình cảm của họ đối với đất nước sẽ có những thay đổi rất lớn. Và họ sẽ hiểu đất nước mình đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền trên biển Đông.

* Bất cứ người Việt Nam nào cũng quan tâm đến chủ quyền Tổ quốc, quan tâm đến vận mệnh của quê hương, xứ sở. Sau một năm Việt Nam có rất nhiều sự kiện quan trọng về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng…, ông đang nghĩ gì về tương lai đất nước?

- Trong bất cứ giai đoạn nào của mỗi đời người hay lớn hơn là mỗi quốc gia, những cơ may, vận hội luôn đi kèm với thách thức. Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn thấy những vấn đề sẽ quyết định đến sự phát triển lâu dài của đất nước.

Đất nước chúng ta hôm nay bộn bề các vấn đề cần giải quyết, nhưng suy nghĩ của tôi là thế nước đang lên. Nếu nhìn vào đại cục sẽ thấy có rất nhiều lý do để nhận xét như vậy. Đầu tiên phải nói đến là chúng ta có sự ổn định chính trị, giữ được trật tự xã hội và bảo vệ vững chắc bờ cõi quốc gia. Về kinh tế, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, nhưng theo thời gian thì ngày càng có nhiều nước thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Một nền kinh tế thị trường đầy đủ với định hướng xã hội chủ nghĩa, chính là nền kinh tế thị trường không có hai giá, không phân biệt công tư. Trong quan hệ quốc tế, chúng ta có được sự tin cậy của bạn bè quốc tế. Người ta tin chúng ta thân thiện, chúng ta thực tâm mong muốn hợp tác phát triển với cộng đồng quốc tế.

Có thể thấy rằng trong 5-10 năm tới còn nhiều khó khăn, nhưng đất nước sẽ có những bước phát triển, với một điều kiện giữ bằng được ổn định chính trị và định hướng quản lý thống nhất của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

* Vậy đâu là thời cơ và đâu là thách thức của đất nước ta về mặt quốc phòng an ninh, theo suy nghĩ của một nhà quân sự?

- Với tư cách một nước đang phát triển và cần có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là những câu chuyện mà các nước lớn đang nói với nhau có ảnh hưởng gì đến chúng ta? Cần phải đặt câu hỏi này trong một bối cảnh quốc tế đang có những thay đổi rất cơ bản, rất lớn lao, nhất là sau những sự kiện như ở Bắc Phi – Trung Đông và trước đó ở Afghanistan, Iraq, Nam Tư…
Ở đâu cũng vậy, khi có lợi ích thì mọi bên đều muốn can dự. Tất nhiên nếu đã can dự thì sẽ có điểm đồng nhưng cũng có điểm bất đồng, chính vì vậy những vấn đề an ninh khu vực của chúng ta tự nhiên nóng lên. Chúng ta đã nghe những tuyên bố về chủ quyền của một số nước và đã nghe những thông điệp rất mạnh mẽ… Đằng sau những lời phát biểu đó, thấp thoáng đâu đây các tàu sân bay, chiến hạm, các máy bay thế hệ mới… Nguy cơ lớn nhất chính là một cuộc chạy đua vũ trang mới, một cuộc chiến tranh lạnh mới và một chiến lược “ngoại giao chiến hạm” mới của các nước lớn. Điều này đã manh nha xuất hiện ở khu vực. Chúng ta phản đối, không đồng tình với xu hướng phát triển như vậy, đồng thời tuyệt đối không cuốn theo chiều hướng đó. Với những người yêu hòa bình, những quốc gia yêu hòa bình thì phải làm hết sức để ngăn chặn và hóa giải nguy cơ trên, không được để va chạm của các nước lớn ảnh hưởng đến hòa bình khu vực và sự ổn định của đất nước mình.

Gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại nhà số 34 Lý Nam Đế, năm 1964 - Ảnh tư liệu gia đình

* Nhưng biển Đông có yên tĩnh hay không, đâu chỉ phụ thuộc vào Việt Nam?
- Trong vấn đề biển Đông phải xem xét trên những vấn đề về lịch sử, những tuyên bố về chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đâu là nguyên tắc giải quyết vấn đề lợi ích? Có ba điểm cơ bản. Thứ nhất, chủ quyền của mỗi nước. Đây là điểm bất di bất dịch, không thay đổi. Chúng ta muốn có hòa bình, muốn ổn định để phát triển nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận tất cả để giữ được chủ quyền lãnh thổ. Thứ hai, chia sẻ lợi ích. Chia sẻ chủ quyền lãnh thổ là không thể, nhưng chia sẻ lợi ích có thể trở thành con đường để giải quyết những khác biệt, tranh chấp. Thứ ba, phải tuân thủ luật pháp quốc tế và không để các thế lực khác chen vào, can dự vào những vấn đề của chính chúng ta.

Trong các mối quan hệ an ninh của thế giới, không có mối quan hệ nào đơn thuần giữa hai nước với nhau. Một vấn đề nào đó giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn gắn với bàn cờ chung của thế giới, nhưng trong những vấn đề của hai nước thì Việt Nam và Trung Quốc là hai người chơi chủ yếu, sao cho không để bên khác chen vào trục lợi. Nguyên tắc cơ bản là anh này phải tôn trọng chủ quyền và lợi ích của anh kia. Ví dụ như việc Trung Quốc tuyên bố về đường lưỡi bò có lợi cho ai? Tôi nghĩ rằng không có lợi cho Việt Nam và cũng hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc, mà đã làm dấy lên dư luận quốc tế không tốt cho Trung Quốc, có lợi cho các thế lực khác.

Ta phải giữ cho được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế; quan tâm xây dựng tiềm lực của đất nước, trong đó quan trọng nhất là tiềm lực kinh tế, không ngừng cải thiện đời sống người dân. Và cũng phải đặc biệt chú ý đến quan hệ quốc tế để có sự ủng hộ của cộng đồng thế giới, ngay cả khi trời yên biển lặng cũng như lúc phong ba sóng lớn. Chúng ta không tham gia vào những xung đột lợi ích của các nước lớn và điều tôi muốn nói là Việt Nam phải tránh mọi cuộc chiến tranh, trước hết là những xung đột trên biển Đông. Nếu có chiến tranh, có xung đột thì sẽ là thảm họa của dân tộc và là bất hạnh cho từng gia đình.

Tôi rất thích lắng nghe các bạn trẻ trò chuyện

* Nhìn lại năm qua, trước những sự kiện liên quan đến biển Đông, nhiều bạn trẻ đã xuống đường để biểu thị lòng yêu nước. Ông có điều gì muốn nói với họ?
- Nếu được, tôi chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với các bạn trẻ như một người bạn. Với lòng yêu nước, với phản ứng của tuổi trẻ, việc một số bạn trẻ xuống đường để biểu thị thái độ của mình là điều có thể hiểu được. Nhưng mục đích cuối cùng của tất cả chúng ta là giữ được chủ quyền trên biển Đông. Từ cách tiếp cận đó, chúng ta sẽ thấy rằng đâu phải phản ứng ngay mà đạt được mục đích. Điều quan trọng nhất là làm đất nước mình mạnh lên, trước hết là ổn định về chính trị. Không ổn định về chính trị thì không thể có đất nước mạnh. Nhìn ra thế giới chúng ta dễ dàng thấy điều đó. Trong tác phẩm Hồng Kông thủa ấy cũng đã nói lên một điều, với bất cứ quốc gia nào khi đất nước mạnh lên, theo đó chủ quyền sẽ được thu hồi và bảo vệ đầy đủ. Ở đây có một vấn đề chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa, đó là lòng dân. Chính quyền phải luôn nhớ rằng phải có sự ủng hộ của nhân dân, ngược lại nhân dân cũng cần chia sẻ với chính quyền trong những thời điểm khó khăn.

Để đất nước mạnh lên, chúng ta phải làm chủ về khoa học kỹ thuật, phải có sức mạnh kinh tế… và nói đến những vấn đề này thì chỉ có thể trông cậy vào thế hệ trẻ. Chính những người trẻ bằng năng lực hội nhập, bằng ý chí vươn lên mạnh mẽ, bằng sự hiểu biết sâu sắc về khoa học kỹ thuật sẽ định vị thế đứng Việt Nam trên trường quốc tế. Không phải ai khác, chính các bạn trẻ sẽ là những người nghĩ ra các giải pháp để đóng góp cho Nhà nước trong việc giải quyết từng bước vấn đề biển Đông. Tôi muốn nói rằng bờ mạnh thì biển mới vững, người giỏi thì đất nước mới hùng cường. Tất nhiên, khi đất nước thật sự cần, tuổi trẻ sẽ là những người đầu tiên dám hi sinh tất cả vì Tổ quốc mình.

* Bằng trải nghiệm của mình, ông nhìn thấy điều gì ở các bạn trẻ hiện nay?

- Tôi rất thích lắng nghe các bạn trẻ trò chuyện. Nhiều lần tôi đi cùng một vài bạn đang ở độ tuổi thanh niên đến quán cà phê hoặc những nơi mà các bạn trẻ gặp gỡ nhau. Tôi lắng nghe các bạn trẻ nói về tình hình đất nước, về kinh tế, về chính trị, về biển Đông… Có thể điều này, điều khác các bạn nói chưa đúng hoặc chưa thật chuẩn xác, nhưng đó là tiếng nói của tương lai đất nước và cũng chính là một trong những thước đo chính xác nhất về thời cuộc.

Một số ý kiến cho rằng thanh niên bây giờ kém hơn trước đây, dường như ích kỷ hơn, dường như quan tâm đến các thú vui chơi giải trí nhiều hơn, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Thanh niên lúc nào cũng là thanh niên và chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai đất nước nếu nhìn vào lớp trẻ hiện nay. Chỉ có điều phải làm sao để những giá trị truyền thống, những điều tích cực về quản lý và giáo dục thanh niên trước đây phát huy được trong bối cảnh mới.

Cũng có ý kiến nói giới trẻ Việt Nam “trưởng thành chậm”, với ý là chúng ta chưa có những người trẻ ở vào vị trí dẫn dắt cộng đồng, trong khi nhiều cường quốc trên thế giới có lãnh đạo ở độ tuổi rất trẻ… Trước hết, phải nói về phong tục tập quán châu Á, thông thường muốn ở vào vị trí dẫn dắt thì phải là một người từng trải, nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cơ chế cán bộ của ta khác so với nhiều nước. Nhưng hiện nay, nhiều bộ ngành của chúng ta có cán bộ các cấp ở vào độ tuổi khá trẻ, ví dụ như Bộ Ngoại giao với rất nhiều đại sứ trẻ, hay là nhiều tập đoàn, tổng công ty kinh tế mạnh với không ít gương mặt lãnh đạo rất trẻ, rất giỏi…

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và “binh bét” Nguyễn Chí Vịnh, năm 1963 - Ảnh tư liệu gia đình

* Ông nói muốn biết thanh niên hiện nay đọc gì. Vậy qua quan sát của ông, giới trẻ đang đọc gì?

- Những lúc có thời gian rảnh rỗi, tôi hay ra phố bán sách ở Nguyễn Xí, không chỉ để chọn sách cho mình mà còn muốn biết thanh niên hiện nay đang đọc cái gì. Trước sự bùng nổ thông tin và phát triển vượt bậc của công nghệ, văn hóa đọc phần nào đã bị mai một. Đây là điều đáng buồn. Trước đây, đã có những cuốn sách gối đầu giường, góp phần hình thành nên nhân cách của cả một thế hệ như Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và hòa bình… Hiện nay, dường như các cuốn sách đó ít được nhắc đến. Các bạn trẻ bây giờ đọc về thời cuộc rất nhiều, tham gia mạng xã hội rất nhiều… nhưng dường như chưa được chăm lo cung cấp và định hướng thông tin ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề của các nhà quản lý, của báo chí truyền thông cần cung cấp thông tin cho thanh niên một cách đầy đủ, chính xác và tự các bạn thanh niên sẽ nhận thức được nên đọc gì, làm gì. Chúng ta chỉ sợ các bạn trẻ bàng quan với thời cuộc.

* Chị gái ông, bà Nguyễn Thanh Hà, từng nhận xét em trai mình hồi nhỏ “rất bướng bỉnh, nghịch ngợm…”. Cha ông – Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – từng gọi ông là “binh bét”… Ông có thể chia sẻ điều gì về kỷ niệm tuổi thơ?

- Từ khi 4 tuổi, tôi đã được ba thêu trên ve áo hai miếng dạ màu đỏ không sao không gạch. Ba gọi chức của con trai là “binh bét” và luôn bảo rằng khi lớn lên con đường của tôi là đi bộ đội. Nay mang trên vai quân hàm thượng tướng, tôi rất tự hào và biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn quân đội. Nhưng niềm tự hào theo suốt cuộc đời tôi, đã ăn vào máu thịt tôi từ thủa ấu thơ chính là chức “binh bét” mà ba tôi đặt. Niềm tự hào ấy còn được nhân lên khi tên tôi cũng chính là tên khai sinh của ba tôi: Nguyễn Vịnh.
Tôi là con người của đời thường với ba chỗ dựa: công việc, những người thân và bản thân mình. Tôi tự tin vào chính mình, nếu không làm nghề này thì cũng có thể làm việc khác, nhưng dù làm nghề gì đi nữa thì số phận cũng đã sắp đặt cho tôi, suốt đời tôi chỉ là một người lính. Và cũng như bất cứ người Việt Nam nào, tôi quan tâm đến tương lai đất nước. Dù ở thời đại nào, sự mất còn của đất nước, thịnh suy của dân tộc đều gắn với trách nhiệm của mỗi người dân bình thường đối với đất nước. Đó là điều tôi luôn quan tâm và hướng tới.

“Báo chí thường muốn tiếp cận các nhà lãnh đạo hoặc các tướng lĩnh để có thông tin đầu nguồn. Nhưng tôi phải nói rằng chính những người lãnh đạo cần đến các cơ quan truyền thông, để đảm bảo nhân dân mình hiểu chúng ta đã và đang làm gì hoặc định làm gì” – Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

ĐÀ TRANG – VÕ VĂN THÀNH – LÊ KIÊN (Theo Tuoitre)

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh được thăng quân hàm Thượng tướng

Chiều 5-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chủ trì buổi lễ và trao quyết định thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng và Đô đốc cho 9 cán bộ cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân. Tham dự buổi lễ có Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương; lãnh đạo các quân khu, quân chủng, các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.


9 đồng chí cán bộ cấp cao có vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định thăng quân hàm Thượng tướng và Đô đốc lần này gồm: Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lê Hữu Đức, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng 9 đồng chí cán bộ cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân vinh dự được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng và Đô đốc lần này. Chủ tịch nước cho rằng: Đây không chỉ là vinh dự, niềm tự hào của từng cá nhân, mà còn là vinh dự, niềm vui chung của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Việc Đảng, Nhà nước thăng quân hàm cấp Thượng tướng và Đô đốc lần này còn là sự ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của từng cá nhân; đồng thời là sự ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của LLVT nhân dân nhân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với LLVT cách mạng do Đảng và Bác Hồ sáng lập và rèn luyện.


Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn, mỗi cán bộ được thăng quân hàm Thượng tướng và Đô đốc lần này tiếp tục phấn đấu, nỗ lực học tập, rèn luyện, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trên cương vị được giao, đồng thời tích cực, chủ động, nhạy bén tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an những chủ trương, giải pháp phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết đại hội các cấp, xây dựng nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thay mặt 9 đồng chí cán bộ cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân có vinh dự được thăng quân hàm Thượng tướng và Đô đốc lần này, Thượng tướng Trần Đại Quang và Thượng tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu, thể hiện sự biết ơn Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để từng đồng chí phấn đấu, tu dưỡng và trưởng thành; cám ơn cán bộ, chiến sĩ toàn quân và toàn lực lượng Công an nhân dân thường xuyên quan tâm, theo dõi, ủng hộ, giúp đỡ để mỗi đồng chí cán bộ ngày càng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hai đồng chí xin hứa với Đảng, Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân nguyện đem hết sức lực và trí tuệ đóng góp xứng đáng với sự tin yêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng, cùng với tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới…

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh là ai?

Tập viết báo xin cung cấp lại nguồn thông tin sự thật từ wikipedia:  Tiểu sử tóm tắt Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, mọi chi tiết về các hoạt động của trung tướng Vịnh các bạn đọc có thể theo dõi thường xuyên tại địa chỉ: http://nguyenchivinh.org/thu-muc/nguyen-chi-vinh/

Nguyễn Chí Vịnh (sinh năm 1957), hiện nay là Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2.


Thân thế

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, sinh năm 1957 tại Hà Nội, là con trai út của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Mẹ là bà Nguyễn Thị Cúc. Ông Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh. Tuy nhiên, ở Đại hội Tân Trào năm 1945 ông được đổi tên thành Nguyễn Chí Thanh. Ông Thanh lấy tên khai sinh của mình đặt tên cho cậu con trai út là Nguyễn Chí Vịnh.Ông Nguyễn Chí Thanh và bà Nguyễn Thị Cúc sinh được bốn người con. Con trai đầu lòng của họ tên là Trường Sơn (đã mất năm 1947). Người con thứ hai là bà Nguyễn Thanh Hà, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Người con thứ ba là gái tên Sơn, con gái thứ tư tên là Tí/Thành. Và cuối cùng là con trai út Nguyễn Chí Vịnh.

Nguyễn Chí Vịnh quê gốc ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sự nghiệp
  • Năm 1964 đến 1974, học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, trường Văn hóa Quân đội.
  • Năm 1974 đến 1976, Học sinh trường Cấp 3 Lý Thường Kiệt nay là trường Trung học phổ thông Việt Đức - Hà Nội
  • Năm 1976-1981 sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, trường Sĩ quan Thông tin. Tốt nghiệp Sĩ quan Thông tin.
  • Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Cục Nghiên cứu Bộ Quốc phòng.
  • Tháng 2 năm 1995, ông được giao nhiệm vụ Phụ trách Cục 12 Tổng Cục 2 Bộ Quốc phòng.
  • Tháng 5 năm 1995, ông được bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục 12, rồi Cục trưởng Cục 12 và sau đó là Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2.
  • Năm 1999, ông được Thủ tướng Chính phủ phong Quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
  • Năm 2002, bổ nhiệm giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2 Bộ Quốc phòng.
  • Năm 2003, bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế.
  • Tháng 12 năm 2004, được Thủ tướng Chính phủ phong Quân hàm Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
  • Tháng 2 năm 2009, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 
  • Tháng 8 năm 2009, ông thôi kiêm nhiệm Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2.
  • Ngày 27 tháng 4 năm 2010, được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước trao học hàm Phó Giáo sư chuyên ngành Quan hệ Quốc tế.
  • Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cống hiến

Ông là người góp phần lớn trong việc giữ vững sự tồn tại và phát triển của Tổng Cục 2, Bộ Quốc phòng. Trong thời gian đảm nhiệm cương vị Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2 (2002 - 2009), rất nhiều đơn vị dưới quyền được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác

Giải thưởng
  • Huân chương Quân công hạng Nhì
  • Huân chương Chiến thắng hạng Nhì
  • Huân chương giải phóng của PLA
Gia đình riêng

Phu nhân là con gái Trung tướng Đặng Vũ Chính, tức Đặng Văn Trung, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2, Bộ Quốc phòng Việt Nam (từ năm 1994 đến năm 2002).