Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Không còn là “tàu lạ”



Biết rõ mười mươi, thế mà vì “tế nhị”, báo chí cứ phải nói trại đi là “tàu lạ”. Bọn “lạ” này không như kiểu “hải tặc Somaly”, mà khoác áo ngư phủ, được trang bị vũ khí hiện đại để hoạt động trên biển, theo một kịch bản tổng thể đã được soạn sẵn nhằm thực hiện từng bước có bài bản tham vọng bành trướng.

Tàu cá ngư dân Việt Nam thường xuyên hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Tổ quốc
Tàu cá ngư dân Việt Nam thường xuyên hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Tổ quốc

Ấy thế mà báo chí ta, để không muốn làm xấu thêm tình hình, đã dằn lòng gọi những kẻ xâm phạm chủ quyền đất nước bắt giữ tàu thuyền, hành hung, ngược đãi và đòi tiền chuộc ngư dân ta là “tàu lạ”. Cho dù biết rằng “tàu thì “lạ”, nhưng “bụng dạ thì lại quá quen”, chúng ta vẫn cứ phải nhẫn nhịn vì “đại cuộc” theo đúng nghĩa.

Và rồi khi họ công khai ngang ngược tuyên bố mời thầu quốc tế dầu khí tại 9 lô hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của ta, được luật pháp quốc tế công nhận. Nói nôm na, đây là kiểu “chia lô, bán nền trên cái sân nhà của người hàng xóm” thì cùng với “cái lưỡi bò” ham hố thè ra muốn liếm trọn biển Đông, bộ mặt thật của họ đã phơi ra. Thế mà, vừa ăn cướp vừa la làng. Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” (Trung Quốc) lại lu loa “Việt Nam tạo sóng ở Biển Đông”, rồi đe dọa “mũi giáo và đối tượng chính cần nhằm vào là Việt Nam”. Theo báo “Tin Tức Trung Quốc”, 30 chiếc tàu, mỗi chiếc có trọng tải từ 140 tấn trở lên xuất phát từ cảng Tam Á, chia thành hai biên đội đang tiến đến khu vực gần đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vùng biển Trường Sa. Thế là không còn “tàu lạ” nữa nhé!

Mấy ngày qua, trước áp lực quốc tế với những tín hiệu được phát ra, những toan tính của họ đã lộ mặt và bị lên án, túng phải tính, “Thời báo Hoàn Cầu” đã ngang ngược nói càn: “Việt Nam đã thừa nhận mô hình phát triển của Trung Quốc” và vì thế “Hà Nội sẽ đớn đau vì giúp Mỹ quay lại” cho nên “con đường sống còn duy nhất cho Việt Nam là phối hợp với Trung Quốc nhằm hạn chế chính sách can dự của Mỹ tại châu Á”. Vậy là rõ.

“Họa trung hữu phúc”, trong cái họa có cái may. Nhân dân ta đã thấy rõ hơn diện mạo của kẻ đã từng lên giọng đạo cao đức trọng với những lời đường mật lừa mị. Những lời tế nhị và nhẫn nhịn đầy thiện chí của ta khác xa những hành xử ngang ngược, công khai xâm phạm chủ quyền quốc gia của ta, chà đạp lên luật pháp quốc tế của một số thế lực hiếu chiến ở Trung Quốc.

Hai từ “tàu lạ”, vì thế, nên đưa vào bảo tàng để con cháu ta sau này biết được rằng ông cha chúng từng linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược ngoại giao, nhưng luôn đầy đủ bản lĩnh và khí phách trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Trước sau như một, nhân dân ta không mong muốn gì hơn được làm bạn thật sự với người láng giềng khổng lồ, tôn trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, minh bạch và công khai trong hòa bình trao đổi để có giải pháp hợp lý hợp tình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời mài sắc tinh thần cảnh giác, nung nấu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Thời báo Hoàn Cầu: Bịa đặt và kích động


Nhiệm vụ của báo chí là thông tin kịp thời, chính xác sự kiện để định hướng dư luận, nhưng trong vấn đề Biển Đông và quan hệ Việt - Trung hiện nay thì một số báo Trung Quốc đã không làm như thế.
Ngư dân Quảng Nam đánh cá trên vùng biển của Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt bớ, phạt tiền trong khi Thời báo Hoàn cầu bịa thành: "Phía Việt Nam bắt thuyền, cướp của, lấy cá!". Ảnh: Nam Cường.
Ngư dân Quảng Nam đánh cá trên vùng biển của Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt bớ, phạt tiền trong khi Thời báo Hoàn cầu bịa thành: "Phía Việt Nam bắt thuyền, cướp của, lấy cá!". Ảnh: Nam Cường.

Trái lại, họ còn đăng tải những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động chia rẽ quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đi ngược lại xu thế hòa bình, phát triển trong khu vực. Báo điện tử Hoàn cầu (www.huanqiu.com), bản điện tử của “Thời báo Hoàn Cầu” - trực thuộc “Nhân dân Nhật báo” là một tờ báo như thế.

Lật chuyện và bịa đặt

06h48’ ngày 3-7-2012, báo này đưa lên bài của Chu Mã Liệt nhan đề: “Báo chí nói Việt Nam xâm chiếm lãnh thổ Nam Hải của Trung Quốc nhiều nhất, tới 29 đảo, bãi đá” với nội dung đầy rẫy những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động tình cảm chống Việt Nam trong công chúng Trung Quốc và người Hoa trên thế giới.
Dưới các tít phụ “Người “anh em” Việt Nam của chúng ta bắt ngư dân, chiếm đảo, ăn cắp dầu mỏ của ta ở Nam Hải”, “Hội chứng sợ Việt Nam của ngư dân Trung Quốc”, “Đánh người, bắt thuyền, cướp của, lấy cá”, “Không nhận anh em, nói gì đến tình hữu nghị”, “Chiến lược của Việt Nam: Vô danh hữu thực, đem dầu lấy từ Nam Hải lên bán cho Trung Quốc”, “Nhân đám cháy cướp của”... tờ báo này dựng lên những chuyện tày trời: Nào là chuyện ngư dân Trung Quốc đánh cá trong vùng biển của Trung Quốc bị pháo hạm của Việt Nam “truy đuổi, bắn, cướp cá”.
Bài báo đưa lời của một ngư dân Quảng Tây là Diệp Thiệu Minh kể việc tàu của ông ta khi đánh cá trong vùng biển của Trung Quốc thường xuyên bị các tàu chiến Việt Nam truy đuổi, phun vòi rồng, bắn chỉ thiên xua đuổi... khiến họ không làm nghề được.
Vụ việc tàu Trung Quốc cản trở quấy nhiễu tàu Viking II của Việt Nam thăm dò trên thềm lục địa của Việt Nam hôm 9-6-2011, bị xuyên tạc thành “Tàu cá Trung Quốc bị tàu vũ trang của Việt Nam truy đuổi trái phép ở bãi Vạn An, dẫn đến việc lưới của tàu cá Trung Quốc bị mắc vào cáp của tàu thăm dò dầu khí Việt Nam đang hoạt động trái phép. Tàu Việt Nam bất chấp an toàn tính mạng của ngư dân Trung Quốc, đã kéo lê tàu cá Trung Quốc chạy lùi hơn 1 giờ đồng hồ, ngư dân Trung Quốc phải chủ động cắt bỏ lưới mới thoát ra được”.
Một ngư dân khác kể chuyện tàu của ông ta thường xuyên bị tàu kiểm ngư và tàu biên phòng Việt Nam truy đuổi phải cắt lưới để chạy “nếu không, bị họ bắt thì thiệt hại càng lớn, bị phạt khoảng 10 vạn tệ (330 triệu VND)”.
Không những thế, bất chấp sự thật các tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa thường xuyên bị lính Trung Quốc đuổi bắt, tịch thu tàu, cướp hải sản, ngư cụ và bắt nộp tiền chuộc, bài báo này lại rêu rao về việc tàu cá Việt Nam “thường xuyên xâm phạm lãnh hải Trung Quốc đánh bắt, lại còn xin thuốc lá, rượu, dầu, gạo của ngư dân Trung Quốc”.
Bài báo vu khống: “Từ tháng 6-2004, sau khi Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ có hiệu lực, ngư dân Trung Quốc không ra đánh bắt ở khu vực ranh giới nữa, nhưng người Việt Nam vượt biên sang đánh bắt bên ta rất nhiều. Người Việt Nam dùng lưới điện và thuốc nổ đánh bắt kiểu hủy diệt môi trường, nên tài nguyên bên biển họ cạn kiệt, chả còn gì để đánh bắt nữa” (!?).
Sự kiện Trung Quốc gây hấn, dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Sài Gòn năm 1974 được bài báo đổi trắng thay đen thành: Từ ngày 15 đến 19-1-1974, chính quyền Sài Gòn huy động quân đội xâm phạm nhóm đảo “Vĩnh Lạc” trong quần đảo “Tây Sa”, đánh chiếm các đảo “Cam Tuyền” và “Kim Ngân”, nên “quân dân Trung Quốc đã vùng lên đánh trả, đánh đuổi quân đội Nam Việt, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ” (!?).
Bài báo còn dựng chuyện bịa đặt rằng, quân đội Sài Gòn “xâm chiếm” các đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Trường Sa, An Bang trong thời gian từ tháng 7-1974 đến tháng 2-1975, trong khi trên thực tế, họ đã đóng quân trên các đảo này từ mấy chục năm trước đó.
Bài báo “kết tội” Việt Nam sau khi thống nhất đất nước đã “không ngừng mở rộng việc xâm chiếm các đảo, bãi đá không người ở”, đến khi bình thường hóa quan hệ Việt - Trung đã chiếm 26 đảo, bãi, trong các năm 1993, 1998 lại chiếm thêm 3 đảo, bãi nữa.

Kích động chia rẽ không lường

Thật nực cười khi tác giả bài báo coi việc Việt Nam ra tuyên bố về đường cơ sở, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình theo Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 là “hành động chiếm đoạt tới hơn 1 triệu cây số vuông vùng biển truyền thống của Trung Quốc”, rồi “đẩy mạnh hoạt động thăm dò khai thác dầu mỏ ở vùng biển của Trung Quốc”.
Bài báo đưa ra tính toán: “Việt Nam mỗi năm khai thác tới 8 triệu tấn dầu mỏ ở vùng biển tranh chấp Trung - Việt, chiếm tỷ lệ khá lớn trong sản lượng 30 triệu tấn dầu/năm của Việt Nam. Cho đến năm 2008, Việt Nam đã khai thác khoảng 100 triệu tấn dầu, 1.55 tỷ mét khối khí ở vùng biển Nam Sa (tức Trường Sa), kiếm lợi trên 25 tỷ USD”.
Bài báo cho rằng, “Việt Nam đã hút dầu của Trung Quốc bán cho Trung Quốc”: Năm 2011, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 1,25 triệu tấn dầu thô.
Chưa hết, tác giả còn gây chia rẽ quan hệ Việt - Trung bằng việc dựng lên chuyện “Việt Nam mượn địa vị là Chủ tịch ASEAN để tạo điều kiện cho Mỹ gây sức ép với Trung Quốc”.
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển dưới mắt Chu Mã Liệt trở thành hành vi “nhân đám cháy để cướp của” khi Trung Quốc đang phải tập trung đối phó với Philippines trong vụ việc tranh chấp bãi Scarborough.
Cũng báo điện tử Hoàn Cầu, từ ngày 2-7 đã đưa lên giao diện trang chủ bài viết “Xung đột Trung - Việt: màn mở đầu của cuộc chiến bảo vệ Nam Hải” sặc mùi hiếu chiến lấy từ blog của Tây Tử Lâm.
Người này viết: “Nhìn vào vị trí 9 lô dầu khí mà CNOOC mời thầu quốc tế hôm 23-6, có thể phát hiện 9 ô này đều nằm trong Đường 9 đoạn (Đường Lưỡi bò), áp sát Việt Nam, tạo thành bức tường hình vòng cung ôm lấy Việt Nam, là một phòng tuyến kiềm chế Việt Nam lấn chiếm Nam Hải của chúng ta”.
Theo tác giả, hiện nay Trung Quốc “có tiền, có súng, có thị trường” và “tình hình tất sẽ phát triển theo hướng khó tránh khỏi xung đột. Giếng dầu khoan ngay cửa ngõ nhà Việt Nam, liệu họ không bốc hỏa sao? Chưa kể bọn Khỉ (từ tác giả miệt thị Việt Nam - Người dịch) luôn tranh giành chủ quyền Nam Hải với ta.
Nếu bọn Khỉ chấp nhận thì phải từ bỏ tranh giành. Nếu họ dám phá thì ngoài việc thu hồi những đảo họ đã cưỡng chiếm, ta còn thu hồi cả những mỏ dầu họ đã khoan trước đây.
Hành động của CNOOC đã dồn bọn Khỉ đến chân tường. Xung đột là điều tất nhiên. Cuộc xung đột Trung - Việt sẽ là màn mở đầu của cuộc chiến tranh thu hồi chủ quyền Nam Hải”.
Thật khó hiểu khi một cơ quan truyền thông chính thống của Trung Quốc lại cho đăng những bài báo với giọng điệu và ngôn từ như thế! “Thời báo Hoàn Cầu” đang toan tính điều gì đây?