Henri Huet (1927 – 10 tháng 2 năm 1971) là một nhiếp ảnh viên người Pháp nổi tiếng về các báo cáo trong Chiến tranh Việt Nam cho Associated Press (AP).
Henri Huet sinh ra vào tháng 4 năm 1927 tại Đà Lạt, cha là người Pháp và mẹ là người Việt. Gia đình Huet về Pháp khi Henri lên 5 tuổi, sau đó Henri được đi học tại Saint-Malo, vùng Bretagne. Sau khi rời trường, Henri tiếp tục theo học tại trường nghệ thuật ở Rennes và bắt đầu sự nghiệp như một họa sĩ. Sau khi tham gia quân đội Pháp và được đào tạo ngành nhiếp ảnh, ông trở lại Việt Nam vào năm 1949 như một nhiếp ảnh viên chiến trường cho quân đội Pháp trong Chiến tranh Đông Dương. Sau khi giải ngũ, khi cuộc chiến chấm dứt vào năm 1954, Huet ở lại Việt Nam như một nhiếp ảnh viên dân sự làm việc cho chính phủ Pháp và chính phủ Hoa Kỳ. Ông trở thành nhiếp ảnh viên cho United Press International (UPI), và sau đó chuyển sang làm việc cho AP vào năm 1965, đặc biệt báo cáo về Chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, vì bị thương nặng, ông đã được AP chuyển về văn phòng tại Tokyo, nhưng ngay sau đó ông lại đòi được chuyển trở lại chiến trường Việt Nam.
Các hình ảnh của Huet có ảnh hưởng mạnh đến dư luận tại Hoa Kỳ. Một trong những ảnh đáng nhớ nhất của ông có Binh nhất Thomas Cole, một người cứu thương trẻ của Sư đoàn Kỵ binh I của quân đội Hoa Kỳ, đang săn sóc các binh sĩ bạn mặc dù anh ta cũng đã bị thương [bức thứ 14 trong trang này]. Một loạt 12 bức ảnh của ông được đăng trên tạp chí LIFE vào ngày 11 tháng 2 năm 1966, với bức ảnh ám ảnh của Thomas Cole được dùng làm bìa của số này. Năm 1967 Overseas Press Club (Câu lạc bộ Báo chí Nước ngoài) đã trao tặng Huet Huy chương vàng Robert Capa vì có “báo cáo hay nhất từ nước ngoài, đòi hỏi sự can đảm và táo bạo hiếm có”.
Khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiến vào Lào năm 1971, Huet đi cùng với vị tướng chỉ huy, Tướng Hoàng Xuân Lãm, cùng với ba nhiếp ảnh viên khác, trên một chiếc trực thăng trinh sát chiến trường. Chiếc trực thăng bị bắn rơi trên đường mòn Hồ Chí Minh và tất cả mọi người trong chuyến bay được xem như mất. Các nhiếp ảnh viên bạn của Huet trên cùng chuyến bay là Larry Burrows (báo cáo cho tạp chí LIFE), Kent Potter (báo cáo cho UPI) và Shimamoto Keizaburo, một nhiếp ảnh viên tự do làm việc cho tuần báo Newsweek. Vào năm 1998, một toán tìm kiếm dẫn đầu bởi Hoa Kỳ đã đào một địa điểm được cho là chiếc trực thăng đã rơi. Tại đó họ đã tìm thấy vài mảnh máy bay nhỏ, hai mũ sắt quân đội và vài mảnh phim 35 mm. Không có phần thi hài nào được tìm thấy.
Trong số các đồng nghiệp báo cáo về chiến tranh, Huet được kính trọng vì sự tận tâm, can đảm và khéo léo trong nghề của ông; ông cũng được mọi người yêu thích vì tính khôi hài và lòng tốt. Dirck Halstead, người lãnh đạo United Press International vào năm 1965, đã phê bình rằng Huet “lúc nào cũng có một nụ cười trên mặt của ông ta”. (Theo Wikipedia).
Lính dù thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Không quân 173, Hoa Kỳ vác tiểu liên đang băng qua một con sông dưới trời mưa trong một cuộc truy lùng các đơn bị Việt Cộng trong rừng Bến Cát, Nam Việt Nam, ngày 25-9-1965. Họ đã di chuyển liên tục ở đây trong 12 ngày mà không gặp kẻ địch.
Trực thăng Quân đội Mỹ yểm trợ các toán quân dưới mặt đất đang bay vào một khu trú đóng cách Sài Gòn 50 dặm về phía đông bắc, năm 1966. Cận cảnh là những chiếc phuy bằng cao su đựng xăng cho trực thăng.
Toán lính thuộc Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp số Mười một của Quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên Vũng Tàu, năm 1966.
Chiến xa đổ bộ thuộc Lính thủy đánh bộ Mỹ rời con đường mòn ven bãi biển bán đảo Thạnh Phú trên vùng Châu thổ sông Mekong, cách Sài Gòn khoảng 55 dặm về phía nam, ngày 6-1-1967. Những Lính thủy đánh bộ này thuộc Hạm đội 7, đang thả neo ngoài vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Trong một cơn mưa mùa bất chợt, toán 130 lính thuộc đại đội địa phương quân Việt Nam hành quân về phía cửa sông bằng những chiếc xuồng ba lá giữa một cuộc tấn công vào rạng sáng đánh vào một căn cứ Việt Cộng tại vùng Châu thổ Mekong ngập nước, cách Cần Thơ khoảng 13 dặm về phía đông bắc, ngày 10-1-1966. Theo báo cáo, một nhúm du kích quân đã bị tiêu diệt hoặc bị thương.
Toán lính thuộc Sư đoàn Không quân 101 khiêng đồng đội bị thương băng qua khu rừng, tháng 5-1966.
Một Lính thủy đánh bộ Mỹ không rõ tên, sau 3 ngày giao tranh tại phía nam khu phi quân sự (DMZ) của Việt Nam, năm 1966. Đơn vị của anh ta đã bị bao vây trên một đỉnh đồi trong 48 giờ cho tới khi quân cứu viện kéo đến.
Giọt nước mắt bắt đầu lăn trên má bé gái Việt Nam, một trong khoảng 20 phụ nữ và trẻ em đã bị bỏ lại trong một căn hầm bên sông khi những người đàn ông trốn chạy một toán lính Mỹ, cách Sài Gòn khoảng 120 dặm về phía bắc, tháng 7-1966. Các toán lính thuộc Lữ đoàn Không quân 173 Hoa Kỳ, tham gia trong cuộc Hành quân Nữ thần Rạng đông, đang truy tìm một bệnh xá và những toán Việt Cộng đi thu thuế gần Quốc lộ 20, tuyến đường huyết mạch giữa Sài Gòn và vùng đồn điền trù phú quanh Đà Lạt.
Pfc . Lacey Skinner, quê ở Birmingham, tiểu bang Alabama, đang lết dọc bờ ruộng lúa gần An Thi, Việt Nam dưới làn đạn của những toán quân Việt Cộng đang cố đẩy lui một cuộc tấn công của Sư đoàn Kỵ binh Bay số 1 Mỹ, ngày 28-1-1966.
Một cậu bé Việt Nam đang hút thuốc, có vẻ như là điếu thuốc đầu lọc Mỹ lần đầu tiên cậu được tiếp xúc, dưới con mắt đề phòng của một lính Mỹ thuộc Sư đoàn Kỵ binh Bay số 1 Mỹ tại một ngôi làng miền núi miền trung Nam Việt Nam trong Chiến dịch Irving giữa tháng Mười năm 1966.
Một bà mẹ người Việt và mấy đứa con trong khuôn hình của đôi chân một người lính thuộc Sư đoàn Kỵ binh số Một Mỹ tại Bồng Sơn, năm 1966.
Một cậu bé Việt Nam, bị thương và đang kêu khóc, được đưa lên một chiếc xe cứu thương sau một vụ nổ mìn khủng bổ của Việt Cộng gần phi cảng Sài Gòn, ngày 17-2-1966. Đứa bé bị thương này đã được tìm thấy khi đang trốn sau một quầy hàng sau khi trái mìn Claymore phát nổ giết chết ít nhất 12 người Việt, và làm bị thương khoảng 60 người khác.
Kiệt sức sau một đêm giao tranh thứ ba chống lại các toán quân Bắc Việt, những lính Thủy quân lục chiến trườn ra khỏi hố cá nhân của mình phía nam khu phi quân sự, năm 1966. Chiếc trực thăng bên trái hình đã bị bắn hạ khi nó bay tới để cung cấp thêm trang bị cho toán quân này.
Lính cứu thương Thomas Cole thuộc Sư đoàn Kỵ binh số Một, quê ở Richmond, bị băng bó trên mặt, đang chăm sóc cho một người lính khác cũng bị thương trong một chiến hào giữa trận đánh tại vùng Cao nguyên Trung phần, tháng 1-1966.
Xác một lính dù Mỹ chết trong trận đánh giữa khu rừng gần biên giới với Cambodia được kéo lên một chiến trực thăng di tản trong Vùng Chiến sự C, Việt Nam, năm 1966.
Một binh sĩ Mỹ bị thương thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 16, đang chạy xuống một hố bom được dùng như là nơi trú ẩn tạm thời trông một cuộc giao tranh tại Vùng Chiến thuật D, cách Sài Gòn khoảng 50 dặm về phía bắc đông bắc, ngày 19-1-1967. Đơn vị bị Việt Cộng bao vây, theo báo cáo có 33 chết, và hơn 100 bị thương.
Những hố bom ngập nước sau những cuộc oanh tạc của phi cơ B-52 chống lại Việt Cộng.
Những du kích quân Việt Cộng bị bắt, bịt mắt và trói quặt tay đằng sau.
Một toán lính trinh sát thuộc đoàn Kỵ binh bay số 1 Hoa Kỳ quan sát bãi biển Quy Nhơn, Nam Việt Nam, trong Chiến dịch Thayer II, năm 1966.
Một lính Nam Việt Nam đang đánh đập tàn nhẫn một nghi can Việt Cộng, đá vào anh ta trong một cuộc thẩm vấn về vụ mất tích của nhà báo người Pháp Michele Ray, tại làng Ngọc An, ngày 22-1-1967.
Một bà mẹ Việt Nam bỏ con vào một trong 2 cái thúng rồi dùng đòn tre gánh đi trên vai, tại Bến Sức, ngày 17-1-1967. Các dân làng Bến Sức đang rời bỏ nhà cửa của mình để tái định cư trong một trại tị nạn tại một khu vực khác.
Những lính bộ binh Mỹ dồn xuống hố bom ngập bùn đất và nhìn lên đám cây rừng để tìm kiếm những tay súng bắn tỉa của Việt Cộng bắn vào họ trong một trận giao tranh tại Vùng Chiến thuật D, Phước Vĩnh, bắc-Đông bắc Sài Gòn, ngày 15-6-1967.