Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ ODA


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ hai nước sớm thúc đẩy các dự án hợp tác lớn mà hai bên đã thỏa thuận như: Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, cảng Lạch Huyện.

Chiều 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Gemba Koichiro đang có chuyến thăm chính thức nước ta.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Gemba Koichiro với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cũng như kết quả phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản

Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; khẳng định mong muốn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam là tiếp tục cùng với phía Nhật Bản làm sâu sắc hơn, hiệu quả hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, vì sự phát triển của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới.

Trên tinh thần này, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã lập Ban Chỉ đạo tổ chức Năm Hữu nghị Việt – Nhật 2013, nhân kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và Ban Chỉ đạo thúc đẩy phát triển công nghiệp giữa hai nước… Cùng với tăng cường thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch… giữa hai nước.

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ODA giúp Việt Nam phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa đến năm 2020. Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ hai nước sớm thúc đẩy các dự án hợp tác lớn mà hai bên đã thỏa thuận như: Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, cảng Lạch Huyện… đồng thời đề nghị Nhật Bản tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Bộ trưởng Gemba Koichiro khẳng định: Nhật Bản đặc biệt coi trọng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực; phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để chuẩn bị tổ chức Năm Hữu nghị Việt-Nhật 2013; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, tăng cường giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu thanh niên, sinh viên…

Bộ trưởng Gemba Koichiro khẳng định quan điểm của Nhật Bản đảm bảo tự do thương mại; an ninh và an toàn hàng hải trên biển Đông, giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ nghiêm túc tinh thần DOC và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

TT Nguyễn Tấn Dũng đồng ý thành lập Viện Biển Đông


Theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Học viện Ngoại giao có thêm đơn vị mới là Viện Biển Đông.

Quyết định 29/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hiệu lực từ ngày 1/9/2012, Học viện Ngoại giao có 17 đơn vị trực thuộc thay vì 16 đơn vị trực thuộc như hiện nay. Trong đó, Học viện Ngoại giao có thêm một đơn vị mới là Viện Biển Đông (*).

Việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Học viện Ngoại giao và các đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quyết định 29/2012/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2012.

Quyết định mới này sửa đổi, bổ sung Điều 3 Quyết định 82/2008/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao.

(*) 16 đơn vị trực thuộc khác của Học viện Ngoại giao được giữ nguyên như cơ cấu tổ chức trước đó gồm: 1- Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao; 2- Trung tâm đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ đối ngoại; 3- Trung tâm Thông tin, Tư liệu; 4- Văn phòng; 5- Phòng Quản lý Khoa học; 6- Phòng Đào tạo; 7- Phòng Công tác chính trị, quản lý sinh viên; 8- Khoa đào tạo sau Đại học; 9- Khoa Lý luận Chính trị; 10- Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao; 11- Khoa Kinh tế Quốc tế; 12- Khoa Luật Quốc tế; 13- Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại; 14- Khoa Tiếng Anh; 15- Khoa Tiếng Pháp; 16- Khoa Tiếng Trung Quốc.

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Thái Lan


Chiều 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Thái Lan đang tiến triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai bên tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, vì lợi ích và sự phát triển chung của cả hai nước.

Nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Việt Nam và Thái Lan cần khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng và lợi thế để phục vụ cho các hoạt động hợp tác và phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị bên cạnh thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tăng cường trao đổi thương mại, thúc đẩy đầu tư, hai bên cần đặc biệt quan tâm tới hoạt động hợp tác trong sản xuất và xuất khẩu gạo; sớm xây dựng cơ chế hợp tác trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom.

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Boonsong Teriyapirom cho biết một số kết quả tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; nhấn mạnh Thái Lan luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam; nỗ lực cùng với Việt Nam duy trì tăng trưởng thương mại hai chiều giữa hai nước hàng năm ở mức khoảng trên 20%.

Bộ trưởng Boonsong Teriyapirom khẳng định sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp của Thái Lan sang tăng cường hợp tác, đầu tư tại Việt Nam; đồng thời cũng sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam sang tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư tại Thái Lan.

Trong thời gian tới, bên cạnh thúc đẩy hoạt động hợp tác về sản xuất và tiêu thụ gạo, Thái Lan mong muốn được tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản, Bộ trưởng Boonsong Teriyapirom bày tỏ.

Năm 2011 tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan đạt 8,8 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2010. Trong 5 tháng đầu năm 2012, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn tăng 2,1%, đạt 3,8 tỷ USD./.

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Đâu phải thời Chiến quốc



“Hà Nội sẽ đớn đau vì giúp Mỹ quay lại”, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đã cảnh cáo như vậy trong bài xã luận phát đi lúc 0g20 sáng thứ tư 11-7, sau chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Bài xã luận bắt đầu bằng răn đe rằng Việt Nam sẽ đớn đau nếu dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ, và kết thúc bằng bức bách rằng nếu muốn sống, Việt Nam phải chọn Trung Quốc!

Hoàn Cầu Thời Báo quá tự tin khi đánh giá rằng “Việt Nam đã thừa nhận mô hình phát triển của Trung Quốc” để rồi vừa khuyên, vừa “nhát ma” rằng “Để cho Mỹ quay trở lại (châu Á), Việt Nam sẽ dễ dàng trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên nếu như Đông Á bị chìm trong các rối loạn chính trị”! Có một điều cơ bản mà Hoàn cầu Thời báo đã quên hay không biết, đó là suốt trong mấy ngàn năm Việt Nam vẫn tồn tại như là Việt Nam chính là nhờ dựa trên nền tảng tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân... Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo).

Cũng thế khi hù dọa rằng các giá trị phương Tây sẽ biến Việt Nam thành nạn nhân đầu tiên khi Đông Á rối rắm, có lẽ Hoàn cầu Thời báo đã quen e ngại phe đối lập Trung Quốc vốn sốt ruột mơ “giấc mơ hoa”, mà không biết rằng người Việt đủ tri thức và từng trải để hiểu rằng “giấc mơ Mỹ” không như trong sách vở. Cho dù hiến pháp Mỹ đã bãi bỏ nạn nô lệ từ năm 1865, song 1 triệu người Mỹ (trên tổng dân số Mỹ năm đó là 35 triệu người) đã phải chết và bị thương trong bốn năm nội chiến vì vấn nạn nô lệ này. Một thế kỷ sau, người Mỹ da đen vẫn cứ phải sống trong cảnh phân biệt màu da,“separate but equal” (bình đẳng song tách biệt với nhau). Mãi đến 20-4-1971, Tối cao pháp viện Mỹ mới phán quyết đen trắng bình đẳng lên xe buýt! Thế cho nên, Hoàn cầu Thời báo, nếu có lo sợ chuyện “dân chủ, nhân quyền” thì hãy lo cho bên xứ mình trước đã.

Tất cả những thuyết giáo và hù dọa trên nhằm dẫn đến việc công khai ép buộc: “Con đường sống còn duy nhất cho Việt Nam là phối hợp với Trung Quốc nhằm hạn chế chính sách “đóng trụ” của Mỹ tại châu Á. Thay vì là một mắt xích trong sợi xích ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ, Việt Nam có thể là một (tiền) đồn chống lại sự can dự sâu sắc của Mỹ tại châu Á”.

Đã là thế kỷ thứ 21 rồi chớ đâu phải thời Chiến quốc cách đây hai mươi mấy thế kỷ để cứ đòi chinh phạt, quy phục chư hầu tranh ngôi bá chủ! “Bài binh bố trận ngăn chặn Trung Quốc” ở đâu chưa thấy, song đã thấy Trung Quốc giương bản đồ “lưỡi bò” chiếm gần hết biển Đông, xua tàu bè húc đuổi thiên hạ, thôn tính lãnh hải và tài nguyên thiên hạ khơi khơi khai thác, thậm chí đem rao bán! Và giờ đây ra tối hậu thư: “Để sống còn hãy là (tiền) đồn chống Mỹ, bằng không sẽ đau đớn đó nhe!”.

Hoàn cầu Thời báo quên nhiều điều lắm và nhất là quên mô tả viễn tượng sau: thần phục Trung Quốc rồi “cái đường lưỡi bò” đó vẫn cứ tròng vào cổ Việt Nam và các nước khác, và rằng “liên doanh khai thác” dầu khí lúc đó bất quá cũng chỉ là làm phu phen cho “ông chủ lớn” là Tập đoàn dầu khí hải dương, Trung Quốc, và ra khơi đánh cá ngừ đại dương là dưới sự cho phép của Cục Ngư chính và Cục Hải giám Trung Quốc hoặc của chính quyền thành phố Tam Sa! Viễn tượng đó “sung sướng” hay “đớn đau”, cứ đi hỏi đứa con nít sẽ rõ.

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Báo TQ dọa VN 'sẽ đau đớn nếu thân Mỹ'


Một tờ báo theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc đăng xã luận cảnh báo Việt Nam đừng làm thân với Mỹ, ngay sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton vừa có các cuộc gặp ở Hà Nội.

Không ít người ở Trung Quốc khó chịu khi Hoa Kỳ và Việt Nam tỏ vẻ làm thân với nhau
Không ít người ở Trung Quốc khó chịu khi Hoa Kỳ và Việt Nam tỏ vẻ làm thân với nhau

Global Times, bản tiếng Anh của Hoàn Cầu Thời báo, nói quan hệ song phương Việt – Mỹ chỉ là “cuộc hôn nhân gượng ép”.

“Việt Nam phải từ bỏ con đường phát triển hiện nay nếu nước này muốn dựa vào ủng hộ của Mỹ,” bài xã luận đăng trên mạng nói.

Bài xã luận giải thích đường đi hiện nay của Việt Nam.

“Về chính trị, Việt Nam đang theo con đường của Trung Quốc, có được phát triển nhanh chóng nhờ cải cách từ từ.”

“Các giá trị phương Tây chưa thâm nhập sâu vào Việt Nam. Ảnh hưởng của đối lập chính trị còn kém hơn nhiều so với ở Trung Quốc.”

“Một giai cấp tinh hoa đi theo phương Tây chưa hình thành ở Việt Nam. Nhưng xu hướng này đang bắt đầu trước khi nó kịp tác động sâu đến không gian chính trị trong nước tại Hà Nội.”

Xã luận với tựa "Hà Nội sẽ thấy đau đớn vì giúp Mỹ quay lại" nói tiếp: “Hiện nay biểu tình chống chính phủ thật hiếm ở Việt Nam.”

“Vài vụ rải rác dường như đều nhắm vào chính phủ Trung Quốc. Tuy vậy, họ có thể thay đổi mục tiêu trong tương lai,” tờ này dường như cảnh báo giới lãnh đạo Hà Nội.

Theo tờ báo, tình cảm dân tộc chủ nghĩa “đang giúp đoàn kết xã hội Việt Nam, nhưng cũng đang đầu độc liên hệ chính trị của Hà Nội với Trung Quốc”.

“Tình cảm dân tộc gia tăng đang đẩy Việt Nam về phía Mỹ, một quốc gia vừa hỗ trợ nhưng cũng đồng thời thích quở trách Việt Nam về chính trị.”

Bài xã luận nói Việt Nam vừa đi theo Trung Quốc về chính trị, nhưng cũng muốn nhờ Mỹ chống Trung Quốc.

“Tuy vậy, chiến lược này cần duy trì cân bằng giữa Trung Quốc, Mỹ và các thế lực chính trị trong nước.”

“Sẽ thật khó để cứ mãi duy trì điều này,” tờ báo nhắc nhở.

‘Cột trụ chống Mỹ’


Sau phần phân tích cho độc giả Việt Nam, bài xã luận đưa ra “giải pháp”.

"Tình cảm dân tộc gia tăng đang đẩy Việt Nam về phía Mỹ, một quốc gia vừa hỗ trợ nhưng cũng đồng thời thích quở trách Việt Nam về chính trị."
Global Times

“Con đường thực tế duy nhất cho Việt Nam là hợp tác với Trung Quốc để hạn chế sự xoay trục của Mỹ về châu Á.”

“Tranh chấp lãnh thổ không nên biến thành thù nghịch. Thay vì là mắt xích trong dây chuyền của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, Việt Nam có thể là cột trụ chống sự dính líu sâu sắc của Mỹ tại châu Á,” bài báo đề nghị.

Như để rõ ràng hơn, tờ báo viết thêm Việt Nam “rất có thể sẽ nằm trong số nạn nhân đầu tiên nếu Đông Á bị bất ổn chính trị chôn vùi”.

Vừa răn đe cũng vừa vuốt ve, bài xã luận kết thúc: “Cả Trung Quốc và Việt Nam đang tiến bộ trong việc tạo ra của cải và tự do cho nhân dân.”

“Clinton và các đồng sự nên giữ lại khẩu hiệu và hãy lo chứng minh cho thế giới rằng họ có thể đưa Mỹ và phương Tây ra khỏi cơn hỗn loạn tài chính.”

Hoàn Cầu Thời báo có hai ấn bản tiếng Trung và tiếng Anh, nội dung không khác nhau nhiều lắm và chủ yếu là đưa ra những cảnh báo đại loại như các nước láng giềng nếu không thay đổi lập trường sẽ phải 'sẵn sàng nghe tiếng đại bác'...

Giới ngoại giao và học giả Trung Quốc thường nhấn mạnh tờ báo chỉ phản ánh lập trường của một bộ phận dân chúng, chứ không phải tiếng nói của chính phủ.

Tuần rồi, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói nước ông “chưa bao giờ thèm muốn việc khống chế tình hình trong vùng”.

Chưa rõ truyền thông nhà nước tại Việt Nam sẽ đăng các bài phản ứng trước giọng điệu cứng rắn của Global Times hay không.

Mấy tuần gần đây, căng thẳng dấy lên ở Biển Đông đã khiến nhiều tờ báo ở Việt Nam công khai đăng bài chỉ trích Trung Quốc.

Hai ngày Chủ nhật 1/7 và 8/7 cũng chứng kiến cuộc tuần hành ngắn phản đối chính sách của Trung Quốc tại Việt Nam.

Theo BBC

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Đừng yêu nước bằng máu của người khác!


Những người gác biển không cần những người “đứng” sau lưng bằng những bài viết răn dạy về tình yêu nước trên Facebook.

Bài vết của blogger Bao Anh Thai
Bài vết của blogger Bao Anh Thai

“Ông ngoại tôi từng cầm mác búp đa, lưng dắt lựu đạn, cắt rào kẽm gai công đồn Pháp cùng với những người lính Nhật Bản tình nguyện theo Việt Minh thời chín năm. Chiến thuật của đơn vị ông rất đơn giản: Cắt rào, ném lựu đạn vô lô cốt và xung phong vào đánh giáp lá cà khi quân Pháp còn chưa hết choáng váng vì tiếng nổ. Ông tôi không kể về những tổn thất của đơn vị.

Khi tôi hỏi ông tôi là trong đơn vị có bao nhiêu lính Nhật, và sau chín năm, bao nhiêu người trong số họ trở về tổ quốc. Ông trả lời “Có chín người, sau chín năm, chẳng có ai trong họ còn sống”. Tôi không biết ngoài chín người Nhật đó, bao nhiêu người khác trong đơn vị ông đã chết.

Tôi hỏi ông: “Đơn vị ông không phải là đặc công (mà thực ra trong thời chín năm, khái niệm đặc công chưa có), sao các ông không dùng bazoka hoặc ít nhất là súng máy áp chế khi công đồn?”

Ông trả lời rất đơn giản là đơn vị ông không có bất kỳ vũ khí hỏa lực mạnh nào. Họ chỉ có 3 súng trường cho một tiểu đội và những người Nhật Bản tình nguyện chỉ dùng kiếm Samurai của họ.

Thời kháng Mỹ, ông tôi động viên con cái đi ra trận. Hai dì tôi đi thanh niên xung phong khi mười sáu tuổi. Sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào và Quảng Trị, lần lượt 2 dì về nhà vì mất sức. Cả hai dì đều trọc đầu như sư đến nhiều năm sau tóc mới mọc lại.

Bác tôi, học ở Nga về làm cán bộ giảng dạy Bách Khoa nhưng rồi lại tình nguyện nhập ngũ. Tây Nguyên, Đường 9, Quảng Trị – giấy chứng nhận dũng sỹ diệt Mỹ và dũng sỹ diệt xe cơ giới gấp phồng túi ngực (theo đúng nghĩa đen).

Khi từ miền Bắc vào Nam, bác tôi mang theo 90 viên đạn của cây súng bắn tỉa. Khi giải ngũ, bác đã bắn 52 viên, trong đó 4 viên trượt. Bác tôi và người em kết nghĩa đã bỏ cả ngày trời bò qua cả một cái trảng lớn nằm giữa vùng ranh giới giữa hai bên để bắn một phát đạn với tầm gần 900 m làm bị thương viên tướng chỉ huy một sư đoàn quân đội Sài Gòn trong cuộc họp bộ tham mưu của sư này hồi Quảng Trị năm 1972.

Bác tôi là một trong 16 người cuối cùng rời thành Quảng Trị bơi vượt sông Thạch Hãn và tên của bác tôi có trong viện Bảo tàng Quân đội. Những người chỉ huy trận Quảng Trị nay đang lãnh đạo Bộ Quốc phòng đều nhớ đến bác tôi.

Ông ngoại tôi giờ đã 94 tuổi, bác và các dì tôi đều đã về hưu.

Không một ai đại ngôn về lòng yêu nước.

Thậm chí, tôi chưa bao giờ nghe từ đó trong các câu chuyện của họ.

Đơn giản là họ làm những điều đó.

Khi tôi kể cho bác tôi về một cuốn nhật ký nổi tiếng của một người lính trẻ tuổi hai mươi và ngỏ ý muốn mua một cuốn tặng bác. Bác tôi từ chối và nói với tôi rằng: “Con ạ, nếu mỗi người lính khi ra trận, thay vì viết mà chỉ cần bắn bị thương một kẻ thù thôi, thì miền Nam có thể giải phóng rất lâu trước 1975″.

Khi tôi kể cho bác về những chuyện gần đây trên Biển Đông, bác lẩm nhẩm tính rồi nói “Ác liệt như hồi 72 mà người ta mới vét đến cán bộ tuổi 35. Giờ, nếu không phải đánh lớn trên bộ, chắc bọn con (tôi và các anh con bác) không bị động viên đâu!”

Tôi viết những dòng này vì tôi ngán đến tận cổ những người ngồi trong phòng máy lạnh mà mọi thứ họ viết ra chỉ là chỉ trích. Tôi ngán đến tận cổ việc họ tự cho mình là đang nói lên tiếng nói của một người dân để viết về lòng yêu nước.

Họ chỉ trích, họ mách nước cho Nhà nước làm việc A việc B dù họ biết rằng nếu có nổ súng thì họ sẽ không gửi email gọi con họ bỏ học ở nước ngoài để về nhập ngũ.

Nghĩ đi nghĩ lại, tôi tự hỏi và mãi vẫn không tìm được chỗ nào cho thấy họ đang đại diện cho nhân dân (những người nông dân như ông ngoại tôi, những cán bộ về hưu như bác và các dì tôi) để nói những từ đại ngôn đó.

Những người đại ngôn đó đòi minh bạch về thông tin, đòi nhà nước để cho phải báo cáo này nọ nhưng họ quên mất một điều, hồi chiến tranh, có ngày nào mà nhân dân không nghe đài thống kê về số lượng đạn pháo bắn sang lãnh thổ Việt Nam, ngày nào mà Thông Tấn Xã Việt Nam không dịch những bản tin đó sang tiếng Anh cho thế giới biết?

Cả thế giới đều biết, nhưng chỉ có những thanh niên Việt Nam 17-18 phải bỏ trường học mà lên đường giữ nước, và cả nước phải đói ăn đến queo quắt để chiến sỹ tiền duyên có đạn mà bắn.

Nhiều chiến sỹ hải quân đã hy sinh vì tổ quốc – tinh thần yêu nước và hy sinh họ có thừa nhưng họ chưa có đủ vũ khí để chống lại những con tàu lớn. Những người gác biển cần vũ khí, cần máy bay, cần tên lửa, cần tàu chiến, tàu ngầm.

Những người gác biển không cần những người “đứng” sau lưng bằng những bài viết răn dạy về tình yêu nước trên Facebook. Đừng để con em nhân dân đổ máu để cho các bạn lên internet hô hào mình là yêu nước.

Những người nào thích những thứ dân chủ và yêu nước lấp lánh phương Tây, xin hãy đọc lại tác phẩm kinh điển “Gone with the wind” (Cuốn theo chiều gió) để học một cách thực tế hơn về lòng dũng cảm, về tinh thần yêu nước”.

BẢO ANH THÁI

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Tàu trinh sát Trung Quốc bị chìm ở gần Hoàng Sa?


Ngày 7-7, rất nhiều báo mạng, trang tin điện tử Hoa ngữ đều đăng lại thông tin trên báo The Apple Daily xuất bản ở Hongkong số ra cùng ngày về việc một tàu trinh sát đo đạc biển của hải quân Trung Quốc bị chìm ở gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tàu 871 khi đang hoạt động trên biển.
Tàu 871 khi đang hoạt động trên biển.

Theo báo này, gần đây trên mạng của Trung Quốc lan truyền tin chiếc tàu trinh sát đo đạc biển mang số hiệu 871 của Hạm đội Nam Hải “gần đây đã bị chìm tại vùng biển Tây Sa (Hoàng Sa).

Hạm đội Nam Hải đang tổ chức trục vớt, tạm thời chưa có tin về người thương vong. Vụ việc này chưa được chính thức xác nhận. Quân đội Trung Quốc và chính quyền đều chưa lên tiếng trả lời về những tin đồn trên.

Tin này được đưa trên các trang diễn đàn mạng lớn Kaiti, Baitu, QQ, đến tối 6-7 vẫn chưa bị gỡ bỏ. Tin cũng cho biết, chiếc tàu này vừa mới đại tu ở Quảng Châu tháng 4 vừa qua, sau đó được đưa xuống Biển Đông từ trung tuần tháng 4.

Tin không cho biết tàu 871 bị chìm vì nguyên nhân gì, cũng không nêu rõ toạ độ xảy ra vụ việc. Tàu 871 những năm trước đây đã nhiều lần xuất hiện ở vùng biển đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật, năm ngoái được đưa về Quảng Châu đại tu.

Đây là tàu trinh sát đo đạc biển, lượng giãn nước 5.000 tấn, được đặt tên là “Lý Tứ Quang”, là tàu đo đạc tổng hợp biển tầm trung và xa do Trung Quốc tự thiết kế chế tạo, đã tiến hành đo đạc hàng triệu km vuông mặt biển.

Nó tiến hành đo đạc về độ sâu, địa hình đáy biển, mực triều, khí tượng, thuỷ văn…được coi là “Tiên phong mở đường cho tàu ngầm hải quân”.

Trong 13 năm kể từ khi đưa vào sử dụng, tàu 871 đã thực hiện hành trình 370.000 hải lý, đi khắp Thái Bình Dương và 3 vùng biển lớn của Trung Quốc.

Cho đến chiều ngày 7-7, vẫn chưa có thông tin xác nhận hay bác bỏ vụ việc này từ các cơ quan chính thống của Trung Quốc.