Làm Luật Biểu tình để bảo đảm quyền của người dân
Phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu từ 10 giờ sáng 25-11 với 22 đại biểu (ĐB) QH lần lượt nêu câu hỏi. Sau đây là những vấn đề về Luật biểu tình:ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) muốn biết về những căn cứ mà Chính phủ đề nghị QH xem xét đưa vào Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng pháp luật? Thủ tướng đáp: Việc này là để thực hiện hiến pháp. Điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật nhưng chúng ta chưa có Luật Biểu tình. Thực tế cuộc sống hiện nay có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền nhưng chúng ta chưa có luật để điều chỉnh.
“Cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền được hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền, đã khó như thế sẽ nảy sinh lúng túng trong quản lý. Từ đó đã xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, xuất hiện những việc lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại cho xã hội” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2005 để điều chỉnh hiện tượng này nhưng nghị định hiệu lực pháp luật thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, tầm mức như hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra.
Luật Biểu tình, theo Thủ tướng, phải phù hợp với hiến pháp, với đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân. Luật đó cũng có yêu cầu là ngăn chặn những việc làm, những hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân.
ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) hỏi về quan điểm và chủ trương của Chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước trước những hành động của các thế lực bên ngoài vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Thủ tướng cho hay: Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, của Chính phủ là luôn luôn trân trọng, hoan nghênh, khuyến khích, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả hoạt động, việc làm của mọi người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh và buộc phải xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động, những hành vi với động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, lợi dụng danh nghĩa bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
- ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) và ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) đề nghị cho biết việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ việc Vinashin, đặc biệt là kết quả tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin?
- ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) hỏi: Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng nhà Quốc hội kịp phục vụ 1.000 năm Thăng Long. Đến nay đã qua hơn một năm mà khung của tòa nhà mới thấp thoáng chuẩn bị nhô lên mặt đất. Bao giờ QH mới hết “hai nhờ” là họp nhờ một bộ, các cơ quan của QH làm việc nhờ nhà khách Chính phủ?...
Với những câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ trả lời bằng văn bản trực tiếp đến các vị ĐBQH và “nếu cần thiết, chúng tôi sẽ công bố trả lời của tôi trên cổng thông tin của Chính phủ để đồng chí, đồng bào biết rõ...”.
0 Comments:
Đăng nhận xét