Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Đối thoại Bắc Kinh - Manila đổ vỡ


Manila và Bắc Kinh, như Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận ngày 12-5, đã nối lại liên hệ ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp giữa hai nước về bãi cạn Scarborough.
Song ngòi nổ vẫn chưa được tháo gỡ. Vì sao?

Một chiếc Hải Nam Bảo Sa của Trung Quốc - Ảnh: hkwb.net
Một chiếc Hải Nam Bảo Sa của Trung Quốc - Ảnh: hkwb.net

Giới quan sát nhận xét việc đối thoại này đã lại như đá ném ao bèo, không thấy hai bên đề cập bất kỳ kết quả nào đạt được.

Pháp lý đối mặt với “cơ sở lịch sử”


Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vẫn lớn giọng lên lớp Philippines khi lặp lại những nội dung như trước. “Trung Quốc nhắc lại quan điểm của mình là yêu cầu Philippines tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và kiềm chế mọi hành động có thể làm tình hình thêm phức tạp và lan rộng. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và các hành động của phía Philippines” - trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Hồng Lỗi với giọng đe nẹt quen thuộc.

Tương tự, giờ đây không còn mượn loa truyền thông để đổ tội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao này đã ra trực tiếp cáo buộc: “Philippines đã kích động công chúng trong nước và ở nước ngoài phản đối Trung Quốc. Những hành động như thế đã làm xói mòn nghiêm trọng mối quan hệ Trung Quốc - Philippines, đã làm người dân Trung Quốc ở cả trong lẫn ngoài nước phản ứng mạnh”. Ông Hồng Lỗi còn yêu cầu Manila phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công dân Trung Quốc ở Philippines.

Đáp lại, như Inquirer Daily cho biết, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nhắc lại Manila không nhúng tay vào các cuộc biểu tình phản đối của người dân Philippines ở trong và ngoài nước hôm 11-5. Đề cập cuộc đối thoại, ông Del Rosario chỉ nêu lên những yêu sách của Bắc Kinh mà Manila không thể chấp nhận được. Bắc Kinh ngang nhiên yêu cầu Manila không được quấy rối các tàu dịch vụ công của Trung Quốc đang hoạt động gần bãi cạn Scarborough, các tàu cá Trung Quốc phải được hoạt động bình thường và các tàu của Philippines phải rời khỏi khu vực Scarborough mà Trung Quốc khăng khăng khẳng định thuộc chủ quyền của mình.

Trong khi Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền dựa trên những gì mà họ gọi là “cơ sở lịch sử” chỉ có Trung Quốc thừa nhận thì Philippines, như ngoại trưởng Del Rosario cho biết, đang hướng tới con đường pháp lý cho một giải pháp hòa bình bền vững đối với các vùng tranh chấp trên biển Đông.

“Cả thế giới đều biết rằng Trung Quốc có nhiều máy bay và tàu chiến hơn Philippines. Song cho đến cuối cùng, chúng tôi hi vọng chứng minh được rằng luật pháp quốc tế sẽ công bằng” - Ngoại trưởng Del Rosario nhấn mạnh.

Chính sách chiếm giữ các vùng biển


Báo Le Monde ngày 12-5 nhận định sự trở lại của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Bắc Kinh nhìn nhận như một tín hiệu đáng báo động. Từ đó Trung Quốc, vốn là nước đòi chủ quyền trên toàn biển Đông qua cái gọi là “đường lưỡi bò”, bắt đầu đặt để những con cờ của mình.

Đề cập đến cuộc đối đầu kỳ lạ đã kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, báo này đặt câu hỏi: lý của kẻ mạnh sẽ thắng ở biển Đông?

Theo chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của Pháp Jean - Pierre Cabestan, Trung Quốc “hiện đang tìm cách chiếm giữ các vùng biển được cho là của mình” theo một chính sách mà ông mô tả là “việc đã rồi” bằng cách tránh can thiệp bằng tàu quân sự của hải quân nước này mà bằng tàu dân sự của năm cơ quan như cơ quan giám sát hàng hải (CMS) thuộc Bộ Đất đai và tài nguyên, văn phòng kiểm tra ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, hải quan, lực lượng tuần duyên (cảnh sát) và cơ quan an ninh hàng hải.

Mặt khác, trong ý đồ chiếm giữ các vùng biển, Trung Quốc đang triển khai mạnh mẽ hoạt động của các tàu cá trên biển. Những chương trình hỗ trợ ngư dân ở các tỉnh phía nam Trung Quốc đang thúc đẩy sự ra đời của những đội tàu đánh cá ngày càng hiện đại và vươn ra xa bờ ở các ngư trường nước sâu trên biển Đông. Bằng cách này, Trung Quốc sẽ đè bẹp các nước láng giềng.

Tỉnh Hải Nam đang triển khai đến biển Đông tàu Hải Nam Bảo Sa 001 với trọng tải 32.000 tấn. Nó như một nhà máy chế biến trên biển với 600 công nhân làm việc. Trang web Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết cùng với tàu - nhà máy này còn có một tàu chở dầu 20.000 tấn, tàu vận chuyển 10.000 tấn và ba tàu từ 3.000-5.000 tấn, cùng 300-500 tàu đánh cá trên 100 tấn trong vùng biển đang tranh chấp trên biển Đông.

Hải Nam Bảo Sa 001 là tàu chế biến thủy sản lớn nhất của Trung Quốc và là một trong bốn tàu chế biến thủy sản lớn nhất trên thế giới. Tàu - nhà máy này được trang bị 14 dây chuyền sản xuất và với sự hỗ trợ của các tàu khác, nó có khả năng chế biến tại chỗ trên 2.100 tấn thủy sản mỗi ngày.

0 Comments:

Đăng nhận xét