Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Không để đất đai là cái mầm sinh ra bất ổn


Những biến dạng vô đạo, bất nhân, trái luật như trên và tham nhũng tràn lan phần nhiều cũng từ nguyên do của nguồn lợi đất đai và dự án. Lắm tiền nhiều của do việc chiếm đất thì mới nảy sinh ra sự gia tăng các hiện tượng tiêu cực...

Sau các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nước ta tự hào là một nước nhỏ, nghèo, lạc hậu mà đã anh dũng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thu giang sơn về một mối. Đất nước hòa bình nhưng có một “cuộc chiến đất”. “Cuộc chiến” này lúc ngấm ngầm, lúc bột phát và có lúc gay gắt. Trái đất có một diện tích hữu hạn. Mỗi nước có diện tích nhất định, không được vượt qua biên giới, lãnh thổ. Trong lịch sử nhân loại, nếu nước này muốn rộng hơn, rắp tâm dùng sức mạnh vũ lực đi đánh chiếm nước khác - tất xảy ra chiến tranh xâm lược. Thế giới từ xưa đến nay các “cuộc chiến đất” xem như ở đâu cũng có.        

Trong lịch sử loài người, "cuộc chiến" về đất đai đã xảy ra rõ nét và ngày càng gay gắt chủ yếu từ khi công nghiệp phát triển. Khi mở ra phát triển công nghiệp, từ lạc hậu vươn lên hiện đại, 'cuộc chiến" đất đai đồng thời cũng phát sinh. Đó là xuất phát từ nhu cầu mở mang hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, cần phải có nhiều quỹ đất. Ở Nga, Anh, Pháp và nhiều nước tư bản khác đã nhiều thời kỳ rộ lên các "cuộc chiến" phức tạp về đất đai. Ở Mỹ, những năm cuối thế kỷ 19, đầu  thế kỷ 20, "cuộc chiến" đất đai đã xảy ra triền miên ở nước này do nhu cầu mở mang đường sắt, đường bộ và các nhà máy. Các chủ tư bản đua nhau đi tìm những “mồi đất” ngon. Vào thời đó, ở hầu khắp các bang của nước Mỹ đều bung ra các chiến dịch chiếm dụng đất. Và do đó, nhiều ông chủ đất bỗng nhiên giàu sụ rất nhanh. Tư bản do gốc vốn từ đất đai phát sinh ngày càng nhiều. Đọc lại lịch sử và các tác phẩm văn học, phim ảnh còn lưu truyền ta thấy rõ thêm những "cuộc chiến" đất đai đổ máu giữa nông dân với các chủ tư bản, giữa người đi khoanh đo, bao chiếm đất và người bị mất đất.

Ở nước ta, từ trước năm 1990, đất đai chưa có mấy giá trị. Có khi có đất bán nhưng không ai mua. Có khi đất hoang hóa cho không ai lấy. Khi đó, việc mua bán đất đai, kinh doanh địa ốc chưa bung ra thành nghề hấp dẫn để hốt vàng. Từ khi phát triển kinh tế thị trường với nhiều thành phần, kèm theo các nhu cầu phát triền công nghiệp, đô thị, lại có đầu tư nước ngoài rót vốn vào, đất đai bắt đầu trở thành hàng hóa đặc biệt, giá trị hơn vàng. Và theo đó, những cơn sốt đất liên tục tăng lên. Lợi nhuận lớn từ đất đã sinh ra lòng tham kèm theo biết bao tính toán với mục đích thu lợi ngày càng cao ở mọi tầng lớp xã hội.

Kinh doanh địa ốc, bên cạnh những phương thức chính đáng, minh bạch, hợp pháp, cũng xuất hiện hàng loạt các thủ đoạn, mánh lới. Nhiều “cò đất” hóa thành “cáo đất”. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý hư hỏng lợi dụng chức quyền trở thành ông chủ đất giàu sang mà không bị lộ mặt. Luật Đất đai bị lợi dụng vào mục đích chiếm đoạt, làm giàu bất chính. Nhưng cái nguy là từ những thủ đoạn, mánh lới tìm chỗ hở để lách luật, nay việc lợi dụng và mệnh danh quyền quản lý, quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai đã sinh ra nhiều biểu hiện bẻ cong luật pháp, chọc thủng hàng rào luật pháp, thậm chí bất cần luật pháp, sẵn sàng ra tay làm theo luật rừng.

Đồng hành với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá là nhu cầu ngày càng cao về quỹ đất. Không nắm quy luật đó sẽ sinh ra chủ quan, bị động, buông lỏng quản lý nhà nước về quỹ đất công, về thực hiện nhà nước pháp quyền trong lĩnh vực đất đai. Đất đai là một trong những nguyên nhân sinh ra nợ công, mà nợ công càng lớn thì con cháu đời sau càng phải chịu hệ lụy nặng gánh.

Khi những cán bộ có chức, có quyền thoái hoá, biến chất có sự móc nối, ăn chia lợi nhuận với đại gia thì họ bỗng nhiên tự biến mình thành “đại ca”. Đó là những cán bộ “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” mà Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng vừa chỉ rõ. Có lắm tiền thì thành đại ngôn nhiều khi lấn át cả pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà ức hiếp dân, vi phạm dân chủ. Đó là cái bàn cờ đô-mi-nô của đất đai, gọi là “lục đại” của đất (đại tham, đại ác, đại lợi, đại gia, đại ca, đại ngôn). Cả 6 cái “đại” đó là một trong những nguyên nhân sinh ra những vụ khiếu kiện từ đất dấy lên. Rồi cũng do đất đai mà xã hội xuất hiện những vấn đề bất ổn do hậu họa của việc mua bán, sang nhượng, chuyển quyền sử dụng vi phạm pháp luật, xảy ra các vụ tranh chấp, có cả những vụ cướp đoạt trắng trợn. Bất công xảy ra, làm mất lòng dân phần lớn do việc thực thi pháp luật không nghiêm minh, giải quyết thiếu công bằng. Có những kẻ chiếm dụng đất sai luật, lợi mình hại người, nhưng lại được bao che, dung túng với nhiều thủ đoạn, dạng thức rất phức tạp. Nhiều “cò đất, cáo đất” chỉ lòng vòng xách văn bản hợp đồng, cả những “dự án ma”, đi xin chữ ký mà chẳng mấy chốc trở thành đại gia.

Những biến dạng vô đạo, bất nhân, trái luật như trên và tham nhũng tràn lan phần nhiều cũng từ nguyên do của nguồn lợi đất đai và dự án. Lắm tiền nhiều của do việc chiếm đất thì mới nảy sinh ra sự gia tăng các hiện tượng tiêu cực, hối lộ, nhận hội lộ, rồi mua bán chức quyền, ăn chơi xa xỉ, mất hết bản chất cách mạng của người cộng sản chân chính. Đã có không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền phê duyệt, hoặc chỉ đạo giải quyết đất đai đã nhanh chóng mất bản lĩnh về chính trị, tư tưởng, vi phạm nguyên tắc hoạt động của Đảng, những lời dạy về đạo đức, lối sống. Suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách từ đó mà ra. Trong khi đó, nhiều hộ nông dân bị mất đất, bị bần cùng hóa. Tình trạng phân hóa giàu - nghèo trong xã hội ngày càng có những biểu hiện rõ nét.

Những mâu thuẫn phát sinh từ nguyên nhân đất đai, các vụ tranh chấp không được giải quyết căn bản và thiếu kịp thời mới có những biểu hiện lúc ngấm ngầm, khi bùng phát gay gắt, nhưng hầu như mọi phương cách giải quyết vẫn chỉ là tạm thời và nhiều khi còn tỏ ra bất lực. Nhiều khi, việc nỗ lực thực thi theo pháp luật bị chi phối bởi nhóm lợi ích và đồng tiền. Luật Đất đai ra đời, nhưng chưa thực sự phù hợp với cuộc sống và tốc lực phát triển nhanh của thị trường. Trong cuộc họp kết luận về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Những năm qua, chính sách pháp luật về đất đai có rất nhiều thay đổi. Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai đã được ban hành mới 3 lần (1987, 1993, 2003) và sửa đổi 2 lần (1998, 2001). Hàng trăm văn bản dưới luật cũng được ban hành, sửa đổi nhưng vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, thậm chí trùng chéo, mâu thuẫn. Trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế trong khi đất đai đang biến động rất nhanh, văn bản pháp luật về đất đai lại rất nhiều và phức tạp, nên công tác quản lý đất đai trong cả nước còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý và sử dụng đất đai chưa được điều chỉnh và xử lý kịp thời; khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% tổng số vụ khiếu kiện và có nhiều vụ việc kéo dài”.

Trong thực trạng hiện nay, có thể thấy việc xử lý không kịp thời, đúng đắn những vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai đang có nguy cơ trở thành một mầm mống sinh ra những bất công lớn và dẫn tới mất ổn định xã hội. Tình trạng này đang thực sự đẩy tới những tình huống báo động. Từ trong quan điểm, nhận thức, đặt ra nhu cầu cấp bách là phải dám mạnh dạn nhận diện cho rõ và kịp thời có những biện pháp thích hợp nhất để sửa lỗi hệ thống, sửa Hiến pháp, pháp luật. Lỗi hệ thống sinh ra do lý luận chưa theo sát thực tiễn, tư duy và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành chưa theo kịp tốc lực phát triển của cuộc sống. Cho nên, xác định chủ trương, biện pháp cần phải kiên quyết, mạnh bạo để giải quyết kịp thời, có hiệu quả thì mới tạo được đà mới, sức mạnh mới để thoát ra khỏi nguy cơ cái mầm bất ổn do nguyên nhân từ đất đai đã nảy sinh và có nhiều biểu hiện đang lớn dần gây ra sức ì quá lớn kéo lùi tốc độ phát triển xã hội theo đường lối đổi mới của toàn Đảng, toàn dân ta.

Sửa từ Hiến pháp đến Luật Đất đai và các văn bản thực hiện luật, thực sự thể hiện tư thế của nhà nước pháp quyền. Mở rộng dân chủ, siết chặt kỷ cương phù hợp cuộc sống đang phát triển từng ngày với tốc độ nhanh là vấn đề cấp bách. Quản lý quỹ đất thế nào, giải quyết những tranh chấp đất ra sao để qua đó thực hiện công bằng xã hội đều tùy thuộc vào nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quyền lực quản lý, điều hành của Nhà nước, giải quyết các tranh chấp về đất đai phải đi từ cái gốc sâu xa nhất là vì lợi ích của người dân. Bởi ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Chỉ có như thế mới có thể thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

0 Comments:

Đăng nhận xét