Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng: VINASAT-2 thể hiện chủ quyền Việt Nam trong không gian


Lúc 5h13 phút ngày 16/5 (theo giờ Hà Nội), vệ tinh VINASAT-2 đã rời bệ phóng đi vào không gian từ Trung tâm Vũ trụ Châu Âu trên đảo Guiana thuộc Pháp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã theo dõi quá trình phóng vệ tinh này từ trụ sở của Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông VNPT (Hà Nội).


Khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian


Phát biểu ngay sau khi vệ tinh VINASAT-2 được đưa lên quỹ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định dự án phóng vệ tinh VINASAT1 và VINASAT2 là các dự án được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

thu tuong nguyen tan dung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Dự án phóng vệ tinh VINASAT1 và VINASAT2 có ý nghĩa chính trị và kinh tế - xã hội to lớn, thể hiện chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là các dự án có ý nghĩa chính trị và kinh tế – xã hội to lớn, thể hiện chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo (2008) và nay là vệ tinh VINASAT-2 đã mở ra những cơ hội để ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ tiên tiến của thế giới phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là phục vụ cho vùng sâu, vùng xa và biên giới hải đảo, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao năng lực và vị thế của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, việc phóng vệ tinh VINASAT-1 thành công và đưa vào khai thác có hiệu quả (sau 4 năm đã khai thác được 90% dung lượng), chứng tỏ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Đây cũng chính là cơ sở để Chính phủ tiếp tục giao cho Tập đoàn Bưu chính- Viễn thông Việt Nam nhiệm vụ làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện Dự án phóng vệ tinh VINASAT-2.

Việc phóng vệ tinh VINASAT-2 là một bước đi tiếp, quan trọng trên lộ trình thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” đã được Chính phủ phê duyệt.

Đồ họa mô phỏng đường đi của vệ tinh VINASAT-2.
Đồ họa mô phỏng đường đi của vệ tinh VINASAT-2.

Nhấn mạnh sự kiện phóng thành công vệ tinh VINASAT-2 lên quĩ đạo ngày hôm nay là bước khởi đầu rất quan trọng cho việc hoạt động và khai thác hiệu quả của vệ tinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương đưa VINASAT2 sớm đi vào hoạt động ổn định, có các giải pháp hữu hiệu để khai thác có hiệu quả vệ tinh và cùng với VINASAT1 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng thông tin truyền thông quốc gia, đưa thông tin đến tất cả các vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi và hải đảo, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quốc phòng, an ninh, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

Bước tiến của ngành CNTT Việt Nam


Vệ tinh VINASAT-2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100 với công nghệ hiện đại, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Tổng trọng lượng của vệ tinh là 2969 kg, kích thước 3 chiều là 4,4 x 1,9 x 1,8 m, sải cánh khi di chuyển trong quỹ đạo là 18,9 m.

Hình ảnh tại buổi lễ tường thuật sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-2
Hình ảnh tại buổi lễ tường thuật sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-2

Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng), VINASAT-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Dung lượng truyền dẫn của VINASAT- 2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.

Phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức tại Trung tâm Vũ trụ Châu Âu ngay sau khi vệ tinh đi vào quỹ đạo, ông Vũ Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc VNPT khẳng định việc phóng vệ tinh VINASAT-2 nhằm hướng đến mục tiêu chiến lược của quốc gia về tăng cường năng lực hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực; khai thác thiệu quả nguồn tài nguyên tần số và quỹ đạo vệ tinh mà Việt Nam đã đăng ký tại vị trí 131,8 độ Đông.

Hình ảnh tại buổi lễ tường thuật sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-2
Hình ảnh tại buổi lễ tường thuật sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-2

VINASAT-2 cũng được thiết kế nhằm phục vụ một cách thiết thực, hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

VINASAT-2 sẽ cùng VINASAT-1 tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ; tăng cường độ an toàn cho mạng viễn thông quốc gia.

Tổng mức đầu tư cho VINASAT-2 là khoảng 280 triệu USD, trong đó 20% là vốn của VNPT, 80% là vốn vay. Thời gian thu hồi vốn dự kiến trong 10 năm.

Cùng với quá trình sản xuất và chuẩn bị phóng VINASAT-2, VNPT cũng đã tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho việc quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh VINASAT-2.

Đường đi của vệ tinh


Việc phóng, duy trì tốc độ, hướng bay và quỹ đạo của tên lửa đẩy Ariane 5 được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính được gắn ngay trên tên lửa và hệ thống điều khiển mặt đất. Tốc độ trung bình của tên lửa là 9339m/giây.

Theo thiết kế, 2 tên lửa đẩy gắn 2 bên sẽ được khởi động 7 giây sau động cơ chính khởi động để đẩy tên lửa rời bệ phóng.

Lúc 5h13, tên lửa được khởi động, rời bệ phóng.

Tên lửa sẽ bay theo phương thẳng đứng trong 6 giây, sau đó sẽ bay theo hướng Đông.

Khi tên lửa đạt độ cao khoảng 100 km, hai tên lửa đẩy sẽ tách khỏi động cơ chính. Khi độ cao so với trái đất đạt 200 km, lần lượt phần đầu và khoang động cơ của tên lửa sẽ tách ra khỏi 2 khoang chứa vệ tinh JCSAT-12 và VINASAT-2. Động cơ của tên lửa sau đó được điều khiển để rơi xuống trái đất ở khu vực ngoài khơi Châu Phi trên Đại Tây Dương (Mũi Ghi-nê).

Hình ảnh tại buổi lễ tường thuật sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-2
Hình ảnh tại buổi lễ tường thuật sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-2

Đúng 5h39 phút giờ Hà Nội, tức 26 phút kể từ khi tên lửa rời bệ phóng, vệ tinh JCSAT-13 của Nhật Bản đã rời khỏi khoang chứa để đi vào quỹ đạo.

Đúng 5h49 phút, vệ tinh VINASAT-2 rời khoang chứa, đi vào quỹ đạo, đánh dấu việc phóng vệ tinh của tên lửa Ariane 5 đã thành công.

Sau khi rời khoang chứa, VINASAT-2 sẽ bay 2 vòng quanh trái đất trước khi đi vào quỹ đạo ổn định tại 131,8 độ Đông.
Thời khắc phóng vệ tinh Vinasat 2 lên quỹ đạo

Vinasat-2 đã lên quỹ đạo


5h49 sáng nay (16/5), tên lửa Ariane 5 đã hoàn tất quá trình đưa 2 vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam và JCSAT-13 của Nhật Bản lên quỹ đạo, từ bãi phóng Kourou (Guyana).

Tên lửa Ariane 5 ngay trước giờ phóng tại Kourou (Guyana). Ảnh: Arianespace
Tên lửa Ariane 5 ngay trước giờ phóng tại Kourou (Guyana). Ảnh: Arianespace

Hành trình kéo dài 36 phút của Ariane 5 và 2 vệ tinh kết thúc thành công vào lúc 5h49 sau khi Vinasat-2 được tách khỏi tên lửa đẩy và tiến chính xác vào vị trí 131,8 độ Đông trên quỹ đạo địa tĩnh. Trước đó, với sự hỗ trợ của 2 tên lửa phụ, Ariane 5 đã rời khỏi mặt đất lúc 5h13.

Trong vòng 30 giây, 2 tên lửa phụ đã đốt hơn 100 tấn nhiên liệu ở nhiệt độ 3.000 độ C để đưa 2 vệ tinh thoát khỏi lực hút bề mặt Trái đất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 2 tên lửa phụ tách khỏi phần chính giúp Ariane 5 nhẹ bớt ba phần tư trọng lượng. Tên lửa chuyển hướng Tây và bay nhanh hơn vào quỹ đạo.

Đến 5h16, tên lửa Ariane xuyên qua tầng khí quyển trái đất và vượt Đại Tây Dương trong khoảng 20 phút. Tại bờ Tây châu Phi, Ariane kết thúc thành công giai đoạn đầu của quá trình phóng bằng việc cho tách JCSAT-13. Tên lửa tiếp tục hành trình đưa Vinasat 2 về vị trí đã định.

Đến 5h49, Vinasat-2 được tách khỏi vỏ bảo vệ và hành trình về quỹ đạo địa tĩnh 131,8 độ Đông. Vụ phóng vệ tinh được tuyên bố chính thức thành công trong sự vui mừng của các nhân viên trung tâm ArianeSpace tại Kourou cũng như đại diện phái đoàn Việt Nam, Nhật Bản tại Guyana.

Tên lửa Ariane 5 đưa 2 vệ tinh rời mặt đất. Ảnh: ArianeSpace
Tên lửa Ariane 5 đưa 2 vệ tinh rời mặt đất. Ảnh: ArianeSpace

Theo dõi trực tiếp qua cầu truyền hình tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc phóng thành công Vinasat-2 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn của ngành viễn thông Việt Nam. "Đây là dự án quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian vũ trụ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, đây là bước khởi đầu quan trọng nhưng trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển hệ thống viễn thông của Việt Nam. Do vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu VNPT sớm đưa Vinasat-2 vào sử dụng, khai thác hiệu quả, cùng với Vinasat-1 đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng…

Vụ phóng tên lửa được truyền trực tiếp về trụ sở của VNPT. Ảnh: Nhật Minh
Vụ phóng tên lửa được truyền trực tiếp về trụ sở của VNPT. Ảnh: Nhật Minh

Trước đó, Vinasat-2 được triển khai trong hơn 2 năm, từ tháng 10/2009. Đây là vệ tinh thứ 2 của Việt Nam, có tổng kinh phí khoảng 260-280 triệu USD, sản xuất trên nền tảng khung A2100, tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku, Vinasat-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận.

Vinasat-2 cùng với Vinasat-1 được phóng thành công lên quỹ đạo ngày 19/4, đã tạo ra một hệ thống các vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và rủi ro, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dung lượng cho khách hàng. Cả 2 dự án này đều do Tập đoàn Bưu chính Việt Nam (VNPT) làm chủ đầu tư, hợp tác với Lockheed Martin (Mỹ) để triển khai.

Vinasat-2 được phóng từ Kourou ở Guyana (Nam Mỹ). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đến chứng kiến lễ phóng Vinasat-2 qua cầu truyền hình ở đầu cầu Việt Nam.
Video toàn cảnh thời khắc phóng vệ tinh Vinasat-2 lên vũ trụ

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Bài viết về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của phóng viên Thu Tuyết – báo SGGP (Blogger Snow Autumn).

Mình không phải là Đảng viên và cũng chẳng quan tâm lắm đến các vấn đề về chính trị. Vì vậy chuyện chính trường, hậu cung, nội các này nọ mình rất ít để ý… Với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng vậy, mình chỉ biết và nhìn thấy ông qua các sự kiện, “gặp” ông trên vô tuyến truyền hình. Thế nhưng nhìn vóc dáng và phong thái đạo mạo của ông trên chính trường quốc tế, cũng như trong các chuyến công du nước ngoài, thú thật là mình cảm thấy rất tự hào về một vị nguyên thủ quốc gia có hình thức đẹp với phong thái tự tin, đĩnh đạc như ông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong cuộc gặp tại Nhà Xanh (dinh tổng thống Hàn Quốc) tại Seoul. Ảnh: AP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong cuộc gặp tại Nhà Xanh (dinh tổng thống Hàn Quốc) tại Seoul. Ảnh: AP

Nếu bảo đánh giá hay bình luận về phương cách điều hành Chính phủ hay tài lãnh đạo đất nước của ông thì mình mù tịt, mình không đủ trình độ, cũng không đủ khả năng để làm việc đó. Mình cũng không dám chắc những năm tháng nắm quyền điều hành đất nước, ông đã có những ưu, nhược điểm gì, thành công hay thất bại… Tuy nhiên, qua quan sát những việc ông làm trong thời gian gần đây, mình có cảm nhận là ông đang nỗ lực hết sức mình để vực lại nền kinh tế, đang cố gắng hết sức mình để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đem lại niềm tin và sự bình an cho dân chúng… Những việc làm của ông theo ghi nhận của mình đó là những việc làm tốt, những việc làm tích cực và rất cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội nước nhà trong bối cảnh hiện nay…

Thế nhưng, dạo qua các diễn đàn trên mạng, ông đã nhận được những lời nhận xét và bình luận gì của cư dân mạng dành cho sự nỗ lực của ông?

1-Với vụ Tiên Lãng: Trước khi ông vào cuộc thì họ gào lên mắng chửi ông là kẻ vô tâm. Đến khi ông vào cuộc đưa ra những đánh giá, phân tích và có phán quyết một cách khách quan, công bằng, nhân ái thì họ lại mỉa mai ông là mị dân, là chiêu thức, là trò hề ghi điểm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng

2-Đối với vấn đề tự do ngôn luận, trên Internet hiện đang tràn ngập các trang Web, blog tuyên truyền, kích động chống chính quyền, chửi bới chế độ, vu khống, bôi đen các vị lãnh tụ, lãnh đạo, vu khống các cơ quan công quyền một cách công khai, lộ liễu khiến nhiều người dân bất bình mà chẳng thấy có bất cứ rào cản nào ngăn chặn cả. Những người ăn lương nhà nước, thậm chí những người làm việc ngay trong văn phòng Chính phủ cũng cứ thi thoảng vào mạng “góp vui” với các diễn dàn bằng những câu mắng chửi vu vơ, khoác lác… Theo mình, các hiện tượng trên đã cho thấy một sự tự do quá trớn cần phải ngăn chặn lại. Vậy mà trên các diễn đàn, họ vẫn cứ nói vống lên, cứ rêu rao bu loa xuyên tạc rằng đất nước mình, chế độ mình hiện không có dân chủ, bị cấm đoán về tự do ngôn luận…

3-Việc Thanh tra Chính phủ thường xuyên thực hiện các cuộc thanh tra để qua đó nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm, khuyết điểm, thiếu sót của các doanh nghiệp nhà nước, các bộ ngành và địa phương, theo mình, đó là việc làm tích cực, cần thiết nhằm xóa bỏ các rào cản kìm hãm sự phát triển, xóa bỏ sự buông lỏng quản lý, xóa bỏ tham ô, tham nhũng, tha hóa về đạo đức, lối sống… Vậy mà ở các diễn dàn trên mạng, họ vẫn cứ rêu rao ông như là kẻ tội đồ gây ra những hậu quả đó, họ vẫn cho rằng, những việc làm của Thanh tra Chính phủ chẳng qua cũng chỉ là hình thức, là đấu đá, là thanh trừng, là thí tốt…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng

Thời gian gần đây, Thanh tra Chính phủ còn có những hành động đẹp, những việc làm tốt, chứng tỏ sự trong sạch, minh bạch, đó là công khai cho báo chí biết các kết luận của Thanh tra. Vậy mà không chỉ ở các diễn đàn trên mạng, ngay cả ở các trang báo chính thống, những thông tin trong các kết luận Thanh tra cũng đã bị bóp méo một cách thô bạo gần như là xuyên tạc sự thật, khiến cho chính các vị lãnh đạo Thanh tra CP phải đứng ra giải thích, phân tích, nói lại cho rõ ngọn ngành.

Chứng kiến những sự kiện trên, mình cứ băn khoăn: chẳng lẽ, những việc làm tốt, sự nỗ lực phấn đấu của Thủ tướng và của Thanh tra Chính phủ đã được “đền đáp”, được đổi lại bằng những lời miệt thị, vu khống như thế này ư? Sao mà nghe xót xa đến vậy…

Mình nghĩ, là một chính trị gia, Thủ tướng chắc chắn phải là một con người cực kỳ bản lĩnh, ông có lẽ cũng chẳng bận tâm lắm đến những câu chuyện đàm tiếu, vu khống, xuyên tạc, bịa đặt nhắm vào ông, và theo cảm nhận của mình, ông có lẽ vẫn đang ngày đêm trăn trở để tiếp tục tìm kiếm các giải pháp, đưa ra những quyết sách tốt, những việc làm hay, hiệu quả và lớn lao hơn cho đất nước đi lên…

Thế nhưng, một người dân bình thường thì quả thật là quá khó để họ có thể có đủ khả năng, đủ bản lĩnh, để mà chịu đựng sự tra tấn, phản hồi đáng sợ nêu trên.

-- Tiêu đề đã được đặt lại. Nguồn: http://www.snowautumn.com/2012/04/co-nen-lam-nguoi-tot-ky-i-chuyen-thu.html

Quà đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng chùa Trường Sa


Bức tượng này là một trong hai bức tượng do Giáo hội Phật giáo thế giới và chùa Vàng Myanmar tặng cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến Thủ tướng thăm chính thức Liên bang Myanmar.

Cơn mưa đúng hôm lễ Phật đản không ngờ kéo dài suốt cả ngày. Đại đức Thích Giác Nghĩa hướng về bức tượng Phật ngọc đẹp tọa giữa ban thờ Phật nói: “Đây là món quà đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng chùa Trường Sa”.

Tượng Phật ngọc do Thủ tướng tặng chùa Trường Sa lớn.
Tượng Phật ngọc do Thủ tướng tặng chùa Trường Sa lớn.

Được biết, bức tượng này là một trong hai bức tượng do Giáo hội Phật giáo thế giới và chùa Vàng Myanmar tặng cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến Thủ tướng thăm chính thức Liên bang Myanmar (từ ngày 2 đến 4/4). Thủ tướng quyết định tặng lại những món quà đầy ý nghĩa này cho Trung ương Giáo hội Phật giáo VN đặt tại các đảo Song Tử Tây và Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.

Lễ Phật đản tại Trường Sa Lớn không ồn ào, náo nhiệt như ở đất liền. Đoàn rước khoảng hơn 100 người từ chùa tới cột mốc đánh dấu chủ quyền khoảng vài chục mét. Đại đức Thích Giác Nghĩa rưng rưng với từng lời kinh cầu xin đức Phật độ trì cho quốc thái, dân an, cho Hoàng Sa – Trường Sa vĩnh viễn thuộc chủ quyền Việt Nam trời yên, biển lặng.

Một buổi lễ trầm mặc, diễn ra từ 5h30 tới 7h sáng thì kết thúc. Lúc đó, mưa bắt đầu trút xối xả xuống đảo. Đảo lúc đó như được tắm gội bởi một thứ nước thiêng đầy linh nghiệm mà đức Phật ban cho.

Thị trấn Trường Sa lớn (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được mệnh danh là “Thủ đô” của Quần đảo Trường Sa. Nhìn từ trên cao, Trường Sa lớn giống hình trái tim màu xanh giữa đại dương mênh mông. Cũng có thể hình dung như chiếc lá bồ đề mà đức Phật ban tặng Việt Nam trên đường ngài đi độ trì cho chúng sinh. Những con sóng dường như mỗi ngày bồi đắp thêm đất cát để trái tim – chiếc lá bồ đề to thêm, đậm sắc xanh.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Không để đất đai là cái mầm sinh ra bất ổn


Những biến dạng vô đạo, bất nhân, trái luật như trên và tham nhũng tràn lan phần nhiều cũng từ nguyên do của nguồn lợi đất đai và dự án. Lắm tiền nhiều của do việc chiếm đất thì mới nảy sinh ra sự gia tăng các hiện tượng tiêu cực...

Sau các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nước ta tự hào là một nước nhỏ, nghèo, lạc hậu mà đã anh dũng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thu giang sơn về một mối. Đất nước hòa bình nhưng có một “cuộc chiến đất”. “Cuộc chiến” này lúc ngấm ngầm, lúc bột phát và có lúc gay gắt. Trái đất có một diện tích hữu hạn. Mỗi nước có diện tích nhất định, không được vượt qua biên giới, lãnh thổ. Trong lịch sử nhân loại, nếu nước này muốn rộng hơn, rắp tâm dùng sức mạnh vũ lực đi đánh chiếm nước khác - tất xảy ra chiến tranh xâm lược. Thế giới từ xưa đến nay các “cuộc chiến đất” xem như ở đâu cũng có.        

Trong lịch sử loài người, "cuộc chiến" về đất đai đã xảy ra rõ nét và ngày càng gay gắt chủ yếu từ khi công nghiệp phát triển. Khi mở ra phát triển công nghiệp, từ lạc hậu vươn lên hiện đại, 'cuộc chiến" đất đai đồng thời cũng phát sinh. Đó là xuất phát từ nhu cầu mở mang hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, cần phải có nhiều quỹ đất. Ở Nga, Anh, Pháp và nhiều nước tư bản khác đã nhiều thời kỳ rộ lên các "cuộc chiến" phức tạp về đất đai. Ở Mỹ, những năm cuối thế kỷ 19, đầu  thế kỷ 20, "cuộc chiến" đất đai đã xảy ra triền miên ở nước này do nhu cầu mở mang đường sắt, đường bộ và các nhà máy. Các chủ tư bản đua nhau đi tìm những “mồi đất” ngon. Vào thời đó, ở hầu khắp các bang của nước Mỹ đều bung ra các chiến dịch chiếm dụng đất. Và do đó, nhiều ông chủ đất bỗng nhiên giàu sụ rất nhanh. Tư bản do gốc vốn từ đất đai phát sinh ngày càng nhiều. Đọc lại lịch sử và các tác phẩm văn học, phim ảnh còn lưu truyền ta thấy rõ thêm những "cuộc chiến" đất đai đổ máu giữa nông dân với các chủ tư bản, giữa người đi khoanh đo, bao chiếm đất và người bị mất đất.

Ở nước ta, từ trước năm 1990, đất đai chưa có mấy giá trị. Có khi có đất bán nhưng không ai mua. Có khi đất hoang hóa cho không ai lấy. Khi đó, việc mua bán đất đai, kinh doanh địa ốc chưa bung ra thành nghề hấp dẫn để hốt vàng. Từ khi phát triển kinh tế thị trường với nhiều thành phần, kèm theo các nhu cầu phát triền công nghiệp, đô thị, lại có đầu tư nước ngoài rót vốn vào, đất đai bắt đầu trở thành hàng hóa đặc biệt, giá trị hơn vàng. Và theo đó, những cơn sốt đất liên tục tăng lên. Lợi nhuận lớn từ đất đã sinh ra lòng tham kèm theo biết bao tính toán với mục đích thu lợi ngày càng cao ở mọi tầng lớp xã hội.

Kinh doanh địa ốc, bên cạnh những phương thức chính đáng, minh bạch, hợp pháp, cũng xuất hiện hàng loạt các thủ đoạn, mánh lới. Nhiều “cò đất” hóa thành “cáo đất”. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý hư hỏng lợi dụng chức quyền trở thành ông chủ đất giàu sang mà không bị lộ mặt. Luật Đất đai bị lợi dụng vào mục đích chiếm đoạt, làm giàu bất chính. Nhưng cái nguy là từ những thủ đoạn, mánh lới tìm chỗ hở để lách luật, nay việc lợi dụng và mệnh danh quyền quản lý, quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai đã sinh ra nhiều biểu hiện bẻ cong luật pháp, chọc thủng hàng rào luật pháp, thậm chí bất cần luật pháp, sẵn sàng ra tay làm theo luật rừng.

Đồng hành với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá là nhu cầu ngày càng cao về quỹ đất. Không nắm quy luật đó sẽ sinh ra chủ quan, bị động, buông lỏng quản lý nhà nước về quỹ đất công, về thực hiện nhà nước pháp quyền trong lĩnh vực đất đai. Đất đai là một trong những nguyên nhân sinh ra nợ công, mà nợ công càng lớn thì con cháu đời sau càng phải chịu hệ lụy nặng gánh.

Khi những cán bộ có chức, có quyền thoái hoá, biến chất có sự móc nối, ăn chia lợi nhuận với đại gia thì họ bỗng nhiên tự biến mình thành “đại ca”. Đó là những cán bộ “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” mà Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng vừa chỉ rõ. Có lắm tiền thì thành đại ngôn nhiều khi lấn át cả pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà ức hiếp dân, vi phạm dân chủ. Đó là cái bàn cờ đô-mi-nô của đất đai, gọi là “lục đại” của đất (đại tham, đại ác, đại lợi, đại gia, đại ca, đại ngôn). Cả 6 cái “đại” đó là một trong những nguyên nhân sinh ra những vụ khiếu kiện từ đất dấy lên. Rồi cũng do đất đai mà xã hội xuất hiện những vấn đề bất ổn do hậu họa của việc mua bán, sang nhượng, chuyển quyền sử dụng vi phạm pháp luật, xảy ra các vụ tranh chấp, có cả những vụ cướp đoạt trắng trợn. Bất công xảy ra, làm mất lòng dân phần lớn do việc thực thi pháp luật không nghiêm minh, giải quyết thiếu công bằng. Có những kẻ chiếm dụng đất sai luật, lợi mình hại người, nhưng lại được bao che, dung túng với nhiều thủ đoạn, dạng thức rất phức tạp. Nhiều “cò đất, cáo đất” chỉ lòng vòng xách văn bản hợp đồng, cả những “dự án ma”, đi xin chữ ký mà chẳng mấy chốc trở thành đại gia.

Những biến dạng vô đạo, bất nhân, trái luật như trên và tham nhũng tràn lan phần nhiều cũng từ nguyên do của nguồn lợi đất đai và dự án. Lắm tiền nhiều của do việc chiếm đất thì mới nảy sinh ra sự gia tăng các hiện tượng tiêu cực, hối lộ, nhận hội lộ, rồi mua bán chức quyền, ăn chơi xa xỉ, mất hết bản chất cách mạng của người cộng sản chân chính. Đã có không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền phê duyệt, hoặc chỉ đạo giải quyết đất đai đã nhanh chóng mất bản lĩnh về chính trị, tư tưởng, vi phạm nguyên tắc hoạt động của Đảng, những lời dạy về đạo đức, lối sống. Suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách từ đó mà ra. Trong khi đó, nhiều hộ nông dân bị mất đất, bị bần cùng hóa. Tình trạng phân hóa giàu - nghèo trong xã hội ngày càng có những biểu hiện rõ nét.

Những mâu thuẫn phát sinh từ nguyên nhân đất đai, các vụ tranh chấp không được giải quyết căn bản và thiếu kịp thời mới có những biểu hiện lúc ngấm ngầm, khi bùng phát gay gắt, nhưng hầu như mọi phương cách giải quyết vẫn chỉ là tạm thời và nhiều khi còn tỏ ra bất lực. Nhiều khi, việc nỗ lực thực thi theo pháp luật bị chi phối bởi nhóm lợi ích và đồng tiền. Luật Đất đai ra đời, nhưng chưa thực sự phù hợp với cuộc sống và tốc lực phát triển nhanh của thị trường. Trong cuộc họp kết luận về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Những năm qua, chính sách pháp luật về đất đai có rất nhiều thay đổi. Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai đã được ban hành mới 3 lần (1987, 1993, 2003) và sửa đổi 2 lần (1998, 2001). Hàng trăm văn bản dưới luật cũng được ban hành, sửa đổi nhưng vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, thậm chí trùng chéo, mâu thuẫn. Trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế trong khi đất đai đang biến động rất nhanh, văn bản pháp luật về đất đai lại rất nhiều và phức tạp, nên công tác quản lý đất đai trong cả nước còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý và sử dụng đất đai chưa được điều chỉnh và xử lý kịp thời; khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% tổng số vụ khiếu kiện và có nhiều vụ việc kéo dài”.

Trong thực trạng hiện nay, có thể thấy việc xử lý không kịp thời, đúng đắn những vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai đang có nguy cơ trở thành một mầm mống sinh ra những bất công lớn và dẫn tới mất ổn định xã hội. Tình trạng này đang thực sự đẩy tới những tình huống báo động. Từ trong quan điểm, nhận thức, đặt ra nhu cầu cấp bách là phải dám mạnh dạn nhận diện cho rõ và kịp thời có những biện pháp thích hợp nhất để sửa lỗi hệ thống, sửa Hiến pháp, pháp luật. Lỗi hệ thống sinh ra do lý luận chưa theo sát thực tiễn, tư duy và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành chưa theo kịp tốc lực phát triển của cuộc sống. Cho nên, xác định chủ trương, biện pháp cần phải kiên quyết, mạnh bạo để giải quyết kịp thời, có hiệu quả thì mới tạo được đà mới, sức mạnh mới để thoát ra khỏi nguy cơ cái mầm bất ổn do nguyên nhân từ đất đai đã nảy sinh và có nhiều biểu hiện đang lớn dần gây ra sức ì quá lớn kéo lùi tốc độ phát triển xã hội theo đường lối đổi mới của toàn Đảng, toàn dân ta.

Sửa từ Hiến pháp đến Luật Đất đai và các văn bản thực hiện luật, thực sự thể hiện tư thế của nhà nước pháp quyền. Mở rộng dân chủ, siết chặt kỷ cương phù hợp cuộc sống đang phát triển từng ngày với tốc độ nhanh là vấn đề cấp bách. Quản lý quỹ đất thế nào, giải quyết những tranh chấp đất ra sao để qua đó thực hiện công bằng xã hội đều tùy thuộc vào nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quyền lực quản lý, điều hành của Nhà nước, giải quyết các tranh chấp về đất đai phải đi từ cái gốc sâu xa nhất là vì lợi ích của người dân. Bởi ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Chỉ có như thế mới có thể thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.