Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Công an điều tra vụ Văn Giang


Nếu đủ căn cứ, cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án, xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với những hành vi gây rối trật tự công cộng và đánh người trong việc tổ chức cưỡng chế ngày 24/4 tại Văn Giang, Hưng Yên.

Thời gian qua, dư luận xã hội rất quan tâm đến vụ cưỡng chế, thu hồi đất để thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Theo Chinhphu.vn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương điều tra; nếu đủ căn cứ phải khởi tố vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi gây rối trật tự công cộng và đánh người trong việc tổ chức cưỡng chế ngày 24/4/2012 tại Văn Giang, Hưng Yên.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan báo cáo đầy đủ kết quả thanh tra, kiểm tra, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.

Người dân xã Xuân Quan thu dọn vườn cây cảnh sau vụ cưỡng chế sáng 24/4. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Người dân xã Xuân Quan thu dọn vườn cây cảnh sau vụ cưỡng chế sáng 24/4. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trước đó, sáng 24/4, UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan. Đây là phần diện tích nằm trong tổng số 72 ha sẽ giao đợt hai cho chủ đầu tư xây dựng Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang (Ecopark).

Thông tin trên trang web của tỉnh Hưng Yên mô tả, sáng sớm 24/4, khoảng 300 người dân tập trung tại các điểm gần khu vực cưỡng chế. Sau 7h sáng, còn khoảng 200 người dân đã chuẩn bị từ trước cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên, 19 người được cho là có hành vi quá khích, chống trả người thực thi nhiệm vụ đã bị bắt giữ trong ngày cưỡng chế.

Ngay trong ngày 24/4, trên mạng cũng xuất hiện clip dài hơn một phút cho thấy nhiều người mặc sắc phục công an và thường phục đeo băng đỏ đánh hai người đàn ông. Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (42 tuổi), Trưởng phòng Thời sự và Hán Phi Long (33 tuổi), phóng viên Phòng Thời sự (Trung tâm tin, Đài tiếng nói Việt Nam - VOV) xác nhận, họ chính là hai người bị đánh trong clip nói trên.

Ngày 9/5, lãnh đạo Đài Tiếng nói VN cũng đã có công văn chính thức gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ vụ việc.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Không để đất đai là cái mầm sinh ra bất ổn


Những biến dạng vô đạo, bất nhân, trái luật như trên và tham nhũng tràn lan phần nhiều cũng từ nguyên do của nguồn lợi đất đai và dự án. Lắm tiền nhiều của do việc chiếm đất thì mới nảy sinh ra sự gia tăng các hiện tượng tiêu cực...

Sau các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nước ta tự hào là một nước nhỏ, nghèo, lạc hậu mà đã anh dũng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thu giang sơn về một mối. Đất nước hòa bình nhưng có một “cuộc chiến đất”. “Cuộc chiến” này lúc ngấm ngầm, lúc bột phát và có lúc gay gắt. Trái đất có một diện tích hữu hạn. Mỗi nước có diện tích nhất định, không được vượt qua biên giới, lãnh thổ. Trong lịch sử nhân loại, nếu nước này muốn rộng hơn, rắp tâm dùng sức mạnh vũ lực đi đánh chiếm nước khác - tất xảy ra chiến tranh xâm lược. Thế giới từ xưa đến nay các “cuộc chiến đất” xem như ở đâu cũng có.        

Trong lịch sử loài người, "cuộc chiến" về đất đai đã xảy ra rõ nét và ngày càng gay gắt chủ yếu từ khi công nghiệp phát triển. Khi mở ra phát triển công nghiệp, từ lạc hậu vươn lên hiện đại, 'cuộc chiến" đất đai đồng thời cũng phát sinh. Đó là xuất phát từ nhu cầu mở mang hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, cần phải có nhiều quỹ đất. Ở Nga, Anh, Pháp và nhiều nước tư bản khác đã nhiều thời kỳ rộ lên các "cuộc chiến" phức tạp về đất đai. Ở Mỹ, những năm cuối thế kỷ 19, đầu  thế kỷ 20, "cuộc chiến" đất đai đã xảy ra triền miên ở nước này do nhu cầu mở mang đường sắt, đường bộ và các nhà máy. Các chủ tư bản đua nhau đi tìm những “mồi đất” ngon. Vào thời đó, ở hầu khắp các bang của nước Mỹ đều bung ra các chiến dịch chiếm dụng đất. Và do đó, nhiều ông chủ đất bỗng nhiên giàu sụ rất nhanh. Tư bản do gốc vốn từ đất đai phát sinh ngày càng nhiều. Đọc lại lịch sử và các tác phẩm văn học, phim ảnh còn lưu truyền ta thấy rõ thêm những "cuộc chiến" đất đai đổ máu giữa nông dân với các chủ tư bản, giữa người đi khoanh đo, bao chiếm đất và người bị mất đất.

Ở nước ta, từ trước năm 1990, đất đai chưa có mấy giá trị. Có khi có đất bán nhưng không ai mua. Có khi đất hoang hóa cho không ai lấy. Khi đó, việc mua bán đất đai, kinh doanh địa ốc chưa bung ra thành nghề hấp dẫn để hốt vàng. Từ khi phát triển kinh tế thị trường với nhiều thành phần, kèm theo các nhu cầu phát triền công nghiệp, đô thị, lại có đầu tư nước ngoài rót vốn vào, đất đai bắt đầu trở thành hàng hóa đặc biệt, giá trị hơn vàng. Và theo đó, những cơn sốt đất liên tục tăng lên. Lợi nhuận lớn từ đất đã sinh ra lòng tham kèm theo biết bao tính toán với mục đích thu lợi ngày càng cao ở mọi tầng lớp xã hội.

Kinh doanh địa ốc, bên cạnh những phương thức chính đáng, minh bạch, hợp pháp, cũng xuất hiện hàng loạt các thủ đoạn, mánh lới. Nhiều “cò đất” hóa thành “cáo đất”. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý hư hỏng lợi dụng chức quyền trở thành ông chủ đất giàu sang mà không bị lộ mặt. Luật Đất đai bị lợi dụng vào mục đích chiếm đoạt, làm giàu bất chính. Nhưng cái nguy là từ những thủ đoạn, mánh lới tìm chỗ hở để lách luật, nay việc lợi dụng và mệnh danh quyền quản lý, quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai đã sinh ra nhiều biểu hiện bẻ cong luật pháp, chọc thủng hàng rào luật pháp, thậm chí bất cần luật pháp, sẵn sàng ra tay làm theo luật rừng.

Đồng hành với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá là nhu cầu ngày càng cao về quỹ đất. Không nắm quy luật đó sẽ sinh ra chủ quan, bị động, buông lỏng quản lý nhà nước về quỹ đất công, về thực hiện nhà nước pháp quyền trong lĩnh vực đất đai. Đất đai là một trong những nguyên nhân sinh ra nợ công, mà nợ công càng lớn thì con cháu đời sau càng phải chịu hệ lụy nặng gánh.

Khi những cán bộ có chức, có quyền thoái hoá, biến chất có sự móc nối, ăn chia lợi nhuận với đại gia thì họ bỗng nhiên tự biến mình thành “đại ca”. Đó là những cán bộ “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” mà Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng vừa chỉ rõ. Có lắm tiền thì thành đại ngôn nhiều khi lấn át cả pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà ức hiếp dân, vi phạm dân chủ. Đó là cái bàn cờ đô-mi-nô của đất đai, gọi là “lục đại” của đất (đại tham, đại ác, đại lợi, đại gia, đại ca, đại ngôn). Cả 6 cái “đại” đó là một trong những nguyên nhân sinh ra những vụ khiếu kiện từ đất dấy lên. Rồi cũng do đất đai mà xã hội xuất hiện những vấn đề bất ổn do hậu họa của việc mua bán, sang nhượng, chuyển quyền sử dụng vi phạm pháp luật, xảy ra các vụ tranh chấp, có cả những vụ cướp đoạt trắng trợn. Bất công xảy ra, làm mất lòng dân phần lớn do việc thực thi pháp luật không nghiêm minh, giải quyết thiếu công bằng. Có những kẻ chiếm dụng đất sai luật, lợi mình hại người, nhưng lại được bao che, dung túng với nhiều thủ đoạn, dạng thức rất phức tạp. Nhiều “cò đất, cáo đất” chỉ lòng vòng xách văn bản hợp đồng, cả những “dự án ma”, đi xin chữ ký mà chẳng mấy chốc trở thành đại gia.

Những biến dạng vô đạo, bất nhân, trái luật như trên và tham nhũng tràn lan phần nhiều cũng từ nguyên do của nguồn lợi đất đai và dự án. Lắm tiền nhiều của do việc chiếm đất thì mới nảy sinh ra sự gia tăng các hiện tượng tiêu cực, hối lộ, nhận hội lộ, rồi mua bán chức quyền, ăn chơi xa xỉ, mất hết bản chất cách mạng của người cộng sản chân chính. Đã có không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền phê duyệt, hoặc chỉ đạo giải quyết đất đai đã nhanh chóng mất bản lĩnh về chính trị, tư tưởng, vi phạm nguyên tắc hoạt động của Đảng, những lời dạy về đạo đức, lối sống. Suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách từ đó mà ra. Trong khi đó, nhiều hộ nông dân bị mất đất, bị bần cùng hóa. Tình trạng phân hóa giàu - nghèo trong xã hội ngày càng có những biểu hiện rõ nét.

Những mâu thuẫn phát sinh từ nguyên nhân đất đai, các vụ tranh chấp không được giải quyết căn bản và thiếu kịp thời mới có những biểu hiện lúc ngấm ngầm, khi bùng phát gay gắt, nhưng hầu như mọi phương cách giải quyết vẫn chỉ là tạm thời và nhiều khi còn tỏ ra bất lực. Nhiều khi, việc nỗ lực thực thi theo pháp luật bị chi phối bởi nhóm lợi ích và đồng tiền. Luật Đất đai ra đời, nhưng chưa thực sự phù hợp với cuộc sống và tốc lực phát triển nhanh của thị trường. Trong cuộc họp kết luận về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Những năm qua, chính sách pháp luật về đất đai có rất nhiều thay đổi. Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai đã được ban hành mới 3 lần (1987, 1993, 2003) và sửa đổi 2 lần (1998, 2001). Hàng trăm văn bản dưới luật cũng được ban hành, sửa đổi nhưng vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, thậm chí trùng chéo, mâu thuẫn. Trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế trong khi đất đai đang biến động rất nhanh, văn bản pháp luật về đất đai lại rất nhiều và phức tạp, nên công tác quản lý đất đai trong cả nước còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý và sử dụng đất đai chưa được điều chỉnh và xử lý kịp thời; khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% tổng số vụ khiếu kiện và có nhiều vụ việc kéo dài”.

Trong thực trạng hiện nay, có thể thấy việc xử lý không kịp thời, đúng đắn những vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai đang có nguy cơ trở thành một mầm mống sinh ra những bất công lớn và dẫn tới mất ổn định xã hội. Tình trạng này đang thực sự đẩy tới những tình huống báo động. Từ trong quan điểm, nhận thức, đặt ra nhu cầu cấp bách là phải dám mạnh dạn nhận diện cho rõ và kịp thời có những biện pháp thích hợp nhất để sửa lỗi hệ thống, sửa Hiến pháp, pháp luật. Lỗi hệ thống sinh ra do lý luận chưa theo sát thực tiễn, tư duy và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành chưa theo kịp tốc lực phát triển của cuộc sống. Cho nên, xác định chủ trương, biện pháp cần phải kiên quyết, mạnh bạo để giải quyết kịp thời, có hiệu quả thì mới tạo được đà mới, sức mạnh mới để thoát ra khỏi nguy cơ cái mầm bất ổn do nguyên nhân từ đất đai đã nảy sinh và có nhiều biểu hiện đang lớn dần gây ra sức ì quá lớn kéo lùi tốc độ phát triển xã hội theo đường lối đổi mới của toàn Đảng, toàn dân ta.

Sửa từ Hiến pháp đến Luật Đất đai và các văn bản thực hiện luật, thực sự thể hiện tư thế của nhà nước pháp quyền. Mở rộng dân chủ, siết chặt kỷ cương phù hợp cuộc sống đang phát triển từng ngày với tốc độ nhanh là vấn đề cấp bách. Quản lý quỹ đất thế nào, giải quyết những tranh chấp đất ra sao để qua đó thực hiện công bằng xã hội đều tùy thuộc vào nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quyền lực quản lý, điều hành của Nhà nước, giải quyết các tranh chấp về đất đai phải đi từ cái gốc sâu xa nhất là vì lợi ích của người dân. Bởi ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Chỉ có như thế mới có thể thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: không được dùng quân đội cưỡng chế đất đai


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các địa phương khi cưỡng chế thu hồi đất phải làm chặt chẽ, đúng pháp luật, không được dùng vũ khí nóng… Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc không được huy động lực lượng quân đội ở huyện, tỉnh vào cưỡng chế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến giải quyết khiếu nại, tố cáo

Kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá công tác này thời gian qua đạt kết quả tích cực. Các vụ việc phức tạp tồn đọng kéo dài đã tập trung giải quyết được 66%, từ 1.052 vụ hiện còn lại 528 vụ. “Kết quả này góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội, giữ gìn an ninh chính trị”, Thủ tướng đánh giá.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng khiếu nại của nhân dân còn nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài chưa giải quyết dứt điểm, không chỉ vậy những nảy sinh mới vẫn tiếp tục tăng lên. “Nếu như chúng ta chủ quan, xem thường, không tập trung giải quyết có hiệu quả sẽ là mầm mống dẫn đến mất ổn định an ninh trật tự”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để giải quyết có lý có tình, tận cùng những việc còn tồn đọng kéo dài. Hạn chế tối đa việc khiếu kiện đông người kéo đến trung tâm thành phố lớn, gây mất ổn định.

“Yêu cầu đặt ra như vậy không dễ dàng gì tuy nhiên chúng ta buộc phải làm có hiệu quả. Tôi đề nghị coi đây là việc quan trọng thường xuyên của chính quyền, phải tập trung chỉ đạo sâu sắc cụ thể từng việc một”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các địa phương phải lập hồ sơ tất cả 528 vụ còn tồn đọng. Trong đó phải chỉ rõ đã giải quyết những gì và hiện nay còn vướng cái gì? Phương hướng sắp tới còn giải quyết thế nào? Ngoài ra, phải lập cả hội đồng tư vấn, trong đó có mặt trận, các đoàn thể và luật sư thẩm định phương án. Từ đó xem xét chính quyền có sai trái gì không, nếu sai thì nhận lỗi và sửa chữa. Nếu không sai thì xem nhân dân thế nào từ đó có phương án giải quyết hỗ trợ cụ thể.

Qua báo cáo của các tỉnh, khiếu kiện chủ yếu do đất đai (chiếm 70%). Thủ tướng cho rằng vì lợi ích của đất nước, của toàn dân nên vẫn tiếp tục phải thu hồi đất để phát triển cơ sở hạ tầng; nhưng phải làm chặt chẽ, đúng pháp luật và phải thu hồi theo quy hoạch. Thủ tướng cũng chỉ đạo quy hoạch không được làm tùy tiện mà phải chặt chẽ rồi từ đó công khai cho nhân dân biết. “Từ quy hoạch cho tới khi phương án thu hồi đất, đền bù tái định cư phải đúng pháp luật, sát thực tế, đảm bảo dân chủ, công khai, đảm bảo sự đồng thuận trong nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý việc thu hồi đất xây dựng khu đô thị phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên vì khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất đô thị có giá trị hơn rất nhiều.

Kết thúc buổi làm việc, Thủ tướng lưu ý các địa phương phải làm hết lòng, hết trách nhiệm, hết sức đối với khiếu nại của nhân dân để họ thấy được lẽ phải, đồng tình chấp hành. Nếu dân có khó khăn thì tiếp tục hỗ trợ. Đối với những trường hợp cố tình không chấp thuận cũng phải làm hết cách, sau đó mới buộc phải cưỡng chế.

“Khi cưỡng chế, phải rất chặt chẽ, đúng pháp luật, với tinh thần không được dùng vũ khí nóng… Nhân đây tôi nói luôn là không được dùng quân đội vào cưỡng chế; bộ đội huyện tỉnh, không được tham gia cưỡng chế”, Thủ tướng nhấn mạnh phương án thực hiện cưỡng chế.

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

“Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng và Ecopark” – Một bài viết xuyên tạc


Làng báo xin được đăng tải lại nội dung bài viết “‘Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng và Ecopark’ – Một bài viết xuyên tạc” được đăng trên website của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bài viết này có nội dung đầy đủ hơn bài viết Sự thật về việc ‘con gái thủ tướng Dũng là chủ đầu tư Ecopark’Làng báo đã từng đăng tải.

Kính gửi Ban biên tập!

Tôi là bạn đọc thường xuyên của website http://nguyentandung.biz, tôi xin gửi đến Ban biên tập ý kiến cá nhân như sau:

Sau vụ cưỡng chế đất đai dự án Ecopark ở Văn Giang, Hưng Yên. Các trang mạng cá nhân xuất hiện nhiều bài về vấn đề này. Gây xôn xao dư luận là bài viết “Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng và Ecopark” do blog “Dân Làm Báo” đăng với lời lẽ vô căn cứ: “Nguyễn Tấn Dũng đã dùng quyền hành Thủ tướng để ký giấy trao dự án EcoPark cho công ty Việt Hưng và công ty này là đối tác chiến lược của VietCapital do Nguyễn Thanh Phượng – con gái của ông ta làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.”, được các báo mạng đăng lại cùng với những lời lẽ bình luận tiêu cực về vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đáng tiếc thay có nhiều kẻ hùa theo đăng lại trong khi không biết thông tin thật sự là gì!

Các trang blog đăng lại bài "Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng và Ecopark"
Các trang blog đăng lại bài "Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng và Ecopark"

Ý thức được vấn đề nghiêm trọng, và muốn làm sáng tỏ vấn đề, giúp bạn đọc hiểu sự thật, tôi quyết định gửi bài viết này tới Ban biên tập.
Tôi thấy, lợi dụng vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng Dự án Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Blog “Dân Làm Báo” thừa nước đục thả câu bằng việc đăng bài “Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng và Ecopark” gây hiểu lầm nghiêm trọng và làm xôn xao cộng đồng mạng.

Đâu là sự thật?


Sau khi đọc bài viết và tìm hiểu các thông tin thì tôi thấy blog “Dân Làm Báo” rất hồ đồ, đê hèn, kết nối cái tên “Việt Hưng” và xuyên tạc một cách thô thiển, cố tình gắn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và con gái Thủ tướng vào vụ việc cưỡng chế gây bức xúc cho cộng đồng mạng.

Việt Hưng là công ty nào?

Cũng tên là Việt Hưng nhưng là hai công ty khác nhau.

- Công ty Việt Hưng làm chủ đầu tư dự án tại Văn Giang, Hưng Yên là “CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VIỆT HƯNG (Vihajico)” có Số giấy CNĐKKD và đăng ký thuế: 0101395308. Địa chỉ tại Khu đô thị và dịch vụ thương mại Văn Giang, Xã Xuân Quan, Huyện Văn Giang, Tỉnh Hưng Yên. Đại dịên theo pháp luật chính là ông TGĐ Đào Ngọc Thanh. ĐT: 03213934527; Fax: 03213934769; Website: www.ecopark.com.vn; Email: info@vihajico.com; http://www.ecopark.com.vn

Xem thêm chi tiết tại: http://www.hungyenbusiness.gov.vn/Info.aspx?i=L0341339202&c=1

Trang web của CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THI VIỆT HƯNG
Trang web của CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THI VIỆT HƯNG

Công ty này được thành lập bởi 7 pháp nhân và 2 thể nhân. Đây là sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm, năng lực của những tên tuổi quen thuộc trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khách sạn, dịch vụ, du lịch, xây dựng: Công ty Cổ phần xây dựng – kiến trúc AA, Công ty Kiến trúc ATA, Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Nam Thành Đô, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Thành Nam, Công ty TNHH Duy Nghĩa, Công ty TNHH TM Phụng Thiên, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Nam Thanh, Công ty TNHH Thương mại Bảo Tín…

- Còn Công ty Việt Hưng là đối tác chiến lược của VietCapital Bank chính là “CÔNG TY CỔ PHẦN BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT HƯNG”. Tên viết tắt: Viet Hung Development JSC. Tên đối ngoại là “Viet Hung Real estate Development Joint Stock Company”. Mã số doanh nghiệp: 0305350094. Có đại chỉ tại ”Phòng 1501, Lầu 15, Cao ốc văn phòng Centrepoint 106, Nguyễn Văn Trỗi, Phường 8, Quận Phú Nhuận. Người đại diện pháp luật chính là ông Trần Quyết Thắng

Xem thông tin tại: http://www.dpi.hochiminhcity.gov.vn/vie/webappdn/view.asp?id=4103008607&ht&loaihinh=DT&HienThi=1

Như vậy “CÔNG TY CỔ PHẦN BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT HƯNG” (là đối tác chiến lược của Vietcapital) hoàn toàn không phải là chủ đầu tư của dự án Ecopark Hưng Yên. Mà chủ đầu tư của dự án Ecopark Hưng Yên chính là “CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THI VIỆT HƯNG”. Hai công ty này có chung tên là “VIỆT HƯNG” nhưng lại là 2 công ty hoàn toàn khác nhau, một công ty ở Hưng Yên, một công ty ở TP.HCM. Vậy mà blog “Dân Làm Báo” đã cố tình đánh đồng và suy diễn trắng trợn.

Theo tìm hiểu, những thông tin sai trái về vụ việc này bắt nguồn từ blog cá nhân của Huỳnh Ngọc Chênh, một cựu cán bộ của báo Thanh Niên

Hậu quả ?


Theo tôi, sự trùng hợp về tên gọi của hai công ty đã bị một số đối tượng lợi dụng để phát tán thông tin xuyên tạc, đây là một việc làm gây ra hậu quả khôn lường, gây hiểu lầm trong nhân dân, bôi nhọ cá nhân Thủ tướng và những người khác. Coi thường bạn đọc. Vi phạm đến nhân phẩn, danh dự cá nhân, vi phạm nhân quyền, cái mà các tổ chức phản động luôn hô hào.

Trong khi cả nước đang phải vượt qua cuộc khủng hoảng, dồn tâm sức kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, phát triển kinh tế, đẩy mạnh ngoại giao và tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng.

Vậy mà có những kẻ luôn săm soi, lợi dụng những vấn đề của xã hội rồi xuyên tạc, bôi bọ Lãnh đạo đất nước, gây tò mò cho nhân dân, gây xôn xao dư luận, đục nước béo cò với một âm mưu thâm độc. Đánh lừa nhân dân và mục đích cuối cùng là lật đổ chế độ.

Ý kiến cá nhân:


Blog “Dân Làm Báo” đã rất coi thường bạn đọc, xuyên tạc sự thật, cố tình lắp ghép để bôi nhọ danh dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bà Nguyễn Thanh Phượng. Thủ tướng cũng là một công dân, cần phải được tôn trọng. Thiết nghĩ blog “Dân Làm Báo” nên đặt lại tên là blog “Phản Động Làm Báo”. Chứ người dân có khi nào đi xuyên tạc như vậy?

Tôi đề nghị, Bộ Công an và các cơ quan chức năng cần có những điều tra, làm rõ và đưa ra ánh sáng những kẻ đã có những hành vi xâm phạm An ninh quốc gia trên lĩnh vực truyền thông và tư tưởng văn hóa.

Đồng thời, tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí, các cá nhân đang quản lý các trang web, blog tự do cần có trách nhiệm trong việc đăng tải các thông tin. Tự do báo chí nhưng hãy tôn trọng bạn đọc, đó cũng là tôn trọng chính bản thân mình.

Với bạn đọc, chúng ta cần bình tĩnh, tỉnh táo và cẩn trọng khi tiếp cập thông tin trên mạng. Góp những tiếng nói trách nhiệm làm cho cộng đồng mạng trong sạch lành mạnh!

Sự thật về việc 'Con gái thủ tướng Dũng là chủ đầu tư Ecopark'

“Nguyễn Tấn Dũng đã dùng quyền hành Thủ tướng để ký giấy trao dự án EcoPark cho công ty Việt Hưng và công ty này là đối tác chiến lược của VietCapital do Nguyễn Thanh Phượng - con gái của ông ta làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị” là thông tin đúng hay sai?

Sau vụ cưỡng chế đất dánh cho dự án Ecopark ở Văn Giang, Hưng Yên, trên cộng đồng mạng Việt nam đã xuất hiện hình ảnh của một số văn bản được cho là bằng chứng xác nhận dự án Ecopark Hưng Yên có chủ đầu tư là một công ty của con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Nguyễn Thanh Phương.


Kết luận này này dựa trên việc công ty của bà Phượng và công ty chủ đầu tư dự án Ecopark đều có tên là Việt Hưng.

Kèm theo thông tin kể trên là những lời bình luận mang sắc thái tiêu cực về vai trò của thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng. Một trang tin vỉa hè có tên “Dân làm báo” tuyên bố: “Nguyễn Tấn Dũng đã dùng quyền hành Thủ tướng để ký giấy trao dự án EcoPark cho công ty Việt Hưng và công ty này là đối tác chiến lược của VietCapital do Nguyễn Thanh Phượng - con gái của ông ta làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị”.

Thông tin này đã được phát tán với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội Facebook, kèm theo một làn sóng chỉ trích nhằm vào ông Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, những thông tin trên hoàn toàn sai sự thật. Cụ thể: Công ty Việt Hưng của bà Nguyễn Thanh Phượng và công ty Việt Hưng – chủ đầu tư Ecopark là hai công ty hoàn toàn khác nhau.

Dưới đây là các thông tin về 2 công ty này:

- Về công ty Việt Hưng Ecopark - Chủ đầu tư dự án tại Văn Giang, Hưng Yên. Tên gọi đầy đủ là ''CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THI VIỆT HƯNG'' có địa chỉ tại ''Khu đô thị và dịch vụ thương mại Văn Giang, Xã Xuân Quan, Huyện Văn Giang, Tỉnh Hưng Yên''. Đại dịên theo pháp luật chính là ông TGĐ Đào Ngọc Thanh.

Tham khảo: http://www.hungyenbusiness.gov.vn/Info.aspx?i=L0341339202&c=1

- Về công ty Việt Hưng của bà Phượng: Tên gọi đầy đủ là ''CÔNG TY CỔ PHẦN BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT HƯNG''. Có đại chỉ tại ''Phòng 1501, Lầu 15, Cao ốc văn phòng Centrepoint 106-Nguyễn Văn Trỗi-Phường 8-Quận Phú Nhuận''.

Tham khảo: http://www.dpi.hochiminhcity.gov.vn/vie/webappdn/view.asp?id=4103008607&ht&loaihinh=DT&HienThi=1

Đây là hai công ty hoàn toàn khác nhau.

Dường như, sự trùng hợp về tên gọi của hai công ty đã bị một số đối tượng lợi dụng để phát tán tin đồn gây tổn hại đến uy tín của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những thông tin sai trái về vụ việc này bắt nguồn từ blog cá nhân của Huỳnh Ngọc Chênh, một cựu cán bộ của báo Thanh Niên.

Vụ việc này cũng cho thấy một bộ phận thành viên cộng đồng mạng cần tiếp cận các thông tin một cách thận trọng, có kiểm chứng và đối chiếu từ nhiều nguồn thay vì bằng cảm tính và thói quen bầy đàn. Đây chính là một khe hở để các phần tử cơ hội lợi dụng và phát tán các thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam.

V.T