Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Lại trò 'Ảo thuật ngôn từ'


Nhằm bảo vệ các phần tử chống phá Nhà nước, lật đổ chính quyền, nhiều tổ chức và cá nhân có động cơ xấu với Việt Nam lại vừa tiếp tục “kiến nghị” Việt Nam cần xem lại Điều 79 “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và Điều 88 “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Lý do mà họ đưa ra để bao biện với các nhà lập pháp là những quy định này trái với “Tiêu chuẩn quốc tế”, trong đó có các quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận báo chí trong công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam đã tham gia (!)và lấy vụ Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh truy tố ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), ông Phan Thanh Hải (blogger Anhbasaigon) và bà Tạ Phong Tần (blogger Sự thật và công lý) về tội "Viết bài xuyên tạc sự thật, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra làm ví dụ.

Cũng như những phản ứng trước đây đối với tội phạm liên quan đến Điều 88, Bộ luật Hình sự mà trên mạng hải ngoại người ta gọi là Điều luật “2 cái còng”, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) - được xem là “sân sau” của những lực lượng cực hữu về dân chủ, nhân quyền trong chính giới Hoa Kỳ đã lên tiếng “kêu gọi Việt Nam phóng thích ngay lập tức 3 blogger”. ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu á của HRW, phát biểu với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, với lập luận như sau: "Rõ ràng họ bị xét xử vì đã thực hành quyền tự do ngôn luận. Những việc họ làm không gì hơn là nói lên quan điểm một cách ôn hòa”. Ông Phil Robertson còn đưa ra một bình luận rất phi chính trị rằng: “Việc bắt giữ các blogger này không thể che giấu hay giải quyết được những việc mà họ (3 blogger) đã thông tin, mà ngược lại, đã vi phạm quyền của người cầm bút và quyền được tiếp cận thông tin của độc giả nữa”.

Thật đáng tiếc, ngày 18-4-2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - Bà Darragh Paradiso nói, Chính phủ Hoa Kỳ cũng “kêu gọi” Việt Nam hãy trả tự do cho 3 blogger đã bị cáo buộc vi phạm pháp luật, với cùng một lý do như HRW: Những người này "không làm gì hơn là thực thi quyền tự do biểu đạt đã được nhân loại thừa nhận".

Vậy 3 blogger nói trên đã làm gì mà được HRW và quan chức Bộ ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm đứng lên bảo vệ đến như vậy?

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh thì ông Lê Xuân Lập (trú tại TP Hồ Chí Minh) sau khi đề nghị thành lập "Hội nhà báo tự do” không được Chính phủ chấp thuận vì trái với luật pháp Việt Nam, thì ông Lập đã gặp Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) để thành lập "Câu lạc bộ nhà báo tự do" do chính ông Lập làm chủ nhiệm và thiết kế blog cho các thành viên cùng sử dụng.

Nhằm độc quyền điều hành Câu lạc bộ nhà báo tự do, Nguyễn Văn Hải đã tự động thay đổi mật khẩu của blog này, đồng thời lôi kéo bà Tạ Phong Tần và ông Phan Thanh Hải tham gia vào Câu lạc bộ nhà báo tự do. Để khẳng định “vị thế, công lao” của mỗi người, “Điếu Cày” biến blog này thành một Tổ chức hoạt động, do Nguyễn Văn Hải làm “chủ nhiệm”, Phan Thanh Hải và bà Tần phụ trách trang "Khoa học pháp lý".

Như vậy là không phải 3 blogger bị bắt, tạm giam và truy tố vì “thực hành quyền tự do ngôn luận… một cách ôn hòa (ngay chính họ cũng đã tranh giành, lừa dối nhau) mà nằm trong một ý đồ và hành vi chính trị nguy hiểm nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, như: Xây dựng tổ chức phi pháp; viết bài có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có nhiều hoạt động khác nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, như: Tổ chức các cuộc biểu tình tại TP Hồ Chí Minh; trực tiếp quan hệ và nhận sự hướng dẫn chỉ đạo của Nguyễn Tiến Trung, gặp gỡ các tổ chức chống phá của Nguyễn Sỹ Bình, Đặng Thị Thanh Chi... Nguyễn Văn Hải và Phan Thanh Hải còn tham gia khóa huấn luyện của tổ chức khủng bố do "Đảng Việt Tân" tổ chức tại Thái Lan hồi tháng 3-2008.

Trên thế giới đã có không ít cái gọi là “cách mạng” với những cái tên êm dịu như: “Cách mạng nhung", “Cách mạng tulip”, “Cách mạng hoa nhài”… Thế nhưng trong thực tế, đó là những cuộc lật đổ Nhà nước, gây ra bạo loạn, thậm chí là can thiệp quân sự, chiến tranh xâm lược từ nước ngoài cướp đi sinh mạng của hàng nghìn, hàng vạn người.

Tương ứng với những cuộc “cách mạng” êm ái nói trên, các thế lực chống phá Nhà nước Việt Nam đã và đang dùng trò đánh tráo khái niệm, như “Đấu tranh bất bạo động”, sử dụng “kỹ năng mềm”… để “lách luật”. Trên thực tế, hành động “bất bạo động”, “kỹ năng mềm” chỉ diễn ra ban đầu. Đó là sự chuẩn bị về lực lượng, gây sức ép với chính quyền, chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo.

Điều 88, Bộ luật Hình sự Việt Nam không áp dụng cho tất cả những hành vi “bất bạo động”, mà chỉ áp dụng cho những hành vi bất bạo động nào nhằm chống chính quyền nhân dân, đặc biệt là thành lập tổ chức và các hoạt động như: “Đề xướng chủ trương, đường lối, vạch kế hoạch hoạt động, viết cương lĩnh, điều lệ, tuyên truyền, lôi kéo người khác vào tổ chức… nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hoặc tham gia tổ chức, các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Tội lỗi của “3 blogger” trên đã rõ như ban ngày, thật khó dùng trò ảo thuật về ngôn từ để lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Nhân đây cũng xin lưu ý rằng, việc Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xây dựng Hiến pháp, Pháp luật, quy định các tội phạm liên quan đến bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ Nhà nước của mình như thế nào là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Việt Nam. Những người “giương ngọn cờ” bảo vệ nhân quyền trước hết hãy biết tôn trọng quyền tự do tối thiểu ấy của Việt Nam nói riêng và các nước nói chung.

PHƯƠNG NHI (QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN)