Những tuyên bố gần đây của Nga tạo một cảm giác “phản bội” đối với chính quyền của Tổng thống Syria Assad song thực tế mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Thái độ khác thường của Nga
Những ngày gần đây, thái độ mà chính quyền Nga dành cho đồng minh Syria khiến cộng đồng quốc tế không khỏi ngỡ ngàng.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Mikhail Margelov tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần rút lực lượng khỏi các thành phố và cho phép triển khai hoạt động viện trợ nhân đạo, xem đây là bước đầu tiên nhằm giải quyết xung đột.
Hai hãng tin Itar-Tass và Ria Novosti dẫn lời ông Margelov cho hay: "Theo quan điểm chính thức của Nga, Tổng thống Syria Bashar Assad cần lập tức sửa chữa hàng loạt sai lầm mà ông đã gây ra. Ông Assad phải thực hiện bước đi đầu tiên là rút quân đội Syria khỏi các thành phố lớn. Việc cung cấp viện trợ nhân đạo tới những khu vực bị ảnh hưởng bởi giao tranh cũng rất cần thiết".
Tuyên bố trên thể hiện sự chuyển hướng so với lập trường trước đây của Nga, vốn cho rằng cả Chính phủ lẫn lực lượng đối lập Syria phải đồng thời rút quân khỏi các thành phố.
Sự thay đổi bất thường này còn thể hiện ở tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Nga Lavrov khi thẳng thắn chỉ trích Damascus “đã phản ứng không đúng” ngay từ đầu, khi các cuộc biểu tình còn diễn ra trong hòa bình và chính quyền Syria đang “phạm phải rất nhiều sai lầm”.
Không chỉ vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov còn cho biết, Đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Arab Kofi Annan sẽ tới Moscow trong "hai ngày tới" để thảo luận về giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và Nga cũng sẽ chủ trì cuộc họp với phái đoàn phe đối lập Syria tại Thủ đô Moscow.
Tuy nhiên, bất thường hơn cả là động thái mà Nga cùng Trung Quốc, hai nước từng hai lần phủ quyết nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Syria (vào tháng 10/2011 và tháng 2/2012) bất ngờ ủng hộ Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố yêu cầu Syria lập tức thực thi kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên Kofi Annan.
Văn kiện này nhấn mạnh, Hội đồng bảo an sẽ cân nhắc “các bước đi tiếp theo” nếu Tổng thống Assad không thực thi kế hoạch của ông Annan gồm: chấm dứt bạo lực, thực hiện viện trợ nhân đạo, phóng thích những người bị giam giữ liên quan tới các vụ biểu tình và rút lực lượng an ninh khỏi các thành phố diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối Chính phủ.
Tuy tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng bảo an không mang nhiều sức nặng như một nghị quyết chính thức nhưng nó cho thấy bước chuyển biến quan trọng về thái độ của Nga và Trung Quốc đối với chính quyền của Tổng thống al Assad.
Kế hoạch hoàn hảo của ông Putin?
Sự thay đổi trong các tuyên bố cũng như hành động của chính quyền Nga làm dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng điện Kremlin đã hết kiên nhẫn và không còn muốn sát cánh bên chính quyền của Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ sẽ thấy đây là một "âm mưu" của giới lãnh đạo Nga cho những kịch bản khác nhau tại Syria.
Nếu mọi chuyện diễn ra trong tầm kiểm soát của Nga thì vị thế của ông Putin (phải) trên trường quốc tế sẽ được nâng cao hơn nữa.
Tuyên bố mới nhất của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria, với sự đồng thuận của Nga và Trung Quốc, đặc biệt ở chỗ các bên liên quan có thể hiểu theo cách riêng để coi đó là thắng lợi của mình và nhượng bộ của phía bên kia. Sự nhất trí của Nga và Trung Quốc được phương Tây coi là một thất bại ngoại giao của Syria.
Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả những nội dung trong tuyên bố này đều không có gì mới và đã được hai phe trong Hội đồng bảo an đưa ra từ lâu dưới hình thức, mức độ khác nhau. Đã không có gì mới, tuyên bố này lại không có tính ràng buộc bởi không phải một nghị quyết chính thức.
Do đó, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, thái độ hưởng ứng tuyên bố này của điện Kremlin chỉ là một chiêu câu giờ cho chế độ Assad. Bằng cách chấp thuận hưởng ứng và tham gia động thái mới nhất của Hội đồng bảo an, Nga đã khéo léo loại bỏ được thời hạn một tuần dành cho chính quyền Assad tuân thủ các yêu cầu của Hội đồng bảo an cũng như xóa được yêu cầu Tổng thống Assad từ chức khỏi văn kiện mới này của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, nếu góp phần củng cố vai trò của ông Annan trong nỗ lực hòa giải tại Syria, Nga sẽ có được cảm giác an tâm bởi vấn đề Syria chắc chắn sẽ chỉ loanh quanh các bàn hội nghị của Liên Hiệp Quốc, nơi Nga có quyền phủ quyết, mà không “đi chệch hướng” vào các cuộc thương thảo ngầm của các nước phương Tây. Khi đó, Nga sẽ không hay biết và cũng không thể làm gì để cứu giúp đồng minh.
Bên cạnh đó, với tuyên bố kêu gọi chính quyền Assad rút quân khỏi các thành phố, sau này Nga có thể lớn tiếng cáo buộc phe đối lập tại Syria gây nên tình trạng bạo lực kéo dài tại quốc gia này. Điều đó đồng nghĩa với việc phương Tây cũng không có nhiều lý do để kêu gọi ông Assad từ chức.
Tuy nhiên, kế hoạch của Nga trong sự thay đổi thái độ này không chỉ đơn giản như vậy mà nó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra tại quốc gia Trung Đông này.
Nếu mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng xấu và ông Assad buộc phải từ bỏ quyền lực thì chính quyền Nga sẽ không bị “lỡ nhịp” với thời cuộc bởi rút kinh nghiệm từ bài học Libya. Khi đó, Nga và Trung Quốc trở thành những “kẻ lạc dòng” khi phe nổi dậy, lực lượng mà Moscow và Bắc Kinh từng kịch liệt phản đối, lên nắm quyền.
Giờ đây, bằng những tuyên bố đầy cứng rắn như Assad không phải đồng minh của Nga, Moscow không có bất cứ quan hệ đặc biệt nào với Damacus hay quan điểm của Nga dựa trên việc tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền của một quốc gia và vì lợi ích của người dân chứ không phải phục vụ cho lợi ích của bất cứ cá nhân nào, Nga có thể tạo một cảm giác cảm thông với phe đối lập Syria. Và như vậy, chính quyền Syria mới, nếu có, sẽ không có sự thù hận đối với Nga, theo đó, Moscow vẫn có cơ hội duy trì lợi ích tại quốc gia này.
“Rõ ràng Nga không muốn bị nhìn nhận là đồng minh cuối cùng của Tổng thống Assad, để rồi khi ông này buộc phải ra đi, Moscow sẽ lại phải lội ngược dòng”, Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Moscow nhận định.
Tóm lại, với kế hoạch đổi thay này, điện Kremlin hy vọng có thể làm chủ được tình hình Syria, theo đó, duy trì được lợi ích của mình tại quốc gia Trung Đông này trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Không chỉ vậy, sự chủ động trong vấn đề Syria này còn có thể giúp Nga gửi một thông điệp rõ ràng đến phương Tây cũng như các nước Arab rằng: “Vai trò của Nga đóng vai trò hết sức quan trọng trên trường quốc tế và không quốc gia nào nên phớt lờ lợi ích của Nga”.
Sự coi trọng này có ý nghĩa rất lớn đối với Thủ tướng cũng là Tổng thống tương lai Putin. Do đó, có thể nói, đây là một kế hoạch hoàn mỹ giúp tăng cường vị thế của ông Putin trên chính trường thế giới trong thời gian tới.