Nguyễn Tấn Dũng (sinh ngày 17 tháng 11 năm 1949 tại Cà Mau) là Thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam, đồng thời là trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và từ năm 1997, ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa X, XI, XII, XIII thuộc đơn vị bầu cử khu vực 3 Thành phố Hải Phòng (huyện Tiên Lãng), trưởng ban Ban Chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án EPCO - Minh Phụng từ năm 2002.
Ông được Quốc hội bầu lên vị trí Thủ tướng Chính phủ từ ngày 27 tháng 6 năm 2006 sau khi Thủ tướng tiền nhiệm Phan Văn Khải quyết định về hưu năm 2006 và tái đắc cử nhiệm kì thứ 2 vào ngày 25 tháng 7 năm 2011. Ông là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thuộc thế hệ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cũng là Thủ tướng trẻ nhất khi nhậm chức (57 tuổi).
Tiểu sử
Nguyễn Tấn Dũng có quê quán tại Thành phố Cà Mau, thuộc tỉnh Cà Mau. Là con thứ hai trong gia đình, Nguyễn Tấn Dũng còn được gọi với cái tên Ba Dũng. Năm 1961), ông tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm công tác văn thư, liên lạc, cứu thương, y tá, y sĩ. Nguyễn Tấn Dũng sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu đội bậc trưởng (tương đương Trung sĩ), Trung đội bậc trưởng (Chuẩn úy), Đại đội bậc phó (Thiếu úy), Đại đội bậc trưởng (Trung úy) - Đội trưởng Đội phẫu thuật, Đại đội trưởng và Chính trị viên trưởng Đại đội Quân y thuộc Tỉnh đội Rạch Giá. Nguyễn Tấn Dũng gia nhập Đảng Lao động Việt Nam ngày 10 tháng 6 năm 1967, chính thức ngày 10 tháng 3 năm 1968. Cuối năm 1969, nhờ người bạn chiến đấu Phan Trung Kiên, ông thoát chết trong một trận càn quét ở Cà Mau-Kiên Giang.
Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó đang là cấp bậc trung úy, đã chọn ở lại phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau năm 1975, ông lần lượt giữ các chức vụ Thượng úy, Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 207; Đại úy, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Bộ binh 152; Thiếu tá, Trưởng ban cán bộ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.
Từ tháng 10 năm 1981 trở đi, ông phục viên và tham gia công tác chính trị, sinh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam tại địa phương, lần lượt giữ các chức vụ: Tỉnh ủy viên Kiên Giang, Phó Ban Tổ chức cán bộ Tỉnh ủy; Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, Bí thư Huyện ủy Hà Tiên; Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Bí thư Đảng ủy quân sự tỉnh Kiên Giang; Ủy viên Đảng ủy Quân khu 9; Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Từ tháng 1 năm 1995, ông tham gia công tác trong trung ương với các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Nội vụ (1/1995 - 5/1996), Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương. Được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng tại các kỳ Đại hội Đảng CSVN thứ VI (năm 1986) và thứ VII (năm 1991). Được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương và được Bộ Chính trị phân công làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ VIII và là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phụ trách vấn đề tài chính của Đảng CSVN (từ tháng 6/1996 đến tháng 8/1997).
Thủ tướng Dũng và Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tại APEC 2006 tại Hà Nội
Từ tháng 9 năm 1997, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá X (đại biểu khu vực 3 Hải Phòng) và được đề cử và sau đó được Quốc hội thông qua giữ chức Phó Thủ tướng; sau đó Thủ tướng Phan Văn Khải cử giữ chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực và Chủ tịch Hội đồng Tài chính - Tiền tệ của Chính phủ, trong thời gian này ông được nhà nước Lào tặng thưởng Huân Chương Ítxala hạng nhất (huân chương cao quý nhất của Lào). Tháng 5 năm 1998, Quốc hội thông qua cử ông kiêm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chức vụ này ông giữ đến tháng 12 năm 1999 thì bàn giao lại cho ông Lê Đức Thúy.
Tháng 8 năm 2002, ông tiếp tục được đề cử giữ chức vụ Phó Thủ tướng và được Quốc hội khoá XI thông qua.
Ngày 16 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đề cử Nguyễn Tấn Dũng làm người kế nhiệm mình trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI. Ngày 27 tháng 6 năm 2006, Nguyễn Tấn Dũng được Quốc hội bầu làm tân Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 25 tháng 7 năm 2007, Quốc hội khóa XII tiếp tục bầu ông Nguyễn Tấn Dũng giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, với tỷ lệ 96,96% phiếu đồng ý hợp lệ trên tổng số đại biểu.
Ngày 26 tháng 7 năm 2011 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII ông tái đắc cử chức thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông là Thủ tướng trẻ nhất của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam đầu tiên hội kiến Giáo hoàng. Thủ tướng đầu tiên hứa sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng, tuy nhiên hiện nay tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng và phổ biến trong xã hội.
Năm 2010, Việt Nam với vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN được đánh giá là thành công trong hoạt động ngoại giao và kết nối các thành viên được nhiều báo chí đánh giá là nhờ công lớn của ông.
Gia đình
Ông và phu nhân (bà Trần Thanh Kiệm) có ba người con. Con trai cả của ông tên là Nguyễn Thanh Nghị, sinh năm 1976, lấy bằng tiến sĩ ngành kỹ sư công chánh (xây dựng) ở Đại học George Washington ở Washington, được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng ngày 11 tháng 11 năm 2011, người được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI.
Người con kế là con gái, Nguyễn Thanh Phượng tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Đại học quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ (International University in Geneva); tuy nhiên theo thông tin bằng tiếng Việt trên website của Quỹ Đầu tư Bản Việt thi lại ghi là Đại học Geneva là một trường đại học hoàn toàn khác với thứ hạng cao hơn (University of Geneva). Ở tuổi 27, Nguyễn Thanh Phượng đã là Chủ tịch Quỹ Đầu tư Bản Việt, doanh nghiệp với số vốn khoảng 55 triệu đô la Mỹ. Ngày 16 tháng 11 năm 2008, Nguyễn Thanh Phượng thành hôn với Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam, một người trước đây quốc tịch Hoa Kỳ nhưng nay mang quốc tịch Việt Nam.
Con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tên là Nguyễn Minh Triết, học A level tại trường St. Michael College(Mỹ), theo học cử nhân về kỹ sư kỹ thuật hàng không ở Đại học Queen Mary và hiện đang chuẩn bị hoàn tất khóa học thạc sỹ chuyên ngành kỹ sư chế tạo máy. Hiện đang công tác tại Ban thanh niên nông thôn - Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Lời phát biểu của Tổng thống George W. Bush trong một cuộc gặp gỡ tại Hà Nội dịp APEC 2006, BBC cho hay các con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng du học tại Hoa Kỳ và một người đã kết hôn với một người Mỹ gốc Việt.
Tuy nhiên, trong lần đối thoại trực tuyến (tháng 2-2007), ông Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng thông tin này không chính xác: chỉ người con trai của ông (Nguyễn Thanh Nghị) từng làm nghiên cứu sinh và lấy bằng tiến sĩ tại Mỹ, hiện nay đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây Dựng , còn người con gái (Nguyễn Thanh Phượng) lúc đó chưa lập gia đình cũng như chưa từng du học tại Mỹ.
Hoạt động trong nhiệm kỳ
Nguyễn Tấn Dũng có những thành công về mặt đối ngoại. Năm tháng sau khi nhậm chức, ông để lại dấu ấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình với thành công của hội nghị APEC (tháng 11/2006). Tháng 5/2007, tạp chí World Business bình chọn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á.
Trong nhiệm kỳ Thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sau đó là thành viên luân phiên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2008/2009).
Ngày 29 tháng 4 năm 2009, ông ban hành công văn 650/TTg-KTN, chỉ đạo các bộ ban ngành phối hợp triển khai dự án bauxite tại Tây Nguyên.
Trong cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khi lạm phát cả năm của Việt Nam lên cao nhất khu vực (25%), chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua gói kích cầu trị giá tổng cộng 8 tỷ đô la (tương đượng 143.000 tỷ đồng). Về gói kích cầu này ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng, dòng tiền chảy không đến các mục đích như được thông báo, không có khu vực kinh tế nào ở Việt Nam tỏ ra khởi sắc sau gói kích cầu ngoài thị trường chứng khoán và nâng mức thâm hụt ngân sách lên đến 8% so với 5% của năm 2008. Tuy nhiên,theo Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định thì gói kích cầu của Chính phủ đã có tác dụng tốt và kinh tế Việt Nam quý IV năm 2009 được đánh giá là hồi phục và tăng tốc.
Tuy nhiên, sang năm 2010, gói kích cầu đã bộc lộ nhược điểm: bội chi ngân sách đến mức báo động, dự trữ ngoại hối quá thấp, bất ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này dẫn tới lạm phát tăng cao, các chính sách thắt chặt tiền tệ ngay sau đó gây khó khăn kinh tế. IMF và WB phải đề nghị Việt Nam thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô.
Sự kiện
Trong nhiệm kỳ của ông, có những sự kiện như:
Ngoại giao: Việt Nam được vào WTO, tổ chức thành công APEC 2006.
Những vụ tham nhũng: Vụ PMU 18, Đề án 112, vụ hối lộ quan chức Việt Nam của PCI, Vụ tiền Polyme.
Kinh tế: Lạm phát Việt Nam cao nhất khu vực năm 2008, vụ tranh luận về vấn đề độc quyền và quản lý các tập đoàn nhà nước (như Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, vụ Tổng Công ty Quản lý và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) can thiệp vào thị trường chứng khoán, vụ Vinashin vay nợ quá khả năng từ năm 2005, thành lập nhiều công ty con, chỉ sau 4 năm hoạt động đã vay nợ hơn 80.000 tỷ VNĐ. Năm 2011 là năm khó khăn của kinh tế VN, khi lạm phát Việt Nam cao nhất châu Á, hạng nhì thế giới tháng 4 năm 2011 (17.15% so với cùng kỳ).
Chính sách
"Tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí: kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức; không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí phục vụ lợi ích riêng" (Chỉ thị 37).
Từng bước tiến dần đến chính phủ điện tử và công khai hóa các hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, sau sự thất bại của Đề án 112 (Đề án Tin học hóa hành chính nhà nước), tiến trình này đã chậm lại.
Ký hợp đồng với Nga mua các tàu ngầm, máy bay chiến đấu MiG-29 và các loại vũ khí hạng nặng khác về trang bị cho Quân đội Việt Nam.
Chính thức mời Nga hợp tác và giúp đỡ Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với các điều kiện bảo đảm cần thiết.
Các câu nói
"Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay." (Lễ nhậm chức Thủ Tướng)
"Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng - có lẽ làm thủ tướng lâu nhất - có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng". Vì nội dung câu nói này bị nhiều người hiểu nhầm, nên trong phần trả lời chất vấn đại biểu tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Bạch Mai tại Quốc hội vào ngày 24 tháng 11 năm 2010, , ông Nguyễn Tấn Dũng đã giải thích như sau: "Tôi trình bày chất vấn tại kỳ họp sáu là như vậy, nhưng có lẽ diễn đạt chưa đầy đủ. Khi phát hiện sai phạm thì lãnh đạo phải có kiểm tra. Không có kiểm tra không có quản lý. Mà khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý. Nhưng không thể xử lý theo ý muốn cá nhân được mà phải theo quy định của pháp luật, của Đảng, có lý có tình và đúng bản chất sự việc."; "Xin trình bày là không thể, với một vụ việc mà mới nghe một thông tin mà Thủ tướng đã ra quyết định kỷ luật được. Luật không cho phép làm như thế."
"Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở."
"Tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường."
"Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm về Vinashin!"
"Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai." Trả lời về trách nhiệm với vụ Vinashin.
Một số quyết định quan trọng
Có nhiều sự kiện quan trọng xảy ra tại Việt Nam trong (các) nhiệm kỳ của ông. Bao gồm:
Tái cơ cấu Vinashin: khủng hoảng nợ tại Vinashin bùng phát vào tháng 5/2010 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đưa ra quyết định vội vàng tái cơ cấu Vinashin, cơ cấu lại các khoản nợ. Từ đó, có nhiều vấn đề bị phanh phu về quản lý nhà nước đối với tập đoàn kinh tế này. Theo báo cáo, Vinashin nợ hơn 100 nghìn tỷ VND (tương đương 5-6 tỷ USD) với khả năng không thể thanh toán nổi.
Phá giá tiền tệ: trong vòng 14 tháng tính tới 13/2/2011, Việt Nam đã phải phá giá đồng tiền bốn lần. Lần gần nhất, VND bị phá giá 9.3%
Quyết định 97/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ. Trong đó ở điều 2 mục 2 có nhấn mạnh: nếu có ý kiến phản biện về đường lối,chủ trương,chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.
Nghị quyết 11 NQ/Cp thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô gây ra nhiều vấn đề, tác dụng phụ, cho nền kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, ngân hàng khủng hoảng.
Ý kiến chỉ đạo vụ cưỡng chế đất gây tranh cãi tại Tiên Lãng, Hải Phòng.
Ý kiến chỉ đạo vụ tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá giữa Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG).
Thúc đẩy Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện các văn bản pháp quy, đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện nguyên tử đầu tiên khu vực Đông Nam Á tại Ninh Thuận.
0 Comments:
Đăng nhận xét