Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

"Đi chợ" mua vũ khí quân sự Châu Á

Hội chợ vũ khí và hàng không lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang diễn ra tại Singapore năm nay được dự kiến sẽ có nhiều hợp đồng lớn, khi mà ngân sách quốc phòng của nhiều nước trong khu vực đang không ngừng gia tăng.

"Đi chợ" mua khí tài quân sự không phải là hoạt động mới mẻ tại khu vực châu Á. Tuy nhiên Hội chợ vũ khí và hàng không lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang diễn ra tại Singapore năm nay được dự kiến sẽ có nhiều hợp đồng lớn, khi mà ngân sách quốc phòng của nhiều nước trong khu vực đang không ngừng gia tăng.

Châu Á: Thị trường lớn nhất

Tạp chí quốc phòng HIS Jane's mới đây đưa ra dự báo, chi tiêu của khu vực Đông Á cho máy bay quân sự trong năm 2012 sẽ tăng từ 15,9 tỉ USD lên 24,3 tỉ USD năm 2015.

Trong khi đó, chi tiêu cho lực lượng mặt đất và vũ khí trên bờ truyền thống sẽ chỉ tăng từ 11,2 tỉ lên 13,1 tỉ USD. Chi tiêu cho hải quân của khu vực sẽ hầu như giữ nguyên ở mức 12 tỉ USD, nhưng chi tiêu cho tàu ngầm sẽ tăng từ 2,5 tỉ lên 3,1 tỉ USD. Dự báo này bao gồm cả các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

Cũng theo IHS Jane's, trong vòng 3 năm tới, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ vượt tổng chi tiêu của tất cả các nước lớn ở Châu Á cộng lại. Ngân sách quân sự của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi từ 119,8 tỉ USD năm 2011 lên 238,2 tỉ USD năm 2015, tăng 18,75% mỗi năm. "Trung Quốc sẽ đầu tư vào quốc phòng vượt qua cả Nhật Bản và Ấn Độ", Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia của IHS Paul.


Tim Carey, Phó chủ tịch Tập đoàn Raytheon, một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất nước Mỹ nhận định về Thái Bình Dương: "Đó là thị trường lớn nhất của chúng tôi". Các công ty khác như Lockheed Martin và chi nhánh quốc phòng của Boeing đều dự đoán rằng Châu Á Thái Bình Dương sẽ đóng góp khoảng 40% trong nguồn thu quốc tế của họ. Cả hai sẽ kiếm bộn tiền từ nhu cầu máy bay chiến đấu đang gia tăng trong khu vực

Không chỉ có các công ty của Mỹ, Nga năm ngoái cũng bội thu nhờ xuất khẩu vũ khí khi kiếm về hơn 13 tỷ USD. Mặc dù thừa nhận đã mất đi khoảng 4 tỷ USD do "đế chế" Gaddafi sụp đổ tại Libya nhưng xuất khẩu vũ khí trong năm 2011 của Nga vẫn tăng trưởng ở mức cao bởi các đơn đặt hàng mới đến từ các quốc gia châu Á đặc biệt là Ấn Độ.

Theo giới phân tích, sự nổi lên của Trung Quốc đã khiến nhiều không thể đứng nhìn. Andrew Davies, Giám đốc Chương trình thuộc Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Australia cho biết: "Không như tình hình Ấn Độ - Pakistan hay bán đảo Triều Tiên, không gian tranh chấp nhau ở Châu Á là không gian biển, đặc biệt là biển Đông".

Chính bởi đặc thù là những cuộc tranh chấp trên biển nên xu hướng đầu tư vào khí tài quân sự của các quốc gia châu Á Thái Bình Dương cũng đang có những thay đổi sâu sắc.

Theo giới phân tích, từ các loại vũ khí mặt đất truyền thống như xe tăng hay súng sang máy bay phản lực, máy bay tuần tra biển, radar và tàu ngầm, các quốc gia ven biển của Châu Á giờ đây ít quan tâm đến sự cạnh tranh với láng giềng hơn, mà tập trung nhiều hơn đến nhu cầu triển khai lực lượng ra khơi xa.

Tim Carey của Raytheon dự đoán, trong 3 đến 5 năm tới, trong số đơn hàng đặt 1.000 máy bay tuần tra trên biển của thế giới thì đơn đặt hàng khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ chiếm khoảng 100 chiếc. "Tại khu vực này, giám sát trên biển đang được hầu như tất cả các chính phủ quan tâm"

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng sẽ tăng chi tiêu quốc phòng với khoảng 100 tỉ USD mua vũ khí trong thập kỷ tới, trong đó một phần quan trọng là phòng không và hải quân. Theo chuyên gia Davies của Australia, cả Trung Quốc và Ấn Độ đang chuyển từ quân đội dựa trên mặt đất tầm ngắn sang các lực lượng mang tính chiến lược hơn, cả hai đều có tham vọng sở hữu lực lượng hải quân toàn cầu, tham vọng tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay.

Càng bất ổn càng nhiều cơ hội

Không chỉ là các đơn đặt hàng "khủng", hàng loạt các cuộc tập trận trên quy mô lớn sẽ diễn ra trong những tháng đầu năm 2012 cũng làm cho tình hình khu vực thêm "nóng" hơn.

Ngày 16/2, Seoul cho biết từ ngày 20 đến 24/2, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tập trận phối hợp chống tàu ngầm của Triều Tiên. Theo Yonhap, cuộc tập trận sẽ diễn ra trên biển Hoàng Hải, gần vùng biển hai miền Triều Tiên tranh chấp. Chính quyền Seoul tiết lộ sẽ có sự tham gia của hai tàu khu trục 7.600 tấn Aegis của Mỹ và một tàu "Yulgok Yi I" của Hàn Quốc cùng khoảng 20 tàu chiến các loại, máy bay trực thăng Lynx và máy bay do thám chống tàu ngầm P3-C. Báo JoongAng Ilbo dẫn lời một quan chức quân đội mô tả đây là "cuộc tập trận có quy mô lớn nhất từ trước đến nay" của Mỹ và Hàn Quốc.

Cũng theo Yonhap, ngay sau cuộc tập trận này, từ ngày 27/2 Mỹ và Hàn Quốc lại tiếp tục cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính Key Resolve thường niên kéo dài đến ngày 9/3. Cùng lúc, cuộc tập huấn thao trường phối hợp giữa hải quân, bộ binh và không quân mang tên "Đại bàng non" sẽ diễn ra từ ngày 1/3 đến 30/4/2012.

Ngoài Hàn Quốc Philippine, một đồng minh của Mỹ từng vài lần va chạm với Trung Quốc vì tranh chấp trên Biển Đông tỏ ra rất hoan nghênh động thái của Mỹ khi nước này có ý định sẽ đưa tàu chiến vào tuần tra Singarpore và Philippine: "Chúng tôi đang đối mặt với các thách thức an ninh chung", phát ngôn viên quốc phòng Philippines, Peter Paul Galvez cho biết.

Mặc cho những lời giải thích "mua sắm khí tài mới để tự vệ", thông qua việc chi tiêu cho quốc phòng, các nước tại khu vực châu Á đang làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Ai cũng hiểu "trò chơi súng đạn" sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp, nhưng thật khó lòng để không tham gia vào cuộc chơi đó khi châu Á đang "nóng ran" như trên chảo lửa.

Tuy nhiên, đối với lái súng quốc tế, càng bất ổn càng nhiều cơ hội.

0 Comments:

Đăng nhận xét