Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng: BCĐ Tây Nguyên cần tập trung phát triển KT-XH


Sáng 17/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo (17/7/2002 – 17/7/2012) và biểu dương cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, người có công.
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương;… tham dự lễ kỷ niệm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong 10 năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của đồng bào các dân tộc, của đội ngũ trí thức, các giai tầng xã hội trong vùng và sự góp sức của cả nước, Tây Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Vùng đã xây dựng được khối đại đoàn kết các dân tộc và giữ vững sự ổn định về chính trị xã hội; ngăn chặn được âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phá tan tổ chức FULRO, làm thất bại âm mưu thành lập “Nhà nước Đềga”.
Từ một cơ cấu lạc hậu và thiếu cân đối, kinh tế Tây Nguyên hiện nay đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả với mức tăng trưởng bình quân đạt gần 12%/năm; chênh lệch thu nhập quốc dân bình quân đầu người so với cả nước thu hẹp nhanh. Hạ tầng kinh tế xã hội Tây Nguyên được tập trung đầu tư và đã có phát triển đáng kể. Văn hoá, xã hội được đặc biệt quan tâm và có chuyển biến rõ nét. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã đạt bước tiến triển mới; hơn một nửa số buôn làng từ nghèo đói đã đạt mức sống trung bình và khá, nhiều hộ gia đình đã giàu có, trở thành mô hình sáng về phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ ngày  đầu thành lập với  gần 20 thành viên, nhiều thành viên kiêm nhiệm, đến nay Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã được tăng cường về đội ngũ, kiện toàn về tổ chức, về chức năng nhiệm vụ và mở rộng về phạm vi hoạt  động với một Cơ quan Thường trực giúp việc trên 50 người. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên ngay từ những ngày đầu thành lập đã chủ động phối hợp cùng các Bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, chú trọng công tác dân tộc, tôn giáo và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn;…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cần coi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào là ưu tiên hàng đầu. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cần coi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào là ưu tiên hàng đầu. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ban Chỉ đạo cũng tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo tại chỗ… Nhiều đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù đã góp phần quan trọng và quyết định trong việc ổn định và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.
Về lại Tây Nguyên dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo, với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng gắn bó trực tiếp một thời đầy biến động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của vùng Tây Nguyên trong 10 năm qua và sự trưởng thành nhanh chóng của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cái được lớn lao ở Tây Nguyên không chỉ là sự phát triển từng ngày của vùng, là sự trưởng thành theo năm tháng của Ban Chỉ đạo mà quan trọng hơn là đã tạo dựng được khối đại đoàn kết các dân tộc, hội tụ sức mạnh tinh thần to lớn, tiếp nối được truyền thống đoàn kết đấu tranh cách mạng kiên cường của đồng bào các dân tộc; cùng với đó, lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước đã được phát huy, đã được nhân lên và trở thành cội nguồn của mọi thành công và thắng lợi.
Thủ tướng và tập thể Chính phủ sẽ tiếp tục cùng các đồng chí, đồng bào xử lý kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, giúp cho Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những thành tựu đạt được là rất đáng vui mừng và Tây Nguyên đang đứng trước một tương lai đầy triển vọng nhưng thực tế hiện nay, Tây Nguyên vẫn còn là một vùng nghèo, phát triển chưa tương xứng với tiền năng và lợi thế của vùng. Hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đồng bộ; đời sống của một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn;…
Để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững, sớm giàu về kinh tế, cải thiện nhanh về đời sống, vững chắc về quốc phòng – an ninh cần phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; vừa phát huy ý chí tự lực tự cường, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự đầu tư tương xứng của Nhà nước về chính sách, nguồn lực và sự liên kết, hỗ trợ kịp thời của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Đặc biệt Tây Nguyên phải thực hiện thật tốt trên thực tế chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
Kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên

Đồng thời, để Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục đảm đương được nhiệm vụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần tiếp tục củng cố và phải phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo; tích cực chỉ đạo, phối hợp triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các công việc trên địa bàn Tây Nguyên, trong đó coi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào là ưu tiên hàng đầu.
Thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, đôn đốc và nêu cao vai trò giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; đồng thời, chủ động theo dõi diễn biến tình hình, cập nhật thông tin, nghiên cứu, đề xuất với Đảng và Chính phủ các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế cũng như khắc phục các hạn chế, yếu kém trên địa bàn. Tích cực tham gia, phối hợp các lực lượng, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tham mưu, xử lý kịp thời những tình huống đột xuất về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố tiếp giáp Tây Nguyên nỗ lực hơn nữa, tập trung nâng cao đời sống văn hoá, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội; sớm đưa nông thôn Tây Nguyên và các huyện tiếp giáp Tây Nguyên thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng biểu dương những cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và người có công đã phát huy ý chí tự lực tự cường, xây dựng buôn làng vững mạnh, vượt qua nghèo nàn, biết vươn lên làm giàu, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài nguyên môi trường. Biểu dương các đại biểu tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, góp phần làm tốt hơn nữa vài trò trách nhiệm của mình đối với xã hội, Thủ tướng khẳng định Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm và xác định tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của bộ phận quần chúng nhân dân; coi đồng bào các tôn giáo là một bộ phận máu thịt trong khối đại đoàn kết dân tộc.

TT Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo quyết liệt bảo vệ rừng ở Tây Nguyên


Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên quyết liệt tập trung ngăn chặn nạn phá rừng.

Chiều 17/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm nay vùng Tây Nguyên vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh với mức tăng trưởng GDP bình quân 12,8%; xuất khẩu tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái; đào tạo nghề cho 16.000 người và giải quyết việc làm trên 52.000 lao động.

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của vùng Tây Nguyên trong những năm qua
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của vùng Tây Nguyên trong những năm qua

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đang tích cực xây dựng một số đề án quan trọng để tập trung chỉ đạo liên quan đến phát triển giao thông vận tải vùng Tây Nguyên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; đánh giá về quy hoạch phát triển thủy điện; cơ chế, chính sách khôi phục và quản lý rừng bền vững; hỗ trợ tín dụng, thu mua để phát triển bền vững cà phê cũng như tập trung giải quyết vấn đề “Hà Mòn”…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của vùng Tây Nguyên trong 10 năm qua đã phát triển nhanh và toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên Tây Nguyên vẫn còn là vùng nghèo và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Toàn vùng hiện còn tới 21% tỷ lệ hộ nghèo, trong đồng bào dân tộc tỷ lệ hộ nghèo bình quân lên tới 40%…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên quyết liệt tập trung ngăn chặn nạn phá rừng gắn với tiến hành quy hoạch lại rõ và phù hợp diện tích từng loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng kinh tế để quản lý đầu tư và sản xuất hiệu quả; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù và phương án cụ thể để Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất cà phê lớn nhất cả nước, đồng thời phát triển chế biến và thị trường tiêu thụ; tính toán mở rộng diện tích trồng cây cao su nhằm nâng cao thu nhập ổn định cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các tỉnh vùng Tây Nguyên kiểm tra các dự án thủy điện trên địa bàn phải đảm bảo thực hiện đúng công tác tái định cư; đảm bảo môi trường liên quan đến trồng lại rừng, quy trình vận hành hồ chứa và quản lý chặt chất lượng, an toàn hồ đập. Ban Chỉ đạo Tây nguyên tính toán chính sách và cách thức để giải quyết vấn đề di dân tự do.

Thủ tướng giao Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính ngay trong tháng tới báo cáo nguồn vốn để tập trung đầu tư các công trình giao thông huyết mạch của vùng Tây Nguyên, nhất là dồn sức nâng cấp ngay đường 14.

Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo các tỉnh trong khu vực lên phương án và chính sách để tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt bằng hành động, dự án và cách làm cụ thể nhằm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vũng mạnh, nhất là tại buôn làng gắn với thực hiện tốt trên thực tế chính sách dân tộc, tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương đã định hướng giải quyết một số đề xuất, kiến nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh trong vùng liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH vùng Tây Nguyên đến năm 2020; xây dựng bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù; nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, thủy lợi…

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk.