Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một vài suy nghĩ về căn bệnh nan y của giáo dục


Gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một vài suy nghĩ về căn bệnh nan y của giáo dục

* Một thành tích không thể ngờ (trên 97%) học sinh tốt nghiệp THPT. khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2012 tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Vui vì nhiều học sinh có được tấm bằng tốt nghiệp, từ đó có thể giúp các em tiếp tục con đường học vấn cao hơn hoặc chí ít các em cũng có thể đi học nghề để tạo dựng cuộc sống cho mình. Buồn là vì chất lượng phản ánh chưa đúng sự thật, có nhiều hiện tượng gian lận trong thi cử chưa chứng tỏ được ngành giáo dục nước nhà có bước phát triển vững chắc. Cùng với tỉ lệ tốt nghiệp cao chưa từng có như vậy, Tôi cũng đặt dấu hỏi đến các ngành chức năng, quan trọng nhất là Bộ Giáo dục- đào tạo, và cả năng lực học tập của học sinh về kiến thức: nó có đáp ứng như kết quả hiện tại đã đạt được hay không? Chắc có lẽ cũng có nhiều thông tin trái ngược nhau về vấn đề này.
Những tiêu cực trong phòng thi không dễ phanh phui. Và sự việc ở Bắc Giang có lẽ là đỉnh điểm bức xúc tiêu cực trong khâu coi thi khi chính thí sinh chọn cách làm đầy rủi ro cho bản thân để phơi bày chuyện gian lận, dối trá bên trong phòng thi. Những tiêu cực dạng này cũng râm ran từ hàng chục năm và ở nhiều địa phương nhưng chưa có một giải pháp phòng chống hiệu quả.
* Mới đây thôi, Thanh tra Chính phủ vừa phát hiện một vụ bê bối trong đào tạo và cấp bằng vào lọai lớn nhất từ trước đến nay, kiến nghị không công nhận 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cấp và bằng thạc sĩ do Đại học Kinh tế cấp. Một vụ việc rúng động dư luận.
Gian lận thi cử còn bởi “căn bệnh” sính bằng cấp đang hoành hành. Bằng cấp dường như là “tấm vé” để người ta đi suốt đoạn đường còn lại của cuộc đời nên ai cũng phải cố cho có. Một thực tế khác rất phổ biến trong xã hội bây giờ đó là mọi người Việt Nam đều thích bằng cấp. Nhà nhà người người chạy đua nhau cái danh hão, họ tập trung vào những tấm bằng giấy chứ không phải là những kiến thức vàng, những giá trị học tập chân chính. Thật đáng buồn khi phải nói lên điều này, bởi chính bản thân tôi và không ít người cảm thấy nhỏ bé khi không thể nói lên những gì mình chứng kiến, những gì vẫn âm thầm xảy ra. Bởi sao? bởi vì chính những người như thế đang bị chính cái dòng chảy vô hình đó cuốn đi không tiếc nuối. Một xã hội như vậy thì bao giờ mới hết cái thời đại chạy theo bằng cấp đây?

Chữa tận gốc

Gian lận, quay cóp, đào tạo chui, mua bằng…là những hành vi lệch chuẩn nhưng đã trở thành phổ biến và trở nên bình thường này không chỉ làm hỏng một hay nhiều kỳ thi mà còn làm hư mỗi con người và nhiều thế hệ, khiến nhiều người lo ngại gọi nó là quốc nạn. Vậy nên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cần có những giải quyết để chữa trị quốc nạn này, cũng là để chữa trị tận gốc những căn bệnh nan y của giáo dục, không thể chỉ bằng những cải cách nửa vời, chắp vá, thiếu nhất quán hay những giải pháp tình thế, cục bộ, bề nổi.