Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Phiên họp đầu tiên của Hội nghị An ninh hạt nhân 2012 bắt đầu

Phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân Seoul 2012 đã bắt đầu vào sáng nay, 27/3.

Sáng ngày 27/3, phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân Seoul 2012 đã bắt đầu với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện từ hơn 50 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012

Các nhà lãnh đạo và đại diện từ hơn 50 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế đã tới Seoul tham dự Hội nghị An ninh Hạt nhân.

Các đại biểu sẽ thảo luận về việc ứng phó với khủng bố hạt nhân, bảo vệ vật liệu hạt nhân và các cơ sở cũng như công tác phòng chống buôn bán bất hợp pháp nguyên liệu hạt nhân.

Khi đưa ra một phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nhấn mạnh sự cần thiết của phối hợp quốc tế chặt chẽ để tăng cường an ninh hạt nhân toàn cầu.

"Tôi hy vọng hội nghị thượng đỉnh Seoul, xây dựng dựa trên các thành tựu đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Washington, để có một bước xa hơn trong việc tạo ra một sự đồng thuận và kế hoạch hành động" – Tổng thống Lee cho biết.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Toàn cảnh phiên họp.

Với con số 1.600 tấn uranium làm giàu cao và 500 tấn plutonium có khả năng sản xuất 126.500 vũ khí hạt nhân đang được chứa trên toàn thế giới, ông Lee cho biết việc giảm thiểu và sau này là loại bỏ vật liệu hạt nhân là một giải pháp cơ bản để ngăn ngừa khủng bố hạt nhân.

Ông Lee nói thêm rằng, đó là nghĩa vụ của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm duy trì hòa bình và an ninh cho toàn nhân loại. Vì vậy, họ phải thực hiện tất cả các biện pháp để ngăn chặn những kẻ khủng bố có được nguyên liệu hạt nhân.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho hay: "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu không một quốc gia nào có thể làm điều này một mình và mục tiêu sẽ chỉ được thực hiện khi chúng ta hành động như một cộng đồng quốc tế.

"Chúng tôi đã làm những gì ở Washington và những gì  ở Seoul sẽ là một phần trong nỗ lực toàn cầu được đưa ra nhằm làm giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân, theo đuổi mục đích hoà bình của công nghệ hạt nhân" - Obama cho biết.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Phiên họp sẽ được tổ chức trong hai tiếng rưỡi đồng hồ.

Phiên họp sẽ được tổ chức trong hai tiếng rưỡi đồng hồ. Sau đó, các nhà lãnh đạo sẽ có một bữa ăn trưa và một phiên họp toàn thể khác, trước khi Tổng thống Hàn Quốc tổ chức họp báo nêu bật những thành tựu của hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Các nhà báo đang theo dõi phiên họp Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2012.

Thông cáo Seoul, được công bố vào ngày 27/3, dự kiến sẽ tái khẳng định cam kết quốc tế về giảm thiểu việc sử dụng uranium làm giàu cao và plutonium cũng như mở rộng các cuộc thảo luận về an toàn hạt nhân trong bối cảnh an ninh hạt nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết sau thảm họa sóng thần gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản.

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Trung Quốc bất tín trong quan hệ với Việt Nam

Ngang nhiên bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa nước ta là những hành động không hề mới của Trung Quốc. Chỉ có điều nó được các cơ quan chức năng của Trung Quốc lặp đi lặp lại với tần suất ngày một nhiều hơn. Điều đó không chỉ chứng tỏ sự coi thường luật pháp quốc tế, sự vô nhân đạo mà quan trọng hơn đó là sự bất tín của họ trong quan hệ Việt – Trung.

Bắt tàu cá Việt Nam bất chấp luật pháp và đạo lý


Trước sự việc Trung Quốc bắt và hiện đang giam giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 66101TS và QNg 66074TS. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã nêu rõ: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của nước ta. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này, yêu cầu Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân, tàu cá nói trên. Chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.”

Tàu cá và ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam. Còn nhớ, trước đó tròn 1 tháng (ngày 22/2), 11 ngư dân của ta trên tàu cá QNg 90281TS cũng của tỉnh Quảng Ngãi đã bị phía Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp, ngăn cản không cho vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tránh gió, đánh đập, lục soát lấy tài sản. Trước sự việc đó, hôm 29/2, Người phát ngôn Lương Thanh Nghị đã khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc hai quần đảo này là việc làm bình thường từ bao đời nay và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.” Đồng thời nhấn mạnh: Hành động dùng vũ lực uy hiếp, đánh đập, lục soát lấy tài sản của ngư dân ta của phía Trung Quốc “đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).”

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Ngang nhiên lặp lại hành vi bắt và đánh đập tàu cá Việt Nam


Những hành động như kể trên của phía Trung Quốc không có gì là mới, chỉ có điều nó được các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc lặp đi lặp lại với tần suất ngày một nhiều, ngang nhiên hơn. Điều đó không chỉ chứng tỏ sự coi thường luật pháp quốc tế, sự vô nhân đạo mà quan trọng hơn đó là sự bất tín của họ trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

Không những thế, ngày 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn lớn tiếng cho rằng: Việc các ngư dân Việt Nam bị bắt là do đã xâm phạm chủ quyền và lãnh hải của Trung Quốc, vì thế phản ứng của Trung Quốc là hợp lý và đúng luật. Vờ lên mặt đạo đức khi nhắc nhở, Việt Nam nên quản lý và giáo dục ngư dân của mình, đừng để họ xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải Trung Quốc nữa. Hoà theo giọng điệu đó, một số cơ quan truyền thông của Trung Quốc đăng tải ý kiến của một vài chuyên gia Trung Quốc cho rằng đây chỉ là hành động cảnh cáo với những ai có ý định xâm phạm lãnh hải của họ. Những lý lẽ họ đưa ra cho thấy sự cố tình bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những chứng cứ lịch sử luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa đã tồn tại từ bao đời nay, bất chấp cả đạo lý khi giở trò bắt bớ, đánh đập các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá ngay trong vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung Quốc: Lời nói không đi đôi với việc làm


Theo luật pháp quốc tế thì Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được thế giới công nhận là của Trung Quốc. Một trong những chứng cứ minh chứng cho điều này là tại Hội nghị San Francisco năm 1951  đa số nước tham dự hội nghị bỏ phiếu không chấp nhận giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Một năm sau, trong Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật cũng đã nhấn mạnh việc không thừa nhận hai quần đảo trên là của Trung Quốc.

Cho tới năm 1974 Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa khi đó đang được quản lý bởi chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đến năm 1988 lại dùng vũ lực đánh chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa thuộc quyền quản lý hợp pháp của Việt Nam. Những hành động trên được coi là sự cưỡng chiếm bất hợp pháp hay nói cho đúng là hành động xâm lược một cách trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế. Nay, họ lại muốn tuyên bố chủ quyền và mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là điều không thể được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Bởi, theo Luật quốc tế cụ thể là theo UNCLOS 1982 thì tuyên bố như thế sẽ chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Lễ ký kết thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc (trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào 10/2011)

Mà đã là vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, đương nhiên ngư dân của Việt Nam có quyền đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản và các hoạt động kinh tế khác. Vì sao Trung Quốc lại trắng trợn có hành vi bắt bớ, đánh đập, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu xét về luật pháp quốc tế là đây là hành vi sai trái, Trung Quốc đã không từ một thủ đoạn nào kể cả bắt giữ, đánh đập, lục soát lấy tài sản của những ngư dân Việt Nam bình thường – những con người chỉ quanh năm biết làm bạn với biển cả của Tổ quốc, lấy con tàu làm nhà, chứ không hề biết đến súng đạn, thù hận. Trung Quốc cố tình làm thế với mục đích khiến cộng đồng quốc tế hiểu sai về vùng đặc quyền kinh tế nằm trong sự quản lý của Việt Nam. Hành vi ấy chứng tỏ ý đồ cướp đất của phía Trung Quốc là quá rõ ràng. Nó không hề phù hợp với hành vi của một cường quốc, với xu thế của cộng đồng quốc tế hiện nay khi giải quyết các vấn đề trên biển bằng hoà bình. Có lẽ cũng vì thế mà họ đã buộc phải bội tín với phương châm “16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt” mà chính họ hay rao giảng. Cách đây chưa đầy 6 tháng, ngày 11/10, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao Đảng ta tới Trung Quốc, họ đã cùng với chúng ta ký “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước” làm kim chỉ nam cho việc giải quyết những tồn tại về các vấn đề trên biển.

Đối với Trung Quốc thì lời nói không hoặc chưa bao giờ đi đôi với việc làm. Cách hành xử của họ không thể được coi là cách hành xử của một “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Tin rằng, cộng đồng quốc tế sẽ tự tìm cho mình câu trả lời thông qua hành xử kiểu “vừa ăn cướp, vừa la làng” của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây. Còn về phía Việt Nam, kết hợp với sự đấu tranh cương quyết đúng về lý, hợp về tình, chúng ta sẽ tìm được tiếng nói chung với cộng đồng quốc tế, với những người có lương tri. Hành vi bất chấp đạo lý và luật pháp của Trung Quốc trước sau sẽ bị lên án bởi công luận, cộng đồng quốc tế.

Bạch Dương

Việt Nam - Hàn Quốc tăng cường hợp tác an ninh hạt nhân

Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu Việt Nam tới Seun dự Hội nghị cấp cao An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc từ ngày 26 đến 27 – 29/3.

Tham gia Đoàn chính thức có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ; lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an và lãnh đạo một số địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong cuộc gặp tại Nhà Xanh (dinh tổng thống Hàn Quốc) tại Seoul ngày 30/5/2009.

Việt Nam sử dụng năng lượng hạt nhân vì hoà bình


Chuyến thăm lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm khẳng định chính sách nhất quán của nước ta về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Nêu bật những nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện sau Hội nghị cấp cao An ninh hạt nhân lần thứ nhất về   bảo đảm an ninh và an toàn hạt nhân. Đồng thời, tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước. Khẳng định chính sách nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta coi trọng và muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai tại Hàn quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp hơn liên quan đến an ninh, an toàn hạt nhân, trong đó có sự cố hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản.

Với sự tham dự của trên 50 nước, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai sẽ là cơ hội để các nước cùng nhìn lại những nỗ lực triển khai các cam kết, khuyến nghị đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất. Đồng thời thảo luận những biện pháp tăng cường an ninh, an toàn hạt nhân trong tình hình mới. Là diễn đàn để các nước duy trì, củng cố ý chí chính trị, thúc đẩy sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, thảo luận về cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân.

Việt Nam xác định bảo đảm an toàn năng lượng hạt nhân


Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Hàn Quốc một lần nữa khẳng định với thế giới: chính sách nhất quán của Việt Nam trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, thể hiện rõ Việt Nam là thành viên trách nhiệm, chủ động và tích cực đóng góp vào nỗ lực giải quyết một vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 2 sẽ có một thông cáo thể hiện quyết tâm chung ứng phó với mối đe dọa khủng bố hạt nhân, khẳng định vài trò của IAEA (cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế), đề cao nhu cầu hợp tác và hỗ trợ quốc tế cũng như khẳng định quyền của các quốc gia phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Năm 2015, đưa kim ngạch thương mại 2 chiều Việt– Hàn lên 20 tỷ USD


Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Hàn Quốc. Đây là lần thứ 3, Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc và là sự kiện chính trị lớn đầu tiên trong năm hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc 2012, kỷ niệm 20 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhằm thắt chặt tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc, nhất là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, giáo dục đào tạo, lao động…

Liên tục trong nhiều năm qua, Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên tới trên 23 tỷ USD. Và Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng của Hàn Quốc.

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, nhất là quyết tâm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc lên 20 tỷ USD vào năm 2015.

Bạch Dương

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Báo Trung Quốc đăng ảnh đảo An Bang, Trường Sa của Việt Nam

Một số hình ảnh ghi lại cảnh hoạt động, sinh hoạt trên đảo An Bang, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam đã được các trang web và diễn đàn quân sự của Trung Quốc đăng tải trong ngày 21/3/2012. Đây là những hình ảnh được báo chí Trung Quốc tổng hợp từ những diễn đàn thảo luận trên internet ở Việt Nam.








Việt Nam - Séc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn Séc hỗ trợ Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời khẳng định quan điểm của Việt Nam ủng hộ Séc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN.

Doanh nghiệp Séc muốn tìm cợ hội đầu tư tại Việt Nam

Ngày 22/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg.

Đánh giá cao chuyến thăm làm việc tại Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg.  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kết quả chuyến thăm sẽ đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là cùng với Séc tìm mọi cách để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.

Đồng thời Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Séc hỗ trợ Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Liên minh châu Âu (EU); tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt đang học tập, làm việc tại Séc có cuộc sống ổn định, phát triển, cũng như tăng chỉ tiêu học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tập tại Séc; đồng thời khẳng định quan điểm của Việt Nam ủng hộ Séc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg cho rằng, cộng đồng đông đảo người Việt đang sinh sống tại Séc là cầu nối hữu nghị quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Các doanh nghiệp của Séc luôn coi trọng và muốn tìm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Khẳng định, Séc sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Séc có cuộc sống ổn định, và ủng hộ Việt Nam trong tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước EU.

Việt Nam là thị trường chủ chốt về Ngoại thương của Séc

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Karel Schwarzenberg

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Karel Schwarzenberg.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không Việt Nam - Séc
Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Séc đầu tư và làm ăn ở Việt Nam. Và luôn ủng hộ, thúc đẩy mối quan hệ của Cộng hoà Séc cũng như các nước Liên minh châu Âu (EU) với các nước ASEAN, Ðông – Nam Á và các nước châu Á nói chung.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Karel Schwarzenberg khẳng định: Chính phủ Séc luôn chú trọng quan hệ với Việt Nam, đặt Việt Nam là một trong 12 thị trường chủ chốt và ưu tiên về ngoại thương của Séc trong giai đoạn 2011-2015; cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, thúc đẩy EU sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU…

Sau hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hoà Séc đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không Việt Nam – Séc.

Bạch Dương

Đề xuất tăng an ninh biển của Việt Nam được đánh giá cao

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã trình bày tham luận có tiêu đề “Tăng cường hợp tác nhằm đối phó với các thách thức an ninh biển,” tại Diễn đàn Đối thoại Quốc phòng Quốc tế Jakarta lần thứ hai (JIDD II), với chủ đề tăng cường an ninh và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, đã diễn ra trong các ngày từ 21-23/3 tại Jakarta.

Đề xuất tăng an ninh biển của Việt Nam được đánh giá cao
Tuần tra ven biển trên đảo Trường Sa. (Ảnh: Hoàng Tùng/TTXVN)

Trong tham luận nhấn mạnh an ninh biển đang nổi lên là một trong những thách thức mang tính toàn cầu đáng lo ngại trong thế kỷ 21, bởi nó liên quan đến quyền chủ quyền, quyền tài phán và chủ quyền biển.
Các bất đồng, tranh chấp liên quan đến an ninh biển, trong đó có Biển Đông, gây ra những ảnh hưởng toàn diện về chính trị, kinh tế, chiến lược, địa chính trị và cả văn hóa, đòi hỏi giải quyết phải có sự hợp tác và thiện chí hợp tác ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Liên quan vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, các đại biểu tham dự JIDD II đã chia sẻ quan điểm với trình bày của Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, cho rằng đây là khu vực rất quan trọng về giao thông biển, cần được đảm bảo tự do và an ninh hàng hải, và giải quyết thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở tôn trọng Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc (UNCLOS 1982).

Các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng đánh giá cao các giải pháp cơ bản cho vấn đề Biển Đông của đoàn Việt Nam, trên cơ sở coi tranh chấp tại đây là thách thức song cũng là cơ hội cho hợp tác, nhất là cần tuân thủ nghiêm chỉnh và thực hiện đầy đủ UNCLOS 1982; tăng cường đối thoại và xây dựng lòng tin trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước, củng cố các cơ chế đối thoại như Diễn đàn ASEAN (ARF), Diễn đàn Đông Á (EAS), Đối thoại Shangrila, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM mở rộng (ADMM +).

Diễn đàn năm nay do Bộ Quốc phòng Indonesia và Đại học Quốc phòng Indonesia tổ chức tập trung trao đổi về các vấn đề như quan điểm quốc gia và khu vực về những hoạt động quân sự khác ngoài chiến tranh (MOOTW); quan điểm quốc gia, khu vực và toàn cầu về mối đe dọa an ninh phi truyền thống liên quan MOOTW…/.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Triều Tiên đe dọa Hàn Quốc trước hội nghị hạt nhân

Triều Tiên đe dọa về hậu quả thảm khốc nếu như các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Seoul vào tuần tới đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.


Bất cứ tuyên bố nào được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Seoul cũng được coi là một tuyên bố chiến tranh.

Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân diễn ra vào ngày 26-27 tháng 3, với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo thế giới, sẽ tập trung vào vấn đề đẩy lùi khủng bố hạt nhân. Tuy nhiên, chương trình nguyên tử của Triều Tiên và tuyên bố về kế hoạch phóng tên lửa của nước này sẽ được thảo luận sâu tại các cuộc họp bên lề.

Triều Tiên cho rằng hội nghị hạt nhân – sự kiện ngoại giao lớn nhất từ trước tới nay tại Hàn Quốc – là một “trò hề nhạt nhẽo” nhằm mục đích biện minh cho một cuộc tấn công nguyên tử do Hàn Quốc và Mỹ tiến hành.

“Đó là một nỗ lực nực cười và một mưu đồ không thể tha thứ được của Lee Myung Bak”-Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm qua tuyên bố.

“Bất kỳ hành động khiêu khích cũng sẽ được coi là một tuyên bố chiến tranh chống lại chúng tôi và hậu quả của nó sẽ tạo ra những trở ngại để đàm phán về một vùng phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.”-KCNA nói thêm.

KCNA cũng nói rằng chính quyền của ông Lee Myung-bak đang cố gắng “biến một sự kiện thế giới thành một nơi đối đầu với Triều Tiên, giành lợi thế với tư cách là chủ nhà. Đồng thời KCNA cũng nhắc lại cái được gọi là “vấn đề hạt nhân Triều Tiên” không tồn tại. Không có bằng chứng nào được đưa ra.”

Hầu như ngày nào truyền thông Triều Tiên cũng đưa ra các bài báo và các bài bình luận lên án hội nghị thượng đỉnh hạt nhân kể từ đầu tháng này, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Triều Tiên đe doạ chiến tranh với các nước tham dự.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Triều Tiên thất vọng khi Trung Quốc và Nga cũng tham gia hội nghị vì thế truyền thông nước này đã cố gắng tăng cường hăm dọa”. Nhưng Seoul “sẽ không đáp lại tất cả các tuyên bố từ họ”, ông nói thêm.

Sầm Hoa (Theo Chosunilbo/Bangkokpost)

Việt Nam phản đối Trung Quốc bắt tàu cá, đòi tiền chuộc

“Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”

-> ĐỌC: Bộ Ngoại giao phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Phản đối Trung Quốc bắt tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ như vậy, trước sự việc Trung Quốc đã bắt và hiện đang giam giữ  21 ngư dân cùng hai tàu cá của Việt Nam mang số hiệu Quảng Ngãi, QNg 66074 TS; QNg 66101 TS. Do ông Trần Hiền và Lê Vinh làm  thuyền trưởng, khi đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa ngày 3/3.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị.

Những người này chủ yếu là dân xã An Vĩnh, Lý Sơn, hiện đang bị giữ trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Trong thời gian các ngư dân này bị giam giữ thì phía Trung Quốc đã gọi điện cho gia đình họ đòi tiền chuộc. Với số tiến là 70.000 nhân dân tệ, tức khoảng 11.000 đôla Mỹ.
Đề cập tới vấn đề này, chiều 21/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Yêu cầu nước này thả ngay và vô điều kiện các ngư dân, tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam”. Về phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam để “giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân”.
Đánh đập ngư dân

Theo báo Sài Gòn Tiếp thị dẫn nguồn từ Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn ngày 27/2 vừa qua, hai tàu cá mang số hiệu QNg 96197 TS; QNg 96103 TS với 31 thuyền viên của Lý Sơn khi hoạt động trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã bị phía Trung Quốc đập phá tài sản, cản trở không cho đánh bắt. Trước đó, ngày 22/2, 11 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trên tàu cá Qng 90281 TS khi đi vào quần đảo Hoàng Sa để tránh gió đã bị Trung Quốc dùng vũ lực ngăn cản, đánh đập, lục soát và tịch thu tài sản.
Sau đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đến Toà đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội phản đối và yêu cầu nước này bồi thường cho ngư dân. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có hành động bồi thường cho ngư dân Việt Nam.

Mộc Lan -  nguồn: http://thutuongnguyentandung.net/viet-nam-phan-doi-trung-quoc-bat-tau-ca-doi-tien-chuoc.html

Tăng sĩ ở Trường Sa - những cột mốc tín ngưỡng và văn hóa

Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn sẽ đón tăng sĩ từ đất liền ra tiếp quản các ngôi chùa vừa xây xong.

Từ đây, trên quần đảo Trường Sa, ngoài những ngôi trường vang tiếng trẻ thơ, còn có những ngôi chùa với câu kinh lời kệ, nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tôn giáo cho cán bộ, chiến sĩ và người dân.

Tăng sĩ ở Trường Sa - những cột mốc tín ngưỡng và văn hóa

Những người khoác áo cà sa ra Trường Sa không phải chỉ tìm cho mình một nơi để tu tập, một cộng đồng để hành đạo, mà lựa chọn một vùng biển đảo phên giậu của tổ quốc để dấn thân. Những tăng sĩ tuổi còn rất trẻ, đến Trường Sa vì làm việc phật sự nhưng cũng vì một lẽ yêu nước thương nòi. Lịch sử đất nước còn ghi danh nhiều nhà sư yêu nước. Ngày nay cũng thế.
Trường Sa có những ngọn hải đăng là cột mốc chủ quyền, có cán bộ, chiến sĩ là những cột mốc sống. Hôm nay, Trường Sa có những ngôi chùa của nước Việt, có lời kinh được đọc bằng tiếng Việt, đó là những cột mốc tín ngưỡng và văn hóa được đóng sâu, chôn chặt vào biển đảo ngàn dặm quê hương. Nhiệm vụ đó được các tăng sĩ đảm đương. Đã đến Trường Sa, nhiệm vụ nào cũng khó khăn, cũng đối diện với hiểm nguy và với tinh thần dấn thân cao nhất.

Chùa ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: Mỹ Giang

Người tu hành không thiếu những sóng gió, những cám dỗ của đời thường, những mời mọc an thân. Cho nên, đến với những hòn đảo san hô xa xôi để hành đạo cũng là một lựa chọn rất đáng trân trọng.

Tọa lạc trên hòn đảo xa nhất trong toàn quần đảo Trường Sa, chùa Song Tử Tây có quy mô hoành tráng cùng cảnh quan thoáng đãng, trong lành. Phía sau ngôi chùa là ngọn hải đăng trên đảo.
Không chỉ hành đạo, những tăng sĩ ra Trường Sa tiếp quản các ngôi chùa đều là những trí thức được đào tạo bài bản, có người được tu học ở nước ngoài. Cho nên, ngoài dạy đạo, tăng sĩ trên Trường Sa còn là những người thầy dạy chữ, dạy văn hóa, lịch sử, ngoại ngữ. Sự kết hợp giữa tu và hành, đạo và đời thật rất có ý nghĩa.

theo thutuongnguyentandung.net

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Bộ Ngoại giao phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Ngày 21/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc phía Trung Quốc đã bắt và hiện đang giam giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của Việt Nam mang số hiệu QNg66101TS và QNg 66074TS, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị

“Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam.”
VNA

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Giá xăng tăng 2.100 đồng một lít

Bắt đầu từ 16 giờ chiều nay (7/3), giá bán lẻ các mặt hàng xăng A92 tăng 2.100 đồng một lít. Các mặt hàng dầu hỏa, diesel, mazút cũng tăng giá 600 – 2.000 đồng.

Theo công văn số 3033 vừa được Bộ Tài chính ban hành chiều 7/3, kể từ 16 giờ, giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt tăng. Cụ thể, xăng A92 tăng 2.100 đồng lên 22.900 đồng một lít và là nức tăng cao nhất trong số các mặt hàng. Dầu diezen tăng 1.000 đồng lên 21.400 đồng một lít. Dầu hoả tăng 600 đồng lên 20.800 đồng mỗi lít trong khi giá bán dầu mazut được áp dụng là 18.800 đồng, tăng 2.000 đồng.


Ảnh minh họa

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, trong hai tháng gần đây, giá xăng dầu nhập khẩu đã tăng mức cao nhất trong nhiều năm qua, từ 2% đến 7% tùy mặt hàng; mạnh nhất là xăng thành phẩm. Điều này khiến giá cơ sở hiện tại chưa tính trích quỹ bình ổn đang cao hơn giá bán khoảng 2.000 đồng một lít. Giá bán trong nước so với các nước trong khu vực đang thấp hơn 6.000-8.000 đồng. Thứ trưởng Mai khẳng định, sau khi đã giảm thuế, trích quỹ bình ổn, nếu giá cơ sở vẫn còn cao hơn giá bán, sẽ điều chỉnh ở mức hợp lý đảm bảo quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Lần gần đây nhất, cuối tháng 3/2011, Bộ Tài chính đã quyết định tăng giá bán lẻ các loại xăng dầu thêm 2.000-2.800 đồng một lít, đưa xăng A92 lên kỷ lục mới 21.300 đồng, áp dụng từ 22h ngày 29/3.
Tại cuộc họp báo chiều 5/3 do Bộ Công thương tổ chức, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, giá cơ sở xăng dầu đang vượt trên giá bán lẻ hiện hành, do đó, cần có biện pháp vận hành theo cơ chế thị trường nhưng vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội. Lãnh đạo này nhấn mạnh, xăng dầu tăng nhiều dẫn đến lạm phát nhưng không tăng thì doanh nghiệp bị lỗ, do đó cần lộ trình và các công cụ khác nhau để xử lý. “Cụ thể tăng tháng 3, tháng 4 hay tháng nào trong thời gian tới phải bàn trong gói kịch bản chung”, ông Quyền nói.

Theo Vnexpress - http://thutuongnguyentandung.net/gia-xang-tang-2-100-dong-mot-lit.html

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Quả chuông kỳ lạ nhất trong lịch sử Việt Nam

Được coi là quả chuông kỳ lạ nhất trong lịch sử Việt Nam, mỗi khi đất nước có biến động, chuông Vân Bản lại tự mình "tìm đường xuống đáy biển trú ẩn", đến khi đất nước bình yên lại trở về…

Nằm trong một góc khuất của Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia (Hà Nội), chuông cổ Vân Bản hàng ngày vẫn im lặng trước cái nhìn của hàng trăm lượt khách tham quan. Có lẽ, đa phần trong số họ chỉ coi đây như một quả chuông cổ bình thường như nhiều hiện vật khác trong bảo tàng. Ít ai biết rằng đây là một quả chuông “có linh hồn” với số phận gắn với những câu chuyện hết sức lạ lùng trong lịch sử.

Chuông được tìm thấy năm 1958 tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng, sau đó được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng cho đến ngày nay. Trên thân chuông không khắc niên đại. Theo nghiên cứu của các nhà sử học, chuông được đúc trong thời Trần (thế kỷ 13), là một trong 3 quả chuông cổ nhất Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Trong thời kỳ đầu tiên, chuông được treo tại chùa Vân Bản (Đồ Sơn - Hải Phòng). Tương truyền rằng vào thời Trần, một nhà sư Ấn Độ đã đến Đồ Sơn dựng chùa Hang. Vì chùa nằm sát mép nước, sợ biển đe dọa nên nhân dân dời về chùa Vân Bản và đúc chuông. Bài minh văn trên chuông tuy bị mờ mòn nhiều, nhưng vẫn còn có thể đọc được phần lớn số chữ, trong đó có đoạn mô tả ngôi chùa nằm trên một mỏm núi hướng ra biển.

Vị trí gần với biển cũng liên quan trực tiếp tới những âu chuyện nửa hư nửa thực lưu truyền trong dân gian, khiến chuông Vân Bản được coi là quả chuông có số phận kỳ lạ nhất Việt Nam.

Chuông Vân Bản được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ năm 1958.

Theo đó, chuông Vân Bản được cho là một quả chuông "thiêng", do người dân khu vực Đồ Sơn gìn giữ nhiều đời. Trải qua cuộc bể dâu của đất nước, chuông đã nhiều lần nằm dưới đáy biển sâu. Tuy vậy, như có một thế lực nào xui khiến, đến một thời điểm nào đó chuông lại được "thỉnh về". Tính ra, thời gian chuông Vân Bản nằm dưới đáy biển nhiều hơn thời gian được treo tại chùa.

Tương truyền, sau nhiều thăng trầm lịch sử, chùa Vân Bản bị đổ nát, chuông lăn xuống biển. Ít lâu sau, dân chúng hò nhau trục vớt được quả chuông ở bến đò Họng, rồi rước về chùa Nam gần đó. Trải qua vài trăm năm sau, do một trận bão lớn, chùa bị đổ sập, chuông lại bị lăn xuống biển ở chân núi Tháp. Đến thời Lê, chùa Vân Bản được dân chúng dựng lại ở ven núi. Sau khi chùa mới dựng xong, người dân Đồ Sơn lại tìm được quả chuông, đem về treo ở chùa.

Những thế kỷ sau đó, chuông Vân Bản còn nhiều lần tuyệt tích dưới đáy biển. Dân gian cũng đồn đại rằng những lần chuông biến mất đều trùng với thời điểm đất nước có biến loạn. Chuông đã một lần bị thất lạc từ thế kỷ 15 để tránh cuộc hủy hoại văn hóa Đại Việt trên quy mô lớn của giặc Minh. Đầu thế kỷ 19, chuông lại “lặn” xuống biển để tránh việc phá chùa Tháp của Hoàng Cao Khải... Đến khi nào "muốn" trở lại đất liến thì chuông sẽ "tự" cho con người những dấu hiệu để trục vớt.

Cũng có ý kiến cho rằng người dân Đồ Sơn đã chủ động giấu chuông Vân Bản xuống đáy biển và dựng lên những câu chuyện kỳ bì để bảo vệ quả chuông này. Và đến khi đất nước bình yên, họ tìm lại quả chuông để đưa về chùa.

Chuông được cho là đã tự "lăn" vào lưới của một ngư dân ở Đồ Sơn vào năm 1958 -thời điểm đất nước ta lập lại hòa bình được một thời gian ngắn, khi người này đang buông lưới đánh cá. Thấy lưới nặng, người ngư dân tưởng một con cá lớn mắc lưới nhưng kéo mãi không lên. Người ngư dân này đành nhờ người lặn xuống biển gỡ lưới, không ngờ "con cá" trong lưới chính là một quả chuông lớn. Khi quả chuông được phát hiện, người dân Đồ Sơn đã phỏng đoán đó là chuông Vân Bản vì câu chuyện về chiếc chuông nhiều lần đắm mình xuống đáy biển đã được lưu truyền từ lâu.

Điều đặc biệt là chuông bị chìm dưới biển hàng thế kỷ nhưng không hề bị nước mặn ăn mòn, làm hư hỏng. Có người lý giải rằng, chuông bền như vậy vì được đúc với một tỷ lệ vàng rất cao.

Một số hình ảnh về chuông Vân Bản:


Chuông Vân Bản có kích thước to lớn, cao 125cm, đường kính miệng 80cm.


Quai chuông trang trí hai con rồng đấu lưng vào nhau, nơi tiếp giáp ở vị trí cao nhất trang trí hình búp sen vẩy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng.


Hình tượng rồng mang nhiều đặc trưng của thời Trấn.



Thân chuông có nhiều đường gân ngang dọc tạo thành 8 ô, 4 ô trên hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật.


Chuông có 6 núm gõ, xung quanh mỗi núm có 16 núm tròn nhỏ tạo thành hình bông cúc. Phần vành miệng trang trí 52 cánh sen.


Trong hai ô trên có hai bài minh văn khắc chìm chữ Hán, 4 ô dưới để trơn.


Không chỉ là một quả chuông cổ gắn với các huyền tích của Đồ Sơn, đây còn là một quả chuông có giá trị nghệ thuật rất cao.


Chuông bị chìm dưới biển hàng thế kỷ nhưng không hề bị nước mặn ăn mòn, làm hư hỏng. Có người lý giải rằng, chuông bền như vậy vì được đúc với một tỷ lệ vàng rất cao.


Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

NASA: Thiên thạch đường kính 60m sắp va chạm Trái Đất

Ngày 3/3, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã xác nhận rằng, thiên thạch với đường kính 60m mang tên 2012 DA14, được một số người ngắm sao Tây Ban Nha phát hiện hồi tháng Hai năm nay, có khả năng va chạm với Trái Đất trong 11 tháng tới.

Và để ngăn chặn ngày tận thế, các nhà khoa học đã gợi ý dùng sơn hoặc súng cỡ lớn để chống lại thiên thạch.

Phần khó khăn nhất của các kế hoạch trên là nhân loại không còn đủ thời gian để chế tạo tàu vũ trụ phục vụ cho mục đích ngăn chặn thiên thạch.


NASA: Thiên thạch đường kính 60m sắp va chạm Trái Đất.Ảnh minh họa

Dự kiến thiên thạch sẽ tiếp cận gần nhất với Trái Đất vào ngày 15/2/2013, khi khoảng cách giữa hai bên nằm dưới 27.000km. Khoảng cách này còn nhỏ hơn một vệ tinh địa tĩnh vẫn chụp ảnh Trái Đất phục vụ phần mềm Google Maps.

Giới chuyên gia vẫn tin rằng, nhân loại cần tới một con tàu vũ trụ, có thể bắn nát viên thiên thạch hoặc đơn giản là đâm thẳng vào thiên thạch, khiến nó vỡ thành nhiều mảnh hoặc đảo hướng đi khỏi Trái Đất.

Chuyên gia NASA David Dunham nói: “Chúng ta có thể sơn nó.”
Việc sơn sẽ ảnh hưởng khả năng phản chiếu ánh Mặt Trời của thiên thạch, thay đổi nhiệt độ và vì thế sẽ thay đổi vòng quay của thiên thạch.

Thiên thạch có thể đi chệch hướng, nhưng như thế sẽ chỉ nó trở nên nguy hiểm hơn khi quay trở lại Trái Đất vào năm 2056, theo nhận xét của Aleksandr Devaytkin, lãnh đạo đài quan sát thiên văn Pulkovo của Nga.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc chế tạo một tàu vũ trụ để đương đầu với 2012 DA14 sẽ phải mất ít nhất hai năm.

Thiên thạch này đã bay lòng vòng trong quỹ đạo Trái Đất trong ba năm trời, cắt qua đường di chuyển của Trái Đất vài lần.

Song chuyên gia không gian Sergey Naroenkov từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói rằng, chẳng ai phát hiện ra được nó. Dường như việc nhận thấy hiểm nguy trong không gian vẫn là lĩnh vực con người chưa có sự kiểm soát và một hệ thống phòng vệ trước thiên thạch vẫn chỉ là chuyện khoa học viễn tưởng. Tuy vậy, việc Trái Đất gặp gỡ 2012 DA14 chưa chắc đã mang tới sự hủy diệt.
Chuyên gia Dunham nói: “Thiên thạch có thể sẽ vỡ thành nhiều phần khi đi vào bầu khí quyển. Trong trường hợp này, phần lớn các mảnh vỡ sẽ không bao giờ tới được bề mặt Trái Đất.”

Nhưng nếu cả thiên thạch không vỡ và đâm xuống Trái Đất, vụ nổ sẽ mạnh tương đương như sự kiện Tunguska, vốn xảy ra hồi năm 1908 và đã thổi bay một khu vực rộng tới 2.150km2, tức bằng với diện tích Luxembourg.

Hiện điểm rơi của thiên thạch vẫn chưa được xác định./.

Nguồn VNA - http://thutuongnguyentandung.net/nasa-thien-thach-duong-kinh-60m-sap-va-cham-trai-dat.html