Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Tập Cận Bình kêu gọi "trong sạch" Đảng

Phó chủ tịch Tập Cận Bình, người được cho sẽ là lãnh đạo kế nhiệm của Trung Quốc, kêu gọi các quan chức đảng "làm trong sạch" bộ máy, sau việc một cán bộ cấp cao bị cách chức.> Quan chức cấp cao Trung Quốc bị cách chức> Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi cải cách chính trị> Chân dung Bạc Hy Lai

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Phan Waldie/Bloomberg

Trong xã luận được đăng tải hôm nay trên báo Cầu Thị, tờ báo lý luận chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các lãnh đạo đảng không "lừa phỉnh quần chúng" hay "tìm kiếm địa vị và lợi ích cá nhân", tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ của đảng khi đưa bất cứ quyết định nào.

Cầu Thị cho hay bài viết của ông Tập dựa trên một bài phát biểu của ông hôm 1/3 tại trường Đảng Trung ương Trung Quốc. Ông không trực tiếp nhắc đến vụ việc của ông Bạc Hy Lai, người vừa bị cách chức bí thư thành ủy Trùng Khánh hôm qua. Tuy nhiên, dù được viết trước ngày công bố thông tin về ông Bạc, bài viết vẫn nhắc đến nhiều vấn đề cốt lõi xung quanh chuyện này.
Ông Bạc Hy Lai từng là Bộ trưởng thương mại Trung Quốc trước khi được phân công về làm bí thư Trùng Khánh. Ông nổi danh với chiến dịch chống tội phạm có tổ chức và tham nhũng ở Trùng Khánh, giành được sự ủng hộ rộng rãi của người dân.

Ông từng được xem là ứng viên hàng đầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị của đảng khi quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra tại đại hội đảng cuối năm nay. Ông được đánh giá cao vì những nỗ lực làm sống lại tinh thần của cố chủ tịch Mao Trạch Đông. Nguyên nhân trực tiếp khiến ông Bạc mất vị trí được cho là vì cựu giám đốc công an Trùng Khánh, cánh tay phải của ông, xin tị nạn tại lãnh sứ quán Mỹ ở Tứ Xuyên và bị nghi ngờ có ý định đào tẩu.

Ông Tập Cận Bình, người được dự kiến sẽ đứng vào vị trí bí thư trung ương đảng và chủ tịch nước Trung Quốc, ở trong số nhiều quan chức cấp cao đến thăm Trùng Khánh hai năm qua, và từng khen ngợi những chính sách của ông Bạc khi đó.


Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông Bạc bây giờ đã tiêu tan. Ông bị sa thải hôm qua, sau lời khiển trách được đánh giá là bất thường của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về vụ việc liên quan đến cựu giám đốc công an và phong trào làm hồi sinh tinh thần thời Mao. Đây là lần đầu tiên một ủy viên thường vụ Bộ chính trị, cơ quan lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, đề cập đến chuyện này công khai.

Các nhà phân tích cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng với ông Bạc vì phong cách dân túy của ông và việc ông công khai vận động cho ghế vào Thường vụ Bộ Chính trị đã đi ngược lại nguyên tắc và hệ thống lãnh đạo tập thể.

"Mọi quyết định lớn đều phải nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ của đảng", ông Tập viết. "Chúng không thể được quyết định bởi một cá nhân hay một nhóm người mà phải theo tập thể và quy trình chặt chẽ".

Ông Tập và ông Bạc đều được biết đến là con cháu các cán bộ lão thành đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng dù hai người đã biết nhau nhiều năm nay, họ vẫn không nhất thiết phải có quan hệ cá nhân thân thiết hay đồng quan điểm về mô hình phát triển của Trung Quốc trong thập kỷ tới.

"Nếu anh muốn khoe khoang, lừa phỉnh quần chúng, tìm kiếm vật chất và địa vị, và nếu anh không hướng tới những mục tiêu cao hơn, thì không chỉ khó mà thúc đẩy công tác của đảng và nhân dân, mà còn hủy hoại hình ảnh của đảng, làm nhân dân thất vọng và mất lòng tin", ông Tập viết.
Anh Ngọc

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Dư luận bức xúc về tình hình tham nhũng

Sáng 7-3, hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết TƯ 3 (khóa X) “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí” khai mạc tại Hà Nội.

Dư luận bức xúc về tình hình tham nhũng


Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN) nhấn mạnh: “Tình hình tham nhũng và hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay vẫn là vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm và bức xúc. Trong những năm tới, nếu công tác PCTN không có chuyển biến thật sự thì tình hình chính trị, kinh tế, xã hội... sẽ rất phức tạp”.

Báo cáo tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác PCTN trong 5 năm qua đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, đã đạt được những kết quả quan trọng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Hiện nay, công tác PCTN được quan tâm hơn và có những bước tiến quan trọng so với thời kỳ trước khi có nghị quyết trung ương 3 và Luật PCTN.

Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, báo cáo cho rằng có thể khẳng định công tác PCTN nói chung và việc thực hiện nghị quyết trung ương 3 nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua chưa đạt yêu cầu và chưa đạt được mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí...” như nghị quyết đề ra.

Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Một số lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao và diễn biến phức tạp: quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý vốn, tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp, tín dụng, ngân hàng...

Trong số các hạn chế có việc công tác hoàn thiện thể chế về PCTN chưa đáp ứng yêu cầu, một số quy định mới được ban hành đã bộc lộ sự bất hợp lý hoặc thiếu tính khả thi trong quá trình thực hiện nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung (về kê khai tài sản, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, việc tặng quà và nộp lại quà tặng...).

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong 5 năm qua có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, với tổng giá trị trên 1.798 triệu đồng.

Việc thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung không thuộc phạm vi bí mật nhà nước còn khá phổ biến. Quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa được bảo đảm. Cả nước có 23.522 tổ chức, cơ quan, đơn vị được kiểm tra về công khai, minh bạch, phát hiện 1.704 cơ quan, đơn vị có sai phạm.

Hội nghị tiếp tục diễn ra trong chiều nay (7-3). Sau khi các đại biểu thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN) sẽ có các bài phát biểu quan trọng.

V.V.THÀNH

Truyền thông Trung Quốc chia rẽ vì Bạc Hy Lai

Trong khi các báo chính thống của Trung Quốc chỉ đưa tin ngắn gọn và ít chi tiết về việc cách chức bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, thì các mạng xã hội tràn ngập những bình luận và phỏng đoán. > Quan chức cấp cao mất chức> Chân dung và nhận xét trái chiều> Trung Quốc muốn làm trong sạch đảng

Việc cách chức bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai gây chia rẽ trong giới truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: AFP

Tin cách chức ông Bạc được đưa ra sau khi các báo buổi sáng ngày 15/3 đã ra, nên trang nhất các tờ báo và hãng thông tấn Trung Quốc hầu như chỉ tập trung vào cuộc họp báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hai trong số các nội dung quan trọng của phát biểu của ông Ôn là kêu gọi cải cách chính trị hơn nữa và tránh để nước này bị sa vào một cuộc cách mạng văn hóa thứ hai.

Tin ông Bạc Hy Lai bị cách chức được đưa ở vị trí thứ năm trong bản tin buổi trưa của kênh 1 của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV-1). "Thay đổi đồng chí phụ trách thành ủy Trùng Khánh", phát thanh viên của bản tin nói một cách đơn giản.

Các từ ngữ trong bản tin vắn của Tân Hoa Xã (Xinhua) cũng hết sức giản dị. Bản tin không đưa nhiều thông tin chi tiết mà chỉ nói ông Bạc sẽ được thay thế bởi Phó thủ tướng Trương Đức Giang.
Có duy nhất một bài báo trên tờ thời báo Hoàn Cầu, phụ bản của báo đảng Cộng sản Trung Quốc, ca ngợi ông Bạc vì cuộc nói chuyện thẳng thắn và cởi mở về việc cựu giám đốc cảnh sát Vương Lập Quân đến lãnh sự quán Mỹ.

Bài báo cũng ca ngợi Thủ tướng Ôn đã thêm những "quan điểm cá nhân" vào trong những phát biểu trong cuộc họp báo nói trên, báo trước một bước tiến, cởi mở hơn và các nhà lãnh đạo sẵn lòng "tương tác" với người dân.

Đây là một động thái hiếm gặp trong hệ thống chính trị Trung Quốc, theo nhận định của BBC. Tuy nhiên, sau đó, trong bản tiếng Anh Global Times, bài báo trên đã được thay bằng một bài ngắn gọn của Xinhua, trong đó trích dẫn lời Thủ tướng Ôn nói các nhà chức trách Trung Khánh "cần phải rút kinh nghiệm về vụ việc của Vương Lập Quân".

Hôm qua, tạp chí của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đăng xã luận của Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, nói rằng đảng cần được làm trong sạch. Tuy nhiên nội dung của xã luận không trực tiếp đề cập đến các vấn đề liên quan đến ông Bạc.

Trong khi đó trên các trang mạng xã hội, thông tin về Bạc Hy Lai lại được loan tải nhiều và nhanh chóng. Theo trang Want China Times có trụ sở tại Đài Loan, chỉ trong 4 tiếng đồng hồ sau khi thông tin được phát đi, lập tức có một làn sóng thảo luận "điên cuồng" với 190.000 lời bình luận trên các trang blog nổi tiếng của Trung Quốc. Có thể thấy người dân Trung Quốc rất muốn đưa ra ý kiến thông qua các mạng xã hội như Tencent Weibo Sina Weibo, bất chấp những yêu cầu phải khai rõ tên thật khi sử dụng blog.

Want China Times cho biết, phần lớn những người sử dụng blog Tencent Weibo ủng hộ ông Bạc. Một người sử dụng khai tên là Zhang Haotian viết: "Ông Bạc là một quan chức tốt, chống lại tội phạm và các băng đảng nhưng làm phật ý nhiều người khác".

Nhưng cũng có những bình luận chỉ trích ông Bạc trên mạng Sina Weibo. Blogger Xu Pu nói Bạc Hy Lai muốn Trùng Khánh quay trở lại thời kỳ Cách mạng văn hóa, "khi mọi người có thể bị xử tội mà không cần một lý do nào cả". "Cái cách ông ấy trừng trị các băng nhóm tội phạm làm luật pháp trở nên thừa thãi, việc làm của ông ấy làm mọi người sợ hãi", Xu viết.

Blog của Hu Ziwwei, một MC truyền hình, cũng viết: "Chúng ta cần nhìn lại phát biểu ngày hôm qua của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Thủ tướng nhắc đến Vương Lập Quân, vậy vụ này chắc chắn còn nhiều điều chưa biết". Vương Lập Quân là cựu giám đốc công an Trùng Khánh, người từng đến lãnh sự quán Mỹ ở một đêm trước khi bị giới chức giải về Bắc Kinh.

Có nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau, hoặc phê phán, hoặc ủng hộ ông Bạc nhưng hầu như không có ai bình luận về hệ thống chính trị của nước nhà, chỉ có một số ít các học giả lên tiếng về cải cách chính trị.

Fan Zhongxin, giáo sư của trường đại học Sư phạm Hàng Châu viết: "Bạc Hy Lai đã bị cách chức, các hành động của ông ấy đã bị ngăn chặn. Hy vọng sẽ diễn ra cải cách chính trị". Giáo sư Xie Youping của đại học Phúc Đán, Thượng Hải viết rằng "nền chính trị Trung Quốc thật sự cần cởi mở hơn nữa".
Vũ Hà

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam là một quốc gia mà nông nghiệp có vị trí rất quan trọng, gắn liền với cuộc sống của 70% dân số, quyết định việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Sáng 15-3, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vùng châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31. Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ông Graziano da Silva Tổng giám đốc FAO cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp của 40 quốc gia thành viên, đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng giám đốc FAO thăm triển lãm tại hội nghị

Theo thông tin tại hội nghị, trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi quốc gia và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, đứng đầu là FAO, sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, an ninh lương thực được cải thiện, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt tại các nước đang phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi sản lượng lương thực sản xuất ra chỉ chiếm 50%, trong khi dân số lại chiếm hơn 60% thế giới. Trên thế giới hiện còn gần 1 tỷ người thiếu đói, trong đó 60% thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện dân số thế giới đã vượt 7 tỷ người, đất nông nghiệp suy giảm cả về diện tích và độ phì nhiêu, nguồn nước cho nông nghiệp trở nên khan hiếm, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng gay gắt. An ninh lương thực, đói nghèo là vấn đề tâm điểm tại hội nghị lần này. Việc phấn đấu giảm một nửa số người nghèo đói vào năm 2015 – một trong 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc – là một thách thức rất lớn và đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của các tổ chức quốc tế và các quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam là một quốc gia mà nông nghiệp có vị trí rất quan trọng, gắn liền với cuộc sống của 70% dân số, quyết định việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Từ một nước thiếu lương thực Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Trong 23 năm qua, Việt Nam đã đóng góp vào thị trường gạo thế giới hơn 80 triệu tấn và nhiều nông, lâm, thủy sản khác với khối lượng lớn. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp năm 2011 đạt 25 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch của cả nước. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm 2%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, với mục tiêu phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam đang tổ chức cơ cấu lại nền nông nghiệp, tập trung khai thác tốt các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm tổn thất trong sản xuất và sau thu hoạch, gắn sản xuất với việc phát triển công nghiệp chế biến, tăng cường bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, sản xuất lương thực hiệu quả, bền vững cũng chính là góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới, vì hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 1/5 lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và nhiều nông sản khác với khối lượng lớn. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam – Nam do FAO hỗ trợ và điều phối, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của FAO, của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo.

Theo QDND

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012


Henri Huet (1927 – 10 tháng 2 năm 1971) là một nhiếp ảnh viên người Pháp nổi tiếng về các báo cáo trong Chiến tranh Việt Nam cho Associated Press (AP).

Henri Huet sinh ra vào tháng 4 năm 1927 tại Đà Lạt, cha là người Pháp và mẹ là người Việt. Gia đình Huet về Pháp khi Henri lên 5 tuổi, sau đó Henri được đi học tại Saint-Malo, vùng Bretagne. Sau khi rời trường, Henri tiếp tục theo học tại trường nghệ thuật ở Rennes và bắt đầu sự nghiệp như một họa sĩ. Sau khi tham gia quân đội Pháp và được đào tạo ngành nhiếp ảnh, ông trở lại Việt Nam vào năm 1949 như một nhiếp ảnh viên chiến trường cho quân đội Pháp trong Chiến tranh Đông Dương. Sau khi giải ngũ, khi cuộc chiến chấm dứt vào năm 1954, Huet ở lại Việt Nam như một nhiếp ảnh viên dân sự làm việc cho chính phủ Pháp và chính phủ Hoa Kỳ. Ông trở thành nhiếp ảnh viên cho United Press International (UPI), và sau đó chuyển sang làm việc cho AP vào năm 1965, đặc biệt báo cáo về Chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, vì bị thương nặng, ông đã được AP chuyển về văn phòng tại Tokyo, nhưng ngay sau đó ông lại đòi được chuyển trở lại chiến trường Việt Nam.


Các hình ảnh của Huet có ảnh hưởng mạnh đến dư luận tại Hoa Kỳ. Một trong những ảnh đáng nhớ nhất của ông có Binh nhất Thomas Cole, một người cứu thương trẻ của Sư đoàn Kỵ binh I của quân đội Hoa Kỳ, đang săn sóc các binh sĩ bạn mặc dù anh ta cũng đã bị thương [bức thứ 14 trong trang này]. Một loạt 12 bức ảnh của ông được đăng trên tạp chí LIFE vào ngày 11 tháng 2 năm 1966, với bức ảnh ám ảnh của Thomas Cole được dùng làm bìa của số này. Năm 1967 Overseas Press Club (Câu lạc bộ Báo chí Nước ngoài) đã trao tặng Huet Huy chương vàng Robert Capa vì có “báo cáo hay nhất từ nước ngoài, đòi hỏi sự can đảm và táo bạo hiếm có”.

Khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiến vào Lào năm 1971, Huet đi cùng với vị tướng chỉ huy, Tướng Hoàng Xuân Lãm, cùng với ba nhiếp ảnh viên khác, trên một chiếc trực thăng trinh sát chiến trường. Chiếc trực thăng bị bắn rơi trên đường mòn Hồ Chí Minh và tất cả mọi người trong chuyến bay được xem như mất. Các nhiếp ảnh viên bạn của Huet trên cùng chuyến bay là Larry Burrows (báo cáo cho tạp chí LIFE), Kent Potter (báo cáo cho UPI) và Shimamoto Keizaburo, một nhiếp ảnh viên tự do làm việc cho tuần báo Newsweek. Vào năm 1998, một toán tìm kiếm dẫn đầu bởi Hoa Kỳ đã đào một địa điểm được cho là chiếc trực thăng đã rơi. Tại đó họ đã tìm thấy vài mảnh máy bay nhỏ, hai mũ sắt quân đội và vài mảnh phim 35 mm. Không có phần thi hài nào được tìm thấy.

Trong số các đồng nghiệp báo cáo về chiến tranh, Huet được kính trọng vì sự tận tâm, can đảm và khéo léo trong nghề của ông; ông cũng được mọi người yêu thích vì tính khôi hài và lòng tốt. Dirck Halstead, người lãnh đạo United Press International vào năm 1965, đã phê bình rằng Huet “lúc nào cũng có một nụ cười trên mặt của ông ta”. (Theo Wikipedia).


Lính dù thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Không quân 173, Hoa Kỳ vác tiểu liên đang băng qua một con sông dưới trời mưa trong một cuộc truy lùng các đơn bị Việt Cộng trong rừng Bến Cát, Nam Việt Nam, ngày 25-9-1965. Họ đã di chuyển liên tục ở đây trong 12 ngày mà không gặp kẻ địch.


Trực thăng Quân đội Mỹ yểm trợ các toán quân dưới mặt đất đang bay vào một khu trú đóng cách Sài Gòn 50 dặm về phía đông bắc, năm 1966. Cận cảnh là những chiếc phuy bằng cao su đựng xăng cho trực thăng.


Toán lính thuộc Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp số Mười một của Quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên Vũng Tàu, năm 1966.


Chiến xa đổ bộ thuộc Lính thủy đánh bộ Mỹ rời con đường mòn ven bãi biển bán đảo Thạnh Phú trên vùng Châu thổ sông Mekong, cách Sài Gòn khoảng 55 dặm về phía nam, ngày 6-1-1967. Những Lính thủy đánh bộ này thuộc Hạm đội 7, đang thả neo ngoài vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).


Trong một cơn mưa mùa bất chợt, toán 130 lính thuộc đại đội địa phương quân Việt Nam hành quân về phía cửa sông bằng những chiếc xuồng ba lá giữa một cuộc tấn công vào rạng sáng đánh vào một căn cứ Việt Cộng tại vùng Châu thổ Mekong ngập nước, cách Cần Thơ khoảng 13 dặm về phía đông bắc, ngày 10-1-1966. Theo báo cáo, một nhúm du kích quân đã bị tiêu diệt hoặc bị thương.


Toán lính thuộc Sư đoàn Không quân 101 khiêng đồng đội bị thương băng qua khu rừng, tháng 5-1966.


Một Lính thủy đánh bộ Mỹ không rõ tên, sau 3 ngày giao tranh tại phía nam khu phi quân sự (DMZ) của Việt Nam, năm 1966. Đơn vị của anh ta đã bị bao vây trên một đỉnh đồi trong 48 giờ cho tới khi quân cứu viện kéo đến.


Giọt nước mắt bắt đầu lăn trên má bé gái Việt Nam, một trong khoảng 20 phụ nữ và trẻ em đã bị bỏ lại trong một căn hầm bên sông khi những người đàn ông trốn chạy một toán lính Mỹ, cách Sài Gòn khoảng 120 dặm về phía bắc, tháng 7-1966. Các toán lính thuộc Lữ đoàn Không quân 173 Hoa Kỳ, tham gia trong cuộc Hành quân Nữ thần Rạng đông, đang truy tìm một bệnh xá và những toán Việt Cộng đi thu thuế gần Quốc lộ 20, tuyến đường huyết mạch giữa Sài Gòn và vùng đồn điền trù phú quanh Đà Lạt.


Pfc . Lacey Skinner, quê ở Birmingham, tiểu bang Alabama, đang lết dọc bờ ruộng lúa gần An Thi, Việt Nam dưới làn đạn của những toán quân Việt Cộng đang cố đẩy lui một cuộc tấn công của Sư đoàn Kỵ binh Bay số 1 Mỹ, ngày 28-1-1966.


Một cậu bé Việt Nam đang hút thuốc, có vẻ như là điếu thuốc đầu lọc Mỹ lần đầu tiên cậu được tiếp xúc, dưới con mắt đề phòng của một lính Mỹ thuộc Sư đoàn Kỵ binh Bay số 1 Mỹ tại một ngôi làng miền núi miền trung Nam Việt Nam trong Chiến dịch Irving giữa tháng Mười năm 1966.


Một bà mẹ người Việt và mấy đứa con trong khuôn hình của đôi chân một người lính thuộc Sư đoàn Kỵ binh số Một Mỹ tại Bồng Sơn, năm 1966.


Một cậu bé Việt Nam, bị thương và đang kêu khóc, được đưa lên một chiếc xe cứu thương sau một vụ nổ mìn khủng bổ của Việt Cộng gần phi cảng Sài Gòn, ngày 17-2-1966. Đứa bé bị thương này đã được tìm thấy khi đang trốn sau một quầy hàng sau khi trái mìn Claymore phát nổ giết chết ít nhất 12 người Việt, và làm bị thương khoảng 60 người khác.


Kiệt sức sau một đêm giao tranh thứ ba chống lại các toán quân Bắc Việt, những lính Thủy quân lục chiến trườn ra khỏi hố cá nhân của mình phía nam khu phi quân sự, năm 1966. Chiếc trực thăng bên trái hình đã bị bắn hạ khi nó bay tới để cung cấp thêm trang bị cho toán quân này.


Lính cứu thương Thomas Cole thuộc Sư đoàn Kỵ binh số Một, quê ở Richmond, bị băng bó trên mặt, đang chăm sóc cho một người lính khác cũng bị thương trong một chiến hào giữa trận đánh tại vùng Cao nguyên Trung phần, tháng 1-1966.


Xác một lính dù Mỹ chết trong trận đánh giữa khu rừng gần biên giới với Cambodia được kéo lên một chiến trực thăng di tản trong Vùng Chiến sự C, Việt Nam, năm 1966.


Một binh sĩ Mỹ bị thương thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 16, đang chạy xuống một hố bom được dùng như là nơi trú ẩn tạm thời trông một cuộc giao tranh tại Vùng Chiến thuật D, cách Sài Gòn khoảng 50 dặm về phía bắc đông bắc, ngày 19-1-1967. Đơn vị bị Việt Cộng bao vây, theo báo cáo có 33 chết, và hơn 100 bị thương.


Những hố bom ngập nước sau những cuộc oanh tạc của phi cơ B-52 chống lại Việt Cộng.


Những du kích quân Việt Cộng bị bắt, bịt mắt và trói quặt tay đằng sau.


Một toán lính trinh sát thuộc đoàn Kỵ binh bay số 1 Hoa Kỳ quan sát bãi biển Quy Nhơn, Nam Việt Nam, trong Chiến dịch Thayer II, năm 1966.


Một lính Nam Việt Nam đang đánh đập tàn nhẫn một nghi can Việt Cộng, đá vào anh ta trong một cuộc thẩm vấn về vụ mất tích của nhà báo người Pháp Michele Ray, tại làng Ngọc An, ngày 22-1-1967.


Một bà mẹ Việt Nam bỏ con vào một trong 2 cái thúng rồi dùng đòn tre gánh đi trên vai, tại Bến Sức, ngày 17-1-1967. Các dân làng Bến Sức đang rời bỏ nhà cửa của mình để tái định cư trong một trại tị nạn tại một khu vực khác.


Những lính bộ binh Mỹ dồn xuống hố bom ngập bùn đất và nhìn lên đám cây rừng để tìm kiếm những tay súng bắn tỉa của Việt Cộng bắn vào họ trong một trận giao tranh tại Vùng Chiến thuật D, Phước Vĩnh, bắc-Đông bắc Sài Gòn, ngày 15-6-1967.

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Lá thư hơn 30 năm trước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Ngày 27-1-2012, tức mồng 5 Tết Nhâm Thìn, tôi nhận được thông tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 207-Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang, đơn vị Thủ tướng và tôi đã từng công tác. Thủ tướng nhắc cán bộ chiến sĩ, để có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay, nhân dân Việt Nam đã đổ biết bao xương máu, riêng Tiểu đoàn 207 anh hùng có hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc. Chính thông tin này càng làm cho tôi nhớ lại hình ảnh Thượng úy, Chính trị viên Tiểu đoàn 207 năm xưa mà anh em quen gọi là anh Ba Dũng.

Tết Mậu Ngọ 1978 ở biên giới Tây Nam

Ngày ấy, đất nước mới thống nhất được vài năm thì tình hình biên giới Tây Nam hết sức căng thẳng vì sự khiêu khích, lấn sâu vào biên giới nước ta của bọn Pôn Pốt. Hồi đó tôi là Thiếu úy Trợ lý Tham mưu tác chiến, anh Ba Dũng là Thượng úy Chính trị viên tiểu đoàn. Tiểu đoàn 207 chúng tôi cùng mấy đại đội địa phương huyện Hà Tiên được điều chốt giữ bảo vệ vùng biên giới cực Tây Nam của Tổ quốc.

Lá thư hơn 30 năm trước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân với vợ chồng tác giả tại Khu di tích Kim Liên, tháng 12-2006.

Đêm đêm vùng biên giới tiếng súng nổ chát chúa rộ lên ở chỗ này, chỗ khác bởi lính Pôn Pốt quấy phá và đánh lén. Nhưng chúng đều không qua khỏi con mắt cảnh giác của bộ đội ta ở từng vọng gác, từng chiến hào.

Tết Nguyên đán năm 1978, Tiểu đoàn 207 chúng tôi đón xuân, vui Tết ngay tại trận địa. Tình cảm quân dân thắm thiết ngày đó khiến người lính không thể nào quên. Các đoàn thể và các má chiến sĩ, tuổi trẻ ở hậu phương chuyển tới hàng thuyền nào bánh tét, nào trái cây cho đơn vị. Dạo đó, đồng chí Như, trợ lý quân nhu về hậu cứ, anh Ba Dũng nhắc tôi phân phối quà bánh chủ yếu cho các đại đội, còn phần ít để lại cho tiểu đoàn bộ. Rồi anh Ba Dũng và anh Tám Thắng tiểu đoàn trưởng (sau là Thiếu tướng Phó tư lệnh Quân khu 9, nay đã nghỉ hưu) xuống các đại đội, tới tận các chốt kiểm tra việc chuẩn bị Tết cho bộ đội cũng như nhắc nhở công tác sẵn sàng chiến đấu. Tôi và hai chiến sĩ liên lạc lo việc phân phát quà bánh cho các phân đội của tiểu đoàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của anh Ba và anh Tám.

Vậy là Tết Mậu Ngọ năm đó ở biên giới, dẫu vắng cành đào xứ Bắc, cành mai vàng phương Nam nhưng chiến hào nào cũng rực rỡ những bông hoa đồng nội. Nhà hầm của đại đội nào cũng có bàn thờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Đêm Giao thừa, đón xuân năm đó tôi còn nhớ chiến sĩ liên lạc Nguyễn Thanh Đậu, thôn Kiều Trai, xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnhThái Bình tâm sự:
“Chúng em đón Tết xa nhà đầu tiên ở ngay biên giới, cách quê hương hơn 2000 cây số, nhưng đỡ nhớ gia đình vì được sống trong tình đồng đội.

Giao thừa không có tiếng pháo, nhưng ngay sau cái thời khắc thiêng liêng chuyển sang một năm mới, Tiểu đoàn 207 anh hùng chúng tôi mừng xuân bằng chiến công tiêu diệt một tốp lính Pôn Pốt xâm nhập vào biên giới Hà Tiên, Kiên Giang.

Lá thư hơn 30 năm trước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Lá thư hơn 30 năm về trước và những ngày gian khổ

Tiểu đoàn 207 anh hùng hồi đó, ngoài mấy anh em tôi vừa tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 1 được điều vào còn có nhiều chiến sĩ ở các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc), Quảng Ninh mới bổ sung. Tại đơn vị, Thượng úy Chính trị viên Nguyễn Tấn Dũng cùng Đại úy Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thắng luôn được anh em gần gũi và kính trọng. Điều ấn tượng với anh em chiến sĩ là nụ cười hiền của anh Ba Dũng khi nói chuyện với mọi người.
Một ấn tượng nữa không thể nào quên là những lần vào trận hoặc lúc đưa cán bộ đại đội và phân đội trinh sát chuẩn bị trận đánh, anh Ba Dũng thường vận chiếc quần xà lỏn (quần cộc), mang khẩu súng AK báng gấp với tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát và bình tĩnh khiến chúng tôi rất yên tâm trong quá trình tiếp cận mục tiêu thực hiện nhiệm vụ.

Lá thư hơn 30 năm trước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi tác giả.

Mùa mưa năm đó, Tiểu đoàn 207 chúng tôi chuyển lên chốt ở Tà Teng. Gọi là chốt, nhưng tất cả đều trên mặt nước. Từ điểm này sang điểm khác có khi phải dùng thuyền. Suốt ngày đêm chủ yếu mặc quần cộc. Bữa ăn đơn giản chỉ có cá khô và ớt cay. Thỉnh thoảng có thêm món canh hoa Điên Điển mọc hoang là tươi lắm. Bữa ăn của anh em chúng tôi gồm 5 người: Anh Ba Dũng, anh Tám Thắng, tôi và các chiến sĩ liên lạc Đậu, San. Vất vả như vậy, nhưng các anh Ba Dũng -Tám Thắng luôn vui cười động viên mọi người và bao giờ cũng quan tâm chúng tôi cùng các chiến sĩ liên lạc. Đậu, San thường dè dặt khi ăn cơm với các thủ thưởng, nên nhiều bữa ăn anh Ba Dũng, anh Tám phải gắp thức ăn cho hai chiến sĩ trẻ làm cho bữa ăn ấm cúng, tình cảm như ở gia đình.

Tiểu đoàn 207 chúng tôi sau này còn tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam -pu-chia, anh Ba Dũng được điều lên làm Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn. Trong một lần đi trinh sát, tôi không may bị thương phải điều trị mấy tháng ròng. Nhớ lần trở lại đơn vị tuy không gặp được anh Ba, nhưng anh đã có thư tay cho tôi thật tình cảm, tôi vẫn lưu giữ đến nay:

“Toàn thân, nghe báo Toàn về (đêm nay đơn vị mình chiến đấu) nên không về thăm Toàn được. Nếu ở chơi được vài ngày, tụi mình gặp nhau. Toàn đến gặp Như nhận nhu yếu phẩm và gặp Vũ lãnh tiền lương, có thể cần lãnh trước vài tháng”…

Vẹn nguyên tình đồng chí, đồng đội

… Một thời gian sau, tôi chuyển ra Quân khu Thủ đô. Năm 1995 tôi mới gặp lại anh Nguyễn Tấn Dũng. Lúc đó anh là Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ (Bộ Công an bây giờ). Anh cùng với lãnh đạo công an tỉnh Nghệ An đến thăm gia đình tôi tại khu tập thể Đài Truyền thanh -truyền hình thành phố Vinh. Vẫn dáng người cao cao, chắc khỏe, sáng nụ cười trên gương mặt kiên nghị, quả cảm mà phúc hậu, anh hỏi han việc học hành của con tôi và không quên món quà đã chuẩn bị sẵn cho các cháu. Sau khi hỏi chuyện cuộc sống gia đình tôi, anh lại hàn huyên về những kỷ niệm 17 năm về trước. Anh nhắc các chiến sĩ liên lạc Đậu, San và nhiều đồng đội khác. Giọng anh trầm xuống khi nói tới Thiếu úy Nguyễn Văn Tợi -quê Cẩm Xuyên -Hà Tĩnh cùng học lục quân và vào một đợt với tôi, nhưng hy sinh khi truy kích địch. Tôi biết sau này khi về thăm tỉnh Hà Tĩnh, anh Ba đã nhờ cơ quan quân sự và chính sách địa phương tìm hộ địa chỉ gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Tợi. Bà mẹ liệt sĩ Tợi đã rất xúc động khi nghe anh Ba kể về sự hy sinh dũng cảm của Tợi. Bà càng cảm động hơn khi được biết thủ trưởng của con nay là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhưng vẫn dành thời gian tìm đến thăm gia đình đồng đội. Qua cơ quan quân sự và chính sách tỉnh Thái Bình, anh Ba cũng tìm được chiến sĩ liên lạc Nguyễn Thanh Đậu và dành thời gian gặp gỡ, trao quà.

Mấy năm sau khi anh Ba Dũng là Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, trong chuyến về Nghệ An vào ngày nghỉ cuối tuần, anh chị Ba Dũng cũng đến thăm gia đình tôi. Anh chị phấn khởi khi gia đình tôi đã có căn nhà ổn định từ sự gom góp chắt chiu và sức lao động của chính mình.

Tôi cũng có chuyến ra thăm anh khi anh còn là Thứ trưởng Bộ Nội vụ ở Hà Nội. Nhà khách của Bộ ở gần hồ Thiền Quang, anh cũng chỉ ở một phòng khách như những cán bộ nơi khác về làm việc. Biết tính anh giản dị, chị Ba Dũng đánh đường ra thăm anh. Những chuyến đi như thế, chị Ba thường chuẩn bị khá nhiều thức ăn khô cho anh rồi trở về Thành phố Hồ Chí Minh ngay để chăm lo cho mái ấm gia đình với mẹ già và các con còn ăn học. Mấy lần gặp chị Ba Dũng – cô giáo Trần Thanh Kiệm – tôi cảm nhận rất rõ đặc trưng của người phụ nữ Nam Bộ, tần tảo, chăm sóc gia đình chu đáo. Khi đã là phu nhân của Thủ tướng Chính phủ, chị cũng rất khiêm nhường trong mỗi lần xuất hiện ngoại giao. Dù chuyển công tác xa nhà biền biệt hàng chục năm, công việc mới, trọng trách mới cuốn hút biết bao tâm sức, nhưng gia đình nhỏ một thời ở Rạch Giá -Kiên Giang, ở Thành phố Hồ Chí Minh và đại gia đình ở Cà Mau vẫn luôn là bến đỗ bình yên của anh. Có lần anh Ba nói vui với tôi về chuyện gia đình: “Gia đình nhỏ mà không biết chăm lo, không biết gìn giữ nuôi dưỡng thì làm sao có thể lo cho nhiều gia đình và xã hội. Toàn cũng vậy, làm gì thì làm, chú cũng phải chăm lo cho gia đình thật tốt”. Với quan điểm như vậy, dưới sự dạy dỗ của anh, chị, giờ đây các con của gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều trưởng thành có học vị thạc sĩ, tiến sĩ khoa học.

…Tuy đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng những câu chuyện trên tôi vẫn nhớ như mới ngày nào, bởi với anh Ba Dũng, kể cả khi ở cương vị nào, tình cảm đối với đồng chí, đồng đội vẫn vẹn nguyên như những ngày chúng tôi cùng chung chiến hào bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong anh luôn tỏa sáng…

Phan Văn Toàn - http://thutuongnguyentandung.net/la-thu-hon-30-nam-truoc-cua-thu-tuong-nguyen-tan-dung.html

Thượng tướng Trần Đại Quang dự Lễ ra mắt Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh

Thượng tướng Trần Đại Quang khẳng định, xây dựng xã hội học tập là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta.

Tối 05/3, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức ra mắt Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh, tuyên dương học sinh, sinh viên và các vận động viên đạt thành tích xuất sắc năm 2011.

Tới dự có các đồng chí: Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Các đồng chí: Trần Đại Quang, Bùi Văn Nam trao thưởng cho học sinh, sinh viên đạt thành tích xuất sắc.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Thượng tướng Trần Đại Quang đồng thời là Chủ tịch danh dự Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh khẳng định, xây dựng xã hội học tập là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Việc Quỹ khuyến học, khuyến tài mang tên Đinh Bộ Lĩnh – người anh hùng dân tộc, người con ưu tú của  tỉnh Ninh Bình có công dẹp loạn 12 sứ quân, trở thành hoàng đế đầu tiên của nước ta sau 1000 năm Bắc thuộc, ra mắt và đi vào hoạt động thể hiện tấm lòng của các tổ chức, cá nhân với sự nghiệp giáo dục – đào tạo, phong trào khuyến học, khuyến tài của cả nước nói chung, của tỉnh Ninh Bình nói riêng. Qua đó, động viên phong trào học tập nhất là với đối tượng học sinh nghèo vượt khó học giỏi, góp phần làm cho  tỉnh Ninh Bình và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hơn 17 tỷ đồng là số tiền mà các tập thể, cá nhân ủng hộ cho Quỹ ngay trong ngày đầu ra mắt.

Đồng chí Trần Đại Quang trao hoa chúc mừng các học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia

Nhân dịp này, Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh đã dành 725 triệu đồng tặng thưởng cho học sinh, sinh viên và các vận động viên đạt thành tích xuất sắc năm 2011. Trong đó có 99 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia; 20 học sinh đạt tổng điểm 3 môn từ 26 trở lên trong kỳ thi đại học vừa qua; 36 học sinh là thủ khoa của các trường THPT trong kỳ thi vào lớp 10; 6 vận động viên giành huy chương tại SEA Games 26 và đạt thành tích ở các kỳ đại hội thể thao quốc tế; 4 sản phẩm, mô hình, công trình của 7 tác giả đạt giải tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2011.

Theo DCSVN