Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam là một quốc gia mà nông nghiệp có vị trí rất quan trọng, gắn liền với cuộc sống của 70% dân số, quyết định việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Sáng 15-3, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vùng châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31. Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ông Graziano da Silva Tổng giám đốc FAO cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp của 40 quốc gia thành viên, đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng giám đốc FAO thăm triển lãm tại hội nghị

Theo thông tin tại hội nghị, trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi quốc gia và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, đứng đầu là FAO, sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, an ninh lương thực được cải thiện, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt tại các nước đang phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi sản lượng lương thực sản xuất ra chỉ chiếm 50%, trong khi dân số lại chiếm hơn 60% thế giới. Trên thế giới hiện còn gần 1 tỷ người thiếu đói, trong đó 60% thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện dân số thế giới đã vượt 7 tỷ người, đất nông nghiệp suy giảm cả về diện tích và độ phì nhiêu, nguồn nước cho nông nghiệp trở nên khan hiếm, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng gay gắt. An ninh lương thực, đói nghèo là vấn đề tâm điểm tại hội nghị lần này. Việc phấn đấu giảm một nửa số người nghèo đói vào năm 2015 – một trong 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc – là một thách thức rất lớn và đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của các tổ chức quốc tế và các quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam là một quốc gia mà nông nghiệp có vị trí rất quan trọng, gắn liền với cuộc sống của 70% dân số, quyết định việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Từ một nước thiếu lương thực Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Trong 23 năm qua, Việt Nam đã đóng góp vào thị trường gạo thế giới hơn 80 triệu tấn và nhiều nông, lâm, thủy sản khác với khối lượng lớn. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp năm 2011 đạt 25 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch của cả nước. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm 2%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, với mục tiêu phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam đang tổ chức cơ cấu lại nền nông nghiệp, tập trung khai thác tốt các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm tổn thất trong sản xuất và sau thu hoạch, gắn sản xuất với việc phát triển công nghiệp chế biến, tăng cường bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, sản xuất lương thực hiệu quả, bền vững cũng chính là góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới, vì hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 1/5 lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và nhiều nông sản khác với khối lượng lớn. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam – Nam do FAO hỗ trợ và điều phối, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của FAO, của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo.

Theo QDND

0 Comments:

Đăng nhận xét