Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Ý kiến gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chiến lược giáo dục, đào tạo

Một bài viết rất tâm huyết của một độc giả trung thành website http://thutuongnguyentandung.net/ đã gửi cho ban biên tập, TVB xin trích đăng lại những bức xúc cũng như trăn trở của 1 người dân Việt Nam đứng trước nền giáo dục hiện tại

Kính gửi:  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

                   Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận

Tôi là phụ huynh của 2 đứa con hiện đang học phổ thông và đại học, nhưng gia đình tôi đang rất bức xúc trước việc các cháu phải học thuộc lòng quá nhiều. Ngoài ra, các cháu còn phải học thêm ở nhà. Mỗi tháng vợ chồng tôi phải bỏ ra 3 đến 4 triệu đồng thuê thầy dạy các môn mà ở lớp đã học. Người nông dân nghèo thì lấy tiền đâu để học hành như vậy? Theo tôi tìm hiểu ở lớp thì hần như tất cả các em học sinh, gia đình nào cũng phải cho con đi học thêm chính các môn cơ bản đã học ở lớp. Vậy chất lượng học ở lớp thế nào? khi Nhà nước tốn bao nhiêu tiền để trả lương cho thầy cô giáo, xây trường lớp, đóng học phí…

Cuộc sống luôn đặt ra câu hỏi cho chúng ta phải giải quyết, phải trả lời

Tôi xin gửi đến các Ngài ý kiến cá nhân của tôi về nền giáo dục, đào tạo hiện nay của nước ta như sau:

Hiện giáo dục, đào tạo của chúng ta quá thiên về học thuộc lòng, thiếu tư duy lô-gích, thiếu giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra. Và đây là lý do mà tôi cho là nguyên nhân chính dẫn tới chất lược giáo dục, đào tạo của nước ta quá lạc hậu và rất thấp so với các nước. Học thuộc quá nhiều làm cho học sinh dễ dẫn đến quay cóp khi đề thì yêu cầu học thuộc. Tạo ra thế hệ dối trá, hình thức, thụ động. Không có bản lĩnh giải quyết vấn đề.

Tôi đề xuất nên thay đổi chương trình giảng dạy của tất cả các cấp, từ tiểu học, phổ thông đến đại học và sau Đại học.

Mục đích của giáo dục đào tạo là gì?

Là tạo ra các thế hệ con em biết tư duy, biết cách giải quyết các vấn đề của cuộc đời đặt ra!

Học môn Văn không phải là học “biết để chơi” mà là “biết để làm”. Môn Văn không chỉ là môn “bồi dưỡng tâm hồn” mà quan trọng hơn là “công cụ” để học sinh có thể vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học ứng dụng vào trong cuộc sống tâm hồn như làm ra các bài thơ, câu chuyện, kịnh bản phục vụ cuộc sống, công việc và sự nghiệp.

Học môn Toán không phải suốt ngày bắt học sinh trình bày định nghĩa, trình bày khái niệm. Làm như thế, môn Toán sẽ là một môn học rất khô khan và khiến học sinh ghét. Mà chúng ta nên dạy Toán thông qua những ví dụ, những bài toán rất gần gũi mà cuộc sống đang đặt ra cho học sinh.

Học đại số đề làm gì? nếu chỉ dạy đại số thì học sinh sẽ ngán. Nhưng nếu đưa ra 1 vấn đề sinh động trong thực tế, buộc học sinh phải tìm hiểu đại số, và vận dụng đại số. Lúc đó học sinh mới thấy ý nghĩa của đại số. Học hình học để làm gì? nếu chỉ dạy hình học, học sinh sẽ ngán. Nhưng đưa ra vấn đề đo độ cao của ngôi nhà của bạn, buộc học sinh phải tìm hiểu hình học để giải quyết bài toán thực tế trên. Lúc đó học sinh sẽ thấy ý nghĩa của hình học.

Chương trình giáo dục phổ thông và đào tạo bậc Đại học, chúng ta nên giảng dậy cho học sinh, sinh viên là “tại sao?”, “giải quyết như thế nào”, hơn là “trình bày”, “nêu khái niệm”. Làm cách này sẽ giảm tải cho học sinh, sinh viên, và công sức của giáo viên rất nhiều. Sẽ bớt đi phần học thêm đang đè nặng con em chúng ta. Chính cách giảng dạy này đang tiêu tốn đi nguồn lực rất lớn trong xã hội.

Cuộc đời luôn đặt ra những bài toán khó cần phải giải quyết

Học sinh trước khi thi Đại học, bò lăn bò lộn để ôn thi học thuộc với khối lược kiến thức cực lớn, có em còn bị thần khinh khi thi trượt Đại học. Khi thi xong rồi thì xả hơi, quên cho bằng hết. Suốt 4 đến 5 năm trời mài ghế giảng đường Đại học, vẫn là học thuộc là nhiều, tư duy thì ít! Thi vẫn “đề đóng” là nhiều! Cuối cùng, khi tốt nghiệp ra trường, các doanh nghiệp vẫn kêu la là yếu kém, doanh nghiệp phải đào tạo lại các kỹ năng. Có sinh viên còn không viết nổi bản xin việc, hoặc lý lịch cho mình, không biết thuyết trình một đề tài nào ra hồn. Tất cả là do cách giảng dạy của chúng ta bắt con em học thuộc quá nhiều hơn là tư duy.

Chúng ta đang biến cái đầu của con em chúng ta thành cái “ổ cứng” để nhớ, chứ không phải là “CPU” biết xử lý, biết giải quyết các bài toán cuộc đời đặt ra.

Đối với Học sinh thì không phải là học thuộc 1 bài thơ, bài văn. Mà là cảm nhận bài thơ đó nhưu thế nào? biết phân tích nó, và hơn hết là biết làm ra 1 bài thơ, 1 bài văn! Khi lớn lên, biết viết cách viết 1 bài báo, biết viết 1 kịch bản phim chuyện hay, biết phổ biến văn hóa Việt ra thế giới.

Nhiều em học sinh đi học khoác cặp sách to hơn người vì phải mang quá nhiều sách vở tới trường, nhìn mà thấy tội nghiệp. Có em không mang nổi phải nhờ bố mẹ mang cặp giúp mình.

Đối với Sinh viên thì không phải hãy trình bày, nêu định nghĩa….Mà hiểu vấn đề đó như thế nào? và tại sao? muốn trả lời được tại sao, buộc sinh viên phải tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để trả lời cho thuyết phục!

Đối với Luật sư là khi bào chữa vụ án, không ai cấm nghiên cứu tài liệu, không ai cấm nghiên cứu các Bộ luật. Vấn đề là tìm tòi, nghiên cứu các điều luật, các chứng cứ, các tình tiết để giải quyết được việc bào chữa chính xác khách quan đem lại công bằng cho thân chủ.

Đối với Kỹ sư thì không ai cấm anh ta nghiên cứu tài liệu, không ai cấm anh ta học hỏi, tìm tòi những người đi trước. Vấn đề là với những thứ đó, anh vận dụng thế nào để tạo ra các sản phẩm kỹ thuật tốt, có giá trị cao. Kỹ sư ô tô thì tạo ra các chiếc xe hơn tốt. Kỹ sư đóng tàu thì tạo ra các tàu chiến, tàu khách hiện đại, phục vụ cho chính cuộc sống đang đặt ra.

Đối với nhà lãnh đạo đất nước, không ai cấm vị lãnh đạo tìm hiểu tài liệu. Vấn đề là Lãnh đạo xử lý thế nào? điều hành ra sao? quyết định và phán đoán thế nào? trước những vấn đề đặt ra của đất nước!

Hạn chế học thuộc, mà tập trung giải quyết vấn đề sẽ tiết kiệm công sức cho giáo viên, và giảm tải cho học sinh, sinh viên.

Tất cả những gì tiết kiệm được, Nhà nước bỏ ra để trả lương cao, đầu tư chất lượng cho thầy cô giáo, để hạn chế dạy thêm, mà tập trung dạy cho tốt, giúp học sinh sinh viên giải quyết được các bài toán cuộc đời đặt ra.

Tôi xin Thủ tướng và Bộ trưởng xem xét lại chương trình Giáo dục và Đào tạo hiện nay của nước ta. Nếu ta thay đổi, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực rất lớn cho xã hội. Tạo ra các thế hệ con em tài giỏi, biết giải quyết vấn đề, đưa đất nước ta tiến lên.

Nguyễn Văn Trí

Tp.HCM

0 Comments:

Đăng nhận xét