Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh

Ngày 3/3/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng KH & CN Nguyễn Quân và Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) để khảo sát và đánh giá hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nhất phía Nam.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm phòng thí nghiệm MANAR của Đại học Quốc gia TPHCM.

Sau 17 năm thành lập, đến nay, ĐHQG-HCM có 33 đơn vị, trong đó gồm 7 đơn vị thành viên (6 trường đại học thành viên và 1 Viện nghiên cứu) và 26 đơn vị trực thuộc (đơn vị đào tạo, chuyển giao công nghệ và dịch vụ). Tổng số  cán bộ, viên chức của ĐHQG–HCM hiện nay là hơn 5.343, với gần 2.793 cán bộ giảng dạy, trong đó 831 tiến sĩ, trên 1.500 thạc sĩ đáp ứng nhu cầu đào tạo của gần 50.000 sinh viên chính quy, gần 8.000 học viên sau đại học và trên 30.000 sinh viên vừa học vừa làm.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong các hoạt động đào tạo, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM -

Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS. Phan Thanh Bình cho biết, tầm nhìn chiến lược của ĐHQG-HCM là đến năm 2020 ĐHQG-HCM hướng tới là đến năm 2020 trở thành một hệ thống gồm các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp KHCN mạnh. Là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh, góp phần thúc đẩy và định hướng phát triển KHCN của cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Một trong những hoạt động trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của ĐHQG-HCM là công tác đẩy mạnh các chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế. Hoạt động này được triển khai thông qua các chương trình đào tạo chú trọng đến cải tiến chất lượng liên tục hoặc các chương trình liên kết với các đối tác quốc tế đẳng cấp cao như chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao; chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng; chương trình tiên tiến.

Nêu rõ những quan điểm chiến lược để  phát triển KHCN đối với nhà trường, PGS. Phan Thanh Bình cho biết sẽ tạo cơ chế thông thoáng, hiệu quả nhằm phát huy sức sáng tạo trong khoa học.  Xây dựng các nhóm nghiên cứu trọng điểm, liên ngành. Hình thành hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, chia sẻ nguồn lực; Đẩy mạnh công bố khoa học (đặc biệt công bố trên các tạp chí quốc tế ISI), hỗ trợ công tác đăng ký sở hữu trí tuệ.

ĐHQG-HCM đã hình thành các chương trình KHCN trọng điểm nhằm khai thác và phát huy các thế mạnh của mình. Tiêu biểu là các chương trình: CN vật liệu mới, KHCN Nano;  CN thông tin và truyền thông; Cơ khí & tự động hoá; Năng lượng tái tạo;) CN sinh học; Bảo vệ môi trường và tài nguyên;  NCCB trong khoa học tự nhiên; Kinh tế, xã hội, nhân văn khu vực Nam Bộ.
Đến nay ĐHQG-HCM đã hình thành một hệ thống gồm trên 60 phòng thí nghiệm (PTN) phục vụ NCKH, CGCN và đào tạo. Trong số đó có 2 PTN trọng điểm Quốc gia và 10 PTN trọng điểm cấp ĐHQG, đóng vai trò chủ lực trong việc thực hiện các các chương trình KH&CN trọng điểm của ĐHQG.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan một phòng thí nghiệm của trường ĐHQG-HCM

Xây dựng các mũi nhọn nghiên cứu trọng điểm, liên ngành: Thực hiện chiến lược phát triển KH&CN, đến nay tại ĐHQG-HCM đã hình thành khoảng 25 nhóm nghiên cứu mũi nhọn, trong số đó nhiều nhóm đã đi thẳng vào những hướng nghiên cứu hiện đại hoặc giải quyết những thực tiễn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước như: Nhóm trí tuệ nhân tạo tại phòng thí nghiệm AILAB, trường ĐH KHTN với phần mềm “Tiếng nói Phương Nam – VOS” có thể tạo ra giọng nói nhân tạo của người trên máy tính từ dữ liệu đầu vào là văn bản, đoạt giải ba Nhân tài đất Việt năm 2009 và được chuyển giao cho Công ty Việt Bản đồ (VietMap) để tích hợp VOS trên các sản phẩm của công ty; Nhóm thiết kế vi mạch với chip vi xử lý điều khiển 8-bit VN08-01 với công nghệ 250nm đoạt giải đặc biệt Nhân tài Đất Việt 2009, thiết kế thành công chip vi xử lý 32-bit với công nghệ IBM 130nm, hiện sở hữu 48 lõi IP với giá trị ước tính 34 triệu USD

Hợp tác quốc tế trong KH&CN: ĐHQG-HCM đã xây dựng cho mình một mạng lưới đối tác có quan hệ chặt chẽ, bền vững từ châu Á, châu Âu đến Bắc Mỹ, Úc và New Zealand. Giai đoạn 2006-2010, đã hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học như MINATEC – Pháp, UCLA – Hoa Kỳ; các tập đoàn công nghiệp Synopsys, Qualcomm, Mentor Graphics, Toshiba; Vùng Rhone-Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat, Hà Lan  v.v.

Giám đốc Phan Thanh Bình  kiến nghị Chính phủ cho phép ĐHQG-HCM được ủy quyền cho bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư sau khi có chứng nhận đủ chuẩn của Hội đồng CDGSNN. ĐHQG-HCM được thí điểm thực hiện đào tạo một số ngành theo phương thức xã hội hóa theo hướng học phí được thu trên cơ sở tính toán đủ chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với sinh viên của lớp cử nhân tài năng -

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong các hoạt động đào tạo, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM. Đồng thời, Phó Thủ tướng đã nêu một số định hướng quan trọng để nhà trường phát triển nhanh và bền vững hơn. Theo đó, ĐHQG-HCM cần tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tổ chức chặt chẽ việc sinh viên đánh giá giảng viên, giảng viên đánh giá Ban giám hiệu. Từ đó nâng cao trách nhiệm từng cá nhân và tăng cường công tác thông tin, cơ chế đánh giá và giám sát hai chiều. Nhà trường cần quan tâm và đầu tư nhiều hơn trong công tác chuẩn hóa trong giảng dạy theo hướng ứng dụng những công nghệ giáo dục hiện đại hơn nữa. Quan tâm đúng mức quy luật thị trường trong giáo dục đào tạo. Phải xây dựng đội ngũ nòng cốt trong nghiên cứu và sáng tạo khoa học công nghệ.

Về kiến nghị của ĐHQG-HCM, Phó Thủ tướng đề nghị nhà trường phải cân đối kỹ lưỡng trong công tác tuyển sinh, chú ý cân đối, hài hòa giữa các nhóm ngành. Tại đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giải thích một số nguyên tắc và cho ý kiến về quyền hạn của ĐHQG-HCM trong việc bổ nhiệm GS, PGS.

Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT và Bộ KHCN trước 15/4 chuẩn bị xong báo cáo chuyên đề về kinh nghiệm, bài học xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc tại các trường đại học. Bộ KHCN, Bộ GD-ĐT phối hợp với ĐHQG-HCM tổ chức hội nghị đầu tư vào 2 trường ĐHQG trong tháng 5/2012.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác đã tham quan một số đơn vị nghiên cứu và ứng dụng chuyên sâu khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là:  Trung tâm Manar, Ký túc xá A, Trung tâm Giáo dục quốc phòng, Khu giải phẫu y khoa, Trung tâm nghiên cứu Nano và trung tâm dữ liệu JVN.

Nguồn: Chinhphu

0 Comments:

Đăng nhận xét