Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nghiên cứu xây dựng Đề án kéo dài tuổi lao động

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trên cơ sở báo cáo điều tra của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề án về kéo dài tuổi lao động phù hợp với xu hướng sức khỏe và tuổi thọ của người Việt Nam tăng, nhu cầu nhân lực có trình độ cho phát triển đất nước và kinh nghiệm của các nước khác về việc nâng tuổi về hưu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ chủ trì trình Đề cương sơ bộ với Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vào quý III/2012.

Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người cao tuổi


Để đưa Luật Người cao tuổi vào cuộc sống, đẩy mạnh công tác chăm sóc người cao tuổi, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, hướng dẫn thủ tục để người cao tuổi chưa đủ hồ sơ xác định tuổi được hưởng trợ cấp theo quy định của Luật, nhất là đối với người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và miền núi.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nghiên cứu xây dựng Đề án kéo dài tuổi lao động
Ảnh minh họa

Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn cơ sở y tế duy trì việc khám, chữa bệnh, kể cả khám, chữa bệnh lưu động ít nhất 1 lần/năm cho người cao tuổi, chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và miền núi.

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người cao tuổi thông qua cuộc vận động “Ánh sáng cho người cao tuổi”, “Câu lạc bộ liên thế hệ giúp đỡ nhau”. Nghiên cứu hàng năm tổ chức liên hoan các tấm gương và mô hình chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi cô đơn.

Các địa phương tiếp tục rà soát việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi, nhất là xóa nhà tạm cho người cao tuổi đơn thân, người cao tuổi là hộ nghèo; phối hợp với các đoàn thể vận động các tổ chức, cá nhân chăm sóc người cao tuổi đơn thân.

Xây dựng Đề án “Nhà chăm sóc người cao tuổi độc thân”


Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2012. Trong đó, cần làm rõ các mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 cũng như các chính sách, giải pháp, cơ chế tổ chức và nguồn lực thực hiện, lưu ý xu hướng già hóa dân số để đề xuất chính sách phù hợp.

Để thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng Đề án “Nhà chăm sóc người cao tuổi độc thân”, nhất là ở vùng khó khăn, trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi cho ý kiến vào quý III/2012, sau đó hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV/2012.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án hỗ trợ, chăm sóc đời sống văn hóa và tinh thần cho người cao tuổi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án hỗ trợ người cao tuổi trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế và Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng kế hoạch định kỳ phổ biến nội dung, giới thiệu mô hình về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên sóng phát thanh, truyền hình, chú ý các bệnh ở người cao tuổi, trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vào quý II/2012.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ

Chiều 20/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae để trao đổi một số nội dung mà hai nước đang cùng hợp tác thực hiện.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển tốt đẹp, với nhiều kết quả hợp tác cụ thể, đặc biệt là sau chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007 và chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10/2011.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ, ông Ranjit Rae.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thông báo với Đại sứ Ranjit Rae về chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Đoàn cấp cao Việt Nam vào cuối tháng 3 tới. Chuyến thăm này nhằm triển khai hiệu quả và cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 10/2011). Trọng tâm của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ.

Đại sứ Ranjit Rae hoan nghênh chuyến thăm Ấn Độ tới đây của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và tin tưởng, chuyến thăm sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, đồng thời là dịp để thúc đẩy và phát triển toàn diện các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ.

Ông Ranjit Rae khẳng định, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của Ấn Độ để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm chính thức của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến Ấn Độ trong thời gian sắp tới.

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh

Ngày 3/3/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng KH & CN Nguyễn Quân và Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) để khảo sát và đánh giá hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nhất phía Nam.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm phòng thí nghiệm MANAR của Đại học Quốc gia TPHCM.

Sau 17 năm thành lập, đến nay, ĐHQG-HCM có 33 đơn vị, trong đó gồm 7 đơn vị thành viên (6 trường đại học thành viên và 1 Viện nghiên cứu) và 26 đơn vị trực thuộc (đơn vị đào tạo, chuyển giao công nghệ và dịch vụ). Tổng số  cán bộ, viên chức của ĐHQG–HCM hiện nay là hơn 5.343, với gần 2.793 cán bộ giảng dạy, trong đó 831 tiến sĩ, trên 1.500 thạc sĩ đáp ứng nhu cầu đào tạo của gần 50.000 sinh viên chính quy, gần 8.000 học viên sau đại học và trên 30.000 sinh viên vừa học vừa làm.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong các hoạt động đào tạo, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM -

Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS. Phan Thanh Bình cho biết, tầm nhìn chiến lược của ĐHQG-HCM là đến năm 2020 ĐHQG-HCM hướng tới là đến năm 2020 trở thành một hệ thống gồm các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp KHCN mạnh. Là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh, góp phần thúc đẩy và định hướng phát triển KHCN của cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Một trong những hoạt động trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của ĐHQG-HCM là công tác đẩy mạnh các chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế. Hoạt động này được triển khai thông qua các chương trình đào tạo chú trọng đến cải tiến chất lượng liên tục hoặc các chương trình liên kết với các đối tác quốc tế đẳng cấp cao như chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao; chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng; chương trình tiên tiến.

Nêu rõ những quan điểm chiến lược để  phát triển KHCN đối với nhà trường, PGS. Phan Thanh Bình cho biết sẽ tạo cơ chế thông thoáng, hiệu quả nhằm phát huy sức sáng tạo trong khoa học.  Xây dựng các nhóm nghiên cứu trọng điểm, liên ngành. Hình thành hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, chia sẻ nguồn lực; Đẩy mạnh công bố khoa học (đặc biệt công bố trên các tạp chí quốc tế ISI), hỗ trợ công tác đăng ký sở hữu trí tuệ.

ĐHQG-HCM đã hình thành các chương trình KHCN trọng điểm nhằm khai thác và phát huy các thế mạnh của mình. Tiêu biểu là các chương trình: CN vật liệu mới, KHCN Nano;  CN thông tin và truyền thông; Cơ khí & tự động hoá; Năng lượng tái tạo;) CN sinh học; Bảo vệ môi trường và tài nguyên;  NCCB trong khoa học tự nhiên; Kinh tế, xã hội, nhân văn khu vực Nam Bộ.
Đến nay ĐHQG-HCM đã hình thành một hệ thống gồm trên 60 phòng thí nghiệm (PTN) phục vụ NCKH, CGCN và đào tạo. Trong số đó có 2 PTN trọng điểm Quốc gia và 10 PTN trọng điểm cấp ĐHQG, đóng vai trò chủ lực trong việc thực hiện các các chương trình KH&CN trọng điểm của ĐHQG.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan một phòng thí nghiệm của trường ĐHQG-HCM

Xây dựng các mũi nhọn nghiên cứu trọng điểm, liên ngành: Thực hiện chiến lược phát triển KH&CN, đến nay tại ĐHQG-HCM đã hình thành khoảng 25 nhóm nghiên cứu mũi nhọn, trong số đó nhiều nhóm đã đi thẳng vào những hướng nghiên cứu hiện đại hoặc giải quyết những thực tiễn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước như: Nhóm trí tuệ nhân tạo tại phòng thí nghiệm AILAB, trường ĐH KHTN với phần mềm “Tiếng nói Phương Nam – VOS” có thể tạo ra giọng nói nhân tạo của người trên máy tính từ dữ liệu đầu vào là văn bản, đoạt giải ba Nhân tài đất Việt năm 2009 và được chuyển giao cho Công ty Việt Bản đồ (VietMap) để tích hợp VOS trên các sản phẩm của công ty; Nhóm thiết kế vi mạch với chip vi xử lý điều khiển 8-bit VN08-01 với công nghệ 250nm đoạt giải đặc biệt Nhân tài Đất Việt 2009, thiết kế thành công chip vi xử lý 32-bit với công nghệ IBM 130nm, hiện sở hữu 48 lõi IP với giá trị ước tính 34 triệu USD

Hợp tác quốc tế trong KH&CN: ĐHQG-HCM đã xây dựng cho mình một mạng lưới đối tác có quan hệ chặt chẽ, bền vững từ châu Á, châu Âu đến Bắc Mỹ, Úc và New Zealand. Giai đoạn 2006-2010, đã hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học như MINATEC – Pháp, UCLA – Hoa Kỳ; các tập đoàn công nghiệp Synopsys, Qualcomm, Mentor Graphics, Toshiba; Vùng Rhone-Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat, Hà Lan  v.v.

Giám đốc Phan Thanh Bình  kiến nghị Chính phủ cho phép ĐHQG-HCM được ủy quyền cho bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư sau khi có chứng nhận đủ chuẩn của Hội đồng CDGSNN. ĐHQG-HCM được thí điểm thực hiện đào tạo một số ngành theo phương thức xã hội hóa theo hướng học phí được thu trên cơ sở tính toán đủ chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với sinh viên của lớp cử nhân tài năng -

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong các hoạt động đào tạo, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM. Đồng thời, Phó Thủ tướng đã nêu một số định hướng quan trọng để nhà trường phát triển nhanh và bền vững hơn. Theo đó, ĐHQG-HCM cần tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tổ chức chặt chẽ việc sinh viên đánh giá giảng viên, giảng viên đánh giá Ban giám hiệu. Từ đó nâng cao trách nhiệm từng cá nhân và tăng cường công tác thông tin, cơ chế đánh giá và giám sát hai chiều. Nhà trường cần quan tâm và đầu tư nhiều hơn trong công tác chuẩn hóa trong giảng dạy theo hướng ứng dụng những công nghệ giáo dục hiện đại hơn nữa. Quan tâm đúng mức quy luật thị trường trong giáo dục đào tạo. Phải xây dựng đội ngũ nòng cốt trong nghiên cứu và sáng tạo khoa học công nghệ.

Về kiến nghị của ĐHQG-HCM, Phó Thủ tướng đề nghị nhà trường phải cân đối kỹ lưỡng trong công tác tuyển sinh, chú ý cân đối, hài hòa giữa các nhóm ngành. Tại đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giải thích một số nguyên tắc và cho ý kiến về quyền hạn của ĐHQG-HCM trong việc bổ nhiệm GS, PGS.

Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT và Bộ KHCN trước 15/4 chuẩn bị xong báo cáo chuyên đề về kinh nghiệm, bài học xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc tại các trường đại học. Bộ KHCN, Bộ GD-ĐT phối hợp với ĐHQG-HCM tổ chức hội nghị đầu tư vào 2 trường ĐHQG trong tháng 5/2012.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác đã tham quan một số đơn vị nghiên cứu và ứng dụng chuyên sâu khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là:  Trung tâm Manar, Ký túc xá A, Trung tâm Giáo dục quốc phòng, Khu giải phẫu y khoa, Trung tâm nghiên cứu Nano và trung tâm dữ liệu JVN.

Nguồn: Chinhphu

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại các bệnh viện thuộc Bộ Công an

Nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, chiều 26/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm, chúc mừng ngày truyền thống của ngành y tế tại Bệnh viện 198 và Bệnh viện Y học cổ truyền – Bộ Công an. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu tham gia tháp tùng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Bệnh viện 198

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các thầy thuốc ngày càng thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân với tinh thần “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí MinhThay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đội ngũ GS, bác sĩ, y tá đang hoạt động trong ngành y tế cả nước cũng như cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Bệnh viện 198 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm khu mổ Bệnh viện 198

Phó Thủ tướng đã chỉ rõ những định hướng cơ bản của Chính phủ đối với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các cơ chế chính sách để phát triển ngành y tế trong thời gian tới. Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển y học cổ truyền, tăng diện tích các vùng nguyên liệu theo hướng chuyên canh các cây thuốc nam quý hiếm.
Phó Thủ tướng đề nghị các bác sĩ ngành công an tiếp tục phát huy truyền thống của lực lượng vũ trang, chăm lo sức khỏe cho ngành cũng như góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa tập thể Bệnh viện 198

Đánh giá cao những thành tựu của Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an trong việc điều trị thành công các bệnh khó, mạn tính như thoát vị đĩa đệm cột sống, viêm đại tràng mạn, viêm gan mạn, viêm khớp dạng thấp, phục hồi chức năng do di chứng tai biến mạch máu não, phục hồi di chứng sau tai nạn giao thông… Phó Thủ tướng mong muốn, thời gian tới lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển công tác khám chữa bệnh theo hướng hiện đại hóa y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, đảm bảo 100% cán bộ, chiến sỹ công an được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế từ chăm sóc sức khỏe ban đầu đến chuyên sâu đạt trình độ tiên tiến.
Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, khuyến khích phát triển các nghiên cứu mới, các bài thuốc hay có tính ứng dụng cao phục vụ có hiệu quả công tác điều trị, tiếp tục chăm lo tốt đến đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho cán bộ, y bác sỹ và chiến sĩ.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bó hoa tươi thắm nhân dịp ngày truyền thống của ngành y tế -

Nhân dịp ngày truyền thống của ngành y tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tặng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bó hoa tươi thắm, qua đó gửi gắm niềm tin tưởng tới 70.000 cán bộ là y bác sĩ đang hoạt động trong ngành y tế có nhiều đóng góp quan trọng hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Từ Lương

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Ưu tiên tăng mức học bổng cho lưu học sinh Lào và Campuchia

Nhằm tăng cường việc hỗ trợ, hợp tác đào tạo các lưu học sinh của hai nước Lào, Campuchia.Ngày  24/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành về việc điều chỉnh chế độ chính sách đối với lưu học sinh Lào và Campuchia.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo

Việt Nam là 5.234 người, trong đó gần 2.000 người thuộc diện được học bổng của hai Chính phủ. Tổng số lưu học sinh Campuchia khoảng 550 người, người trong đó 100 người theo diện học bổng, ngoài ra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tiếp nhận 10 lưu học sinh Campuchia là con em của cán bộ, nhân viên đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam…


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Những đề xuất về việc tăng mức chi cho các lưu học sinh Lào, Campuchia là hợp lý

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc hỗ trợ, hợp tác đào tạo các lưu học sinh của hai nước Lào, Campuchia là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng bởi đây là những nước láng giềng, có mối quan hệ hữu nghị hợp tác đặc biệt với Việt Nam.

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện các quy định tại Thông tư 16/2006 và Thông tư 41/2008 của Bộ Tài chính, đã xuất hiện nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế về định mức chi và nội dung chi đào tạo đối với lưu học sinh Lào và Campuchia đang học tập tại Việt Nam.

Cụ thể, hiện  định mức trần học phí bậc đại học từ năm 2008 đến nay tăng 97%, những yếu tố tác động đến học bổng như giá điện, nước, xăng dầu cũng tăng đáng kể. Xét mức tăng như vậy, mức chi cho lưu học sinh tại các thông tư  đã lạc hậu so với tình hình biến động giá  cả hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ xem xét tăng 100% định mức chi tối thiểu tương ứng cho mỗi cấp học được nhận học bổng trực tiếp.

Đối với kinh phí do nhà trường quản lý để chi đào tạo cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tách riêng định mức phục vụ chi phí đào tạo và định mức phục vụ chi phí cho lưu học sinh quốc tế với mức tăng 100%. Đồng thời, tăng chi phí cho đào tạo, giảng dạy là 45% cho một suất chi đào tạo.
Về cách thức cấp phát kinh phí đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, trong thời gian tới, đưa toàn bộ kinh phí đào tạo lưu học sinh Lào, Campuchia được cân đối trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với nhiệm vụ đào tạo lưu học sinh giao cho các trường trực thuộc Bộ, thực hiện phân bổ kinh phí từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với nhiệm vụ đào tạo lưu học sinh diện hiệp định giao cho các trường không trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những đề xuất của các hội hữu nghị Việt Nam, Campuchia, Lào và các trường về việc tăng mức chi cho các đối tượng này là hợp lý. Cho tới nay, các lưu học sinh hai nước được đào tạo ở Việt Nam khi về nước đã đáp ứng tốt yêu cầu công việc, nhiều người hiện đang giữ những trọng trách, cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của hai nước, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố tình đoàn kết giữa 3 nước.

Thống nhất với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều chỉnh mức chi cho lưu học sinh Lào và Campuchia, Phó Thủ tướng đề nghị ưu tiên tăng mức học bổng cho lưu học sinh Lào và Campuchia, tiếp đó là tăng mức chi ngân sách đối với các trường có lưu học sinh. Trong 6 tháng cuối năm, cần phải tăng mức chi 30% cho nhóm đối tượng này.
Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo gấp rút rà soát lại chất lượng đào tạo đối với lưu học sinh Lào, Campuchia, đặc biệt là trình độ về ngôn ngữ tiếng Việt, chậm nhất trong tháng 4/2012, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, Campuchia.

Cũng trong tháng 4/2012, cần xây dựng cơ chế xác định chuẩn đầu ra đối với lưu học sinh Lào, Campuchia.

Từ Lương - http://nguyenthiennhan.net/pho-thu-tuong-nguyen-thien-nhan-uu-tien-tang-muc-hoc-bong-cho-luu-hoc-sinh-lao-va-campuchia.html

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Tiểu sử Nguyễn Thiện Nhân: Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam

Để trả lời câu hỏi: Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là ai ? Mời các bạn đọc tóm tắt tiểu sử Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân


Sinh ngày: 12/06/1953.

Quê quán: Trà Vinh.

Học hàm, học vị: Giáo sư – Tiến sỹ.

Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI

Đại biểu Quốc hội khóa X, XII, XIII

6/1970-12/1979: Nhập ngũ, sau đó học đại học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Dân chủ Đức (1972-1979).

1/1980-3/1983: Công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự – Bộ Quốc phòng, Thượng úy.

4/1983-4/1985: Cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

4/1985-7/1988: Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn, Trưởng ban Khoa học – Kỹ thuật rồi Phó Bí thư Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh.

8/1988-10/1990: Tùy viên giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức; Đảng ủy viên Đảng bộ Đại sứ quán.

11/1990-10/1991: Học kinh tế thị trường tại Trường Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Liên bang Đức.

11/1991-8/1995: Phó Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý công nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh rồi học thạc sỹ quản lý cộng đồng tại Trường Đại học Oregon (Mỹ) và khóa đào tạo chuyên gia thẩm định dự án đầu tư tại Trường Đại học Harvard (Mỹ).

9/1995-4/1997: Trưởng khoa rồi Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư kinh tế (1996).

5/1997-12/1999: Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP. Hồ Chí Minh; Đại biểu Quốc hội khóa X.

12/1999-5/2001: Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

5/2001-6/2006: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh; Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và Công nghệ quốc gia. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Giáo sư kinh tế (2002).

7/2006-7/2007: Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại biểu Quốc hội khóa XII.

8/2007-6/2010: Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ 7/2010 đến nay: Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu làm Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Phó Thủ tướng Chính phủ.