Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc

Nhận lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Lee Myung Bak và Phu nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Hàn Quốc từ ngày 26-27/3 và thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 28-29/3.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc

Ngày 11/11/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang Sik nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Seoul.

Một trong những nội dung thảo luận giữa lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc và Việt Nam bên lề Thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2012 tại Seoul tới đây là khả năng xúc tiến hợp tác trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tiếp theo ở Việt Nam.

Bên lề các hoạt động chính thức của hội nghị Thượng đỉnh, lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc và Việt Nam dự kiến sẽ có cuộc tiếp xúc song phương nhằm trao đổi rộng rãi về hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bí thư Nguyễn Bá Thanh: Cảnh sát tiêu cực sẽ cho vườn

Đó là tuyên bố của ông Nguyễn Bá Thanh – bí thư Thành ủy Đà Nẵng – trong buổi nói chuyện với gần 200 cán bộ chủ chốt của cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát chống tội phạm cướp giật của Đà Nẵng sáng 19-3.

Tại cuộc nói chuyện về công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, ông Thanh nhấn mạnh: “Tình hình giao thông đang có dấu hiệu hỗn loạn, băng nhóm tội phạm cũng manh nha. Vì vậy lực lượng cảnh sát rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố đáng sống”.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng làm nhiệm vụ

Lắp camera giám sát CSGT

Nói chuyện với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), ông Thanh cho biết năm 2012 sẽ có nhiều chủ trương chính sách mới vừa khuyến khích, động viên nhưng cũng phải có chế tài mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Theo ông, với việc xử lý quyết liệt trên địa bàn TP, từ gần 10 năm qua đã không có hiện tượng đua xe như các TP lớn khác. Ông Thanh yêu cầu CSGT tại bốn trạm cửa ô mỗi quý phải đổi tất cả quân một lần để tránh tình trạng cánh lái xe đường dài quen biết xin xỏ, nảy sinh tiêu cực. Ông ví von: “Đừng để giống như con cá trê ở lâu trong hang rồi mọc râu dài vươn ra ngoài”.

Lực lượng CSGT tại bốn trạm Hòa Phước, Hòa Hải, Kim Liên, Hòa Nhơn làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường ngoài tiền lương, thưởng theo chế độ còn được UBND TP hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/người/tháng (từ ngân sách TP), hưởng 10% tổng số tiền phạt vi phạm, thanh tra giao thông mỗi tháng hỗ trợ 2 triệu đồng. “Bộ phận làm việc trực tiếp ngoài đường được hỗ trợ cụ thể như vậy. Còn đối với bộ phận gián tiếp cuối năm đề xuất lên TP để có hướng giải quyết hỗ trợ thêm” – ông Thanh động viên.

Ngược lại, ông Thanh đặt hàng cho CSGT. “Với mức thu nhập như vậy, nếu biết làm thì mỗi tháng mỗi CSGT có thể có thu nhập hơn chục triệu đồng. Nhưng nếu chỉ cần phát hiện nhận chung chi một vài trăm nghìn đồng thì lập tức bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành, cho về vườn chứ không cần phải theo mức độ nặng nhẹ gì cả. Không có chuyện ưu tiên con gia đình chính sách hay ông này ông nọ mà xử nhẹ” – ông Thanh nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy yêu cầu trong tháng 3 mỗi CSGT phải viết một bản cam kết không nhận tiền hối lộ và luôn nhớ điều đã cam kết. Không chỉ vậy, Công an TP Đà Nẵng còn phải lắp đặt camera giám sát tại các trạm này. Mọi hoạt động của CSGT trong quá trình tiếp tài xế, người dân đều được lưu lại và chuyển về trung tâm chỉ huy của lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, cũng có thể linh hoạt một số trường hợp cuối năm bồi dưỡng cho CSGT có thể chấp nhận được, nhưng phải công khai mọi khoản.

Tăng quân, mua súng, sắm xe chống cướp

“Cảnh sát chống cướp giật sẽ có đủ điều kiện để làm việc” là lời hứa của ông bí thư với lực lượng cảnh sát chống cướp giật (thuộc Phòng cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an Đà Nẵng). Ông Thanh ghi nhận những chiến công của lực lượng này trong việc trấn áp loại tội phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, việc lực lượng này sử dụng môtô đồng loạt đã tạo ra hạn chế là tội phạm phát hiện, không còn bí mật nữa. Ông Thanh đề nghị cảnh sát chống cướp giật phải sử dụng những loại xe như người dân bình thường và “nâng cấp” thêm. Vấn đề này liên quan đến ngành giao thông nên ông Thanh đã yêu cầu trợ lý gọi điện ngay cho ông Đặng Việt Dũng – giám đốc Sở Giao thông vận tải (ông Dũng không có trong thành phần họp) – trong mười phút phải đến để cho ý kiến về việc này. Ông Dũng lập tức có mặt và cho biết sẽ cùng Công an TP nghiên cứu cho phù hợp.

Đại diện cảnh sát trật tự và chống cướp giật đề nghị được đầu tư thêm về kinh phí, phương tiện, nhân lực cho phù hợp với tình hình hiện nay. Ông Thanh lập tức đồng ý tăng thêm 20 quân cho lực lượng chống cướp giật, mua thêm súng của Đức và 50 môtô. Trước đề nghị tăng mức hỗ trợ trực, tuần tra cho chiến sĩ từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng, ông Thanh quả quyết: “Đã tăng thì tăng lên hẳn 100.000 đồng luôn để đảm bảo đời sống chiến sĩ”. Đầu tư mua ba máy đo độ ồn cho cảnh sát trật tự để chấm dứt tình trạng mỗi lần có việc lại phải đi mượn máy. Ngoài ra, TP sẽ đầu tư mở rộng trại giam Hòa Sơn thêm 5ha. Ngân sách TP mỗi năm dành 3,4 tỉ đồng đầu tư cho lực lượng chống cướp giật sẽ được chia đều cho công an và lực lượng biên phòng.

Theo ông Thanh, việc đầu tư cho lực lượng này không phải do tình hình phức tạp, mà đã tốt rồi nên muốn làm thêm cho tốt hơn. “Chúng ta đang xây dựng TP du lịch, TP đáng sống, vì vậy không thể hô bằng khẩu hiệu. TP đáng sống thì không thể để tội phạm tồn tại, TP du lịch thì không thể có lang thang, xin ăn, chèo kéo du khách được” – ông Thanh khẳng định.

ĐOÀN CƯỜNG

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bảo vệ nghiêm ngặt và sử dụng hiệu quả đất trồng lúa

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đất trồng lúa là tư liệu sản xuất đặc biệt, là yếu tố quyết định an ninh lương thực quốc gia, nên cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng có hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung trong Nghị định là phải giữ ổn định đất lúa.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong 2 ngày 19 và 20/3, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.

Chính phủ đã thảo luận về Báo cáo kết quả xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII; Tình hình triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII và năm 2012; Các giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việc đề xuất xây dựng dự án luật, pháp lệnh phải thực sự cần thiết, có tính khả thi trong thực tiễn cuộc sống, được thẩm tra chặt chẽ, khoa học.

Chính phủ nghe, thảo luận về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2007/NĐ–CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Báo cáo về việc sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân.

Về kết quả xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, tình hình triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII và năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ nhận định, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, công tác xây dựng luật và pháp lệnh có nhiều cố gắng, góp phần xây dựng thể chế pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn.
Từ năm 2007 đến năm 2011, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 75/89 dự án luật, pháp lệnh mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua (chiếm 84,26%). Riêng năm 2008, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 27 dự án, chiếm 93,1% tổng số các dự án luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Toàn cảnh phiên họp

Tuy nhiên, Thủ  tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, hệ  thống thể chế luật pháp vẫn còn không ít bất cập, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn dài trải, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hiện nay, việc hoàn thiện thể chế được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những khâu khâu đột phá chiến lược.

Nêu rõ quan điểm cần tiếp tục đổi mới việc lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc đề xuất xây dựng dự án luật, pháp lệnh phải thực sự cần thiết, có tính khả thi trong thực tiễn cuộc sống, được thẩm tra chặt chẽ, khoa học; cương quyết đưa ra khỏi chương trình những dự án luật, pháp lệnh chưa hội đủ các điều kiện cần thiết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, chuẩn bị các dự án luật có tính cấp bách để bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, 2013 và trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Thảo luận về nội dung này, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh và các thành viên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và trách nhiệm của người đứng đầu.

Đề cập đến dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng đất trồng lúa, các thành viên Chính phủ cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo Nghị định, đồng thời đề nghị Bộ chủ trì soạn thảo Nghị định bổ sung các ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ liên quan đến các điều, khoản của Nghị định quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ địa phương, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa; việc quy định các trường hợp phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Nhấn mạnh đất trồng lúa là tư liệu sản xuất đặc biệt, là yếu tố quyết định an ninh lương thực quốc gia, nên cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng có hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung trong Nghị định là phải giữ ổn định đất lúa. Khi lập quy hoạch có “đụng chạm” đến đất lúa, dứt khoát phải được thẩm định, phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quản lý và sử dụng đất trồng lúa, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Sau khi nghe các thành viên Chính phủ thảo luận về  các vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong khi chờ có Luật Đất đai sửa đổi, tinh thần chung của Chính phủ kiến nghị Quốc hội là khi hết thời hạn giao đất, cho thuê đất vào năm 2013, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; người sử dụng đất được thực hiện đầy đủ các quyền theo pháp luật quy định, trong đó có quyền được cầm cố, thế chấp.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo này để trình Chính phủ trong phiên họp Chính phủ tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh.

Đề cập đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo theo hướng có kế thừa các quy định hợp lý, bổ sung quy định mới nhưng bảo đảm tính ổn định, không làm xáo trộn, bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng xem xét, thảo luận về các dự án luật: Luật Dự trữ quốc gia, Luật Thư viện, Luật Xuất bản (sửa đổi), Luật Thủ đô, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao các Bộ chức năng chủ trì soạn thảo phối hợp các Bộ, ngành cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, sớm hoàn chỉnh các dự án luật nêu trên để trình Quốc  hội.

Theo Chinhphu

Nga điều binh sĩ chống khủng bố tới Syria

Một đơn vị quân đội Nga vừa tới Syria với nhiệm vụ ngăn chặn khủng bố tại quốc gia Trung Đông này, đặc biệt sau các vụ đánh bom chết người ở thủ đô Damascus.

Binh sĩ chống khủng bố của Nga. Ảnh: RIA Novosti

Tàu chở nhiên liệu Iman thuộc Hạm đội Hắc Hải vừa tới cảng Tartus bên bờ Địa Trung Hải của Syria. Theo hãng thông tấn Interfax của Nga, tàu này chở theo một đơn vị chống khủng bố thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ của Nga.

Tàu Iman thay thế một tàu khác của Nga đã được điều tới Syria để duy trì sự hiện diện của Moscow tại khu vực bất ổn này, đồng thời cũng sẵn sàng cho khả năng phải di tản các công dân Nga, thông báo của Hạm đội Hắc Hải cho hay.

Chính quyền của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad muốn đơn vị này giúp đỡ trong việc đối phó với các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, truyền thông Nga không nêu chi tiết nhiệm vụ của binh sĩ nước này tại Syria, cũng như liệu số quân nhân này có rời cảng Tartus.

Theo ông Mark Galeotti, chuyên gia an ninh Nga kiêm giáo sư về các vấn đề toàn cầu tại đại học New York, sự hiện diện của binh sĩ Nga tại Syria là một cách thể hiện rõ ràng cho thấy sự ủng hộ của Moscow đối với Damascus.

Đại sứ quán Nga tại Mỹ và Liên Hợp Quốc hiện không đưa ra một bình luận nào về thông tin kể trên, với lý giải họ không có thông tin cụ thể về việc một đơn vị chống khủng bố của Nga đã tới Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuần trước cho hay nước này không có kế hoạch điều quân tới Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov thì bác bỏ các thông tin cho rằng lực lượng đặc nhiệm Nga đang hoạt động ở Syria, nhưng cho biết có các cố vấn kỹ thuật và quân sự Nga đang có mặt ở quốc gia Trung Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho hay Washington chưa được biết về các thông tin cho rằng binh sĩ Nga được điều tới Syria, đồng thời từ chối đưa ra bình luận.

Moscow vốn có quan hệ mật thiết lâu dài với chính phủ của tổng thống Assad. Nga hiện vẫn duy trì một căn cứ hải quân tại Tartus, một trong những cửa ngõ vào Địa Trung Hải. Moscow từng cùng với Bắc Kinh bác bỏ nghị quyết của Liên Hợp Quốc có nội dung yêu cầu Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực.

Cải chính thông tin về ngôi biệt thự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thời gian qua trên mạng Internet có đăng tải bài viết “Ngắm biệt thự mới xây của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng”. Với nội dung mang tính chất xuyên tạc, từ nội dung trên đã kích động làm lệch lạc suy nghĩ của người dân cả nước về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bất bình trước sự việc trên, độc giả Nguyễn Văn Trung (Hà Nội) đã có bài viết phản hồi đính chính về “Sự thật lâu đài của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Gần đây, trên website “http://thietkewebbatdongsan.com”, có đăng tải bản cải chính thông tin của Nguyễn Hồng Hải (Giám đốc công ty TNHH phần mềm I-LAND) về sự thật lâu đài của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cải chính thông tin về ngôi biệt thự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Trích đoạn: “Ngày 10/3/2012, với ý tưởng viết bài về biệt thự của người nổi tiếng, trên trang “bietthuviet.vn”, vì muốn thu hút số lượng người truy cập vào website, nhân viên Phạm Duy Khánh đã truy cập vào website phản động “một góc nhỏ”, sao chép toàn bộ nội dung bài viết “Ngắm biệt thự mới xây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” rồi đăng tải lại trên trang “bietthuviet.vn”. Với nội dung và chú thích ảnh được cho là ngôi biệt thự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng thực chất là hình ảnh cung điện Benazir Bhutto ở Dubai. Sau khi bài viết đăng lên, hàng loạt những hệ luỵ sau đó diễn ra, các blog, website đã lợi dụng, liên tục phát tán bài viết với nội dung xuyên tạc, phản động. Xét thấy hành vi của mình đã vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nay chúng tôi xin cải chính thông tin và gửi lời xin lỗi tới Thủ tướng Chính phủ cùng bạn đọc cả nước”.

Cải chính thông tin về ngôi biệt thự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Cải chính thông tin về ngôi biệt thự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Cải chính thông tin về ngôi biệt thự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nguồn tin: http://thutuongnguyentandung.net/cai-chinh-thong-tin-ve-ngoi-biet-thu-cua-thu-tuong-nguyen-tan-dung.html

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Quân đội Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á


“Thực lực quân sự Việt Nam đã được nâng lên một cách vững chắc, quân số đông, tác chiến mạnh, sức chiến đấu và sức mạnh tổng hợp đều đứng đầu các nước Đông Nam Á”.


Quân đội Nhân dân Việt Nam

1. Thực lực quân sự đứng đầu Đông Nam Á

Tạp chí Ngoại giao của Trung Quốc nhận định như trên và phân tích thêm: lực lượng vũ trang của Việt Nam chủ yếu bao gồm quân đội nhân dân và dân quân tự vệ, còn có cả cảnh sát biển và công an nhân dân. Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập năm 1944, lúc đầu chỉ có 34 người, gọi là “Đội tuyên truyền giải phóng quân” Việt Nam, trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và giải phóng miền Nam, đến nay quy mô và sức mạnh chiến đấu không ngừng lớn mạnh.
Theo “Sách Trắng Quốc phòng” công bố năm 2009 của Việt Nam, hiện nay lực lượng thường trực của quân đội Việt Nam (bao gồm cả bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương) có tổng cộng 450 nghìn người, lực lượng dự bị khoảng 5 triệu người.

Bộ đội chủ lực là thành phần cốt cán của quân đội nhân dân Việt Nam , bao gồm lục quân, hải quân, phòng không không quân, bộ đội biên phòng.
Lục quân Việt Nam hiện chia thành 8 Quân khu, một số Quân đoàn, Sư đoàn bộ binh, Lữ đoàn tăng thiết giáp, Lữ đoàn tác chiến đặc chủng, Lữ đoàn pháo binh dã chiến, Sư đoàn công binh, Sư đoàn xây dựng kinh tế.

Trang bị vũ khí chủ yếu gồm có 850 xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55, 300 xe tăng hạng nhẹ PT-76, 100 xe trinh sát thiết giáp BRDM-1/2, 300 xe chiến đấu bộ binh BMP-1/2, 1.100 xe thiết giáp chở quân BTR-40/50/60/152, khoảng 2.300 cỗ pháo kéo xe và một số dàn phóng tên lửa, pháo cao xạ, pháo tự hành, tên lửa chống tăng và tên lửa đất đối không.

Hải quân Việt Nam thành lập năm 1955, hiện biên chế thành 4 vùng hải quân ven biển, trang bị chủ yếu gồm hai tàu ngầm mini mua của Bắc Triều Tiên năm 1977, 6 tàu hộ vệ, 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ “Cheetah”, 37 tàu tuần tra và một số tàu rà quét thủy lôi, tàu đổ bộ và tàu tiếp tế hậu cần.

Phòng không không quân Việt Nam thành lập năm 1963, được sáp nhập từ Bộ Tư lệnh phòng không và Cục không quân, hiện được biên chế thành một số Sư đoàn phòng không và Sư đoàn không quân, bên dưới có Trung đoàn máy bay tấn công, Trung đoàn máy bay tiêm kích, Trung đoàn máy bay vận tải, Trung đoàn pháo cao xạ, Trung đoàn rađa.

Tên lửa S-300PMU1 của quân đội Nhân dân Việt Nam

Trang bị chủ yếu gồm có 140 máy bay MiG-21, 7 máy bay SU-27SK, 4 máy bay SU-30MKK, 53 máy bay SU-22, 4 máy bay chống tàu ngầm Be –12, 26 trực thăng chống tăng MiG-24, 10 trực thăng chống tàu ngầm Ka-28 và một số máy bay huấn luyện, tên lửa không đối không, không đối đất, đất đối không.

Bộ đội biên phòng Việt Nam thành lập năm 1959, có chức năng cơ bản là thực hiện quản lý biên giới quốc gia, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ biên giới trên bộ, hải đảo, vùng biển và trật tự an ninh ở khu vực cửa khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Hải quân Việt Nam vùng IV luyện tập

Ngoài quân đội nhân dân, dân quân tự vệ Việt Nam cũng là bộ phận cấu thành chủ yếu của lực lượng vũ trang Việt Nam. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng vẫn ở vị trí sản xuất và công tác, thời bình là lực lượng lao động sản xuất chính, thời chiến là lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân.

Dân quân tự vệ chủ yếu thuộc các loại hình bộ binh, phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, giao thông, phòng chống hóa học, điều trị y tế và dân quân tự vệ trên biển, trong đó dân quân tự vệ trên biển mới được thành lập từ năm 2009 nhằm đối phó với những đe dọa an ninh trên biển.
Việt Nam còn có lực lượng cảnh sát biển, thành lập năm 1998. Vì thế, Việt Nam hiện nay có ba bộ phận lực lượng vũ trang trên biển là hải quân, cảnh sát biển và dân quân tự vệ biển, cho thấy Việt Nam hết sức coi trọng an ninh trên biển.

2. Chú trọng Biển Đông, đẩy nhanh hiện đại hóa hải quân không quân

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã bắt đầu tiến trình hiện đại hóa quân đội. Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9, nhất là từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh cục bộ kỹ thuật cao đối với Irắc, Việt Nam đã ý thức được rằng hình thái chiến tranh trong tương lai sẽ có thay đổi to lớn, vũ khí trang bị truyền thống và dạng thức tác chiến truyền thống đã không thể thích hợp với yêu cầu chiến tranh trong tương lai.

Mục tiêu tổng thể trong xây dựng quân đội của Việt Nam là “Cách mạng hóa, chính quy hóa, tinh nhuệ hóa và từng bước hiện đại hóa”.

Chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam

Vì thế, Việt Nam đã mở rộng chi phí quốc phòng, từ chỗ chú trọng xây dựng quy mô chuyển sang xây dựng chất lượng quân đội, chú trọng nguyên tắc phát triển phối hợp giữa các quân binh chủng và ưu tiên phát triển hải quân – không quân, đồng thời tiếp tục tăng cường xây dựng lực lượng dự bị như dân quân tự vệ.

Việt Nam bắt đầu thực hiện phương châm chiến lược “thu hẹp lục quân mở rộng hải quân”, coi việc bảo vệ lãnh thổ trên biển và tài nguyên biển là trọng tâm của chiến lược quân sự mới, tăng cường một cách có trọng điểm khu vực ven biển miền Trung Nam Bộ và bố trí binh lực ở các đảo mà Việt Nam đã chốt giữ , làm nổi bật nhiệm vụ xây dựng hải quân và không quân.

Tàu chiến Moliya

Năm 2001, Việt Nam đã cho ra đời “Kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang thế kỷ mới”, đề xuất thay đổi toàn diện vũ khí trang thiết bị của ba quân chủng lục quân, hải quân và không quân, trọng tâm là ưu tiên đảm bảo hiện đại hóa phòng không không quân và hải quân, đồng thời lắp đặt các loại trang thiết bị cảnh báo, trinh sát, chỉ huy, cơ động và đảm bảo cung cấp hậu cần.

“Sách Trắng Quốc phòng” năm 2009 của Việt Nam cũng nhiều lần nhấn mạnh phải xây dựng quân đội hiện đại hóa có trang bị vũ khí tiên tiến, trong khi tự nghiên cứu chế tạo, liên hợp sản xuất trang thiết bị, đồng thời mua sắm khối lượng lớn vũ khí trang thiết bị tiên tiến của nước ngoài, nâng cao tính năng vũ khí trang thiết bị của bản thân, trong đó mua sắm vũ khí trang thiết bị cho hải quân và phòng không không quân đã chiếm tỉ lệ rất lớn.

Hình ảnh Su-30MK2 mới của Việt Nam trên báo Trung Quốc

Cuối năm 2003, Việt Nam đã đặt mua của Nga 4 máy bay chiến đấu SU-30MK đa tính năng. Đồng thời, không quân Việt Nam đã hợp tác với Ixraen và Nga cải tiến hệ thống rađa của máy bay MiG-21, lắp đặt trên máy bay thiết bị trinh sát chụp ảnh ban đêm. Năm 2005, Việt Nam lại đặt mua hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 trang bị cho một số đại đội pháo binh.

Không quân Việt Nam còn mua máy phản lực huấn luyện L-39C/máy bay tấn công hạng nhẹ của Séc, nhập khẩu một bộ phận máy bay luấn luyện KT-1, T-50 của Hàn Quốc và Ba Lan.

Tháng 3/2005, Việt Nam và Ba Lan đã ký Hiệp định mua vũ khí trị giá 150 triệu USD, mua 12 chiếc máy bay tuần tra trên biển M-28, 4 máy bay trực thăng cứu hộ trên biển W-3RM và 8 hệ thống trinh sát trên biển MSC-400 của Ba Lan. Năm 2009, Việt Nam lại ký hiệp định với Nga, mua của Nga 12 máy bay chiến đấu đa chức năng SU-30MK2.

Su-27 của Không quân Việt Nam

Để thích ứng với yêu cầu đặt ra trong tương lai, Hải quân Việt Nam đã có kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, hy vọng đến trước năm 2015 sẽ hoàn thành đổi mới trang thiết bị, để Hải quân Việt Nam trở thành một lực lượng hải quân trên biển hiện đại có đầy đủ các binh chủng, có khả năng tác chiến cơ động và khả năng tấn công hỏa lực tầm xa tương đối mạnh, đến trước năm 2050 sẽ hình thành một lực lượng tác chiến đa chiều độc lập ở biển xa.

Từ năm 1995 đến nay, Hải quân Việt Nam đã lần lượt đặt mua hơn 10 chiếc tàu chiến mang tên lửa có tên “Poisonous spider” của Nga, 12 chiếc tàu tuần tra của Thụy Điển, 2 tàu ngầm mini của Bắc Triều Tiên.

Tàu ngầm Kilo 636

Sau năm 2000, Việt Nam bắt đầu mua tàu mặt nước cỡ lớn của nước ngoài. Năm 2003, Việt Nam đã ký hiệp định trị giá 120 triệu USD với Nga, có kế hoạch mua của Nga 12 chiếc tàu chiến tốc độ cao mang tên lửa có tên “Lightning”.

Việt Nam còn mua các loại tàu tấn công/tuần tra tốc độ cao của Hàn Quốc có các tên “Dolphin”/ “Wildcat”; mua của Ba Lan 4 tàu hộ vệ hạng nhẹ “Miners”, 1 tàu huấn luyện “Nick Ward”, 8 tàu tuần tra bờ biển “Pilica”, và một tàu tuần tra cỡ lớn “Aubrey Lutz” đã cải tiến.

Năm 2007, Việt Nam lại mua của Nga 2 tàu hộ vệ “Cheetah” và một hệ thống tên lửa chống hạm trên bờ mới nhất để lắp ráp tên lửa hành trình chống hạm có tốc độ siêu âm “Ruby”.

Để khắc phục những bất cập về năng lực tác chiến dưới nước, năm 2009, Việt Nam đã ký một hợp đồng lớn với Nga, mua 6 chiếc tàu tàu ngầm lớp “KILO” chạy bằng động cơ diezen trị giá 1,8 tỉ USD, đồng thời chuẩn bị thành lập lực lượng tàu ngầm.

Việt Nam đang đẩy mạnh giao lưu hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới trên lĩnh vực quân sự

Bên cạnh việc mua sắm vũ khí của Nga, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quân sự với nhiều quốc gia trên thế giới nhằm mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị nâng tầm của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực ít nhất là trong lĩnh cực quân sự.

Theo Phunutoday

Xem 'khí tài mới' Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147

Vào mùa huấn luyện 2012, nhiều đơn vị trong Quân chủng đều có các sáng kiến về chế tạo mô hình học cụ, góp phần tích cực trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện.

Những "sáng kiến vàng" mà phóng viên Hải quân ghi nhận được mới đây tại cuộc thi mô hình học cụ của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 chỉ là một phần nhỏ trong số các "sáng kiến vàng" của bộ đội Hải quân trong mùa huấn luyện mới này.

Tại lễ ra quân huấn luyện năm 2012, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân và đại biểu tỉnh Quảng Ninh giành khá nhiều thời gian tham quan khu mô hình học cụ của Lữ đoàn 147. Không ít đại biểu thực sự bất ngờ trước các mô hình học cụ có sự đầu tư công sức lớn, rất sáng tạo, độc đáo, sát với các nội dung huấn luyện mới hiện nay.

Một trong những sáng kiến mới, rất thiết thực với nhiệm vụ huấn luyện hiện nay đó là thiết bị ẩn hiện vận động ngày đêm (hay còn gọi là bia di động) của nhóm tác giả Đại úy Nguyễn Xuân Thao, Trung úy chuyên nghiệp Lê Ngọc Quí, Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Hoàng Sảng thuộc Tiểu đoàn 1047.

Thiết bị này phục vụ cho huấn luyện ngắm bắn của xe tăng cũng như hải quân đánh bộ. Điểm sáng tạo của thiết bị này chính là nó có khả năng ẩn hiện, cơ động sát với điều kiện các bài tập ngắm bắn. Nhất là nhờ có hệ thống đèn chiếu sáng, ẩn hiện theo yêu cầu của bài bắn nên sử dụng cho huấn luyện ban đêm rất tiện lợi.

Theo Đại tá Nguyễn Duy Định, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 147, qua sử dụng thử nghiệm, thiết bị này bước đầu phát huy rất hiệu quả trong huấn luyện, nhất là huấn luyện đêm, diễn tập thực binh...

Sáng kiến thứ 2 là giá pháo DKZ di động. Đây là thiết bị dùng để phục vụ ngắm bắn cho khẩu đội DKZ ở mọi địa hình huấn luyện, nhất là trên tàu Hải quân, kể cả khi tàu đang cơ động trên biển. Giá súng dễ tháo lắp khi sử dụng, dễ cơ động, vật liệu làm giá súng đơn giản, tận dụng ở ngay các đơn vị.

Trung úy Nguyễn Đình Quân, Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 473, tác giả sáng kiến trên cho biết: giá súng được sử dụng thực nghiệm trong diễn tập hiệp đồng mới đây và phát huy hiệu quả tốt trong việc rèn kỹ năng ngắm bắn chuẩn xác cho bộ đội.

Còn sáng kiến ụ súng cơ động của trung úy Kiều Văn Hưng, đại đội trưởng đại đội bộ binh 3 thuộc Tiểu đoàn 473 đã giúp đơn vị này giải quyết cơ bản khó khăn trong quá trình huấn luyện giã ngoại, ở những địa điểm không có ụ súng cố định. Ụ súng được chế tạo đơn giản, gọn nhẹ, dễ mang vác, phù hợp với việc cơ động lực lượng.

Học viên Học viện Hải quân thực tế trên tàu tên lửa project 1241.8.

Sáng kiến con trỏ tăng võng lại rất phù hợp cho huấn luyện dã ngoại, nhất là trong điều kiện mưa bão. Có thiết bị này, nước sẽ không chảy xuống võng khi sử dụng, không phải sử dụng cọc phụ để chống nước. Thiết bị này rất nhỏ, gọn (chỉ bằng 1/2 chai nước) và có linh kiện kèm theo, có thể mang theo ở túi cóc ba lô, hoặc luồn trực tiếp vào võng để trong ba lô, nhất là có thể sử dụng dễ dàng trong điều kiện đêm tối, cơ động lực lượng.

Khi xem thiết bị này, Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Phó chính ủy Hải quân đã biểu dương khen ngợi sáng kiến rất độc đáo và sát thực tiễn này và đề nghị đơn vị hoàn thiện thêm để phổ biến rộng rãi hơn.

Theo đại tá Nguyễn Duy Định, đây chỉ là 4 sáng kiến trong số rất nhiều sáng kiến của các đơn vị trong mỗi mùa huấn luyện. Những sáng kiến trên có ưu điểm nổi bật là tiện ích trong sử dụng, dễ sản xuất, lắp đặt, giá thành thấp, đặc biệt là ứng dụng trong thực tiễn rất hiệu quả. Điều đáng ghi nhận là những sáng kiến hầu hết đều được làm ra từ chính tay người lính ở đơn vị cơ sở. Có tiểu đoàn, toàn bộ mô hình học cụ được làm ra chỉ tốn hết…2 triệu đồng. Trong điều kiện kinh phí huấn luyện hạn hẹp, việc bộ đội tự nghiên cứu để sản xuất các mô hình học cụ mới hàng năm đã giúp Lữ đoàn giải nhiều bài toán về nâng cao chất lượng huấn luyện, nhất là huấn luyện thực binh.

Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Phó Chính ủy Hải quân khẳng định: "Các sáng kiến mới về mô hình học cụ ở Lữ đoàn 147 trong năm huấn luyện này không những độc đáo, sáng tạo mà còn có giá trị ứng dụng rộng rãi hiện nay ở các đơn vị SSCĐ trong Quân chủng. Sắp tới các cơ quan Quân chủng sẽ nghiên cứu để phổ biến các mô hình này cho các đơn vị khác và sẽ khen thưởng kịp thời các sáng kiến có giá trị thực tiễn cao”.