Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Thượng tướng Trần Đại Quang: Đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy


Nhân “Ngày Thế giới phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” (26/6), Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy đã có bài viết về các giải pháp đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 1 đóng trên địa bàn Hà Nội.
Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 1 đóng trên địa bàn Hà Nội.

Trong những năm gần đây, tình hình tệ nạn ma tuý trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tính đến cuối năm 2011, vẫn còn hơn 200 triệu người nghiện các chất ma tuý. Các loại tội phạm khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma tuý quốc tế gắn liền với thảm họa ma tuý tổng hợp ATS đã và đang thực sự là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Tội phạm và tệ nạn ma túy thực sự đã trở thành hiểm họa lớn, nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ là nguy cơ đe dọa sự phát triển của giống nòi, gây mất ổn định về chính trị, xã hội.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy, Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong cuộc chiến chống ma túy. Ngày 26/3/2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về “tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma tuý và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”.

Ngày 27/6/2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1101/QĐ/TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Nhờ triển khai thực hiện liên tục, đồng bộ các giải pháp, công tác phòng, chống ma túy đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy đã được triển khai sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác hại của tệ nạn ma túy; phong trào toàn dân phòng, chống ma túy đã được phát triển rộng khắp trên cả nước; tốc độ gia tăng người nghiện được kiềm chế, ở một số địa phương đã có xu hướng giảm. Đã thực hiện có hiệu quả Chương trình xoá bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma tuý tại các vùng cao. Từ một nước có gần 20 nghìn ha trồng cây thuốc phiện vào năm 1998, đến nay, chúng ta đã cơ bản giải quyết được vấn đề trồng cây thuốc phiện và tái trồng cây thuốc phiện.

Công tác phòng, chống ma tuý đã từng bước được xã hội hoá, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện; đã cảm hóa, giáo dục, cải tạo được nhiều đối tượng phạm tội, đối tượng nghiện hút ma tuý tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người làm ăn lương thiện, có ích cho xã hội. Xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến xuất sắc trong phòng, chống ma túy như mô hình 3 giảm: “Giảm tội phạm, giảm ma tuý, giảm mại dâm” của Thành phố Hồ Chí Minh; mô hình thành phố 5 không: “Không có tội phạm giết người cướp của, không có ma tuý tại cộng đồng, không có người thất học, không có người lang thang xin ăn, không có hộ đói” của thành phố Đà Nẵng; phong trào 3 bỏ: “Bỏ trồng cây thuốc phiện, bỏ hút thuốc phiện, bỏ buôn bán ma tuý” của tỉnh Yên Bái…

Trong lĩnh vực cai nghiện, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện với nhiều hình thức; đồng thời chú trọng quản lý đối tượng sau cai nghiện ở cộng đồng. Số người nghiện được tiếp cận các hình thức cai nghiện ngày một tăng, qua đó đã kiềm chế được tốc độ gia tăng người nghiện ma tuý. Xuất hiện nhiều mô hình cai nghiện, phục hồi có hiệu quả như mô hình cai nghiện tại tỉnh Tuyên Quang, thành phố Hà Nội… Đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cai nghiện, dạy nghề thành công cho hơn 40.000 người nghiện, giảm nguy cơ tái nghiện trong cộng đồng.

Trên lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy, Nhà nước ta đã ban hành Luật Phòng, chống ma túy và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; ký kết nhiều hiệp định hợp tác phòng, chống ma tuý với các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế, trong đó đáng chú ý là 3 Công ước kiểm soát ma tuý, Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Việt Nam cũng đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc, INTERPOL, các nước ASEAN, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông… nhằm trao đổi thông tin, nâng cao năng lực cán bộ, trang thiết bị kỹ thuật phòng, chống và kiểm soát ma tuý qua biên giới.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng Công an nhân dân đã điều tra, khám phá gần 30.000 vụ án ma túy; bắt gần 40.000 đối tượng phạm tội; triệt phá hàng trăm đường dây ma túy nguy hiểm, hàng nghìn tụ điểm phức tạp về ma túy. Trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, quyết liệt, nguy hiểm với tội phạm về ma túy, trong 5 năm qua, có 34 cán Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Công an xã, bảo vệ dân phố đã anh dũng hy sinh, trên 50 đồng chí bị thương.

Mặc dù công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy còn diễn biến phức tạp: Tình trạng tái nghiện còn cao, cai nghiện chưa hiệu quả; tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện hút ma túy và từ họ lây lan ra cộng đồng đang ở mức đáng lo ngại; tình trạng sử dụng các loại ma túy tổng hợp, ma túy đá trong tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh có xu hướng gia tăng và rất đáng báo động; các loại ma tuý ngày càng đa dạng và dễ sử dụng; hoạt động của tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả các lực lượng chức năng khi bị truy bắt. Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội phải không ngừng nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy.

Để thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” và “Ngày Thế giới phòng, chống ma túy” với chủ đề “Toàn cầu chung sức hành động vì một cộng đồng lành mạnh không ma túy”, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

- Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống ma tuý tới các tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, đề cao vai trò giáo dục của gia đình đối với thanh, thiếu niên về tác hại của ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Đưa kiến thức pháp luật về phòng chống ma tuý vào giảng dạy trong nhà trường, coi đây là môn học bắt buộc.

- Các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW và Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các đề án của Chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, qua đó huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý. Phát động toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại cộng đồng dân cư. Tổ chức thực hiện Chương trình xóa bỏ và thay cây có chứa chất ma tuý ở các tỉnh miền núi, trong đó chú trọng tổ chức các dịch vụ tiêu thụ nông sản, thực phẩm và nâng cao hiệu quả các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho đồng bào trước đây trồng cây thuốc phiện, để họ có cuộc sống tốt hơn, tự nguyện xoá bỏ việc trồng và tái trồng cây có chất ma túy.

- Các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả điều tra, khám phá các vụ án sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; xóa bỏ các tụ điểm phức tạp về ma túy trong nước và ngăn chặn ma tuý từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta.

- Đề cao trách nhiệm của gia đình, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong việc quản lý, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng sau cai nghiện, nhân rộng mô hình xã, phường, thôn, ấp, bản không có tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội khác; xây dựng nhiều phòng tuyến ngăn chặn tội phạm và hiểm họa ma tuý từ cơ sở. Huy động nhiều nguồn vốn, tăng cường đầu tư, xây dựng, quản lý trung tâm cai nghiện có hiệu quả.

- Tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong phòng, chống ma túy, đặc biệt với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực nhằm kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm và tệ nạn ma túy; góp phần nâng cao trình độ cán bộ, tăng cường trang bị, phương tiện phòng chống ma tuý cho các lực lượng chức năng trong nước.

- Lồng ghép việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy với Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác.

Cuộc đấu tranh phòng, chống ma tuý còn nhiều cam go và khó khăn phía trước, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng, chung tay đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là trong thanh, thiếu niên nhằm giảm thiểu thiệt hại do ma túy gây ra cho xã hội, cho mỗi gia đình và mỗi người.

Yêu cầu Trung Quốc hủy mời thầu dầu khí ở Biển Đông


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 26/6 cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 23/06/2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay. Trước việc làm của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

"Trước hết, cần khẳng định khu vực mà Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp.

Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông.

Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC)".

Tuần trước, sau có khi tin Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng, Việt Nam), lãnh đạo hai tỉnh, thành phố trên đã lên tiếng phản đối quyết định trên của phía Trung Quốc.

Lãnh đạo của tỉnh Khánh Hoà và thành phố Đà Nẵng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của nước Việt Nam.

Quyết định lập cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung Quốc đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị về pháp lý", chủ tịch thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định.

Trong tuần qua, sau khi phát ngôn viên ngoại giao của Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Việt Nam thông qua Luật Biển, đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam khẳng định thông qua luật này là hoạt động lập pháp bình thường.

"Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam", phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định. "Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa.”

Việt Nam nhiều lần tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, và chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.

Sau một số sự việc hồi năm ngoái, lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đi đến Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, đạt được tháng 10/2011.

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam là một bên tham gia ký Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc (DOC) đạt được năm 2002. Hiện nay hai bên đang hướng đến việc xây dựng và ký kết bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, thường được đề cập đến là COC. Hai ngày cuối tuần vừa qua, các quan chức cấp cao của Hiệp hội và Trung Quốc vừa họp tại Hà Nội để bàn về các vấn đề xung quanh DOC và COC.

Vì sao Trung Quốc chưa dám bước qua vạch đỏ Biển Đông?


Trong tình hình hiện nay, chúng ta chưa thấy có dấu hiệu gì và cũng không có hy vọng nào về vấn đề Biển Đông có thể được giải quyết tận gốc. Nếu bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc đạt được trong năm nay thì cũng chỉ hy vọng tạo ra một nguyên trạng nào đó.
Nhưng có thể Trung Quốc không bao giờ chấp nhận COC bởi họ không muốn duy trì một nguyên trạng như vậy.
Trung Quốc đang tìm mọi cách để nhằm thỏa mãn tham vọng chiếm trọn Biển Đông của mình. Nhưng, liệu có tồn tại những “vạch đỏ” nguy hiểm mà Trung Quốc chưa thể, chưa muốn vượt qua?
Tại sao Trung Quốc chưa hành động tiếp theo để hợp lý hóa khu tranh chấp đã chiếm được?
Hành động tranh chấp trực tiếp trên bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines đã kết thúc từ lâu. Có thể nói, Trung Quốc đã hoàn toàn làm chủ khi Philippines đã rút hết lực lượng của mình ra khỏi khu vực tranh chấp này trong khi 30 tàu cá Trung Quốc được sự bảo vệ của 2 tàu Hải giám, ung dung đánh bắt hải sản dù có lệnh cấm của chính họ ban ra và Philippines chấp nhận.
Với kết quả này, không những giới quân sự “diều hâu” mà các học giả Trung Quốc cũng hiếu chiến, hân hoan chẳng kém. Tất cả, theo họ đại loại là “Trung Quốc cần sớm phái tàu chiến ra bãi cạn Scarborough đồng thời xây dựng công trình quân sự và đóng quân tại khu vực này thì đó mới là “chiếm đóng thực tế”.
Sau đó, giới chức Trung Quốc sẽ ban hành văn bản pháp luật để tạo ra cái gọi là “khu an toàn” có bán kính 500 đến 600 hải lý lấy tâm từ Scarborough làm “căn cứ” xử phạt tàu thuyền bất cứ nước nào “vi phạm”…
Xét về tình thế cuộc tranh chấp thì Philippines không còn gì để nói, nhưng tại sao Bắc Kinh không dấn thêm bước nữa để hợp lý hóa chính thức thành lãnh thổ của mình như những đề nghị của thế lực “diều hâu”?
Tại sao Bắc Kinh không dấn thêm bước nữa để hợp lý hóa chính thức thành lãnh thổ của mình như những đề nghị của thế lực “diều hâu”? (Ảnh: Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc)
Tại sao Bắc Kinh không dấn thêm bước nữa để hợp lý hóa chính thức thành lãnh thổ của mình như những đề nghị của thế lực “diều hâu”? (Ảnh: Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc)
Rõ ràng là, nếu ai đó cho rằng Trung Quốc trong sự kiện Scarborough chỉ là thử sự đoàn kết trong khối ASEAN, thử độ tin cậy của hiệp ước Mỹ - Philippines thì chưa chính xác.
Trung Quốc không cần thử cũng quá rõ nội tình đoàn kết của ASEAN ra sao; Trung Quốc đã quá biết giới hạn trong Hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ và Philippin ở đâu và Mỹ sẽ hành động ở mức độ nào …
Trước hết với ASEAN. Trung Quốc đã thành công khi dùng chính trị và kinh tế để chia rẽ ASEAN. Nguyên tắc “không can thiệp” khiến ASEAN trở nên trung lập, có lợi cho Trung Quốc trong vụ Scarborough. Nhưng nếu Trung Quốc dùng hành động quân sự tấn công Philippines đánh chiếm bãi cạn Scarborough hoặc có hành động xâm lược như phái “diều hâu” chủ trương ở trên thì chính Trung Quốc phá vỡ nguyên tắc “không can thiệp”, lập tức ASEAN là một phía chống lại Trung Quốc.
Việc các nước trong khối ASEAN ngả theo Mỹ, với Trung Quốc không đáng sợ bằng việc họ liên minh kinh tế, quân sự với nhau.
Đây là vạch đỏ nguy hiểm mà Bắc Kinh có đủ khôn ngoan không vượt qua khi chưa cần thiết.
Với Philippines, Trung Quốc thừa biết, hành động đến giới hạn nào thì Mỹ sẽ can thiệp. Mỹ chỉ can thiệp khi lợi ích cốt lõi của Mỹ bị xâm hại, tức tự do hàng hải bị ngăn chặn. Mỹ sẽ không can thiệp vào các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đó không phải là lợi ích cốt lõi của nước Mỹ. Trung Quốc chưa làm gì chứng tỏ họ sẽ đóng các tuyến đường biển qua lại của các tàu Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, hoặc nước nào khác thì đương nhiên Mỹ không dại gì nhúng tay vào.
Dù “kịch bản” Scarborough, Trung Quốc đã thu được những kết quả mong muốn, nhưng hậu quả cũng đem lại cho Trung Quốc ngoài ý muốn không ngờ. Philippines bỗng cứng rắn, mạnh mẽ hẳn lên.
Họ tăng cường sức mạnh quân sự, ngoài Mỹ ra lại được sự giúp đỡ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Ôxtrâylia khiến Philippines không còn là một mình, họ tự tin “chơi tới cùng” với Trung Quốc, đặt Trung Quốc vào thế bị động “tiến thoái lưỡng nan”.
Việc Mỹ đang nhăm nhe viện trợ cho Philippines hệ thống radar cảnh giới và máy bay chiến đấu hiện đại không ngoài mục đích là cảnh báo Trung Quốc chớ bước qua vạch đỏ nguy hiểm.
Nếu Trung Quốc dấn thêm bước nữa như chủ trương của thế lực “diều hâu”, lập tức Philippines sẽ được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại từ Mỹ, Nhật Bản… và họ sẽ không để yên cho Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm bãi cạn Scarborough.
Trong bối cảnh khu vực hiện nay, Trung Quốc có đủ khôn ngoan để không “đem xe đổi tốt”, làm khó cho mình khi bước qua vạch đỏ nguy hiểm đó.
Đó là lý do tại sao đến giờ Trung Quốc vẫn chưa biến vụ Scarborough “thành việc đã rồi” mà luôn tồn tại sự căng thẳng, nếu như không nói là đang leo thang vì Philippines không chịu khuất phục. Họ vừa tìm sự hỗ trợ sức mạnh từ bên ngoài, vừa kiên quyết đưa vụ tranh chấp ra quốc tế phán xét…Đây là điều mà Trung Quốc không muốn và bế tắc trong giải quyết.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc, ngoài việc phải kiểm soát được tình hình, tránh “lau súng bị cướp cò” hoặc dồn ép Philippines đến đường cùng còn phải bằng mọi cách như đe dọa quân sự, trừng phạt kinh tế…nhằm ngăn chặn, làm tê liệt sự phản kháng của Philippines, ít nhất làm cho Philippines không sử dụng biện pháp quân sự để có lợi thế khi đàm phán.

Đoạn cuối cho “kịch bản” Scarborough

Trên khu vực tranh chấp, hiện nay Philippines chỉ để lại 1 tàu canh chừng Trung Quốc (có thực hiện chủ trương như thế lực hiếu chiến đề xuất không), trong khi Trung Quốc vẫn còn 2 tàu Hải giám canh chừng cho khoảng 30 tàu cá của họ khai thác.
Trung Quốc không bao giờ rút lui bởi bất kỳ lý do nào từ Philippines vì Trung Quốc là nước lớn trong khi Philippines chỉ là “con muỗi”. Trung Quốc chỉ rút hết lực lượng khi mùa bão đến gần vì sợ Trời chứ không phải Philippines.
Đây là vụ tranh chấp song phương và trong thời gian này, bằng con đường ngoại giao Trung Quốc và Philippines sẽ giải quyết bằng hòa bình.
Gác tranh chấp cùng khai thác là chủ trương có thể được cả đôi bên chấp nhận?

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

CTN Trương Tấn Sang: Chủ quyền quốc gia là không thể nhân nhượng


Ngày 25.6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội (QH) số 1 tiếp xúc cử tri Q.1 và Q.3 (TP.HCM). Trước những quan tâm đặc biệt của cử tri về tình hình biển Đông, Chủ tịch nước cho rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng. Chủ quyền quốc gia là bất di bất dịch, không thể nhân nhượng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Kỳ họp thứ 3, QH khóa 13 vừa qua đã thông qua luật Biển Việt Nam và đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam; phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển được thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.
Trả lời chất vấn của cử tri liên quan đến xử lý tham nhũng, thất thoát ngân sách, Chủ tịch nước khẳng định sắp tới sẽ được làm rõ và có các hình thức kỷ luật, xử lý trách nhiệm cụ thể theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4. Theo Chủ tịch nước, thời gian qua T.Ư nhận thấy việc tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng có phần không thích hợp nên đã thay đổi lại cơ quan chỉ đạo. Ðảng trực tiếp nắm giữ vai trò chỉ đạo, điều hành và Tổng bí thư là người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng. QH đề nghị cử tri, cán bộ, đảng viên, nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp công sức vào công cuộc phòng chống tham nhũng để trong sạch hóa bộ máy nhà nước.
Ngày 25.6, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và đoàn đại biểu QH tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri H.Vũ Quang để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Về vấn đề đất đai, Chủ tịch QH cho biết, Kỳ họp thứ 3 của QH cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT về vấn đề này, QH đã yêu cầu đến năm 2013, phải cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. QH cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ khẩn trương trình dự thảo sửa đổi luật Đất đai, giải quyết cho được những vướng mắc về cơ chế, chính sách, để QH thảo luận, cho ý kiến.
Ngày 25.6, tại TP.Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cùng các thành viên trong đoàn đại biểu QH khóa XIII TP.Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại H.Vĩnh Thạnh và Q.Thốt Nốt.

TT Nguyễn Tấn Dũng: Khánh thành cột mốc 314 biên giới Việt Nam – Campuchia


Sáng 24/6, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã long trọng tổ chức lễ khánh thành cột mốc 314, cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia.
Buổi lễ được tổ chức tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và xã Rus Xây Sroc Khang Lếch, huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kampot, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia và “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen bên cột mốc phía Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen bên cột mốc phía Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen đồng chủ trì sự kiện quan trọng này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; các Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia: Sar Kheng, Men Sam On; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của hai nước; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương liên quan của hai nước và đông đảo bà con nhân dân thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang, Việt Nam) và huyện Kom Pong Trach (tỉnh Kampot, Campuchia) cùng dự buổi lễ.
Là công trình có thiết kế đẹp, được ốp bằng đá hoa cương, nằm trên bờ biển giữa hai nước, nơi có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, gần khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên – Prếch Char, cột mốc 314 sẽ trở thành một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, không những đối với nhân dân của hai nước mà còn đối với bạn bè quốc tế, làm cho nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về tình đoàn kết, hữu nghị anh em của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Lễ khánh thành cột mốc 314 trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
Lễ khánh thành cột mốc 314 trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
Đây là lần thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hunsen tới dự lễ khánh thành các cột mốc biên giới, điều này thể hiện mạnh mẽ các cam kết, sự quyết tâm và nỗ lực chung của Chính phủ hai nước trong việc thực hiện các Hiệp ước, Hiệp định và các thỏa thuận về công tác biên giới lãnh thổ để hai bên sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc khánh thành cột mốc 314 là một sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt, đánh dấu thắng lợi chung của hai nước, hai dân tộc trong việc chung sức cùng nhau xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đáp ứng lợi ích căn bản và lòng mong muốn của nhân dân hai nước, đồng thời tạo xung lực mới để hai nước cùng quyết tâm sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen khánh thành cột mốc 314
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen khánh thành cột mốc 314
Việc khánh thành cột mốc biên giới số 314 trực tiếp tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế và tạo sự ổn định cho người dân hai tỉnh Kiên Giang và Kampot nói riêng, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa các tỉnh giáp biên của hai nước nói chung.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, để hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc, cả hai bên còn rất nhiều công việc phải làm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước phải hết sức nỗ lực và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, nhằm sớm đưa đường biên giới chung của hai nước thành một đường biên giới hòa bình, hữu nghị đặc biệt, ổn định và phồn vinh.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Hunsen nhấn mạnh, việc khánh thành cột mốc 314 là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan quan trọng, đáp ứng nguyện vọng và mong muốn của 2 nước, 2 dân tộc trong việc xây dựng đương biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng Mekong nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung.
Những kết quả đạt được trong công tác phân giới cắm mốc Việt Nam-Campuchia thời gian qua là một chương lịch sử mới trong quan hệ giữa hai nước, Thủ tướng Hunsen nói.
Thủ tướng Hunsen cũng đánh giá cao các cơ quan chức năng hai nước đã dồn hết tâm sức, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước có những bước tiến nhịp nhàng, đều đặn.
Thủ tướng Hunsen khẳng định, Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong xây dựng được một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước; đồng thời cũng sẽ đặc biệt chú trọng tới các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu nhân dân ở khu vực biên giới giữa 2 nước.
Thủ tướng Hunsen mong muốn nhân dân hai nước cùng nhau bảo vệ các cột mốc nhằm biến khu vực biên giới thành khu hòa bình, hữu nghị, hợp tác bền vững mãi mãi.
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia thay mặt Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc hai nước báo cáo kết quả công tác phân giới, cắm mốc và quá trình xây dựng cột mốc 314; nhấn mạnh Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới hai nước đã tích cực thực hiện công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa và đã đạt được những thành quả hết sức to lớn.
Tính đến nay, hai nước đã cắm được 238 vị trí tương ứng với 287 cột mốc (đạt khoảng 76% khối lượng công việc), phân giới được khoảng 653 km đường biên giới (đạt khoảng 51% khối lượng công việc), các cột mốc có tính chất quan trọng đã được ưu tiên hoàn thành, trong đó có cột mốc có số thứ tự cuối cùng số 314 này. Thành quả trên đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác quản lý biên giới chung; góp phần thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống của cư dân khu vực biên giới hai nước.

‘Việt Nam đã chuyển thông điệp quan trọng qua Luật Biển’


"Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển. Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển đảo bằng các biện pháp hòa bình", Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định.
- Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua ngày 21/6. Bộ trưởng nói rõ về mục đích và ý nghĩa của văn bản luật này?
- Là quốc gia ven biển, Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 từ năm 1994. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có một văn bản luật về biển mà chỉ mới có các quy định trong một số văn bản pháp quy liên quan.
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta.
Với bờ biển dài và các vùng biển rộng lớn, kinh tế biển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của ta. Việc xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Phan Lê
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Phan Lê
- Bộ trưởng cho biết khái quát về quá trình xây dựng và những nội dung chính trong Luật Biển Việt Nam?
- Quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam được bắt đầu từ năm 1998 và đã trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội các khóa X, XI, XII. Luật Biển Việt Nam là một luật có nội dung rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Luật được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp, Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, các Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 và 1982, tổng kết thực tiễn quản lý biển của nước ta, trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các Hiệp định về biển đã ký. Trong quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam, ta cũng đã tham khảo thực tiễn của các nước và cũng cân nhắc lợi ích của ta, lợi ích của các bên liên quan ở Biển Đông và lợi ích chung của khu vực.
Luật có 7 chương đề cập đến các nội dung chủ yếu sau: các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo Việt Nam; các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển.
- Luật Biển Việt Nam quy định như thế nào về chức năng nhiệm vụ quản lý biển của các bộ, ngành?
- Quản lý nhà nước về biển là một lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Hiện nay, phạm vi thẩm quyền cũng như cơ chế phối hợp của các bộ, ngành, các lực lượng tham gia quản lý biển được quy định cụ thể trong các văn bản pháp quy liên quan và được đặt dưới sự điều hành thống nhất của Chính phủ.
Luật Biển Việt Nam là một luật khung quy định các nguyên tắc lớn đối với các vấn đề liên quan đến biển nên không nêu cụ thể, chi tiết chức năng của từng bộ, ngành tham gia quản lý biển. Luật khẳng định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển trong phạm vi cả nước. Các bộ, ngành và địa phương thực hiện quản lý biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
- Vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển, đảo được thể hiện thế nào trong Luật Biển Việt Nam?
- Phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam quy định rất rõ các vùng biển của Việt Nam, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với các vùng nội thủy và lãnh hải; thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa.
Chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã được nêu tại một số quy định trong các văn bản luật đã có trước đây, như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển Việt Nam.
Luật quy định rõ là mọi tổ chức, cá nhân phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích của Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi hoạt động trong các vùng biển của ta. Mọi vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến biển, đảo của Việt Nam đều bị xử lý theo pháp luật liên quan.
- Việt Nam còn có một số bất đồng, tranh chấp về biển, đảo với một số nước láng giềng. Trong Luật Biển Việt Nam, vấn đề này được đề cập như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Luật Biển Việt Nam quy định rõ Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
Đây là chủ trương nhất quán của Nhà nước ta. Chúng ta đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện chủ trương này. Trên thực tế, đến nay chúng ta đã giải quyết được một số tranh chấp với các nước láng giềng. Ví dụ năm 1997, ta cùng Thái Lan phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; năm 2000, cùng Trung Quốc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ; năm 2003, cùng Indonesia phân định thềm lục địa…
Tôi cho rằng với việc Quốc hội nước ta thông qua Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã chuyển một thông điệp quan trọng đến cộng đồng quốc tế. Đó là: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
Chương 1 gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, định nghĩa.
Chương 2 quy định về vùng biển Việt Nam với các quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, quần đảo…
Chương 3 quy định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, trong đó có các quy định: đi qua không gây hại trong lãnh hải, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại, vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải, tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài đến Việt Nam, trách nhiệm của tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, hoạt động của tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, quyền tài phán hình sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài, quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài…
Chương 4 dành cho phát triển kinh tế biển, với các điều khoản về nguyên tắc phát triển kinh tế biển, các ngành kinh tế biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, xây dựng và phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển.
Chương 5 quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển với các điều khoản về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển, cờ, sắc phục và phù hiệu.
Chương 6 quy định về xử lý vi phạm, bao gồm các điều khoản về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm, biện pháp ngăn chặn, thông báo cho Bộ Ngoại giao và xử lý vi phạm.
Theo Chinhphu.vn

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một vài suy nghĩ về căn bệnh nan y của giáo dục


Gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một vài suy nghĩ về căn bệnh nan y của giáo dục

* Một thành tích không thể ngờ (trên 97%) học sinh tốt nghiệp THPT. khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2012 tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Vui vì nhiều học sinh có được tấm bằng tốt nghiệp, từ đó có thể giúp các em tiếp tục con đường học vấn cao hơn hoặc chí ít các em cũng có thể đi học nghề để tạo dựng cuộc sống cho mình. Buồn là vì chất lượng phản ánh chưa đúng sự thật, có nhiều hiện tượng gian lận trong thi cử chưa chứng tỏ được ngành giáo dục nước nhà có bước phát triển vững chắc. Cùng với tỉ lệ tốt nghiệp cao chưa từng có như vậy, Tôi cũng đặt dấu hỏi đến các ngành chức năng, quan trọng nhất là Bộ Giáo dục- đào tạo, và cả năng lực học tập của học sinh về kiến thức: nó có đáp ứng như kết quả hiện tại đã đạt được hay không? Chắc có lẽ cũng có nhiều thông tin trái ngược nhau về vấn đề này.
Những tiêu cực trong phòng thi không dễ phanh phui. Và sự việc ở Bắc Giang có lẽ là đỉnh điểm bức xúc tiêu cực trong khâu coi thi khi chính thí sinh chọn cách làm đầy rủi ro cho bản thân để phơi bày chuyện gian lận, dối trá bên trong phòng thi. Những tiêu cực dạng này cũng râm ran từ hàng chục năm và ở nhiều địa phương nhưng chưa có một giải pháp phòng chống hiệu quả.
* Mới đây thôi, Thanh tra Chính phủ vừa phát hiện một vụ bê bối trong đào tạo và cấp bằng vào lọai lớn nhất từ trước đến nay, kiến nghị không công nhận 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cấp và bằng thạc sĩ do Đại học Kinh tế cấp. Một vụ việc rúng động dư luận.
Gian lận thi cử còn bởi “căn bệnh” sính bằng cấp đang hoành hành. Bằng cấp dường như là “tấm vé” để người ta đi suốt đoạn đường còn lại của cuộc đời nên ai cũng phải cố cho có. Một thực tế khác rất phổ biến trong xã hội bây giờ đó là mọi người Việt Nam đều thích bằng cấp. Nhà nhà người người chạy đua nhau cái danh hão, họ tập trung vào những tấm bằng giấy chứ không phải là những kiến thức vàng, những giá trị học tập chân chính. Thật đáng buồn khi phải nói lên điều này, bởi chính bản thân tôi và không ít người cảm thấy nhỏ bé khi không thể nói lên những gì mình chứng kiến, những gì vẫn âm thầm xảy ra. Bởi sao? bởi vì chính những người như thế đang bị chính cái dòng chảy vô hình đó cuốn đi không tiếc nuối. Một xã hội như vậy thì bao giờ mới hết cái thời đại chạy theo bằng cấp đây?

Chữa tận gốc

Gian lận, quay cóp, đào tạo chui, mua bằng…là những hành vi lệch chuẩn nhưng đã trở thành phổ biến và trở nên bình thường này không chỉ làm hỏng một hay nhiều kỳ thi mà còn làm hư mỗi con người và nhiều thế hệ, khiến nhiều người lo ngại gọi nó là quốc nạn. Vậy nên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cần có những giải quyết để chữa trị quốc nạn này, cũng là để chữa trị tận gốc những căn bệnh nan y của giáo dục, không thể chỉ bằng những cải cách nửa vời, chắp vá, thiếu nhất quán hay những giải pháp tình thế, cục bộ, bề nổi.