Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Quan Lam Báo


(Blog Anh Ba Dũng) - Hôm nay Anh Ba Dũng xin có 1 vài nhận xét riêng về Blog quanlambao đang nổi đình nổi đám tại Việt Nam, cũng như  BBC.

Chỉ sau 1 tuần được tạo ra, blog đã nổi tiếng và gây được sự chú ý của cộng đồng mạng với những bài viết chỉ trích thẳng vào các vị tướng của Bộ Chính trị Việt Nam, có những điểm mà Quan Làm Báo đưa ra mà không có chứng cứ xác thực, viết thì cứ viết, nói trên trời dưới đất làm hoang mang và mất lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước.

Xin hỏi Quan Làm Báo những bài viết trên blog có nguồn từ đâu? Ai cung cấp thông tin, hay chỉ là những tin đồn thất thiệt? Nếu muốn mọi người có chút tin tưởng thì những dẫn chứng đưa ra phải có nguồn xác minh.

Phải chăng Quan Làm Báo là người trong nội bộ? Hay là 1 thế lực thù địch nào đó muốn chống phá nhà nước Việt Nam, mình nghĩ Quan Làm Báo nên ngừng lại hoạt động của mình, dân trong nước thì phải tin tưởng vào đất nước, cùng nhau đóng góp ý kiến tích cực giúp đất nước vượt qua khó khăn, vươn lên sánh vai cùng các bạn bè 5 châu, đừng nên kích động lòng dân rồi cuối cùng được gì ?

Phải tìm ra người tài giỏi lãnh đạo đất nước, đừng chê bai người này người kia, con người ai cũng có mặt tích cực và mặt chưa tích cực.

Mong Quan Làm Báo xem lại tư cách của mình và các bài viết đăng trên Blog.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng mới


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định bổ nhiệm 2 Thứ trưởng mới của Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong đó có 1 nữ Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Cả 2 quyết định bổ nhiệm này đều có hiệu lực từ ngày 5-7.
Bà Phan Thị Mỹ Linh
Bà Phan Thị Mỹ Linh
Cụ thể, theo Quyết định 838/QĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm bà Phan Thị Mỹ Linh - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng - giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Bộ Xây dựng hiện có 6 Thứ trưởng giúp việc cho Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, gồm các ông: Cao Lại Quang, Nguyễn Trần Nam, Bùi Phạm Khánh, Trần Văn Sơn, Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Thanh Nghị. Trong đó, 2 Thứ trưởng Cao Lại Quang và Nguyễn Trần Nam cùng sinh năm 1955, trẻ nhất là Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị sinh năm 1976.
Bà Phan Thị Mỹ Linh là Thứ trưởng thứ 7 và nữ Thứ trưởng duy nhất của Bộ Xây dựng.
Tại Quyết định 838/QĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bổ nhiệm ông Đào Quang Thu - Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, giữ chức Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Ông Đào Quang Thu
Ông Đào Quang Thu
Cùng với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiện Bộ Kế hoạch - Đầu tư có 4 Thứ trưởng, gồm các ông: Cao Viết Sinh, Đặng Huy Đông, Nguyễn Thế Phương và Nguyễn Văn Trung. Ông Đào Quang Thu là Thứ trưởng thứ 5 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Theo Nghị định 36/2012/NĐ-CP, số lượng Thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá 4 người. Tuy nhiên, đối với Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp thì số lượng Thứ trưởng có thể nhiều hơn 4 người. Trường hợp đặc biệt này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

TT Nguyen Tan Dung: Tang cuong hop tac voi cac nuoc My Latinh


Ngày 5/7, Diễn đàn Việt Nam-Mỹ Latinh: Đối tác thương mại, đầu tư vì phát triển, đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại phiên khai mạc.

Tham dự Diễn đàn có các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế của 15 nước trong khu vực Mỹ Latinh, đại diện Đại sứ quán các nước Mỹ Latinh tại Việt Nam, đại diện Đoàn Ngoại giao và các Tổ chức quốc tế tại Hà Nội; đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp của các nước Mỹ Latinh quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Về phía Việt Nam có lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, các ngành kinh tế chủ chốt; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ninh, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang hoạt động tại Mỹ Latinh hoặc quan tâm tới thị trường Mỹ Latinh. Sự kiện cũng thu hút sự tham gia của các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam và Mỹ Latinh.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu chào mừng.
Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Diễn đàn Việt Nam-Mỹ Latinh có chủ đề “Đối tác thương mại, đầu tư vì phát triển.” Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng hợp tác to lớn để Việt Nam-Mỹ Latinh cùng nhau phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp sẵn có trở thành quan hệ đối tác toàn diện vì hòa bình và phát triển.

Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận ba nội dung: Môi trường kinh doanh đầu tư Việt Nam-Mỹ Latinh; Kết nối giao thông, hậu cần, viễn thông và dịch vụ Việt Nam-Mỹ Latinh; Đối tác nông nghiệp và năng lượng Việt Nam-Mỹ Latinh. Đây là các lĩnh vực quan trọng, có nhiều tiềm năng phát triển giữa Việt Nam và các đối tác Mỹ Latinh.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn Việt Nam-Mỹ Latinh với chủ đề thiết thực. Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh đang phát triển mạnh mẽ, trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp 17 lần, đạt hơn 5 tỷ USD năm 2011. Nhiều dự án đầu tư đang được triển khai trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng và viễn thông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam là một thị trường lớn với gần 90 triệu dân, có vị trí chiến lược tại khu vực Đông Á, là thành viên của nhiều cơ chế thương mại khu vực và quốc tế. Hiện đã có quan hệ ngoại giao và kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2011 đạt hơn 200 tỷ USD. Trên 13.700 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 200 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng đã có gần 700 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt gần 12 tỷ USD và có thế mạnh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, giao thông, viễn thông…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trở thành đối tác kinh tế quan trọng của các nước Mỹ Latinh, đồng thời là cầu nối để Mỹ Latinh đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế với khu vực Đông Á. Trong chính sách đối ngoại mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và quyết tâm phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Mỹ Latinh, đưa các mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ tích cực cho công cuộc phát triển của cả hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, tự hào về những thành quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Kim ngạch thương mại hai chiều tuy tăng trưởng với tốc độ cao nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giao dịch thương mại của mỗi nước. Số lượng các dự án đầu tư của hai bên còn khiêm tốn. Hiểu biết về đối tác, môi trường đầu tư, kinh doanh của mỗi bên còn hạn chế. Thủ tướng đề nghị các vị đại diện của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tại Diễn đàn thảo luận để tìm hiểu đối tác, tiềm năng, cơ hội và môi trường đầu tư kinh doanh của mỗi bên; trên cơ sở đó, hình thành ý tưởng, định hướng chính sách, cơ chế hợp tác, thỏa thuận đầu tư, kinh doanh cụ thể.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, quan hệ chính trị, hữu nghị truyền thống tốt đẹp và không ngừng phát triển đã tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, nhất là trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư, với mức tăng ấn tượng trong kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm qua. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, Việt Nam và Mỹ Latinh đang có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ hợp tác phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, sao cho tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp.

Ngay sau phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn đã tham quan không gian trưng bày triển lãm dành cho các nước Mỹ Latinh, các bộ, ngành và địa phương, các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người và văn hóa cũng như sản phẩm của Việt Nam và các nước Mỹ Latinh.

Nhân dịp này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã công bố thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Mỹ Latinh.

TT Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm một số cán bộ


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa quyết định bổ nhiệm Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và một số cán bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Cụ thể, tại Quyết định 828/QĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm ông Nguyễn Duy Hưng – Hàm Vụ trưởng – Thư ký Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, giữ chức Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tại Quyết định 815/QĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm lại ông Bùi Khắc Sơn, giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Tại Quyết định 816/QĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm ông Vũ Trung Trực, Trưởng ban Thư ký Hội đồng quản trị Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam kiêm Trưởng ban Kiểm soát Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam/.
Theo Chinh phu / Website Nguyễn Tấn Dũng

Người dân Trung Quốc đang bị kích động


Tại sao ở Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông lại xuất hiện dư luận hiếu chiến đến mức mù quáng, bất chấp lẽ phải và sự thật, bất chấp luật pháp quốc tế? Kết quả của một cuộc thăm dò của Thời báo Hoàn Cầu.

Tàu Trung Quốc tuần tra trên biển Đông - Ảnh: Mạng quân sự Trường Giang
Tàu Trung Quốc tuần tra trên biển Đông - Ảnh: Mạng quân sự Trường Giang

Kết quả của một cuộc thăm dò do Thời báo Hoàn Cầu thực hiện với gần 1.500 người ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Tây An, Thẩm Dương... cho thấy rõ điều này. Gần 80% ủng hộ Trung Quốc “sử dụng vũ lực để đập tan các hành động gây hấn và xâm phạm” trên biển Đông. Chỉ vỏn vẹn 16,6% là nói không.

Thử khảo sát trên các trang Weibo... của cư dân mạng Trung Quốc cũng dễ dàng nhận thấy một dư luận tương tự. Rất nhiều ý kiến đòi chính quyền tuyên chiến trên biển Đông. “Không có chỗ cho đàm phán khi xét đến vấn đề lãnh thổ. Một cuộc chiến có thể đem lại 10 năm hòa bình” - một người viết. Người khác lại thẳng thừng: “Tôi ủng hộ việc bắn phá Philippines”. Nhiều người còn chỉ trích chính quyền Trung Quốc là hèn nhát, không dám bảo vệ đất nước. Đa số khẳng định căng thẳng trên biển Đông là “âm mưu thâm độc” do Mỹ dàn dựng để chống Trung Quốc...

Tâm lý nạn nhân

Tất nhiên, ở Trung Quốc vẫn còn có những người tử tế, biết tôn trọng lẽ phải và sự thật, biết yêu đất nước mình và tôn trọng quyền lợi chính đáng của những nước khác như hội thảo “Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu kinh tế và báo mạng Tân Lãng tổ chức mới đây đã cho thấy. Thế nhưng những tiếng nói như vậy còn ít ỏi và lẻ loi, thậm chí đang có nguy cơ bị xem là “những kẻ phản quốc”. Nguyên văn tuyên bố của thiếu tướng quân đội Trương Châu Trung như sau: “Có hơn 1 triệu kẻ phản quốc ở Trung Quốc. Một số học giả là do Mỹ đào tạo, đọc sách Mỹ, chấp nhận quan niệm Mỹ và họ đang giúp Mỹ chống Trung Quốc”.

Tại sao dư luận Trung Quốc lại mù quáng, bất chấp đạo lý và lẽ phải đến như vậy? Câu trả lời dễ nhận ra là do người dân đã bị “tẩy não” và bị “đầu độc” hằng ngày hằng giờ những điều sai lệch.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc, điển hình nhất là tờ Thời báo Hoàn Cầu, thường xuyên cáo buộc Việt Nam và Philippines là “kích động”, “gây hấn” trên biển Đông và đòi chính quyền Bắc Kinh phải phát động “một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ” chống lại các quốc gia Đông Nam Á. Giới tướng lĩnh quân đội Trung Quốc (PLA) liên tục đe dọa sẽ trừng trị các nước láng giềng.

Sách giáo khoa của học sinh tiểu học và trung học đều khẳng định cực nam lãnh thổ Trung Quốc là quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các bản đồ chính thức của Trung Quốc cũng vẽ lãnh thổ Trung Quốc kéo dài tới tận Trường Sa.

Tất nhiên, sách giáo khoa Trung Quốc đã lờ tịt việc hải quân nước này đánh chiếm bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974. Giới “học giả” Trung Quốc cứ ra rả một luận điệu dối trá khi nhấn mạnh trước thập niên 1970 không hề có cái gọi là “vấn đề biển Đông” do “biển Đông thuộc quyền quản lý của Trung Quốc”.

Trung Quốc hiện có một số tổ chức lớn chuyên nghiên cứu về biển Đông như Viện Hàng hải Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Nam Hải, Học viện Khoa học xã hội, Viện Quan hệ quốc tế đương đại... Các “học giả” và “chuyên gia” của các tổ chức này, thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đều chung một luận điệu dối trá cho rằng khu vực được quy định bởi “đường chín đoạn” là thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc.

Phân tích dư luận của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, nghiên cứu của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng nguyên nhân là do chính quyền Bắc Kinh đã “tẩy não” người dân nước mình ngay từ khi họ còn là những đứa trẻ và “đầu độc” họ hằng ngày, nên người dân luôn tin rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc. Hằng ngày họ liên tục tiếp nhận những thông tin méo mó, dối trá qua các phương tiện thông tin. Do đó, niềm tin này càng trở nên mạnh mẽ đến mức họ coi các quốc gia khác là kẻ gây hấn, còn Trung Quốc là người vô tội.


Tâm lý của kẻ bị vây hãm

Vẫn theo ICG, trong vấn đề biển Đông, chính quyền Trung Quốc đã kích động một tâm lý dân tộc cực đoan bằng cách mô tả Trung Quốc là “nạn nhân” của các quốc gia xung quanh, là “kẻ yếu thế” trong các tranh chấp trên biển Đông. Chẳng hạn, báo chí Trung Quốc thường đưa tin theo kiểu: “Có hơn 1.000 giàn khoan dầu trên biển Đông và bốn sân bay ở Trường Sa, nhưng không có một cái nào là của Trung Quốc”.

Việc Mỹ tuyên bố trở lại châu Á càng là cơ hội để truyền thông Trung Quốc tô đậm “tâm lý nạn nhân” này, đẩy nó lên thành “tâm lý của kẻ bị vây hãm” bởi “những thế lực chống Trung Quốc” ở bên ngoài, và Trung Quốc đang phải tả xung hữu đột để chống đỡ và cố thoát ra tình trạng bị bủa vây này. Tất nhiên, như ICG vạch rõ, bằng cách này các cơ quan và chính quyền địa phương ở Trung Quốc mới có thể lợi dụng để thực hiện những ý đồ riêng. Họ thường công khai chỉ trích các quốc gia khác để gây sức ép buộc chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ thêm nguồn lực. PLA cũng lợi dụng tranh chấp ở biển Đông để mở rộng ngân sách quốc phòng.

Chính do những thứ tâm lý này, các giọng điệu hiếu chiến luôn chiếm ưu thế trước quan điểm ôn hòa trong dư luận Trung Quốc. Cũng chính vì tự thổi ngọn lửa dân tộc cực đoan, chính quyền Bắc Kinh lại luôn bị áp lực phải thể hiện bộ mặt cứng rắn để không bị xem là yếu thế mỗi khi đề cập đến vấn đề biển Đông. Một số học giả nhận định chính Bắc Kinh đã “tự tạo ra một con quái vật mà nó sẽ khó lòng kiểm soát”.

Đặc công hải quân Việt Nam lần đầu lộ diện


Đoàn Đặc công 126 Hải quân được giao nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Những năm qua, Đoàn Đặc công 126 Hải quân đã có nhiều giải pháp thiết thực để đẩy mạnh công tác huấn luyện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trên giao.
Lần đầu tiên báo điện tử Infonet giới thiệu loạt ảnh ghi lại hoạt động luyện tập sẵn sàng chiến đấu thuần thục, tinh nhuệ trong mọi tình huống của đặc công hải quân. Phóng sự ảnh do CTV Đàm Duy Khánh thực hiện:
Vào trận đấu đối kháng tay đôi
Vào trận đấu đối kháng tay đôi
Vào trận đấu đối kháng tay đôi
Vào trận đấu đối kháng tay đôi
Dũng mãnh thực hiện đấu đối kháng '1 đánh 3'
Dũng mãnh thực hiện đấu đối kháng '1 đánh 3'
Tinh nhuệ trong "1 đánh 4"
Tinh nhuệ trong "1 đánh 4"

Tinh thông nhiều trường phái võ thuật
Tinh thông nhiều trường phái võ thuật

Lực lượng đặc biệt giao chiến phối hợp đồng đội đánh địch
Lực lượng đặc biệt giao chiến phối hợp đồng đội đánh địch
Nội công thâm hậu, khả năng chịu đựng đáng nể
Nội công thâm hậu, khả năng chịu đựng đáng nể
Dày công luyện tập, đặc công hải quân là lực lượng đáng tự hào của quân chủng hải quân Việt Nam
Dày công luyện tập, đặc công hải quân là lực lượng đáng tự hào của quân chủng hải quân Việt Nam
Lực lượng đi không dấu, đột nhập, đánh nhanh, một người địch muôn người
Lực lượng đi không dấu, đột nhập, đánh nhanh, một người địch muôn người

Luyện tập đổ bộ, bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa
Luyện tập đổ bộ, bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa

Bản lĩnh Nguyễn Bá Thanh là đây!


"Mình phải chịu khó đi mới quán xuyến được công việc và đi thẳng vô câu người ta hỏi. Phải nắm được gốc của vấn đề để biết cách xử lý và trả lời cho dân, chứ đừng "phỉnh" người ta, nói theo kiểu cho... uống thuốc an thần!".
Không chỉ tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII vừa diễn ra mà hầu như ở bất cứ kỳ họp nào của HĐND TP thì các giám đốc sở cũng đều "toát mồ hôi hột" trước chất vấn của các đại biểu và đặc biệt là của Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh.
Để bạn đọc có thể hiểu thêm không khí chất vấn tại các kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng và chất lượng điều hành công việc của các giám đốc sở, Infonet xin trích giới thiệu một phần cuộc "truy tận gốc, bắt tận ngọn" giữa các đại biểu HĐND và Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng trong phiên chất vấn hôm 4/7 của kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII:

Đổ trách nhiệm

Đại biểu Trương Phước Ánh: Khu tái định cư (TĐC) phía Nam đường Nguyễn Tất Thành nối dài và khu TĐC Hoà Liên 3 đã thi công xong phần san nền, giao thông, thoát nước nhưng chưa có điện, nước sinh hoạt. Khi nào thì có điện, nước cho dân?
Ông Phạm Việt Hùng: Khu TĐC phía Nam đường Nguyễn Tất Thành hiện đã có 400 lô đất, khu TĐC Hoà Liên đã có 350 lô đất. Đối với khu vực đã có đất thực tế thì hệ thống cấp nước đã hoàn thành và sẵn sàng phục vụ. Riêng về cấp điện cho khu TĐC phía Nam đường Nguyễn Tất Thành do Công ty Điện lực Đà Nẵng đầu tư. Sở Xây dựng Đà Nẵng đã chỉ đạo Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án - PV) có công văn đôn đốc Điện lực Đà Nẵng triển khai cấp điện sinh hoạt cho nhân dân ở khu vực đã có đất thực tế. Hiện Điện lực Đà Nẵng đã dựng trụ và kéo dây nhưng chưa có điện là do vị trí bố trí trạm biến áp 250kV còn vướng giải toả 17 hộ thuộc xã Hoà Liên...
Ông Nguyễn Bá Thanh cắt lời: Người ta hỏi rất cụ thể, ông kể lể làm chi? Bữa ni là tháng 7, ông trả lời đi, tháng mấy xong? Người dân đang chờ mà ông lại kể lể dông dài Xuân Hạ Thu Đông!
Ông Phạm Việt Hùng: Ngành điện cam kết nhân dân đến nhận đất làm nhà đến đâu thì sẽ cung cấp điện đến đó.
Ông Nguyễn Bá Thanh: Không phải!
Ông Phạm Việt Hùng: Nếu cần thiết thì ngành điện sẽ kéo điện tạm để cho người dân.
Ông Nguyễn Bá Thanh: Nếu cần thiết răng nữa? Người ta đang cần mà ông còn nói nếu cần thiết!
Ông Phạm Việt Hùng: Báo cáo anh hiện nay Công ty Điện lực đang trồng trụ, kéo dây
Ông Nguyễn Bá Thanh: Bao giờ xong?
Ông Phạm Việt Hùng: Đang còn vướng mấy hộ...
Ông Nguyễn Bá Thanh: Tôi là người dân tôi không biết ông vướng cái chi. Ông vướng 17 hộ hay 9 hộ, 10 hộ tôi đâu cần quan tâm. Tôi hỏi bao giờ có điện thì trả lời, thế thôi. Trả lời nổi không?
Ông Phạm Việt Hùng: Báo cáo anh là để... Sở Xây dựng xin trả lời sau!
Ông Nguyễn Bá Thanh: Thế là ông không nắm được vấn đề!
Ông Ngô Tấn Cư, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đà Nẵng đứng dậy cho biết: Hiện nay giao mặt bằng xây dựng chưa đủ. Giao mặt bằng đến đâu thì Điện lực Đà Nẵng làm đến đấy. Riêng các hộ đến xây nhà ở khu TĐC phía Nam đường Nguyễn Tất Thành, chúng tôi bảo đảm cho nhân dân vào ở là có điện. Còn khi nào Sở Xây dựng, BQL dự án bàn giao mặt bằng thì chúng tôi sẽ triển khai ngay việc cấp điện!
Ông Nguyễn Bá Thanh: Như vậy là ổng còn "móc" theo câu khi nào BQL dự án giao mặt bằng thì ổng làm. Còn ông này (Giám đốc Sở Xây dựng - PV) không biết cái chi hết trơn, cũng không biết hồi nào ông BQL xong. 17 hộ không biết bao giờ xong. Uỷ ban (UBND TP Đà Nẵng) các anh nghe đó thì biết. Ông ni đứng cứ coi như cái đó ở đâu đâu, không biết.
Còn 17 hộ nớ lý do là... tại vì... người ta chưa đi, cho nên số mới vô làm nhà không có điện. Không có điện là do 17 hộ không đi. Còn tại sao không đi thì không biết trách nhiệm của ai hết. Quản lý nhà nước yếu đến như thế đó. Thôi ông không biết thì trả lời qua chuyện khác đi. Nếu BQL dự án thuộc Sở Xây dựng thì Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ dự án chứ không phải nói lơ mơ, đổ cho chỗ này chỗ kia!

Không sát thực tế, không nắm vấn đề

Đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn: Mùa mưa năm 2011, Đà Nẵng có nhiều điểm ngập úng, ách tắc giao thông, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Đề nghị cho biết đến nay đã khắc phục bao nhiêu điểm ngập úng và số điểm chưa khắc phục được là bao nhiêu, lý do vì sao chưa giải quyết. Đồng thời cho biết mùa mưa năm 2012 sắp đến có còn ngập úng như năm 2011 nữa không? Trước mắt, có phương án nào để hạn chế tối đa việc ngập úng trên địa bàn TP?
Ông Phạm Việt Hùng: Hiện trên địa bàn TP có 91 điểm ngập úng. Gồm quận Hải Châu 9, Thanh Khê 16, Sơn Trà 21, Ngũ Hành Sơn 9, Liên Chiểu 23, Cẩm Lệ 7 và Hoà Vang 6 điểm. Đến nay đã xử lý được 11 điểm ngập úng. Còn lại 80 điểm, Sở xây dựng đã báo cáo UBND TP và đề nghị bố trí kinh phí để xử lý, tổng cộng là 313,61 tỉ đồng. Do tình hình kinh phí khó khăn nên Sở Xây dựng đang xin ý kiến UBND TP để phân kỳ, chọn những điểm ngập úng căn cơ để xử lý trước mắt.
Ông Nguyễn Bá Thanh: Quận Hải Châu còn 2 điểm ngập nặng nhất là ở chỗ nào?
Ông Phạm Việt Hùng: Ở quận Hải Châu, hiện còn điểm ngập nặng trên đường Quang Trung.
Ông Nguyễn Bá Thanh: Ở đâu?
Ông Phạm Việt Hùng: Quang Trung. Quang Trung với lại à... chỗ gần gần chợ Tam Giác, chỗ cây xăng, chỗ đường à... cây xăng chỗ chợ Đống Đa, à chợ Tam Giác!
Ông Nguyễn Bá Thanh: Rồi còn chỗ nào nữa?
Ông Phạm Việt Hùng: Nói chung là các cái điểm um... um...
Ông Nguyễn Bá Thanh: Không, nói riêng chứ không nói chung! (cả hội trường bật cười)
Ông Phạm Việt Hùng: (ngắc ngứ)
Ông Nguyễn Bá Thanh: Ở Hải Châu, điểm ngập nặng nhất ở khu vực Đầm Rong (phường Thuận Phước) đã làm trạm bơm xong rồi, mùa mưa này sẽ giải quyết được chuyện ngập. Còn một điểm nữa là ở khu vực đường Trương Chí Cương (phường Hoà Cường). Đấy, ông phải lo xúc tiến nhanh các thủ tục đi, hình thành trạm bơm ở đó mới giải quyết được cả tuyến của khu vực Hoà Cường ra ngoài sông kia kìa. Thôi nói qua cái khác đi. Ông không nắm được gì hết!

Và đối phó

Đại biểu Thái Thanh Hùng: Dự án Bến xe liên tỉnh đã đưa vào sử dụng 5 năm. Từ đó đến nay, tổ 41 (Hoà Mỹ 6, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu) có 55 hộ dân, đặc biệt là có 17 hộ dân mưa xuống nước ngập vào nhà, có nhà ngập 1 - 2m. Lý do là mương thoát nước nhỏ, chạy vòng vèo. Dân yêu cầu làm cống thẳng ra đường cống chạy quanh bến xe, dài khoảng 25m là giải quyết được ngập. Nhưng 5 năm nay người dân đề nghị không ai giải quyết. Tại kỳ họp thứ 3, tôi đã chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng, song qua 6 tháng cử tri vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Vậy bao giờ mới giải quyết được?
Ông Phạm Việt Hùng: Vấn đề trên Sở Xây dựng đã có báo cáo tại công văn 2201 ngày 20/6/2012. Theo đó, đã đề xuất và UBND TP đã đồng ý tại công văn 4383 ngày 3/7/2012 cụ thể như sau: Nâng cao trình kiệt, hẻm hiện trạng...
Ông Nguyễn Bá Thanh cắt ngang: Cái chi? Cái chi?
Ông Phạm Việt Hùng: Báo cáo anh là vấn đề này Sở Xây dựng đã có báo cáo và UBND TP đã...
Ông Nguyễn Bá Thanh: À, UBND TP mới đồng ý ngày hôm qua ấy hả? Đúng rồi. Do kỳ họp HĐND ni cho nên các ông đối phó.
Ông Phạm Việt Hùng: Kinh phí tối đa là sáu trăm hai...
Ông Nguyễn Bá Thanh lại cắt ngang: Thôi không cần đọc nữa. Cái đó người ta chất vấn từ hồi ông Nguyễn Ngọc Tuấn còn làm Giám đốc Sở Xây dựng kia, bây giờ lên đến Phó Chủ tịch UBND TP rồi ông Tuấn ơi. Ông mắc nợ cái nớ ông đi giải quyết đi. Có mấy chục mét đường cống chứ có phải tốn tiền ghê gớm lắm đâu mà để nói tới, nói lui rồi các ông đối phó. Ngày hôm qua đây các ông mới ký, chừ nghe có vẻ công văn nọ, công văn kia, tưởng mô hay lắm. Thôi ông đừng nói nữa hắn kỳ. Ông lo giải quyết trước mùa mưa, không có nói ú ớ gì hết. Cho 60 ngày, giải quyết đi, đừng nói lòng vòng nữa!

Làm lộn ngược đầu nên công việc ách tắc

Kết thúc phiên thảo luận, ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu các giám đốc sở rút kinh nghiệm để các phiên chất vấn chất lượng hơn. Muốn chất lượng hơn chỉ có một cách là... lội dưới cơ sở. Họp hội cũng cần nhưng phải dành thời gian đi sâu, đi sát cơ sở mới nắm được vấn đề, để hỏi đâu trả lời đấy.
"Mình là cơ quan chuyên môn, cơ quan tham mưu thì phải sâu hơn lãnh đạo. Nhiều lúc lãnh đạo TP lại sát hơn giám đốc sở. Cứ làm lộn ngược đầu như thế nên công việc ách tắc là phải. Mình phải chịu khó đi mới quán xuyến được công việc và đi thẳng vô câu người ta hỏi. Phải nắm được gốc của vấn đề để biết cách xử lý và trả lời cho dân, chứ đừng "phỉnh" người ta, nói theo kiểu cho... uống thuốc an thần!" - ông Nguyễn Bá Thanh nói.
HẢI CHÂU (INFONET)