Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng đồng ý dừng trạm thu phí Bình Chánh - Trung Lương


Hai kiến nghị quan trọng sau ngày cao tốc TP.HCM – Trung Lương thu phí đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan cấp Bộ thông qua.
Ngày 30/7, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc ngưng, không triển khai lập trạm thu phí trên Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) – Trung Lương (tỉnh Tiền Giang).

Ô tô đi qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM- Trung Lương
Ô tô đi qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM- Trung Lương

Trước đó, từ các kiến nghị của Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM và Hiệp hội vận tải ô tô An Giang, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã giao Vụ Tài chính soạn dự thảo gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh giảm 25-30% mức phí đối với xe thuộc nhóm 5 (nhóm xe container 40 feet và xe tải trên 18 tấn) do nhóm xe này đang phải “cõng” mức phí 640.000 đồng/chuyến – cao nhất trong các nhóm phương tiện khi qua cao tốc TP.HCM- Trung Lương.
Sau thời gian xem xét, mức phí đề xuất giảm nói trên đã được thông qua chấm dứt tình trạng một số doanh nghiệp vận tải “tạm biệt” cao tốc để quay về đi tuyến quốc lộ 1A do thu không đủ bù chi.
Tuy nhiên, ngay sau động thái kiến nghị giảm phí, Hiệp hội vận tải TP.HCM cũng đánh giá rằng giải pháp giảm phí này chỉ là bài toán tạm thời vì nếu trạm thu phí tại km1953+ 200 QL1A tại TP. Tân An, tỉnh Long An được xây dựng, các doanh nghiệp vận tải sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Điều này cũng được khẳng định ngay trước khi tiến hành thu phí cao tốc do phía Tổng công ty đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) công bố, Thủ tướng đồng ý cho triển khai xây dựng trạm thu phí tại km1953+ 200 QL1A với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 80 tỷ đồng.
Như vậy, cho đến thời điểm này, 2 kiến nghị quan trọng nhất (giảm phí cao tốc TP.HCM- Trung Lương và dừng trạm thu phí Km1953+200) từng làm nóng các diễn đàn truyền thông đã chính thức được Thủ tướng chính phủ và các cơ quan cấp Bộ xem xét chấp thuận tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa, vận tải hành khách vượt qua suy thoái.
Theo VnExpress / Nguyễn Tấn Dũng

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia


Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt ngày 27/7/2012.

Quyết định nêu rõ, trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế – xã hội lớn, khả năng huy động nguồn nội lực chưa đáp ứng đầy đủ nên việc huy động từ các nguồn vốn vay nợ trong và ngoài nước là cần thiết và có vai trò hết sức quan trọng. Đồng thời, việc huy động vốn vay và trả nợ phải nằm trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia
Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia

Về chỉ tiêu cụ thể, vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, phấn đấu đến năm 2015 (tính cả trái phiếu Chính phủ) dưới 4,5% GDP, giai đoạn 2016 – 2020 tương đương khoảng 4% GDP và giai đoạn sau năm 2020 bình quân khoảng 3% GDP.
Cơ cấu dư nợ nước ngoài của Chính phủ trong tổng số dư nợ của Chính phủ phải giảm xuống dưới 50%, đảm bảo duy trì cơ cấu dư nợ cho vay ODA tối thiểu đạt khoảng 60% so với tổng dư nợ nước ngoài của Chính phủ vào năm 2020. Đồng thời, gắn với việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cần duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn được Quốc hội phê chuẩn trong từng giai đoạn và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Bảo đảm nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ của nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Đồng thời, đảm bảo chỉ tiêu tỉ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%…
Cũng theo Chiến lược này, sẽ từng bước giảm dần nợ công, đến năm 2030 nợ công không quá 60% GDP, trong đó nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
Theo VGP / Nguyen Thanh Phuong

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Nguyễn Thanh Phượng – Tuổi trẻ tài cao


Được xem là doanh nhân trẻ thành đạt ở Việt Nam, ở Nguyễn Thanh Phượng toát lên sức trẻ từ khuôn mặt tới nụ cười. Người phụ nữ vừa qua tuổi 30 này đã tích lũy vào hồ sơ của mình thành tích học tập và kinh nghiệm làm việc khá ấn tượng.


Bà Nguyễn Thanh Phượng
Bà Nguyễn Thanh Phượng

Bà Nguyễn Thanh Phượng sinh năm 1980, tại tỉnh Kiên Giang, tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và nhận bằng MBA tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ). Ngoài ra bà Nguyễn Thanh Phượng còn tham gia nhiều khóa đào tạo về quản trị doanh mục đầu tư, quản trị tài sản tại Thụy Sĩ, Mỹ.
Trước đó, bà Nguyễn Thanh Phượng từng là phó giám đốc tài chính của Holcim Việt Nam, sau đó là giám đốc đầu tư của Việtnam Holding Asset Management - Công ty đang quản lý quỹ Việt Nam Holing của các nhà đầu tư Thụy Sĩ với qui mô 112,5 triệu USD.
Tháng 2/2012, bà Nguyễn Thanh Phượng trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (Việt Capital Bank). Đến tháng 6/2012, Bà Nguyễn Thanh Phượng đã thôi vai trò đại diện pháp luật cho ngân hàng này. Bên cạnh đó bà Nguyễn Thanh Phượng còn làm lãnh đạo của ba công ty kinh doanh vốn, chứng khoán và bất động sản là Công ty Quản lý quỹ đầu tư Bản Việt, Công ty Chứng khoản Bản Việt và Công ty bất động sản Bản Việt (Xem thêm: Tiểu sử lý lịch Nguyễn Thanh Phượng).
Bà Nguyễn Thanh Phượng được biết đến như một nhà lãnh đạo trẻ tận tâm, yêu nghề và thực sự dành tình cảm chân thành cho nhân viên. Có lẽ nhờ những năm tháng làm “lãnh đạo” trong suốt thời trung học bà Nguyễn Thanh Phượng liên tục làm chi đội trưởng đội thiếu niên tiền phong và bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản... đã giúp bà Nguyễn Thanh Phượng rất nhiều trong việc thu phục người khác khi trở thành người đứng đầu. Người ta hay nói, làm lãnh đạo là chấp nhận cô đơn nhưng bà Nguyễn Thanh Phượng không chấp nhận quy luật đó. Minh chứng rõ nhất là bên bà Nguyễn Thanh Phượng luôn có những cộng sự trẻ tuổi, tài năng và đầy nhiệt huyết. Họ đang sẵn sàng cùng bà Nguyễn Thanh Phượng sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách để công ty Bản Việt trở thành một trong những công ty quản lý quỹ hàng đầu, góp phần cho sự phồn vinh của đất nước.

Tùng Dương

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng


Chiều 26/7, tiếp tục chương trình làm việc tại Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, đa số cử tri Cát Hải bày tỏ phấn khởi, vui mừng trước thành công của kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XIII; khẳng định niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Cử tri Cát Hải đề nghị thành phố, các cơ quan Trung ương sớm có biện pháp quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến kè biển trên địa bàn huyện để chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Chính phủ và thành phố quan tâm đầu tư tăng cường hệ thống nước ngọt phục vụ đời sống và sinh hoạt của nhân dân trên đảo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng
Cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tiếp cận vốn để duy trì, phát triển sản xuất. Để ổn định đời sống người dân sau quy hoạch, cử tri Cát Hải đề nghị thành phố sớm công bố Quy hoạch chi tiết phát triển huyện đảo Cát Hải; cho phép tái định cư tại chỗ; dành mức hỗ trợ ưu đãi đối với các hộ khi tiến hành di dân, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án công nghiệp.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Cát Hải, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo Cát Hải trong những tháng đầu năm 2012. Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến mọi mặt nền kinh tế trong nước, những thành tựu của thành phố Hải Phòng và huyện Cát Hải là rất đáng khích lệ.
Thủ tướng cho biết, kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước. Đồng thời, Chính phủ cũng ưu tiên chăm lo đời sống bà con vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo, biên giới; đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có việc tiếp tục lộ trình hạ lãi suất cho vay; thực hiện miễn, giảm thuế; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm kể cả trong và ngoài nước.
Hoan nghênh những kiến nghị của cử tri Cát Hải, Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, thành phố tập trung nghiên cứu, giải quyết.
Thủ tướng nhấn mạnh, Cát Hải là huyện đảo có vị trí địa lý hết sức đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế xã hội phía Bắc của đất nước. Thực tế cho thấy, thời gian qua, Cảng Hải Phòng mặc dù đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo tăng trưởng xuất nhập khẩu, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, một mặt, Chính phủ phải tập trung nâng cấp cảng Hải Phòng hiện có đồng thời khẩn trương đầu tư, xây dựng dự án Cảng Lạch Huyện nhằm đưa Hải Phòng thực sự trở thành cửa ngõ cảng biển phía Bắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thành phố sớm hoàn thiện và công bố Quy hoạch phát triển cụ thể của huyện đảo. Trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư tại chỗ, phấn đấu hình thành đô thị văn minh, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn để có một thành phố Cát Hải trong tương lai văn minh, hiện đại gắn với công trình cảng biển.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã đến thăm và tặng quà hai gia đình thương binh, liệt sỹ tiêu biểu trên địa bàn huyện đảo Cát Hải./.
Quang Vũ (TTXVN)

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đoàn Kiểm toán quốc tế


Chiều ngày 25/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đoàn Kiểm toán quốc tế do ông Josef Moser, Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và bà Pamela Cox, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thu ký tổ chức quốc tế ông Josef Moser

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Đoàn kiểm toán Quốc tế sang thăm Việt Nam và dự Hội thảo “Địa vị pháp lý của kiểm toán nhà nước và Tổng kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; nhấn mạnh, Việt Nam rất coi trọng đến công tác kiểm toán, bởi qua công tác này giúp Quốc hội, Chính phủ quản lý tốt hơn  về nguồn lực, về tài chính.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ủng hộ sự độc lập của kiểm toán nhà nước khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Thủ tướng bày tỏ mong muốn Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, hoàn thiện thể chế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam rất coi trọng công tác kiểm toán, bởi qua công tác này giúp Quốc hội, Chính phủ quản lý tốt hơn về nguồn lực, về tài chính
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam rất coi trọng công tác kiểm toán, bởi qua công tác này giúp Quốc hội, Chính phủ quản lý tốt hơn về nguồn lực, về tài chính

Ông Josef Moser cho biết, hiện Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán có 190 nước thành viên tham gia, qua hoạt động của kiểm toán đã góp phần tích cực vào minh bạch, chống đói nghèo, đảm bảo quản lý tốt tài chính của mỗi quốc gia. Đánh giá cao những hoạt động của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, ông Josef Moser khẳng định Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tư vấn chính sách, đào tạo nguồn nhân lực.
Tiếp bà Pamela Cox, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam với WB, cảm ơn WB đã hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách, tài trợ các dự án, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bà Pamela Cox, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bà Pamela Cox, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB)

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mặc dù đạt được những thành tựu trong thời gian qua nhưng nền kinh tế của Việt Nam chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn lớn… Do vậy, ngoài phát huy nội lực, trong giai đoạn tới, Việt Nam vẫn rất cần sự hỗ trợ cả về tư vấn chính sách lẫn nguồn tài chính ưu đãi để duy trì những thành quả đã đạt được, góp phần phát triển bền vững và để tránh bẫy “thu nhập trung bình”.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn WB tiếp tục duy trì nguồn vốn vay ưu đãi cho Việt Nam trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển bền vững, đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục có các biện pháp quyết liệt để tăng cường hơn nữa hiệu quả sử dụng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn của WB.
Đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội mà Việt Nam đã đạt được, bà Pamela Cox khẳng định WB luôn đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển. Bà Pamela Cox cũng đề nghị Việt Nam tập trung giải ngân có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của WB.
Theo (VGP)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia


Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Indonesia và sẽ nỗ lực hết mình để thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Chiều 25/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa thăm Việt Nam và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam-Indonesia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ trưởng Marty Natalegawa sang thăm Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ trưởng Marty Natalegawa sang thăm Việt Nam

Hoan nghênh Bộ trưởng Marty Natalegawa sang thăm Việt Nam và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam-Indonesia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước thời gian qua, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Kim ngạch thương mại 2 chiều hai nước thời gian qua tăng nhanh và ổn định, đạt hơn 4,6 tỷ USD năm 2011 và hơn 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2012.
Những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Indonesia đã mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển chung của cả hai nước cũng như đóng góp cho xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự phối hợp và hợp tác tốt giữa Việt Nam và Indonesia tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt tại ASEAN và Liên hiệp quốc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự phối hợp và hợp tác tốt giữa Việt Nam và Indonesia tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt tại ASEAN và Liên hiệp quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai nước tiếp tục thúc  đẩy mạnh mẽ các các thỏa thuận, các chương trình hợp tác mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất, đặc biệt là hợp tác về kinh tế; sớm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong thời gian tới.
Đánh giá cao sự phối hợp và hợp tác tốt giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt tại ASEAN và Liên hiệp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác chặt chẽ và phối hợp lập trường, phấn đấu xây dựng cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh và phát triển, hợp tác chặt chẽ trong giải quyết những vấn đề thuộc về lợi ích chung của khu vực trong đó có vấn đề biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác về ngoại giao, an ninh, quốc phòng, tuần tra chung trên biển…
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Việt Nam cam kết giúp đảm bảo an ninh lương thực cho Indonesia.
Bộ trưởng Marty Natalegawa cho biết, trong kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam-Indonesia, hai bên đã trao đổi về các định hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới cũng như phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế trong đó có vấn đề Biển Đông.
Indonesia luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam và sẽ nỗ lực hết mình để thúc  đẩy quan hệ song phương giữa hai nước trong trên các lĩnh vực.
Đồng thời, Bộ trưởng Marty Natalegawa khẳng định, Indonesia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong xây dựng một cộng đồng ASEAN ngày càng cường thịnh, cũng như phối hợp với các nước thành viên trong các vấn đề khu vực và quốc tế trong đó có vấn đề Biển Đông.
Nguyễn Hoàng(VGP)

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH vùng Đông Nam Bộ


Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 9,5%-10%/năm. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt tương đương 4.600 USD và năm 2020 đạt 6.400 USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH vùng Đông Nam Bộ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH vùng Đông Nam Bộ

Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 97-98% trong tổng số GDP của vùng năm 2020, trong đó dịch vụ chiếm trên 44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 90% vào năm 2020. Hình thành các trung tâm dịch vụ sản xuất và xã hội chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế và khu vực Đông Nam Á.

Ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao

Theo Quy hoạch, sẽ ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng. Phát triển công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin trở thành ngành mũi nhọn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như: Khai thác dầu khí, điện tử và sản xuất phần mềm; cơ khí chế tạo, sản xuất điện, phân bón, hóa chất từ dầu khí; công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp thực phẩm…

Hình thành vành đai công nghiệp – đô thị vùng, hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào để phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp-dịch vụ và dô thị theo mô hình đô thị công nghệ cao tại Long Thành, thành phố mới Phú Mỹ, khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị Bình Dương.

Bên cạnh đó, xây dựng vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tập trung phát triển toàn diện các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại và phân phối; vận tải và kho vận quốc tế; công nghệ thông tin và truyền thông. Hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ, hợp lý để phát triển dịch vụ phân phối, bao gồm mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho bãi…

Hình thành cơ cấu đa trung tâm, giảm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh

Theo Quy hoạch, sẽ xây dựng thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm động lực của vùng; đầu mối của hợp tác liên vùng và quốc tế; trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, giáo dục-đào tạo và khoa học – công nghệ của vùng và cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, tạo nhiều giá trị gia tăng và các ngành công nghiệp hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao.

Khu vực 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu là địa bàn phát triển năng động của vùng, chú trọng nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp, phát triển dịch vụ đồng bộ phục vụ tốt cho các ngành công nghiệp chủ lực và mũi nhọn, nhanh chóng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật trong các ngành kinh tế, đồng thời hỗ trợ phát triển cho khu vực các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.

Khu vực 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước phát triển theo hướng đón đầu quá trình chuyển dịch công nghiệp từ các địa phương khác đồng thời khai thác lợi thế các khu vực kinh tế cửa khẩu.

Về phát triển và phân bố hệ thống đô thị, sẽ hình thành cơ cấu đa trung tâm nhằm tạo động lực để phát triển các vùng ngoại vi xung quanh, đồng thời giảm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, sẽ phát triển các đô thị Vũng Tàu, Biên Hòa, Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại I và đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của vùng. Đồng thời, phát triển các đô thị vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh như Nhơn Trạch, Long Thành, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An – Thuận An. Phát triển các hành lang đô thị hóa từ thành phố Hồ Chí Minh gắn với các trục quốc lộ 1A, 51, 22 và 13.