Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Nguyễn Tấn Dũng – Chính trị gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam


Đó là nhận xét của các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kinh tế về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc đưa kinh tế Việt Nam bắt đầu giai đoạn phục hồi mới.

Với hai công cụ là tiền tệ và tài khóa, nền kinh tế của Việt Nam đã hoạt động tốt trong 6 tháng đầu năm 2012 trong bối cảnh các nền kinh tế Châu Á tăng trưởng chậm, Châu Âu và Mỹ vẫn đang xấu đi từng ngày.

Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt. GDP quý I/2012 đạt 4%, quý II/2012 đạt 4,66%. Tính chung, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 4,38%, trong khi lạm phát chỉ khoảng 3% (thấp nhất trong 3 năm).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kinh tế nhận xét là chính trị gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kinh tế nhận xét là chính trị gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam.

Tốc độ tăng giá bắt đầu xu hướng giảm ngay từ tháng 7/2011 và liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, CPI tháng 6 tăng 2,52% so với cuối năm ngoái và tăng 6,9% so với cùng kỳ. Tổ chức đánh giá mức độ khả tín Standard & Poor’s đã nâng mức khả tín của Việt Nam từ tiêu cực lên ổn định vì cho rằng chính phủ đã có những biện pháp thắt chặt tài chính thành công.

Giống như Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam buộc phải hạ lãi suất quyết liệt và chấp nhận tăng trưởng chậm để kiềm lạm phát và kích cầu cho nền kinh tế trong nước. Mặt bằng lãi suất Việt Nam đồng đã giảm đáng kể, lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 12-13% một năm, cho vay sản xuất kinh doanh khác ở mức 14-17,5%… Tỷ giá cơ bản ổn định, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện, nguồn cung ngoại tệ dồi dào do xuất khẩu tăng cao, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá lớn, dự trữ ngoại hối được cải thiện.

Chỉ số phát triển doanh nghiệp bắt đầu có tín hiệu sáng sủa với số doanh nghiệp phải giải thể đã bắt đầu giảm khoảng 10% vào tháng 5, hàng tồn kho có xu hướng giảm dần, từ 34,9% của tháng 3 xuống lần lượt 32,1% và 29,4% trong tháng 4 và 5.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt trên 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

“Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cho thấy triển vọng 6 tháng cuối năm sẽ có tăng trưởng, chuyển biến tốt hơn”, các báo của Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp diễn ra đầu tháng 7 tại Hà Nội.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng có cơ sở để tin rằng kinh tế Việt Nam phục hồi. Không rơi vào trạng thái “bế tắc” như năm 2011, để hỗ trợ nền kinh tế, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có một loạt quyết sách được các chuyên gia kinh tế đánh giá như là một sự đổi mớí. Theo đó, mặc cho nền kinh tế ‘kêu than’ dữ dội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trương chỉ tăng tổng cầu trong kế hoạch chứ không phá kế hoạch, chỉ hỗ trợ thị trường chứ không cứu doanh nghiệp bằng biện pháp hỗ trợ lãi suất như năm 2009.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 3 năm qua song Việt Nam sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo. Đây cũng là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát cao trở lại, không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, phù hợp với các cân đối vĩ mô, điều hành ổn định tỷ giá. Thủ tướng chỉ rõ, cần linh hoạt trong xử lý nợ xấu; khẩn trương cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận.

Một quyết sách đúng đắn khác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nhận được sự đồng thuận cao đó là : cần tìm mọi giải pháp hỗ trợ cho sản xuất, trong đó có tăng tín dụng, giải ngân hết số vốn đã bố trí; ưu tiên tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đặc biệt là việc nhanh chóng tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế “đầu tàu”, các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ “xương sống” của nền kinh tế.

Sự yếu kém, thiếu minh bạch trong việc quản lí các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thời gian qua đã làm nảy sinh các vụ tai tiếng như Vinashin, Vinalines. Song không thể phủ nhận vai trò “rường cột” của các doanh nghiệp này trong mô hình phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng những sai phạm tại Vinashin, Vinalines đã được xử lý nghiêm minh và không nên vì vậy phủ nhận toàn bộ công sức của doanh nghiệp nhà nước. Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến năm 2010, chỉ có 20% số doanh nghiệp Nhà nước lỗ và hòa vốn còn lại 80% có lãi. Số tiền lãi nộp cho ngân sách hàng năm đều tăng.

Vấn đề cốt lõi để Việt Nam chuyển biến “gánh nặng doanh nghiệp nhà nước” đó là những chế tài mạnh hơn buộc các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin và kiểm toán bắt buộc hàng năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện Bộ này đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Nghị định 132/2005/NĐ-CP để làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước trình Chính phủ xem xét vào đầu tháng 7.

Những tín hiệu tốt từ nền kinh tế Việt Nam được các chuyên gia quốc tế nhìn nhận có vai trò rất lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chất lượng quản lí kinh tế vĩ mô của Việt Nam trên thực tế đã được cải thiện rất nhiều từ sau Nghị Quyết 11 do ông chủ trì chỉ đạo thực hiện xuyên suốt từ 2011 tới nay .

Nền kinh tế Việt Nam đã bước vào một quĩ đạo ổn định hơn. Các yếu tố gây mất cân bằng đã được xác định và khắc phục bằng các tổ hợp chính sách. Những tiến triển này rõ ràng đã tăng sự tín nhiệm của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kinh tế nhận xét là chính trị gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam, ông là người theo mẫu hình Lý Quang Diệu, người đã hiện đại hóa đất nước Singapore và đặt kỳ vọng ông cũng sẽ làm được điều đó với đất nước Việt Nam.

Lee Moon-shik (Dantri)

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng: Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, không chỉ tăng cường sự hiểu biết mà còn bày tỏ quan điểm, đấu tranh bảo vệ đường lối chính sách, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Chiều 16/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam về kết quả thực hiện các biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội theo Chỉ thị 06 ngày 9/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

57 năm xây dựng và phát triển, đến nay Hội Luật gia Việt Nam có tới 46.000 hội viên; 63 Hội luật gia tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên 1.000 hội, chi hội luật gia cấp huyện, xã, phường, thị trấn và Chị hội trực thuộc Trung ương Hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
11 năm thực hiện các biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động theo Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp; đóng góp ý kiến xây dựng 118 dự án luật, pháp lệnh, nghị định, Hội luật gia các tỉnh cũng tham gia xây dựng trên 38.000 văn bản quy phạm pháp luật.

Các cấp hội luật gia đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật cho trên 31 triệu lượt người; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý gần 2,5 triệu vụ việc. Hội Luật gia Việt Nam còn phối hợp với các Bộ, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế…

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao truyền thống tốt đẹp, bước tiến tích cực và kết quả hoạt động mà Hội Luật gia Việt Nam đạt được trong thời gian qua, nhất là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Thủ tướng đề nghị Hội Luật gia Việt Nam trên cơ sở Chương trình xây dựng luật pháp lệnh mà Quốc hội đã thông qua, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch tham gia nhiều hơn, tích cực hơn công tác xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định và thông tư, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật.

Hội Luật gia các cấp, nhất là ở cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, tích cực tham gia hòa giải, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam xem xét tính hợp pháp của từng hồ sơ giải quyết các vụ việc khiếu kiện kéo dài để sớm xử lý dứt điểm đúng pháp luật, đảm bảo công bằng, thấu tình đạt lý.

Bộ Tư pháp phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tăng cường công tác đào tạo luật sư, trọng tài thương mại…

Thủ tướng mong muốn Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, nhất là liên quan đến đất đai, quản lý xây dựng…

Thủ tướng cũng đề nghị Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại và quan hệ quốc tế, không chỉ tăng cường sự hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm… mà còn bày tỏ quan điểm, đấu tranh bảo vệ đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam….

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan đã định hướng giải quyết một số đề xuất, kiến nghị của Hội Luật gia Việt Nam.

Không còn là “tàu lạ”



Biết rõ mười mươi, thế mà vì “tế nhị”, báo chí cứ phải nói trại đi là “tàu lạ”. Bọn “lạ” này không như kiểu “hải tặc Somaly”, mà khoác áo ngư phủ, được trang bị vũ khí hiện đại để hoạt động trên biển, theo một kịch bản tổng thể đã được soạn sẵn nhằm thực hiện từng bước có bài bản tham vọng bành trướng.

Tàu cá ngư dân Việt Nam thường xuyên hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Tổ quốc
Tàu cá ngư dân Việt Nam thường xuyên hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Tổ quốc

Ấy thế mà báo chí ta, để không muốn làm xấu thêm tình hình, đã dằn lòng gọi những kẻ xâm phạm chủ quyền đất nước bắt giữ tàu thuyền, hành hung, ngược đãi và đòi tiền chuộc ngư dân ta là “tàu lạ”. Cho dù biết rằng “tàu thì “lạ”, nhưng “bụng dạ thì lại quá quen”, chúng ta vẫn cứ phải nhẫn nhịn vì “đại cuộc” theo đúng nghĩa.

Và rồi khi họ công khai ngang ngược tuyên bố mời thầu quốc tế dầu khí tại 9 lô hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của ta, được luật pháp quốc tế công nhận. Nói nôm na, đây là kiểu “chia lô, bán nền trên cái sân nhà của người hàng xóm” thì cùng với “cái lưỡi bò” ham hố thè ra muốn liếm trọn biển Đông, bộ mặt thật của họ đã phơi ra. Thế mà, vừa ăn cướp vừa la làng. Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” (Trung Quốc) lại lu loa “Việt Nam tạo sóng ở Biển Đông”, rồi đe dọa “mũi giáo và đối tượng chính cần nhằm vào là Việt Nam”. Theo báo “Tin Tức Trung Quốc”, 30 chiếc tàu, mỗi chiếc có trọng tải từ 140 tấn trở lên xuất phát từ cảng Tam Á, chia thành hai biên đội đang tiến đến khu vực gần đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vùng biển Trường Sa. Thế là không còn “tàu lạ” nữa nhé!

Mấy ngày qua, trước áp lực quốc tế với những tín hiệu được phát ra, những toan tính của họ đã lộ mặt và bị lên án, túng phải tính, “Thời báo Hoàn Cầu” đã ngang ngược nói càn: “Việt Nam đã thừa nhận mô hình phát triển của Trung Quốc” và vì thế “Hà Nội sẽ đớn đau vì giúp Mỹ quay lại” cho nên “con đường sống còn duy nhất cho Việt Nam là phối hợp với Trung Quốc nhằm hạn chế chính sách can dự của Mỹ tại châu Á”. Vậy là rõ.

“Họa trung hữu phúc”, trong cái họa có cái may. Nhân dân ta đã thấy rõ hơn diện mạo của kẻ đã từng lên giọng đạo cao đức trọng với những lời đường mật lừa mị. Những lời tế nhị và nhẫn nhịn đầy thiện chí của ta khác xa những hành xử ngang ngược, công khai xâm phạm chủ quyền quốc gia của ta, chà đạp lên luật pháp quốc tế của một số thế lực hiếu chiến ở Trung Quốc.

Hai từ “tàu lạ”, vì thế, nên đưa vào bảo tàng để con cháu ta sau này biết được rằng ông cha chúng từng linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược ngoại giao, nhưng luôn đầy đủ bản lĩnh và khí phách trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Trước sau như một, nhân dân ta không mong muốn gì hơn được làm bạn thật sự với người láng giềng khổng lồ, tôn trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, minh bạch và công khai trong hòa bình trao đổi để có giải pháp hợp lý hợp tình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời mài sắc tinh thần cảnh giác, nung nấu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Sự thật về "lòng yêu nước" của Lê Quốc Quân


Liên tiếp trong hai ngày chủ nhật vừa qua (1 và 8-7), một số người đã tụ tập, tuần hành, biểu tình với danh nghĩa phản đối Trung Quốc. Những hành vi này gây mất ANTT, TTATGT, ảnh hưởng đến hoạt động, sinh hoạt bình thường của người dân Thủ đô. 

Nguy hiểm hơn, những hành vi đó bị kích động bởi một số đối tượng có động cơ chống đối chế độ, đòi lật đổ chính quyền. Một trong những kẻ đó là Lê Quốc Quân (sinh năm 1971, trú tại tổ dân cư 64, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy…

Đại diện người dân phường Yên Hòa phát biểu ý kiến. Ảnh: Bảo Lâm
Đại diện người dân phường Yên Hòa phát biểu ý kiến. Ảnh: Bảo Lâm

Đối với vấn đề chủ quyền biển đảo, trước tiên phải khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng phương pháp đối thoại, hòa bình, trên cơ sở pháp luật quốc tế, bảo đảm môi trường ổn định để phát triển đất nước. Nhằm bảo đảm và duy trì ANTT trên địa bàn TP, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, thực hiện tốt đường lối quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước, giữ gìn hình ảnh Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, ngày 18-8-2011, UBND TP đã ban hành thông báo yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn.

Cần phải khẳng định những cuộc biểu tình gần đây chắc chắn không làm cho đất nước mạnh lên, trái lại còn khiến tình hình ANTT mất ổn định, tác động tiêu cực tới việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không những thế, đó còn là cái cớ để các thế lực thù địch ráo riết lợi dụng tiến hành các hoạt động chống đối Đảng, Nhà nước. Những kẻ kích động, lôi kéo người dân đi biểu tình chắc chắn không vì những mục tiêu cao cả như chúng rêu rao, mà chỉ nhằm lợi dụng những sự kiện này để hướng tới ý đồ phá hoại sự ổn định của đất nước...

Là người hiểu biết về pháp luật, thế nhưng Lê Quốc Quân lại đã liên tục vi phạm pháp luật Việt Nam, là một nhân vật thường xuyên xuất hiện tại các đám đông gây rối trật tự công cộng, với vai trò kích động, lôi kéo. Năm 2008, Lê Quốc Quân đã từng tham gia tụ tập đông người, kích động gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ tại khu vực 42 Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm) và 178 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa). Tháng 4-2011, Quân cùng một số người gây rối trật tự công cộng bên ngoài phiên tòa xét xử vụ án Cù Huy Hà Vũ, bị CA quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo. Chưa dừng ở đó, từ tháng 7-2011 đến nay, Lê Quốc Quân còn nhiều lần lợi dụng danh nghĩa yêu nước, biểu tình phản đối Trung Quốc để cùng nhiều người tụ tập gây rối trật tự công cộng. Tháng 11-2011, cũng vì tụ tập, gây rối trật tự công cộng tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), Lê Quốc Quân tiếp tục bị CA quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo.

Căn cứ Nghị định 163/CP và hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính của CA quận Hoàn Kiếm đối với Quân về hành vi gây rối trật tự công cộng, ngày 13-1-2012, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa đã ký quyết định đưa Lê Quốc Quân vào diện giáo dục tại xã, phường trong thời hạn 6 tháng, để chính quyền và nhân dân giáo dục, giúp đỡ Quân tiến bộ. Thế nhưng, trong thời hạn áp dụng quyết định trên, Quân tiếp tục có những hành vi vi phạm, bất hợp tác với chính quyền nhân dân, vi phạm Luật Cư trú đối với người đang thuộc diện quản lý, giáo dục tại xã, phường theo Nghị định 163/NĐ-CP. Quân thường xuyên trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin sai sự thật cho một số cơ quan truyền thông nước ngoài; đăng tải những thông tin chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cá nhân và tổ chức trên blog cá nhân. Gần đây nhất, bất chấp các quy định của pháp luật, ngày 8-7, lợi dụng quyền tự do, dân chủ, lợi dụng danh nghĩa yêu nước, Quân tiếp tục tham gia lôi kéo người dân tụ tập, kích động gây rối trật tự công cộng.

Tối 13-7, UBND phường Yên Hòa đã tổ chức họp tổ dân cư nơi Lê Quốc Quân cư trú để công bố quá trình 6 tháng thực hiện quyết định giáo dục tại xã, phường theo Nghị định 136/CP đối với Lê Quốc Quân. Dù được chính quyền mời họp nhưng một lần nữa, Lê Quốc Quân thể hiện thái độ bất hợp tác, coi thường pháp luật, coi thường chính quyền bằng việc tuyên bố từ chối dự họp. Tại buổi họp, đại diện cán bộ, nhân dân tổ dân phố nơi công dân Lê Quốc Quân cư trú đã thẳng thắn phê phán thái độ ngang ngược, coi thường pháp luật, coi thường chính quyền và nhân dân của Lê Quốc Quân. Ông Nguyễn Duy Khoắc khẳng định, quyết định của UBND phường Yên Hòa là hoàn toàn đúng đắn nhưng trong thời gian qua, Lê Quốc Quân thực hiện nghĩa vụ công dân chưa tốt, chưa có ý thức chấp hành pháp luật. Ông Nguyễn Trọng Tình, tổ trưởng dân phố, người được chính quyền phân công trực tiếp giáo dục Quân cho biết thêm: Quá trình 6 tháng thực hiện quyết định của UBND phường Yên Hòa về giáo dục Lê Quốc Quân tại xã, phường, Lê Quốc Quân hoàn toàn bất hợp tác, không khai báo tạm vắng, không chấp hành giấy triệu tập làm việc của chính quyền, không viết kiểm điểm, không những thế còn tham gia gây rối trật tự công cộng.

Bức xúc về thái độ coi thường pháp luật, coi thường chính quyền và nhân dân nơi cư trú của Lê Quốc Quân, bà Hồ Kiều Oanh, công dân tổ dân cư 64 phường Yên Hòa, phát biểu: Lê Quốc Quân cũng như chúng tôi, đều là công dân Việt Nam và phải chấp hành pháp luật Việt Nam. Anh ta đã làm ảnh hưởng đến cả tổ dân cư chúng tôi. Ông Nguyễn Minh Anh cũng chung quan điểm trên và nhấn mạnh: Nhân dân ở tổ dân cư rất bức xúc và thấy rằng cần phải có biện pháp tiếp tục giáo dục Lê Quốc Quân. Trước những hành vi của Lê Quốc Quân, nhiều người dân tại địa bàn nơi công dân này cư trú đều cho rằng, Lê Quốc Quân là phần tử góp phần gây mất ổn định, ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, đã có nhiều ý kiến kiến nghị chính quyền nên có biện pháp cứng rắn và kiên quyết hơn để giáo dục Lê Quốc Quân. Bà Nguyễn Thị Thanh nhận xét và kiến nghị: Là người hiểu biết pháp luật nhưng Lê Quốc Quân không tôn trọng người dân trong khu dân cư, không tôn trọng pháp luật thì không thể là đại diện cho người dân, vì vậy đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng phải có biện pháp nghiêm khắc hơn để buộc Lê Quốc Quân tôn trọng pháp luật…

Đi từ đám đông gây rối đòi đất đến tham gia đoàn biểu tình chống Trung Quốc, dù khoác áo "yêu nước" nhưng Lê Quốc Quân đã thể hiện thái độ coi thường pháp luật, lộ rõ động cơ chống đối và đòi lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để phục vụ động cơ đó, Lê Quốc Quân kích động và lợi dụng chính những người biểu tình để gây mất ổn định an ninh chính trị, sau đó đưa lên internet những thông tin xuyên tạc tình hình đất nước, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, kích động chia rẽ quan hệ giữa quần chúng nhân dân với các cấp chính quyền, công khai đòi thay đổi chế độ... Động cơ, hành vi của Lê Quốc Quân thực chất là đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân và cần phải bị lên án, xử lý theo pháp luật.

TT Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ ODA


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ hai nước sớm thúc đẩy các dự án hợp tác lớn mà hai bên đã thỏa thuận như: Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, cảng Lạch Huyện.

Chiều 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Gemba Koichiro đang có chuyến thăm chính thức nước ta.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Gemba Koichiro với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cũng như kết quả phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản

Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; khẳng định mong muốn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam là tiếp tục cùng với phía Nhật Bản làm sâu sắc hơn, hiệu quả hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, vì sự phát triển của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới.

Trên tinh thần này, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã lập Ban Chỉ đạo tổ chức Năm Hữu nghị Việt – Nhật 2013, nhân kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và Ban Chỉ đạo thúc đẩy phát triển công nghiệp giữa hai nước… Cùng với tăng cường thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch… giữa hai nước.

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ODA giúp Việt Nam phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa đến năm 2020. Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ hai nước sớm thúc đẩy các dự án hợp tác lớn mà hai bên đã thỏa thuận như: Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, cảng Lạch Huyện… đồng thời đề nghị Nhật Bản tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Bộ trưởng Gemba Koichiro khẳng định: Nhật Bản đặc biệt coi trọng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực; phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để chuẩn bị tổ chức Năm Hữu nghị Việt-Nhật 2013; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, tăng cường giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu thanh niên, sinh viên…

Bộ trưởng Gemba Koichiro khẳng định quan điểm của Nhật Bản đảm bảo tự do thương mại; an ninh và an toàn hàng hải trên biển Đông, giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ nghiêm túc tinh thần DOC và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

TT Nguyễn Tấn Dũng đồng ý thành lập Viện Biển Đông


Theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Học viện Ngoại giao có thêm đơn vị mới là Viện Biển Đông.

Quyết định 29/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hiệu lực từ ngày 1/9/2012, Học viện Ngoại giao có 17 đơn vị trực thuộc thay vì 16 đơn vị trực thuộc như hiện nay. Trong đó, Học viện Ngoại giao có thêm một đơn vị mới là Viện Biển Đông (*).

Việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Học viện Ngoại giao và các đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quyết định 29/2012/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2012.

Quyết định mới này sửa đổi, bổ sung Điều 3 Quyết định 82/2008/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao.

(*) 16 đơn vị trực thuộc khác của Học viện Ngoại giao được giữ nguyên như cơ cấu tổ chức trước đó gồm: 1- Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao; 2- Trung tâm đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ đối ngoại; 3- Trung tâm Thông tin, Tư liệu; 4- Văn phòng; 5- Phòng Quản lý Khoa học; 6- Phòng Đào tạo; 7- Phòng Công tác chính trị, quản lý sinh viên; 8- Khoa đào tạo sau Đại học; 9- Khoa Lý luận Chính trị; 10- Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao; 11- Khoa Kinh tế Quốc tế; 12- Khoa Luật Quốc tế; 13- Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại; 14- Khoa Tiếng Anh; 15- Khoa Tiếng Pháp; 16- Khoa Tiếng Trung Quốc.

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Thái Lan


Chiều 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Thái Lan đang tiến triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai bên tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, vì lợi ích và sự phát triển chung của cả hai nước.

Nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Việt Nam và Thái Lan cần khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng và lợi thế để phục vụ cho các hoạt động hợp tác và phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị bên cạnh thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tăng cường trao đổi thương mại, thúc đẩy đầu tư, hai bên cần đặc biệt quan tâm tới hoạt động hợp tác trong sản xuất và xuất khẩu gạo; sớm xây dựng cơ chế hợp tác trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom.

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Boonsong Teriyapirom cho biết một số kết quả tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; nhấn mạnh Thái Lan luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam; nỗ lực cùng với Việt Nam duy trì tăng trưởng thương mại hai chiều giữa hai nước hàng năm ở mức khoảng trên 20%.

Bộ trưởng Boonsong Teriyapirom khẳng định sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp của Thái Lan sang tăng cường hợp tác, đầu tư tại Việt Nam; đồng thời cũng sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam sang tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư tại Thái Lan.

Trong thời gian tới, bên cạnh thúc đẩy hoạt động hợp tác về sản xuất và tiêu thụ gạo, Thái Lan mong muốn được tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản, Bộ trưởng Boonsong Teriyapirom bày tỏ.

Năm 2011 tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan đạt 8,8 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2010. Trong 5 tháng đầu năm 2012, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn tăng 2,1%, đạt 3,8 tỷ USD./.