Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Vinasat-2 đã lên quỹ đạo


5h49 sáng nay (16/5), tên lửa Ariane 5 đã hoàn tất quá trình đưa 2 vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam và JCSAT-13 của Nhật Bản lên quỹ đạo, từ bãi phóng Kourou (Guyana).

Tên lửa Ariane 5 ngay trước giờ phóng tại Kourou (Guyana). Ảnh: Arianespace
Tên lửa Ariane 5 ngay trước giờ phóng tại Kourou (Guyana). Ảnh: Arianespace

Hành trình kéo dài 36 phút của Ariane 5 và 2 vệ tinh kết thúc thành công vào lúc 5h49 sau khi Vinasat-2 được tách khỏi tên lửa đẩy và tiến chính xác vào vị trí 131,8 độ Đông trên quỹ đạo địa tĩnh. Trước đó, với sự hỗ trợ của 2 tên lửa phụ, Ariane 5 đã rời khỏi mặt đất lúc 5h13.

Trong vòng 30 giây, 2 tên lửa phụ đã đốt hơn 100 tấn nhiên liệu ở nhiệt độ 3.000 độ C để đưa 2 vệ tinh thoát khỏi lực hút bề mặt Trái đất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 2 tên lửa phụ tách khỏi phần chính giúp Ariane 5 nhẹ bớt ba phần tư trọng lượng. Tên lửa chuyển hướng Tây và bay nhanh hơn vào quỹ đạo.

Đến 5h16, tên lửa Ariane xuyên qua tầng khí quyển trái đất và vượt Đại Tây Dương trong khoảng 20 phút. Tại bờ Tây châu Phi, Ariane kết thúc thành công giai đoạn đầu của quá trình phóng bằng việc cho tách JCSAT-13. Tên lửa tiếp tục hành trình đưa Vinasat 2 về vị trí đã định.

Đến 5h49, Vinasat-2 được tách khỏi vỏ bảo vệ và hành trình về quỹ đạo địa tĩnh 131,8 độ Đông. Vụ phóng vệ tinh được tuyên bố chính thức thành công trong sự vui mừng của các nhân viên trung tâm ArianeSpace tại Kourou cũng như đại diện phái đoàn Việt Nam, Nhật Bản tại Guyana.

Tên lửa Ariane 5 đưa 2 vệ tinh rời mặt đất. Ảnh: ArianeSpace
Tên lửa Ariane 5 đưa 2 vệ tinh rời mặt đất. Ảnh: ArianeSpace

Theo dõi trực tiếp qua cầu truyền hình tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc phóng thành công Vinasat-2 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn của ngành viễn thông Việt Nam. "Đây là dự án quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian vũ trụ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, đây là bước khởi đầu quan trọng nhưng trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển hệ thống viễn thông của Việt Nam. Do vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu VNPT sớm đưa Vinasat-2 vào sử dụng, khai thác hiệu quả, cùng với Vinasat-1 đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng…

Vụ phóng tên lửa được truyền trực tiếp về trụ sở của VNPT. Ảnh: Nhật Minh
Vụ phóng tên lửa được truyền trực tiếp về trụ sở của VNPT. Ảnh: Nhật Minh

Trước đó, Vinasat-2 được triển khai trong hơn 2 năm, từ tháng 10/2009. Đây là vệ tinh thứ 2 của Việt Nam, có tổng kinh phí khoảng 260-280 triệu USD, sản xuất trên nền tảng khung A2100, tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku, Vinasat-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận.

Vinasat-2 cùng với Vinasat-1 được phóng thành công lên quỹ đạo ngày 19/4, đã tạo ra một hệ thống các vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và rủi ro, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dung lượng cho khách hàng. Cả 2 dự án này đều do Tập đoàn Bưu chính Việt Nam (VNPT) làm chủ đầu tư, hợp tác với Lockheed Martin (Mỹ) để triển khai.

Vinasat-2 được phóng từ Kourou ở Guyana (Nam Mỹ). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đến chứng kiến lễ phóng Vinasat-2 qua cầu truyền hình ở đầu cầu Việt Nam.
Video toàn cảnh thời khắc phóng vệ tinh Vinasat-2 lên vũ trụ

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Các căn cứ quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông


Suốt thời phong kiến, các triều đại Trung Hoa không xem biển cả là khu vực cần chinh phục mà coi đây là một chiến lũy thiên nhiên, cần chú trọng đến hải phòng (phòng ngự bờ biển) và hải cấm (cấm đoán những qua lại trên biển)...
Những biện pháp này là nhằm chống ngoại xâm hay ngăn ngừa những nhóm chống đối âm mưu bạo loạn, chẳng hạn “Tỏa quốc cấm hải” là chính sách của nhà Thanh ban bố năm 1661 (Thuận Trị 18).

Cho đến tận thế kỷ XIX, những ai dùng thuyền ra khơi nếu không có sứ mạng hay được phép của triều đình đều bị coi là giặc. Tuy nhiên, chiến lược biển của Trung Quốc ngày nay đã hoàn toàn thay đổi và đầy tham vọng.

1. Tháng 9/2008, Tạp chí “Bình luận phòng vệ Hán Hòa” của Canada đã đăng tải bài viết “Trung Quốc tăng cường xây dựng căn cứ quân sự tình báo ở quần đảo Hoàng Sa”. Theo đó, cùng với việc xây dựng các căn cứ tàu ngầm bí mật ở đảo Hải Nam, hải quân và không quân Trung Quốc đang tăng cường xây dựng các căn cứ trên quần đảo Hoàng Sa, trong đó có sân bay quân sự lớn nhất trên biển và trạm thu thập tin tức tình báo siêu cấp. Các loại ăngten đã được bố trí dày đặc trên một đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đảo nhỏ này thông qua một hành lang nhân tạo xây dựng trên biển đã nối liền với đảo Vĩnh Hưng. Ăngten cỡ lớn trang bị trên đảo có thể theo dõi được toàn bộ hoạt động trên Biển Đông, tới tận Malaysia.

Sau khi chiếm cứ Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã xây dựng sân bay với tham vọng biến đảo này thành “hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm” (ảnh: visithainan.com.au)
Sau khi chiếm cứ Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã xây dựng sân bay với tham vọng biến đảo này thành “hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm” (ảnh: visithainan.com.au)


Những tín hiệu thu được sẽ được đưa vào ghi âm và xử lý tại 4 tòa nhà lớn xây dựng trên đảo. Những căn cứ thuộc loại này sẽ do phòng 3 và phòng 4 thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng quản lý. Phòng 3 phụ trách thu thập, phân tích và giải mã tin tức tình báo. Phòng 4 phụ trách đối kháng điện từ. Tất cả những tin tức tình báo này sau khi được tập hợp lại sẽ do Bắc Kinh phụ trách phân tích, giải mã. Sân bay quân sự trên đảo Vĩnh Hưng của quần đảo Hoàng Sa cũng được xây dựng lại, đường băng hiện đã dài hơn 2.500m, một bộ phận đường băng đã vươn ra tận biển, đủ để cho bất kỳ loại máy bay thế hệ ba nào của Trung Quốc như SU-30MKK có thể lên xuống.

Sân bay xây một trạm radar, 4 nhà kho chứa xăng dầu cỡ lớn, 4 nhà kho có thể dùng để sửa chữa máy bay. Căn cứ hải quân cũng được xây dựng lại cùng với đê chắn sóng, cầu tàu dài 500m, có thể neo đậu tàu khu trục và tàu hộ tống. Các công trình kiến trúc xây dựng trên đảo có thể đủ dùng cho hàng nghìn người sinh hoạt bình thường. Điều này cho thấy quần đảo Hoàng Sa đã trở thành căn cứ quân sự tổng hợp chủ yếu của hải quân, không quân và thu thập tin tức tình báo của Trung Quốc. Tại đây mỗi tuần có tàu đổ bộ chuyên chở nhiên liệu thực phẩm tiếp tế cho đảo.

Mục đích của việc Trung Quốc tăng cường xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Vĩnh Hưng là để tạo nên một căn cứ tiền duyên mạnh, phối hợp với các căn cứ tàu ngầm và tàu nổi ở đảo Hải Nam, nhằm thâm nhập quân sự sâu hơn nữa vào toàn bộ khu vực Biển Đông. Một khi eo biển Đài Loan có chiến sự, đảo Vĩnh Hưng sẽ là “tàu sân bay không bao giờ chìm”, giám sát quân Mỹ tăng viện từ hướng Bắc của Ấn Độ Dương. Bán kính tác chiến của máy bay SU27, SU30MKK cất cánh từ quần đảo Hoàng Sa có thể bao trùm lên toàn bộ Biển Đông, tới tận Malaysia, Phillipines và Brunei.

2. Tháng 3/2009, Đới Hy – Đại tá Không quân Trung Quốc đã hô hào trên một tờ báo về việc nước này cần thiết lập căn cứ quân sự quy mô lớn tại Trường Sa để bảo vệ nguồn tài nguyên ở Biển Đông (?!). Vị Đại tá này nhận định, tương lai Trung Quốc phụ thuộc vào các vùng biển đảo là không hề phóng đại. Trung Quốc không thể giàu mạnh nếu không có nguồn lợi từ biển và không bảo đảm được an ninh cho các tuyến giao thương hàng hải nên Trung Quốc cần hiểu rõ tính cấp bách trong việc chạy đua với các nước láng giềng.

Một căn cứ quy mô lớn phải được thiết lập tại Biển Đông, là tiền đề cho sự hiện diện ngoài khơi của Trung Quốc trên thế giới. Một khi dây chuyền hàng hải bao gồm các ngành đánh cá, sinh học biển, dầu khí, vận tải, du lịch, dịch vụ… được thành lập sẽ trở thành động lực kinh tế lớn lao cho tỉnh Hải Nam và cả nước Trung Quốc. Cùng với việc phát triển nguồn tài nguyên Biển Đông, vị Đại tá này cho rằng, cần thiết lập căn cứ quân sự trên quần đảo Trường Sa với các cơ sở dành cho máy bay trực thăng và các loại hình tác chiến khác. Hải phận và không phận rộng lớn ở Biển Đông sẽ trở thành địa điểm huấn luyện quân sự không chỉ bảo vệ phát triển kinh tế của Biển Đông mà còn thúc đẩy hiện đại hóa quân đội của nước này.

3. Trong cuốn “An ninh và chính trị quốc tế ở Biển Đông” – NXB Routledge, New York, 2009, GS Trường cao đẳng Hải quân Mỹ Bruce A. Elleman cũng nhận xét rất đáng để chúng ta tham khảo rằng, các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang dần được củng cố và có khả năng tác chiến cao hơn. Điển hình là đảo Hải Nam với hạ tầng cơ sở viễn thông được nối kết rất tinh vi và được ngụy trang rất khó phát hiện. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc tiếp tục xây dựng thêm các căn cứ quân sự trên một số hòn đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa.

Quần đảo Hoàng Sa nhìn từ máy bay (ảnh: Wikipedia)
Quần đảo Hoàng Sa nhìn từ máy bay (ảnh: Wikipedia)

Dựa trên các thiết bị điện tử và cơ sở vật chất được quan sát qua vệ tinh thì đảo Phú Lâm và bãi đá Gạc Ma dường như là hai căn cứ chính cho các hoạt động bành trướng của Trung Quốc kéo dài từ Biển Đông đến tận eo biển Malacca. Các đảo và các rặng đá ngầm khác có vũ trang của Trung Quốc được kết nối qua vệ tinh hay trạm vô tuyến mặt đất và thậm chí họ còn có mạng Internet để liên lạc giữa các tướng lĩnh địa phương và các hạm đội. Đó là chưa kể đến các thiết bị điện tử tinh vi trên các chiến đấu cơ, tàu chiến, tàu ngầm, tất cả đều phục vụ vào việc tăng cường tiềm năng quân sự sẵn có trên đất liền của Trung Quốc trở nên đáng sợ hơn.

Phần lớn các căn cứ quân sự ở bờ biển phía nam Trung Quốc được kết nối vô tuyến với các hoạt động hải quân ở ngoài khơi. Trung tâm đầu não của hệ thống viễn thông này dường như tập trung ở đảo Hải Nam. Mặc dù là tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc tính về mặt lãnh thổ, chỉ khoảng 35.000km2 nhưng Hải Nam là nơi đặt tổng hành dinh của Cục bờ biển và hải đảo Trung Bộ, Tây và Nam Trung Quốc để giám sát quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và quần đảo Trường Sa. Vùng biển đảo Hải Nam xấp xỉ khoảng 2 triệu km2, để kiểm soát được một khu vực rộng lớn như thế, một radar lớn loại quét sóng quá chân trời được đặt gần bờ biển Hải Nam và chĩa thẳng về hướng Nam. Trong thập niên 70, Trung Quốc đã từng thử nghiệm radar loại OTH có đường kính 2,3m với khả năng phát hiện tàu qua lại trong vòng bán kính 250km.

Để tuần tra khu vực này, các tàu hải quân Trung Quốc được trang bị hệ thống định vị có khả năng bắt tín hiệu vệ tinh của Trung Quốc cũng như của nước ngoài. Một thiết bị hướng dẫn hải quân chính khác là hệ thống định vị mặt đất kỹ thuật số DGPS có độ chính xác khoảng 5-10m trong phạm vi hoạt động 300km. Việc nghiên cứu được bắt đầu vào thập niên 70 qua 3 trạm tín hiệu hỗ trợ hướng dẫn vô tuyến điện công suất lớn ở miền Nam Trung Quốc. Trong khi đó các trạm tín hiệu hỗ trợ hướng dẫn vô tuyến kết nối hàng hải (RBN-DGPS) được đặt ở Tam Á, Hải Khẩu và Haifou. Một trạm tín hiệu DGPS khác có công suất cao hơn với tần số 295kHz được đưa vào hoạt động vào năm 1999 tại Tam Á, sau đó thêm hai trạm ở Yangpu và Baohujiao cũng tại miền Nam Trung Quốc.

Từ năm 2000, Trung Quốc đã phóng 3 vệ tinh lên quỹ đạo để thiết lập cho riêng họ hệ thống vệ tinh định vị khu vực Beidou, còn gọi là “Big Dipper”, có thể phủ sóng khắp Biển Đông. Trong khi đó, dịch vụ kiểm soát hàng hải (VTS) được đặt ở Trạm Giang với sự hỗ trợ của hệ thống vi tính hiện đại và các radar được xây dựng dọc theo bờ biển phía tây Hải Nam tại Dong Fang và Hải Khẩu, đa số mua của Công ty Hoa Kỳ Lockheed Martin nhằm trang bị các phần cốt lõi của hệ thống hàng hải viễn liên. Trung Quốc cũng đặt mua một số hệ thống tình báo điện tử (ELINT) quan yếu để lắp đặt trên đảo Hải Nam gồm có một trạm tại phía tây nam và một trạm ở bờ biển phía đông nam thuộc căn cứ không quân Lăng Thủy (Lingshui), khu liên hợp quân sự được thành lập vào năm 1968 và sau đó được mở rộng rất nhiều vào năm 1995, với khoảng 1.000 chuyên gia phân tích tín hiệu ở đây.

Để hỗ trợ cho các hoạt động tàu ngầm ở khu vực này, một trạm vô tuyến tần số thấp công suất cao đã được xây dựng ở Hải Nam vào năm 1965. Một căn cứ tàu ngầm ở Ngọc Lâm (Yulin) được nối kết chặt chẽ với tổng hành dinh của các tàu nhỏ và tàu ngầm. Những trung tâm này bao gồm việc thông tin vô tuyến tần số rất thấp (VLF) với tàu ngầm và các tàu mặt biển ở vùng Biển Đông. Tính tới năm 1985, 5 trung tâm vô tuyến VLF được đặt ở Phúc Châu (Fuzhou), Lữ Thuận Khẩu (Lushun), Ninh Ba (Ningbo), Trạm Giang (Zhanjiang) và Ngọc Lâm (Yulin). Hệ thống quản lý giao thông vô tuyến này còn giúp điều phối một cách hiệu quả các tàu ngầm quân sự đang di chuyển trong vùng nước nông trên eo biển Quỳnh Sơn (Qiongzhou) nằm giữa đảo Hải Nam và lục địa.

4. Theo GS Bruce A. Elleman, quần đảo Hoàng Sa là nơi Trung Quốc có các căn cứ quân sự đứng thứ hai về tầm quan trọng chỉ sau Hải Nam xét về phương diện hệ thống hỗ trợ điện tử vô tuyến. Ảnh chụp từ không gian trong thập niên 80 cho thấy ở đây đã xuất hiện một chuỗi ăngten lớn gồm 16 chiếc, mỗi chiếc gồm 8 nhánh ăngten trời. Đây có thể là một trạm VHF, nhưng lại được miêu tả rất khác nhau như là một ăngten thông tin vệ tinh hay là một mảnh hình thánh giá của radar cảnh báo thế hệ cũ. Đảo Phú Lâm hình như được trang bị một radar tiếp cận chính xác (PAR), tần số X kiểu 791. Tháng 6/2001, có một nguồn tin không chính thức cho rằng, Trung Quốc đã đưa tên lửa chống hạm HY-2 lên đảo Phú Lâm. Ngoài ra còn có thêm một khu đặt súng cao xạ bắn máy bay ở đầu cuối phía bắc đảo Phú Lâm. Từ năm 1991, cả thảy đã có 67 chiến đấu cơ với tổng cộng 14 lần điều động đến đảo này.

Một lô cốt phòng thủ của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa được sơn ngụy trang
Một lô cốt phòng thủ của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa được sơn ngụy trang

Trong khi đó một cảng thuộc đảo Quang Hòa Đông (Duncan) – đảo lớn thứ hai ở Hoàng Sa đã được mở rộng với việc gia cố các công sự phòng thủ và lắp đặt các trang thiết bị điện tử viễn thông. Mặc dù chưa thấy có tin tức gì về các thiết bị vô tuyến được xây dựng trên đảo Duy Mộng, trọng tâm của cuộc hải chiến Việt – Trung vào năm 1974, nhưng giữa năm 1995, một trạm thám báo vô tuyến mới được đưa vào hoạt động ở đảo Hòn Đá (Rocky) gần đảo Phú Lâm.

Dù Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố là sẽ không can thiệp vào việc tự do đi lại của các tàu bè quốc tế, nhưng họ từ chối minh bạch hóa những vùng nào mà họ tuyên bố là có chủ quyền. Bằng cách vẽ “đường yêu sách chín đoạn” bao quanh quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh rõ ràng đã đơn phương sáp nhập vào họ các vùng lãnh hải và không phận thuộc vùng tự do đi lại quốc tế từ xưa đến nay. Rất có thể Bắc Kinh sau này sẽ bắt buộc các tàu bè qua lại phải xin phép khi đi qua các vùng đang được tự do di chuyển hiện nay. Dĩ nhiên là bây giờ Trung Quốc chưa thể áp đặt một chính sách như thế nhưng khi họ đủ mạnh, họ có thể sẽ thực hiện điều này. Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và thám báo trên quần đảo Trường Sa khiến khả năng có một chính sách kiểm soát qua lại trên Biển Đông nghiêm ngặt như thế ngày càng trở nên hiện thực hơn.

Trong quá khứ quần đảo Trường Sa gần như chỉ có lính đồn trú người Việt, cho mãi đến Thế chiến II khi Nhật Bản xây dựng các công sự ở đảo đá Danger, cồn Tizard và đảo Nam Yết; rất nhiều khu vực đó hiện nay đang có quân đội Việt Nam và Philippines trú đóng. Đảo Ba Bình là một trong những đảo nằm xa nhất về hướng Bắc của quần đảo Trường Sa và là một trong số rất ít những đảo đủ lớn để xây dựng một sân bay và một căn cứ tàu ngầm. Đài Loan vẫn tiếp tục chiếm giữ đảo Ba Bình và gần đây đã kéo dài đường băng ở đấy để có thể tiếp nhận được những máy bay trọng tải lớn hơn.

Vào thập niên 80, các cuộc tuần tra trên biển bằng các tàu nghiên cứu đại dương đều được các tàu chiến Trung Quốc hộ tống. Sau khi các tàu dân sự và tàu khoa học thăm dò khu vực này vào tháng 10/1987, Trung Quốc đã đánh chiếm bãi đá Chữ Thập vào tháng 3/1988. Năm 1988-1989, vài chục tàu chiến Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc tập trận lớn trùng với việc chiếm đoạt thêm một số dải đá ngầm chiến lược ở quần đảo Trường Sa. Tới thập niên 90, Trung Quốc lại khởi công xây dựng các trạm đóng quân tạm thời và các công trình bát giác bằng gỗ trên các cọc gỗ ở sáu rặng đá ngầm và gọi đó là “những chòi trú bão”. Một căn cứ quân sự nhỏ khác cũng được xây dựng ở bãi đá Gạc Ma.

Theo các bức không ảnh, các nhà gỗ bát giác tạm thời này ban đầu được xây trên những cọc gỗ nhưng đến năm 1989 thì bắt đầu được lắp đặt ăngten. Trong khi đó ở rặng đá Subi (Subi Reef), Trung Quốc cho xây một trại lính và một tòa nhà hai tầng cùng với một ăngten liên lạc vệ tinh. Trạm này cũng có một sân đáp trực thăng và một cầu ximăng kiên cố với nhịp uốn nối liền với tòa nhà sở chỉ huy. Năm 1995, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trên bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef) và khoảng năm 2000, các bệ súng và các thiết bị điện tử chính được lắp đặt thêm ở một tòa nhà nhỏ hơn ở phía bắc. Các cầu tàu, bãi đáp trực thăng và một số súng phòng không đã được dựng lên, cùng với một hệ thống tên lửa chưa xác định được là loại gì. Có một vài báo cáo cho rằng, đó là những tên lửa chống hạm Silkworm.

Trong khi đảo Hải Nam là nơi đồn trú tất cả các căn cứ hải quân và không quân chủ lực, thì các phương tiện thiết bị nhỏ hơn nhiều ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa giúp liên lạc và thám báo cho các cuộc viễn chinh hàng hải đầy tham vọng trong tương lai và cho các tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên qua lại Biển Đông. Để hỗ trợ cho các tàu trên mặt biển, Trung Quốc đã dần dần tăng số lượng máy bay, tàu ngầm và hạm đội trong vùng biển nóng bỏng này.

Theo Đông Phương
Petrotimes

Trung Quốc ngang ngược cấm đánh cá ở biển Đông


Trung Quốc hôm qua ngang nhiên tuyên bố sẽ cấm đánh bắt ở nhiều khu vực trên biển Đông. Philippines khẳng định không công nhận lệnh này.

Theo báo China Daily, chính quyền Trung Quốc sẽ áp đặt lệnh cấm đánh bắt mới ở phía bắc biển Đông trong 2 tháng rưỡi, bắt đầu từ ngày 16.5. Trong đó, gồm cả bãi cạn Scarborough, nơi đang xảy ra tranh chấp với Philippines hơn 1 tháng qua. Từ năm 1999 đến nay, Bắc Kinh liên tục cấm đoán ở khu vực biển Đông mà nước này tự cho là thuộc chủ quyền của mình với cái cớ “bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên biển”. China Daily dẫn lời giới chức cho biết sẽ tịch thu tàu thuyền, thiết bị và hải sản của “người vi phạm”.

Ngay lập tức, Đài ABS-CBN dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định nước này sẽ không công nhận lệnh cấm nói trên. Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh động thái của Bắc Kinh “xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines” và Manila “sẽ thực thi các đặc quyền hợp pháp theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS)”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Philippines “có thể áp đặt lệnh cấm tương tự để khôi phục nguồn hải sản”.

Ngư dân Philippines tại khu vực gần bãi cạn Scarborough - Ảnh: Reuters
Ngư dân Philippines tại khu vực gần bãi cạn Scarborough - Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, lệnh cấm được đưa ra giữa lúc căng thẳng ở Scarborough chưa được xoa dịu nên sẽ tạo cớ cho tàu công vụ của Trung Quốc bắt bớ tàu cá Philippines tại đây. Bắc Kinh cũng muốn hạn chế các bên khác đánh bắt trong vùng tranh chấp trong giai đoạn hiện nay, đồng thời gia tăng tần suất hiện diện của tàu mình ở đây. Việc Trung Quốc dự định đưa vào biên chế 36 tàu hải giám trong năm tới có thể cũng nhằm thực hiện mục tiêu này.

Đến nay, Trung Quốc luôn phản đối các nước bên ngoài lên tiếng về tranh chấp trên biển Đông. Cũng giống như với Mỹ, nước này đang gây áp lực để buộc Nga phải tránh xa khu vực chiến lược và giàu tài nguyên. Trang tin World Net Daily dẫn lời ông Dmitriy Mosyakov thuộc Viện Nghiên cứu các nước phương Đông của Nga nói rằng Moscow hiện phải đối mặt với “một lựa chọn và giá của lựa chọn đó có thể sẽ rất cao”.

Nếu Nga từ bỏ lợi ích ở biển Đông để đổi lấy quan hệ với Trung Quốc thì nước này “không chỉ mất mặt ở châu Á, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia mà còn đánh mất luôn những hợp đồng dầu khí trị giá hàng tỉ USD”. Tuy nhiên, vấn đề biển Đông trên thực tế đang thu hút sự quan tâm của ngày càng nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản... Theo Đài GMA hôm qua, Úc đã lên tiếng thúc giục các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông giải quyết tranh chấp theo UNCLOS. “Chúng tôi không ủng hộ bên nào nhưng vì Úc cũng có quyền lợi ở biển Đông nên chúng tôi kêu gọi các bên tôn trọng những nguyên tắc hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS”, Ngoại trưởng Úc Bob Carr tuyên bố. 

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Đối thoại Bắc Kinh - Manila đổ vỡ


Manila và Bắc Kinh, như Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận ngày 12-5, đã nối lại liên hệ ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp giữa hai nước về bãi cạn Scarborough.
Song ngòi nổ vẫn chưa được tháo gỡ. Vì sao?

Một chiếc Hải Nam Bảo Sa của Trung Quốc - Ảnh: hkwb.net
Một chiếc Hải Nam Bảo Sa của Trung Quốc - Ảnh: hkwb.net

Giới quan sát nhận xét việc đối thoại này đã lại như đá ném ao bèo, không thấy hai bên đề cập bất kỳ kết quả nào đạt được.

Pháp lý đối mặt với “cơ sở lịch sử”


Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vẫn lớn giọng lên lớp Philippines khi lặp lại những nội dung như trước. “Trung Quốc nhắc lại quan điểm của mình là yêu cầu Philippines tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và kiềm chế mọi hành động có thể làm tình hình thêm phức tạp và lan rộng. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và các hành động của phía Philippines” - trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Hồng Lỗi với giọng đe nẹt quen thuộc.

Tương tự, giờ đây không còn mượn loa truyền thông để đổ tội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao này đã ra trực tiếp cáo buộc: “Philippines đã kích động công chúng trong nước và ở nước ngoài phản đối Trung Quốc. Những hành động như thế đã làm xói mòn nghiêm trọng mối quan hệ Trung Quốc - Philippines, đã làm người dân Trung Quốc ở cả trong lẫn ngoài nước phản ứng mạnh”. Ông Hồng Lỗi còn yêu cầu Manila phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công dân Trung Quốc ở Philippines.

Đáp lại, như Inquirer Daily cho biết, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nhắc lại Manila không nhúng tay vào các cuộc biểu tình phản đối của người dân Philippines ở trong và ngoài nước hôm 11-5. Đề cập cuộc đối thoại, ông Del Rosario chỉ nêu lên những yêu sách của Bắc Kinh mà Manila không thể chấp nhận được. Bắc Kinh ngang nhiên yêu cầu Manila không được quấy rối các tàu dịch vụ công của Trung Quốc đang hoạt động gần bãi cạn Scarborough, các tàu cá Trung Quốc phải được hoạt động bình thường và các tàu của Philippines phải rời khỏi khu vực Scarborough mà Trung Quốc khăng khăng khẳng định thuộc chủ quyền của mình.

Trong khi Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền dựa trên những gì mà họ gọi là “cơ sở lịch sử” chỉ có Trung Quốc thừa nhận thì Philippines, như ngoại trưởng Del Rosario cho biết, đang hướng tới con đường pháp lý cho một giải pháp hòa bình bền vững đối với các vùng tranh chấp trên biển Đông.

“Cả thế giới đều biết rằng Trung Quốc có nhiều máy bay và tàu chiến hơn Philippines. Song cho đến cuối cùng, chúng tôi hi vọng chứng minh được rằng luật pháp quốc tế sẽ công bằng” - Ngoại trưởng Del Rosario nhấn mạnh.

Chính sách chiếm giữ các vùng biển


Báo Le Monde ngày 12-5 nhận định sự trở lại của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Bắc Kinh nhìn nhận như một tín hiệu đáng báo động. Từ đó Trung Quốc, vốn là nước đòi chủ quyền trên toàn biển Đông qua cái gọi là “đường lưỡi bò”, bắt đầu đặt để những con cờ của mình.

Đề cập đến cuộc đối đầu kỳ lạ đã kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, báo này đặt câu hỏi: lý của kẻ mạnh sẽ thắng ở biển Đông?

Theo chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của Pháp Jean - Pierre Cabestan, Trung Quốc “hiện đang tìm cách chiếm giữ các vùng biển được cho là của mình” theo một chính sách mà ông mô tả là “việc đã rồi” bằng cách tránh can thiệp bằng tàu quân sự của hải quân nước này mà bằng tàu dân sự của năm cơ quan như cơ quan giám sát hàng hải (CMS) thuộc Bộ Đất đai và tài nguyên, văn phòng kiểm tra ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, hải quan, lực lượng tuần duyên (cảnh sát) và cơ quan an ninh hàng hải.

Mặt khác, trong ý đồ chiếm giữ các vùng biển, Trung Quốc đang triển khai mạnh mẽ hoạt động của các tàu cá trên biển. Những chương trình hỗ trợ ngư dân ở các tỉnh phía nam Trung Quốc đang thúc đẩy sự ra đời của những đội tàu đánh cá ngày càng hiện đại và vươn ra xa bờ ở các ngư trường nước sâu trên biển Đông. Bằng cách này, Trung Quốc sẽ đè bẹp các nước láng giềng.

Tỉnh Hải Nam đang triển khai đến biển Đông tàu Hải Nam Bảo Sa 001 với trọng tải 32.000 tấn. Nó như một nhà máy chế biến trên biển với 600 công nhân làm việc. Trang web Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết cùng với tàu - nhà máy này còn có một tàu chở dầu 20.000 tấn, tàu vận chuyển 10.000 tấn và ba tàu từ 3.000-5.000 tấn, cùng 300-500 tàu đánh cá trên 100 tấn trong vùng biển đang tranh chấp trên biển Đông.

Hải Nam Bảo Sa 001 là tàu chế biến thủy sản lớn nhất của Trung Quốc và là một trong bốn tàu chế biến thủy sản lớn nhất trên thế giới. Tàu - nhà máy này được trang bị 14 dây chuyền sản xuất và với sự hỗ trợ của các tàu khác, nó có khả năng chế biến tại chỗ trên 2.100 tấn thủy sản mỗi ngày.

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Google sửa sai về chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay (10/5) cho biết, Google đã sửa lỗi làm sai lệch chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông trong sản phẩm bản đồ trực tuyến Google Maps.

Chùa trên đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chùa trên đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các thông tin không phản ánh đúng điều này là sai trái và vô giá trị”, ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh trong cuộc họp báo chiều nay. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các nhà xuất bản, các công ty in ấn những tài liệu, bản đồ và dữ liệu chính xác về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông”, ông nói thêm
Ông Nghị cũng cho biết Bộ Ngoại giao vừa qua đã gặp đại diện của Google, nêu quan điểm của phía Việt Nam về việc từ khóa trên bản đồ Google Maps thể hiện sai lệch chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau đó Google đã tiến hành sửa những lỗi này.
Trước đó cư dân mạng phát hiện bản đồ trực tuyến Google Maps có chú thích không chính xác về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong năm 2010, dịch vụ bản đồ trực tuyến Google Maps cũng từng có những sai sót làm sai lệch chủ quyền Việt Nam, như cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), Tân Thanh (Lạng Sơn) hay một nửa thành phố Lào Cai lại nằm bên kia biên giới Trung Quốc. Sau khi Bộ Ngoại giao yêu cầu chỉnh sửa, Google cũng đã sửa lại các thông tin sai lệch này.
Trong cuộc họp báo hôm nay, ông Lương Thanh Nghị cũng đưa ra bình luận về việc Trung Quốc mới đây đưa giàn khoan dầu khổng lồ ra khai thác tại Biển Đông. “Chúng tôi rất quan tâm tới thông tin này. Chúng tôi cho rằng hoạt động của các nước tại Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, phù hợp với tinh thần Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia khác, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Hãng tin Reuters hôm 3/5 dẫn thông tin từ Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, cho hay giàn khoan khổng lồ Ocean Oil 981 của Trung Quốc sắp đi vào hoạt động tại phía đông của Biển Đông sau 6 năm xây dựng. Ocean Oil 981 sẽ khoan dầu tại lô Liwan 6-1-1, cách Hong Kong khoảng 300 km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines. Động thái này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đang có tranh chấp chủ quyền với Philippines tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham.
Cũng trong chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có tuyên bố về việc một số quan chức Đài Loan mới đây ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Việt Nam phản đối một số quan chức Đài Loan tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”, ông Nghị nêu rõ. “Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động sai trái đó”.

Chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Bài viết về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của phóng viên Thu Tuyết – báo SGGP (Blogger Snow Autumn).

Mình không phải là Đảng viên và cũng chẳng quan tâm lắm đến các vấn đề về chính trị. Vì vậy chuyện chính trường, hậu cung, nội các này nọ mình rất ít để ý… Với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng vậy, mình chỉ biết và nhìn thấy ông qua các sự kiện, “gặp” ông trên vô tuyến truyền hình. Thế nhưng nhìn vóc dáng và phong thái đạo mạo của ông trên chính trường quốc tế, cũng như trong các chuyến công du nước ngoài, thú thật là mình cảm thấy rất tự hào về một vị nguyên thủ quốc gia có hình thức đẹp với phong thái tự tin, đĩnh đạc như ông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong cuộc gặp tại Nhà Xanh (dinh tổng thống Hàn Quốc) tại Seoul. Ảnh: AP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong cuộc gặp tại Nhà Xanh (dinh tổng thống Hàn Quốc) tại Seoul. Ảnh: AP

Nếu bảo đánh giá hay bình luận về phương cách điều hành Chính phủ hay tài lãnh đạo đất nước của ông thì mình mù tịt, mình không đủ trình độ, cũng không đủ khả năng để làm việc đó. Mình cũng không dám chắc những năm tháng nắm quyền điều hành đất nước, ông đã có những ưu, nhược điểm gì, thành công hay thất bại… Tuy nhiên, qua quan sát những việc ông làm trong thời gian gần đây, mình có cảm nhận là ông đang nỗ lực hết sức mình để vực lại nền kinh tế, đang cố gắng hết sức mình để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đem lại niềm tin và sự bình an cho dân chúng… Những việc làm của ông theo ghi nhận của mình đó là những việc làm tốt, những việc làm tích cực và rất cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội nước nhà trong bối cảnh hiện nay…

Thế nhưng, dạo qua các diễn đàn trên mạng, ông đã nhận được những lời nhận xét và bình luận gì của cư dân mạng dành cho sự nỗ lực của ông?

1-Với vụ Tiên Lãng: Trước khi ông vào cuộc thì họ gào lên mắng chửi ông là kẻ vô tâm. Đến khi ông vào cuộc đưa ra những đánh giá, phân tích và có phán quyết một cách khách quan, công bằng, nhân ái thì họ lại mỉa mai ông là mị dân, là chiêu thức, là trò hề ghi điểm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng

2-Đối với vấn đề tự do ngôn luận, trên Internet hiện đang tràn ngập các trang Web, blog tuyên truyền, kích động chống chính quyền, chửi bới chế độ, vu khống, bôi đen các vị lãnh tụ, lãnh đạo, vu khống các cơ quan công quyền một cách công khai, lộ liễu khiến nhiều người dân bất bình mà chẳng thấy có bất cứ rào cản nào ngăn chặn cả. Những người ăn lương nhà nước, thậm chí những người làm việc ngay trong văn phòng Chính phủ cũng cứ thi thoảng vào mạng “góp vui” với các diễn dàn bằng những câu mắng chửi vu vơ, khoác lác… Theo mình, các hiện tượng trên đã cho thấy một sự tự do quá trớn cần phải ngăn chặn lại. Vậy mà trên các diễn đàn, họ vẫn cứ nói vống lên, cứ rêu rao bu loa xuyên tạc rằng đất nước mình, chế độ mình hiện không có dân chủ, bị cấm đoán về tự do ngôn luận…

3-Việc Thanh tra Chính phủ thường xuyên thực hiện các cuộc thanh tra để qua đó nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm, khuyết điểm, thiếu sót của các doanh nghiệp nhà nước, các bộ ngành và địa phương, theo mình, đó là việc làm tích cực, cần thiết nhằm xóa bỏ các rào cản kìm hãm sự phát triển, xóa bỏ sự buông lỏng quản lý, xóa bỏ tham ô, tham nhũng, tha hóa về đạo đức, lối sống… Vậy mà ở các diễn dàn trên mạng, họ vẫn cứ rêu rao ông như là kẻ tội đồ gây ra những hậu quả đó, họ vẫn cho rằng, những việc làm của Thanh tra Chính phủ chẳng qua cũng chỉ là hình thức, là đấu đá, là thanh trừng, là thí tốt…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng

Thời gian gần đây, Thanh tra Chính phủ còn có những hành động đẹp, những việc làm tốt, chứng tỏ sự trong sạch, minh bạch, đó là công khai cho báo chí biết các kết luận của Thanh tra. Vậy mà không chỉ ở các diễn đàn trên mạng, ngay cả ở các trang báo chính thống, những thông tin trong các kết luận Thanh tra cũng đã bị bóp méo một cách thô bạo gần như là xuyên tạc sự thật, khiến cho chính các vị lãnh đạo Thanh tra CP phải đứng ra giải thích, phân tích, nói lại cho rõ ngọn ngành.

Chứng kiến những sự kiện trên, mình cứ băn khoăn: chẳng lẽ, những việc làm tốt, sự nỗ lực phấn đấu của Thủ tướng và của Thanh tra Chính phủ đã được “đền đáp”, được đổi lại bằng những lời miệt thị, vu khống như thế này ư? Sao mà nghe xót xa đến vậy…

Mình nghĩ, là một chính trị gia, Thủ tướng chắc chắn phải là một con người cực kỳ bản lĩnh, ông có lẽ cũng chẳng bận tâm lắm đến những câu chuyện đàm tiếu, vu khống, xuyên tạc, bịa đặt nhắm vào ông, và theo cảm nhận của mình, ông có lẽ vẫn đang ngày đêm trăn trở để tiếp tục tìm kiếm các giải pháp, đưa ra những quyết sách tốt, những việc làm hay, hiệu quả và lớn lao hơn cho đất nước đi lên…

Thế nhưng, một người dân bình thường thì quả thật là quá khó để họ có thể có đủ khả năng, đủ bản lĩnh, để mà chịu đựng sự tra tấn, phản hồi đáng sợ nêu trên.

-- Tiêu đề đã được đặt lại. Nguồn: http://www.snowautumn.com/2012/04/co-nen-lam-nguoi-tot-ky-i-chuyen-thu.html

Quà đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng chùa Trường Sa


Bức tượng này là một trong hai bức tượng do Giáo hội Phật giáo thế giới và chùa Vàng Myanmar tặng cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến Thủ tướng thăm chính thức Liên bang Myanmar.

Cơn mưa đúng hôm lễ Phật đản không ngờ kéo dài suốt cả ngày. Đại đức Thích Giác Nghĩa hướng về bức tượng Phật ngọc đẹp tọa giữa ban thờ Phật nói: “Đây là món quà đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng chùa Trường Sa”.

Tượng Phật ngọc do Thủ tướng tặng chùa Trường Sa lớn.
Tượng Phật ngọc do Thủ tướng tặng chùa Trường Sa lớn.

Được biết, bức tượng này là một trong hai bức tượng do Giáo hội Phật giáo thế giới và chùa Vàng Myanmar tặng cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến Thủ tướng thăm chính thức Liên bang Myanmar (từ ngày 2 đến 4/4). Thủ tướng quyết định tặng lại những món quà đầy ý nghĩa này cho Trung ương Giáo hội Phật giáo VN đặt tại các đảo Song Tử Tây và Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.

Lễ Phật đản tại Trường Sa Lớn không ồn ào, náo nhiệt như ở đất liền. Đoàn rước khoảng hơn 100 người từ chùa tới cột mốc đánh dấu chủ quyền khoảng vài chục mét. Đại đức Thích Giác Nghĩa rưng rưng với từng lời kinh cầu xin đức Phật độ trì cho quốc thái, dân an, cho Hoàng Sa – Trường Sa vĩnh viễn thuộc chủ quyền Việt Nam trời yên, biển lặng.

Một buổi lễ trầm mặc, diễn ra từ 5h30 tới 7h sáng thì kết thúc. Lúc đó, mưa bắt đầu trút xối xả xuống đảo. Đảo lúc đó như được tắm gội bởi một thứ nước thiêng đầy linh nghiệm mà đức Phật ban cho.

Thị trấn Trường Sa lớn (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được mệnh danh là “Thủ đô” của Quần đảo Trường Sa. Nhìn từ trên cao, Trường Sa lớn giống hình trái tim màu xanh giữa đại dương mênh mông. Cũng có thể hình dung như chiếc lá bồ đề mà đức Phật ban tặng Việt Nam trên đường ngài đi độ trì cho chúng sinh. Những con sóng dường như mỗi ngày bồi đắp thêm đất cát để trái tim – chiếc lá bồ đề to thêm, đậm sắc xanh.