Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với học sinh, sinh viên vào ngày 25-3-2012

Thủ tướng Chính phủ sẽ có buổi đối thoại với học sinh, sinh viên vào 25 tháng 3 năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2012), hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2012 và chào mừng Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X;


Buổi đối thoại nhằm truyền đạt thông tin, thông điệp của Chính phủ đối với học sinh, sinh viên, cũng như tạo điều kiện cho thế hệ trẻ bày tỏ tình cảm, nguyện vọng, đề xuất, thể hiện trách nhiệm góp phần tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với học sinh, sinh viên.

Thời gian dự kiến: 8h30 ngày 25 tháng 3 năm 2012. Địa điểm: Hội trường ĐH Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi Đối thoại trực tuyến. - Ảnh Lê Anh Dũng -Ảnh minh họa

Học sinh, sinh viên có thể trình bày ý kiến hoặc câu hỏi của mình đối với Thủ tướng theo các lĩnh vực (gợi ý) như sau:

- Nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, sinh viên:
+ Về học tập, nghiên cứu khoa học, học nghề.
+ Về nghề nghiệp, việc làm của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.
+ Về vui chơi giải trí lành mạnh, điều kiện sinh hoạt, học tập, chỗ ở của học sinh, sinh viên.
- Chăm lo và phát huy học sinh, sinh viên
+ Giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên.
+ Phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
+ Sự quan tâm, chăm lo của Chính phủ đối với học sinh, sinh viên và tạo điều kiện cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát huy vai trò trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên.

nguồn: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với học sinh, sinh viên vào ngày 25-3-2012

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Hải quân Việt Nam tiếp nhận hai pháo hạm Svetlyak

Ngày 1/3, Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân tổ chức lễ tiếp nhận hai pháo hạm hiện đại HQ-264 và HQ-265.

Ngày 1/3, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức lễ tiếp nhận hai tàu Hải quân HQ-264 và HQ-265, được biên chế về Lữ đoàn 127, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, tuần tiễu, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Đại tá Trần Bá Lăng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 127 cho biết: Đây là sự tin tưởng tuyệt đối của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng, Bộ Tư lệnh Vùng 5 đối với cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn trong việc quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật.

Toàn đơn vị sẽ không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, tích cực chủ động nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ kiến thức, khai thác hiệu quả và từng bước làm chủ tàu thuyền hiện đại; thực hiện nghiêm, đúng, đủ quy trình, vận hành, thao tác đúng tính năng kỹ thuật, chiến thuật, kiên quyết không để xảy ra hư hỏng.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy Quân chủng Hải quân nhấn mạnh: Đây là loại tàu chiến đấu được trang bị hệ thống vũ khí có ưu thế về tự động điều khiển, góp phần nâng cao sức chiến đấu, cũng như năng lực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển xa, khẳng định bước đột phá về tư duy làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự theo hướng công nghệ tự động hóa của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền chỉ đạo: Cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trên hai tàu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tích cực huấn luyện từ đơn giản đến phức tạp, từng bước làm chủ và khai thác có hiệu quả vũ khí trang bị kỹ thuật. Đặc biệt, chú trọng xây dựng nề nếp chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị kỹ thuật.

Dưới đây là một vài hình ảnh tại buổi lễ tiếp nhận:


Toàn cảnh buổi lễ tiếp nhận hai tàu Hải quân HQ-264 và HQ-265. Đây là các loại tàu pháo thuộc lớp Svetlyak (project 10412) dùng cho nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo.


Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy Quân chủng Hải quân trao quyết định và trao cờ Tổ quốc cho hai tàu Hải quân.

Lễ treo cờ tổ quốc.


Hai tàu HQ-624 và HQ-625 trang bị các loại vũ khí hiện đại, tính tự động hóa cao gồm: pháo hạm Ak-176, tổ hợp pháo phòng không Ak-630, súng máy 12,7mm, tên lửa phòng không.


Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy Quân chủng Hải quân và các đại biểu tham quan TBVK trên tàu pháo HQ-264.


Ụ súng máy phòng không 12,7mm trang bị trên tàu pháo.


Toàn cảnh hai tàu HQ-264 và HQ-265.

Triều Tiên tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân

Cộng đồng quốc tế có những phản ứng đầu tiên trước tuyên bố ngừng hoạt động hạt nhân của Triều Tiên.

Mỹ cho biết Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã đồng ý ngừng các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa cũng như chương trình làm giàu urani để đổi lấy hàng viện trợ từ phía Washington.

hình chỉ mang tính chất minh hoạ
Phía Triều Tiên cùng ngày cũng đã xác nhận thông tin này.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên quyết định ngừng chương trình hạt nhân là "động thái khiêm tốn đầu tiên" sau sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Jong il.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên về việc chính quyền Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân là "bước đi quan trọng" để tiến tới giải quyết các mối quan ngại liên quan đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Ông Gemba nói rằng Tokyo hy vọng chính quyền Triều Tiên sẽ có "hành động cụ thể" và thỏa thuận trên sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên.

Hàn Quốc tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận này. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này mong rằng thỏa thuận sẽ được thực hiện một cách trung thực, đồng thời cho rằng thỏa thuận này đã đặt nền tảng cho các tiến triển trong nỗ lực của Hàn Quốc nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân một cách toàn diện và cơ bản.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano nói rằng IAEA đã "sẵn sàng trở lại" cơ sở hạt nhân Yongbyon ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để giám sát việc ngừng các hoạt động hạt nhân tại đây.

Quận đội Nhật Bản phát triển mạnh mẻ-Trung Quốc lo lắng

Tờ Huantsyu shibao của Trung Quốc đưa tin nước này đang có thái độ bất an về việc chính phủ Nhật Bản đang che giấu mục tiêu phát triển lực lượng vũ trang của mình.



Tờ báo này đưa tin rằng Trung Quốc hiện không nắm được nhiệm vụ của hai tàu sân bay mà Nhật Bản mới đây công bố kế hoạch xây dựng.

Ngoài ra Bắc Kinh cũng không nhận được nhiều thông tin về mục đích hiện đại hóa tên lửa và lực lượng bộ binh Nhật Bản.

Trong khi đó, tờ báo này dẫn lời của Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học các vấn đề Quốc tế, ông Go Syangana: “Ở mức độ nào đó Nhật Bản đang lo lắng về vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á. Nhật Bản khó có khả năng vượt mặt Trung Quốc về kinh tế. Do đó, Nhật Bản đang nỗ lực tạo dựng lợi thế trong lĩnh vực công nghiệp so với Trung Quốc. Nhật Bản đang bị yếu thế hơn Trung Quốc trong việc phát triển kỹ thuật quân sự và củng cố quốc phòng”.

Ông Go còn cho biết, ở một phương diện khác Nhật Bản đang lên kế hoạch phát triển kinh tế để phục vụ mục tiêu sản xuất vũ khí.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam coi trọng thúc đẩy hợp tác với Bhutan

Ngày 29/2/2012, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Lyonpo Kinzang Dorji , Đặc phái viên của Thủ tướng Vương quốc Butan đến chào xã giao.

Tiếp Đặc phái viên Thủ tướng Bhutan Lyonpo Kinzang Dorji, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán đường lối đối ngoại của Việt Nam là làm bạn, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển với các quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.


Ngày 29/2/2012, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Lyonpo Kinzang Dorji , Đặc phái viên của Thủ tướng Vương quốc Butan đến chào xã giao . Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Ngày 29/2/2012, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Lyonpo Kinzang Dorji , Đặc phái viên của Thủ tướng Vương quốc Butan đến chào xã giao . Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Việt Nam vui mừng khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam rất coi trọng thúc đẩy hợp tác với Bhutan, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch…

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai nước tăng cường trao đổi đoàn để triển khai từng lĩnh vực hợp tác cụ thể nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Lyonpo Kinzang Dorji đã trân trọng chuyển thư của Thủ tướng Bhutan tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển của Việt Nam, ông Lyonpo Kinzang Dorji cho rằng việc Việt Nam-Bhutan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao là bước ngoặt trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Ông Lyonpo Kinzang Dorji bày tỏ tin tưởng quan hệ hai nước ngày càng được phát triển, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch…/.

Theo Vietnam+ - http://thutuongnguyentandung.net/thu-tuong-nguyen-tan-dung-khang-dinh-viet-nam-coi-trong-thuc-day-hop-tac-voi-bhutan.html

Thượng tướng Trần Đại Quang thăm, làm việc tại một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ Singapore

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Singapore, chiều 24/2, Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã cùng Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam tới thăm, làm việc tại Học viện Nội vụ và Học viện Phòng vệ Dân sự.

Đây là những cơ sở đào tạo lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm; cứu hộ, cứu nạn; phòng cháy và chữa cháy thuộc Bộ Nội vụ Singapore. Các buổi làm việc của Đoàn đã tập trung trao đổi kinh nghiệm về nội dung, chương trình đào tạo; huấn luyện kỹ năng phòng, chống tội phạm khủng bố, buôn lậu, tội phạm về ma túy; vấn đề hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật, cũng như trình độ, kỹ năng sử dụng của các lực lượng thực thi pháp luật.


Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Đơn vị chiến đấu đặc biệt thuộc lực lượng Cảnh sát Singapore.

Bộ trưởng Trần Đại Quang chân thành cảm ơn sự giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật Singapore, cũng như của hai học viện trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn. Đánh giá cao nội dung, phương pháp đào tạo gắn với thực hành và đáp ứng những vấn đề bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi, đồng chí Bộ trưởng mong muốn các đơn vị chức năng của hai bên sớm xây dựng, triển khai chương trình hợp tác để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của mỗi bên.

Trước đó, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng dẫn đầu đã đến thăm Đơn vị chiến đấu đặc biệt thuộc lực lượng Cảnh sát Singapore; thăm Cục Quản lý Trại giam thuộc Bộ Nội vụ Singapore; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Singapore. Thay mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Đại sứ Trần Hải Hậu đã báo cáo với đồng chí Bộ trưởng về nhiệm vụ, kết quả hoạt động của cơ quan thời gian qua. Nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã chúc mừng và chia vui về những thành tích, kết quả hoạt động của Đại sứ quán thời gian qua. Đồng chí Bộ trưởng khẳng định đường lối, chính sách đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực, các nước thành viên ASEAN, trong đó có Singapore; quan hệ hợp tác về nhiều mặt giữa Việt Nam và Singapore không ngừng được tăng cường, góp phần tích cực vào sự phát triển ổn định, bền vững của hai nước nói riêng, khu vực nói chung. Cán bộ, nhân viên sứ quán cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trong đó ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực. Bộ trưởng Trần Đại Quang mong muốn cán bộ, nhân viên Đại sứ quán sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ là cầu nối, sứ giả Viêt Nam tại đất nước Singapore hữu nghị.


Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm gian bày phương tiện kỹ thuật, vũ khí của lực lượng Cảnh sát Singapore.

Ngày 25/2, Bộ trưởng Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam đã lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Singapore

Công Gôn - http://trandaiquang.net/thuong-tuong-tran-dai-quang-tham-lam-viec-tai-mot-so-don-vi-thuoc-bo-noi-vu-singapore.html

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tham dự chương trình gala Nghĩa tình Trường Sơn lần hai

Tối 24-2, tại Nhà hát TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đồng tổ chức chương trình gala “Nghĩa tình Trường Sơn” lần hai, nhằm sơ kết giai đoạn một và khởi động giai đoạn hai.

Đến dự có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trung tướng Trần Hoa, Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; lãnh đạo Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang các tỉnh, thành cùng các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ tại đường Trường Sơn. Tướng Đồng Sỹ Nguyên (Chủ tịch danh dự Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh) do điều kiện sức khỏe không cho phép nên không thể tham dự, đã gửi lời bày tỏ sự cảm động trước việc làm cao đẹp của chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức trong những năm qua.


Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tri ân người giao liên mù tải đạn A Lăng Bhuốch và Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Sinh - những người góp phần làm nên Trường Sơn huyền thoại. Ảnh: Việt Dũng

Lên sân khấu trong bộ quân phục nghiêm cẩn, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trường Sơn Nguyễn Viết Sinh tần ngần xúc động, vừa thoáng ngậm ngùi khi nghe nhắc đến kỷ lục “người chiến sĩ giao liên đường Trường Sơn thồ hàng với tổng đoạn đường dài nhất” mà ông vừa được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận .

Ông chậm rãi trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình mà nghe giọng rưng rưng: “Đó là phần thưởng cho một cuộc thi thầm lặng không có trọng tài, chỉ có đồng đội. Ngay lúc này đây, tôi nhớ đồng đội. Xưa, đi gùi hàng, tải, ngày ngày, anh em đồng đội động viên nhau gùi thêm ít hàng, tải thêm ít đạn. Thêm một gùi hàng là đồng bào miền Nam bớt phần cơ cực, thêm một viên đạn là ngày thống nhất đất nước sẽ càng gần. Thành tích này là của chung anh em đồng đội chứ đâu của riêng mình”.
Tham gia đường Trường Sơn từ năm 1961, ông Sinh nằm trong lứa quân đầu tiên tham gia vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm chi viện cho miền Nam. Hơn 50 năm trôi qua, hòa bình rồi, ông ít có dịp gặp lại đồng đội cũ. “Lâu lâu nhận được tin thì thường là tin buồn nhiều hơn là tin vui: Có người bệnh nặng, người qua đời, người lại sống trong nghèo nàn cơ cực. Năm rồi, tôi tổ chức một chuyến cho anh em đồng đội về thắp nhang tại Nghĩa trang Trường Sơn mà phải xuôi ngược vận động mãi mới kiếm đủ tiền cho các ông ấy đi. Tội nghiệp, có người nghèo đến mức không đủ tiền góp tiền xe. Nếu có một mong ước, tôi ước chi những người lính Trường Sơn năm nào vẫn được khỏe mạnh, hạnh phúc, cùng nhau trở lại Trường Sơn một lần, đến nơi đơn vị đóng quân, sống với nhau một đêm trong không khí hồn nhiên thời trai trẻ”- ông nói.

Lệ Quyên và nhóm múa ABC biểu diễn bài Khát vọng. Ảnh: An Dung

Đôi hốc mắt hõm sâu không thể nhìn người đối diện, giọng nói ngập ngừng do không rành tiếng Kinh, vậy mà câu chuyện của người giao liên mù tải đạn Alăng Bhuôch (người K’Tu) khiến người nghe bồi hồi xúc động.  “Alăng Bhuôch không có con mắt nhưng có 2 cái chân, 2 cái tay. Miền Nam chưa giải phóng, Alăng Bhuôch muốn độc lập, vậy là đi chiến trường thôi”. Gùi trên lưng, gậy trên tay, vượt đèo, lội suối, băng dốc, xuyên rừng, Alăng Bhuôch miệt mài cõng vũ khí, lương thực. Đường xa, nguy hiểm giăng tứ bề, vậy mà chưa một lần Alăng Bhuôch làm mất vũ khí, đạn dược.

“Chiến tranh năm  tháng lùi dần
Em về sống giữa âm thầm cố hương
Lại bươn chải giữa đời thường
Lại mòn mỏi những chiều buông nắng tà
Bạn bè đôi lứa người ta
Em nhìn theo dấu xe hoa mà buồn
Vọng phu còn được bồng con
Em mong làm mẹ chẳng tròn đam mê…”

Lời thơ nhói lòng. Và khi tác giả của bài thơ xuất hiện giữa sân khấu trong màu áo nâu sồng, cả khán phòng như nghẹn lại. Sư thầy Đàm Phương – nữ thanh niên xung phong xinh đẹp ngày nào giờ đã nương nhờ cửa Phật. Sư thầy chia sẻ: “Mấy chục năm rồi mà hễ nhắm mắt là kỷ niệm lại hiện về: bom rơi, đạn nổ, xe cháy, người chết, đói khát, sốt rét… Những ngày nắng rát cháy da hay những đêm mưa gió dầm dề, mấy chị em mặc áo phao, áo mưa trắng làm cọc tiêu dẫn đường cho xe chạy trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Rồi những lần mấy chị em ôm nhau khóc trong chiến hào. Không nghĩ đến thì thôi, cứ nghĩ đến là không cầm được nước mắt”.


Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM tặng hoa đồng chí Trần Thế Tuyển - Tổng Biên tập Báo SGGP. Ảnh: An Dung

Hòa bình về, đến thăm đồng đội cũ, có người ôm chầm lấy Phương mà trách: “Sao mày đi tu mà không… rủ tao đi cùng?”. Hỏi ra mới biết nhiều chị em khổ quá, người không có chồng, người có chồng lại không thể có con, người có con thì 3 lần sinh đều không nuôi được vì đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam”. “Có mặt trong chương trình hôm nay, tôi rất vui. Thông qua chương trình, rất mong mọi tấm lòng trong xã hội sẽ hướng về, giúp đỡ chia sẻ bớt một phần khó khăn mà những người lính Trường Sơn – những anh chị em đồng đội tôi đang gánh chịu”- bà xúc động nói.
Món nợ càng trả càng đầy

Trong không khí trang trọng của buổi lễ, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Trần Thế Tuyển điểm lại kết quả của giai đoạn một chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Từ những kết quả đáng trân trọng này, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã tạo thành phong trào rộng lớn, cả nước cùng vào cuộc hướng về Trường Sơn huyền thoại.

Giai đoạn hai của chương trình được phát động ở tầm cao mới với đối tượng thụ hưởng nhiều hơn, địa bàn rộng hơn với sự tài trợ không chỉ của doanh nghiệp mà còn có các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước.

Các mục tiêu dự kiến chính: xây dựng 800 căn nhà tình nghĩa (45 triệu đồng/căn); xây dựng 3 đền thờ liệt sĩ Trường Sơn tại 3 địa điểm: trọng điểm A-T-P trên Đường 20 Quyết Thắng sát biên giới Lào, giao điểm Đông-Tây Trường Sơn tại Ngọc Hồi – Kon Tum, và căn cứ điểm cuối cùng của đường Trường Sơn ở huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước với tổng trị giá 45 tỷ đồng; dành 5 tỷ đồng xây dựng 5 trạm xá tại các bản làng biên giới thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Trị, Xavanakhet (Lào), Rattana Kiri (Campuchia); tài trợ 2.500 suất học bổng trị giá 5 tỷ đồng; thực hiện bộ phim ký sự “Trở lại Trường Sơn huyền thoại” dài 52 tập với sự phối hợp của Đài Truyền hình TPHCM, dự kiến phát sóng từ tháng 5-2012 trên kênh HTV9…

Từ giai đoạn hai, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam là một trong hai thành viên của Ban Tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Chủ tịch Hội tâm sự chân tình: “Chương trình thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, mang tính nhân văn sâu sắc, chẳng những người còn sống được quan tâm chăm sóc mà linh hồn các liệt sĩ cũng cảm nhận được những tình cảm đó. Chúng ta không thể lãng quên những người đã hy sinh, đổ xương máu mà phải có những hành động thiết thực đền ơn đáp nghĩa. Đây là cuộc hành trình của trái tim về cội nguồn. Tin rằng giai đoạn hai sẽ thành công vì có sự hưởng ứng của cả nước và vong linh các liệt sĩ ủng hộ”.

Thay mặt lãnh đạo Thành ủy và chính quyền TPHCM, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà biểu dương tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã xây dựng và thực hiện tốt một chương trình từ thiện đầy tính nhân văn thông qua việc vận động, kết nối, đưa nguồn tài trợ từ nhà tài trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Đồng chí tin tưởng với sự đồng hành của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Ban chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn giai đoạn hai sẽ thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của các nhà tài trợ và các nguồn tài trợ; sẽ có nhiều hơn các gia đình cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn cả nước và đồng bào các dân tộc sinh sống trên đại ngàn Trường Sơn được nhận nguồn tài trợ từ chương trình; sẽ có thêm những ngôi đền tưởng niệm góp phần làm ấm lòng các anh hùng liệt sĩ trên các trọng điểm máu lửa của Trường Sơn…

Với những thành tích trong công tác tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn từ năm 2009 đến năm 2011, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, 12 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của UBND TPHCM vì đã đóng góp, hỗ trợ và tham gia chương trình Nghĩa tình

Trường Sơn giai đoạn một (2009 – 2011). - http://lethanhhai.net/bi-thu-thanh-uy-le-thanh-hai-tham-du-chuong-trinh-gala-nghia-tinh-truong-son-lan-hai.html