Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng nhẹ "nợ" khi rời ghế Trưởng ban chống tham nhũng



Theo dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội sáng nay, quy định Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng đã được bỏ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhất trí với sửa đổi này.



Sáng 26/10, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trước Quốc hội. So với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng trước, ngoài việc ít hơn 2 điều (108 so với 110), dự luật đã có nhiều chỉnh sửa.
Mô hình của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng với 3 phương án sau khi xin ý kiến Thường vụ Quốc hội được Chính phủ thống nhất không đề cập đến trong luật. Quy định Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương đã được bỏ.
Trước đó, Hội nghị trung ương 5 (tháng 5/2012) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Nguyễn Hưng
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhất trí với việc sửa đổi này và cho rằng: "Việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng ban là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng".
Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài tài sản, thu nhập, Chính phủ nêu 2 ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng, đối tượng kê khai gồm người có chức vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành và bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên; ý kiến thứ hai cho rằng, đối tượng kê khai cần quy định tất cả những người có chức vụ, quyền hạn theo khoản 3 Điều 1 của Luật hiện hành. Dự thảo Luật thể hiện theo ý kiến thứ nhất.
Theo Ủy ban Tư pháp, quy định của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành quan điểm kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, qua Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng cũng như qua kết quả giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.
Cả hai phương án được cơ quan thẩm tra đánh giá chưa khắc phục hết các khó khăn, bất cập song đã mở rộng được phạm vi đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung một số quy định cụ thể về xác minh tài sản.
Đối với việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng, dù được quy định với 5 khoản trong một điều (điều 68) song, qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc thực hiện còn gặp lúng túng và ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trong Luật chưa quy định rõ căn cứ, cơ sở xác định trách nhiệm. Ví dụ như khái niệm về người đứng đầu, khi có hành vi tham nhũng xảy ra ở một bộ, ngành thì người đứng đầu được xác định là Trưởng phòng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng hay Bộ trưởng...
Bên cạnh đó, ngay trong dự án Luật có những quy định còn chung, chưa rõ, có thể dẫn đến triệt tiêu hiệu quả của nhau, đó là “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (khoản 1 Điều 68) và “thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng” (khoản 1 Điều 72).
"Trên thực tế, việc thực hiện các quy định này dường như là một nghịch lý. Thủ trưởng càng tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng trong nội bộ thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng. Do đó, việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét.
Ngoài ra, dù bổ sung quy định quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng song quy định chung như trong dự luật chưa bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, dẫn tới sự chồng chéo, chức năng, nhiệm vụ giữa Thanh tra Chính phủ với Bộ Công an và Viện KSND tối cao. Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
Để khắc phục được các nhược điểm trong quá trình thực thi luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị, các nội dung của dự án Luật sửa đổi lần này cần bám sát vào những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật cũng như trong Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, kiên quyết khắc phục tính hình thức, khẩu hiệu trong các quy định; bảo đảm các quy định phải toàn diện, cụ thể.
Về phạm vi sửa đổi, nhiều ý kiến đồng ý với Tờ trình của Chính phủ là cần sửa đổi toàn diện, nhưng cũng có ý nhiều kiến đề nghị chỉ tập trung sửa đổi một số điều thật sự bức xúc đang gây khó khăn, vướng mắc cho việc thi hành luật và thể chế hóa kịp thời Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11.
Dự luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại tổ và hội trường trước khi biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.



Chị em họ Đặng – Gián điệp CIA trong Quốc hội Việt Nam?


(Beo's Blog) - Entry này Beo copy từ một trang mạng, tuy nhiên đã cắt gọt chỉ lấy những thông tin có thể kiểm chứng độ chính xác.

Tiếp tục điều tra, Cò phát hiện nhiều chuyện “kinh dị” về nhân thân bà Yến và ông Tâm sờ sờ ngay trước mắt mà không ai nhìn thấy. Đó là:

(1) Bà Yến là Công dân Mỹ chính hiệu con nai vàng từ năm 2007, mà vẫn có thể làm ĐBQH Việt Nam khoẻ re: Rất tình cờ và may mắn, Cò phát hiện một điều vô cùng kỳ lạ: cả trên hộ chiếu phổ thông (bản copy) và hộ chiếu công vụ của bà Yến (đã bị thu hồi) đều không có dán VISA nào của Mỹ! Vậy bà này đi đi về về Mỹ kiểu gì ? Ai ở Mỹ đều biết, chắc bà này phải có Thẻ Cư trú (thẻ Xanh) hoặc là Công dân Mỹ.
(2) Cò phát hiện ông Tâm có 1 VISA vào Mỹ nhiều lần (multi entry) đã hết hạn vào tháng 04/2012 và chưa được cấp mới hay gia hạn thêm. Nhưng vào tháng 7/2012, ông này vừa qua Mỹ? Hay làm VISA lúc nhập cảnh ? Không hề có.

Sự thật là từ năm 2011, ông Tâm đã có thẻ xanh.

Kinh khủng hơn, một sự thật lồ lộ trước mũi cả thể giới mà không ai chịu thấy: Trong hàng triệu tài liệu ngoại giao của Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ, có 9 tài liệu MẬT-CONFIDENTIAL của sứ quán Mỹ tại VN báo cáo Bộ ngoại giao Mỹ (Ví dụ: công điện mã số 09HANOI927-“Preliminary Assessment of Politburo Bad Boy To Huy Rua”, 09HANOI527-“BAUXITE CONTROVERSY PRODUCES LEADERSHIP DIVISIONS”, 09HANOI823-“INSTITUTIONAL RAMIFICATIONS OF THE 2011 PARTY CONGRESS: A”,…), trong đó chỉ rõ ông Đặng Thành Tâm là nguồn cung cấp tin cấp cao cho Mỹ về BCT, ĐCS VN, các tin nhạy cảm về lãnh đạo VN,…. Và ông Tâm được hưởng chế độ bảo vệ từ xa (nguồn tin được bảo vệ) của mật vụ Mỹ. Nếu tìm hiểu kỹ hơn mọi người sẽ thấy, nếu ông Tâm bị bắt, Mỹ có thể tổ chức giải cứu hoặc can thiệp bằng mọi giá.

Để kiểm tra, mọi người chỉ cần hỏi … Google: “Dang Thanh Tam cable us embassy vietnam” sẽ thấy ngay điều cần tìm.

Tóm lại: Sự việc cho thấy Quốc Hội VN cần rà soát lại công tác xác minh Đại biểu, không chừng trong QH người Mỹ, Trung Quốc nhiều hơn người Việt.

Nguồn: 

TT Nguyễn Tấn Dũng: Xứng đáng vị trị “đầu tàu” của Chính phủ


Thực hiện kiểm điểm, tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, ngay tại phiên khai mạc Quốc hội hôm 22/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm, từ đó rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chính phủ, Thủ tướng và từng thành viên sẽ nghiêm túc với mình, đoàn kết, hết lòng làm việc để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc, nhân dân, vì Đảng, chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ mong nhận được sự giám sát của toàn thể Quốc hội, đồng bào cả nước.”

Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Báo cáo của Chính phủ phần nào đáp ứng lòng mong đợi từng ngày từng giờ của cử tri cả nước thời gian qua. Rất nhiều đồng chí lãnh đạo và nhân dân đánh giá cao những kết quả về phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày. Có thể thấy rằng những thành tựu mà chúng ta đã đạt được là do sự nỗ lực hết mình của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó có vai trò lãnh đạo của tập thể BCH TƯ Đảng, Bộ Chính trị và đặc biệt là sự cố gắng rất lớn về điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

Bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay biến động rất phức tạp, thương mại sụt giảm, tăng trưởng toàn cầu thấp có tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta. Bên cạnh đó nước ta còn thường xuyên phải đối phó với thiên tai dịch bệnh, các âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia… Nhưng công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 của Chính phủ đã luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

nguyen tan dung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, thể hiện một tinh thần rất nghiêm túc, xứng đáng vị trí “đầu tàu” của Chính phủ.

Để có được những thành quả đáng mừng kể trên chứng tỏ sự quyết tâm lớn của Chính phủ. Điều đó cho thấy, những khó khăn mà Chính phủ đã trải qua và để có được những kết quả như vậy quả không dễ dàng chút nào. Do đó, việc Thủ tướng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị của người đứng đầu Chính phủ, công khai nhận lỗi trước Quốc dân đồng bào, đã thể hiện một tinh thần rất nghiêm túc, đây là một tín hiệu đáng mừng của Đảng ta, xứng đáng vị trí “đầu tàu” của Chính phủ.

Bạch Dương

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Đoàn kết ủng hộ TT Nguyễn Tấn Dũng kiểu gì cũng thành công


Sáng 22-10-2012 kỳ họp thứ III Quốc hội khóa XIII khai mạc, thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt chính phủ trình bày báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013. Kết thúc phiên khai mạc chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước về nhận định đánh giá của chính phủ trong thời gian qua.

PV – Thưa Đại tướng, đại tướng đánh giá như thế nào về báo cáo của chính phủ do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa trình bày trước Quốc hội?

Đại tướng Nguyễn Quyết: Tôi đánh giá cao báo cáo kết quả của chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày. Có thế nói rằng thành tựu mà chúng ta đã đạt được như vậy là do nỗ lực hết mình của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó có vai trò lãnh đạo của tập thể BCH TƯ Đảng, Bộ Chính trị và đặc biệt là sự cố gắng rất lớn về điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

Đại tướng Nguyễn Quyết
Đại tướng Nguyễn Quyết

Như chúng ta đã biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay biến động rất phức tạp, thương mại sụt giảm tăng, trưởng toàn cầu thấp có tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta, đồng thời ở trong nước phải đối phó với thiên tai dịch bệnh, các âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia…, nhưng Chính phủ vẫn quyết liệt điều hành, kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, kinh tế vĩ mô có những tiến bộ hơn ở số lĩnh vực quan trọng của đất nước... Đây là một thắng lợi vô cùng to lớn cần phải phát huy.

PV – Thưa Đại tướng, việc thủ tướng Chính phủ công khai nhận khuyết điểm trước Đảng, Quốc hội và toàn thể nhân dân về tất cả những yếu kém của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý điều hành trong thời gian qua, Đại tướng nhận xét vấn đề này như thế nào?

Đại tướng Nguyễn Quyết: Trước hết tôi hoan nghênh Ban cán sự Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, với trọng trách là Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị của người đứng đầu Chính phủ, công khai nhận lỗi trước Quốc dân đồng bào, việc đăng đàn của Thủ tướng Chính phủ nói riêng và BCH TƯ, Bộ Chính trị nói chung đã thể hiện một cách rất nghiêm túc. Đây là một điều tốt lành của Đảng ta. Làm như vậy chính là thủ tướng đã nắm rõ tinh thần của Bác Hồ về công tác phê bình và tự phê bình, vừa rồi tất cả các đồng chí trong Trung ương và Bộ chính Trị cũng làm như thế. Đây là cách làm rất hay, làm như vậy là nhằm mục đích để đưa cách mạng tiến lên, nhưng chúng ta phải kiên quyết không bị dao động. Sự nghiệp cách mạng cần có sự đổi mới, cách mạng luôn phải đấu tranh, cũng có lúc thiếu sót nhưng biết sửa chữa theo tinh thần Hồ Chí Minh là phê bình và tự phê bình phải cảnh giác và vững vàng. Trong những lúc khó khăn càng phải giữ nguyên tắc tập thể lãnh đạo và chống tất cả các xu hướng lệch lạc cá nhân.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa rồi cái hay nhất, tốt nhất là Thủ tướng đã thẳng thắn thành thật tự phê bình khuyết điểm, công khai nhận lỗi trước Đảng, Quốc hội và toàn thể nhân dân, đây là tính đẹp nhất của người đứng đầu Chính phủ.

PV – Thưa Đại tướng: Chính phủ phải làm gì để đẩy mạnh hơn nữa cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo?

Đại tướng Nguyễn Quyết: Muốn thực hiện tốt được mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra, trước hết là mỗi cán bộ Đảng viên, mỗi người dân chúng ta cùng nhau đoàn kết ủng hộ chủ trương đúng đắn của Đảng theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI; Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 và kết luận của Hội nghị trung ương 6 khóa XI. Tất cả mọi người phải chung sức, chung lòng cùng với Thủ tướng thì mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có thể nói vai trò của Thủ tướng hiện nay là rất nặng nề, từ việc nhỏ đến việc lớn đều do Chính phủ trực tiếp điều hành. Nếu chúng ta đoàn kết ổn định ủng hộ Thủ tướng thì nhất định việc gì cũng thành công

PV: Xin cảm ơn Đại tướng!

(Theo Cựu chiến binh)

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Thông điệp biển Đông từ TT Nguyễn Tấn Dũng



Hiện quan hệ Việt -Trung vẫn còn tồn tại nhận thức khác biệt về vấn đề trên biển. Hai bên cần bàn bạc, thảo luận, kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hợp tác chung hai nước.

> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Công an Trung Quốc

Đó là quan điểm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra tại buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ hôm qua (23/10).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Không để biển Đông ảnh hưởng quan hệ Việt - Trung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Không để biển Đông ảnh hưởng quan hệ Việt - Trung

Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Mạnh Kiến Trụ bày tỏ: “hai bên cần cùng nhau bàn bạc, thảo luận, đàm phán để tìm ra giải pháp thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tin tưởng vấn đề về Biển Đông sẽ không làm ảnh hưởng đến quan hệ đại cục Việt Nam – Trung Quốc”.

Cũng tại buổi tiếp, lãnh đạo hai nước nhất trí cho rằng, để giải quyết được vấn đề này không hề đơn giản, đòi hỏi thời gian lâu dài nhưng với thiện chí, nỗ lực của cả hai bên, trên tinh thần hữu nghị truyền thống, tôn trọng lẫn nhau, công khai minh bạch, Việt Nam và Trung Quốc nhất định sẽ tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng được lợi ích chính đáng của cả hai nước, hai dân tộc.

Việt Nam luôn ứng xử một cách linh hoạt để duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Việt Nam luôn ứng xử một cách linh hoạt để duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền

Cùng với đặc điểm “núi liền núi”, “sông liền sông”, trong những năm qua, các chuyến thăm và gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc luôn được duy trì, giao lưu và hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Quan hệ Việt -Trung từ lâu được các thế hệ lãnh đạo hai nước dầy công vun đắp, trách nhiệm của hai nước là phải cùng nhau phát huy, gìn giữ và đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, sâu rộng, hiệu quả. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Trung Quốc và sẽ nỗ lực hết mình hết mình để cùng với phía Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực vì lợi ích và sự phát triển chung của cả hai bên”.

Xử lý tranh chấp ở biển Đông một cách khéo léo, không làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt – Trung, quả là không hề đơn giản chút nào. Xong từ xưa ông cha ta đã có cách ứng xử với láng giềng là phải biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong mọi tình huống chúng ta sẽ tìm được hướng giải quyết hợp lý. Yêu cầu đặt ra là làm sao thực hiện được đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta một cách linh hoạt, sáng tạo, làm sao duy trì được quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với tất cả các nước; đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Thông điệp của TT Nguyễn Tấn Dũng làm an lòng dân


Đánh giá thông điệp của Thủ tướng trước Quốc hội “làm an lòng” nhân dân, ĐBQH Dương Trung Quốc mong muốn có hình thức giám sát để đánh giá sự sửa chữa của Chính phủ được thể hiện trong thực tiễn.

Ông Dương Trung Quốc trao đổi với VietNamNet bên hành lang Quốc hội sáng 23/10:

ĐBQH Dương Trung Quốc.
ĐBQH Dương Trung Quốc.

Theo ông, thông điệp của Thủ tướng trong bài phát biểu tại Quốc hội hôm qua có tạo sự kết nối với những điều dân đang chờ đợi như thế nào?

Với việc Thủ tướng nhận trách nhiệm của mình với tư cách cá nhân, một cán bộ cao cấp của Đảng, với tư cách Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ, tôi cho là làm sáng tỏ vấn đề Hội nghị TƯ 6 vừa đưa ra.

Thái độ thành khẩn của Thủ tướng phần nào làm an lòng dân. Tâm lý người dân đã nghe nhiều sự thành khẩn, thừa nhận khuyết điểm ở mức độ khác nhau của các thành viên Chính phủ, giờ đây là người đứng đầu Chính phủ, nên điều mong muốn là có hình thức giám sát để có thể đánh giá sự sửa chữa đó được thể hiện trong thực tiễn.

Báo cáo trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong điều hành, quản lý, với những chỉ tiêu không đạt. Cá nhân ông lưu tâm vấn đề nào đang tạo ra cản trở cho những nỗ lực chung?

Tôi nghĩ cần có sự chia sẻ nhất định. Nền kinh tế của chúng ta đang có những khó khăn vô cùng to lớn, nằm chung trong khó khăn của nền kinh tế thế giới vì đất nước hội nhập nhiều rồi.

Nhưng trong việc đưa ra mục tiêu thay đổi, tôi nghĩ quan trọng là thay đổi ngay cách nhận thức. Một ý kiến mà tôi phát biểu từ rất lâu là “hội chứng GDP” mà chúng ta không bao giờ phân biệt GDP tích cực hay tiêu cực. Bên cạnh tham nhũng, có một cái mà tôi cho là chưa đề cập đúng mức là lãng phí, cực kỳ lãng phí. Lãng phí ngay trong lĩnh vực hoạt động kinh tế quan trọng.

Tạo dựng kênh lắng nghe


Ông từng đề cập đến chỉ số lòng tin của Chính phủ và “năng lực lắng nghe” tại kỳ họp trước của Quốc hội. Liệu điều ông kỳ vọng sẽ đem đến ý nghĩa thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?

Tôi cho lắng nghe là cần thiết. Chúng ta không hoàn toàn lý thuyết hóa câu nói “cách mạng là sự nghiệp của toàn dân”. Sự sáng suốt luôn luôn từ phía người dân. Quan trọng là mình có nắm bắt được không, có tập hợp được không, có phát huy được không, và đó gần như là “thuật” cầm quyền. Vì thế nếu Chính phủ quan tâm, bên cạnh cơ quan tư vấn thì cố gắng có kênh lắng nghe các tổ chức xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, rồi những tổ chức chính trị xã hội.

Tôi nhắc lại, ngày xưa, Bác Hồ bận như vậy nhưng rất quan tâm đọc báo, thể hiện thái độ của mình đối với mỗi bài báo, kiểm tra lại, rồi khen đâu, thưởng đâu rất rõ ràng. Tôi thấy có rất nhiều vấn đề báo chí nêu lên mà không thấy cơ quan của Chính phủ trả lời khiến người dân không biết ai đúng, ai sai. Vì thế bên cạnh những bộ máy nằm trong tổ chức của Chính phủ thì Chính phủ cần hết sức tạo dựng kênh để tiếp cận những ý kiến của người dân và phản hồi cho người dân yên lòng.

Bỏ phiếu tín nhiệm phụ thuộc chất lượng ĐBQH


Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Có thể chờ đợi đề án này sẽ tạo ra tác động như thế nào trong việc đánh giá chỉ số tín nhiệm, lòng tin đối với cán bộ, lãnh đạo?

Việc này thực thi những điều Hiến pháp quy định mà lâu nay chúng ta chưa đưa vào cuộc sống. Nghị quyết này của Quốc hội tôi cho sẽ đáp ứng lòng mong mỏi của người dân nhưng để thực thi, băn khoăn nhất của tôi không phải về phía vấn đề thủ tục mà là chất lượng của chính các đại biểu Quốc hội.

Người đại biểu Quốc hội liệu có thật khách quan, đủ năng lực để có thể đưa ra những quyết định phù hợp lòng dân, nhất là cử tri của mình? Trong khi cách bỏ phiếu kín có thể dẫn đến việc người dân không giám sát được vị đại biểu mình bầu ra có thái độ cụ thể như thế nào.

Ở nhiều nước, một trong những yếu tố người ta quan tâm là bên cạnh việc Quốc hội, các tổ chức dân cử giám sát bộ máy hành pháp thì còn có những điều kiện để cho người dân giám sát được chính đại biểu Quốc hội của mình để họ quyết định có tiếp tục tín nhiệm hay không tín nhiệm ở kỳ sau.

Vì thế, tôi cho rằng hiện nay khó khăn của chúng ta là làm sao để cho mỗi quyết định của đại biểu Quốc hội thể hiện thái độ của mình thì người bầu ra họ biết được đại biểu đó đã hành xử như thế nào. Điều đó hết sức quan trọng. Cũng như việc bỏ phiếu ở các nước, người ta bỏ phiếu xong, trừ những bỏ phiếu kín thì tất cả tính danh của đại biểu Quốc hội, thái độ công khai của họ hiển thị trên màn hình hay các hồ sơ mà người dân có thể tiếp xúc được.

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

ĐBQH hoan nghênh lời xin lỗi của TT Nguyễn Tấn Dũng


Lời xin lỗi của Thủ tướng Chính phủ cùng việc nhận “yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” đã nhận được những phản hồi tích cực từ các đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với báo giới bên hành lang kỳ họp chiều 22/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ thái độ hoan nghênh tinh thần mạnh dạn, cầu thị của Thủ tướng trong phần nhận lỗi điều hành.

Đại biểu Trần Du Lịch trả lời báo giới bên hành lang kỳ họp.
Đại biểu Trần Du Lịch trả lời báo giới bên hành lang kỳ họp.

Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng):”“Lần đầu tiên trong lịch sử có điều này”. Tuy nhiên, đại biểu Kiên cho rằng, lời hứa của Thủ tướng trước Quốc hội, đồng bào có thành hiện thực hay không phụ thuộc rất nhiều vào cả bộ máy Chính phủ.
“Một mình Thủ tướng không thể làm được mà toàn bộ hệ thống phải vào cuộc. Và đại biểu Quốc hội với tư cách là đại diện hợp pháp của người dân, đại diện mong muốn của người dân thì ngay trong kỳ họp thứ 4 này phải nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân và nói lên biện pháp để thực hiện điều ấy. Qua đó, Chính phủ phải có trách nhiệm tiếp thu nguyện vọng của người dân để có những chính sách phù hợp”.
Còn theo đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM): Tôi rất hoan nghênh việc Thủ tướng nhận trách nhiệm. Thủ tướng phát biểu sáng nay là thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng vể nhận trách nhiệm và xử lý. Cũng như tại hội nghị Trung ương vừa rồi, Bộ Chính trị nhận những khuyết điểm”.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đánh giá: “Trong báo cáo về kinh tế xã hội, Thủ tướng có nhận những khuyết điểm về chỉ đạo điều hành, tôi nghĩ đây cũng đã thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo là điều hành. Tuy nhiên, theo tôi, phía sau lời nhận lỗi là biện pháp sắp tới mới khắc phục như thế nào lời nhận lỗi đó có giá trị chứ không phải chỉ hứa là xong”.
Cũng theo đại biểu Khá, “giờ đây không chỉ Quốc hội mà kể cả các cử tri trên cơ sở lời hứa đó sẽ theo dõi sát những động thái, chỉ đạo, những chuyển biến và đặc biệt là những biện pháp khắc phục của Chính phủ”.
Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Thanh Hóa) đánh giá sự mạnh dạn khi Thủ tướng nhận lỗi trong phiên khai mạc Quốc hội và cho rằng “các đại biểu Quốc hội ghi nhận việc Thủ tướng tự nhận thấy khuyết điểm của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi hoan nghênh động tác mạnh dạn, cầu thị. Tôi cho rằng Thủ tướng sẽ có chương trình hành động và có hệ thống các giải pháp đi kèm”.
Theo gợi ý của vị đại biểu này, Chính phủ cần phải có hướng đi cụ thể hơn trong việc tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cũng như phải kiểm điểm, chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan…
Còn nhớ, trong phần trình bày báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: “Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc vì nhân dân, vì Đảng vì chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Dự báo khả năng thực hiện kế hoạch năm 2012, Chính phủ cho rằng, với những diễn biến về kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua và triển vọng sắp tới, có thể thấy áp lực là rất lớn để có thể đạt được những mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra trong năm 2012.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2012 có thể sẽ cao hơn so với đầu năm do giá thế giới và giá một số đầu vào, giá dịch vụ,… tăng lên và những hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2012 dự báo sẽ được kiềm chế ở mức khoảng 8%.
Với xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV đạt cao hơn 3 quý đầu năm và cả năm ước tăng khoảng 5,2% (kế hoạch là 6-6,5%), trong đó: giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5%; khu vực dịch vụ tăng 6,3%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù không đạt kế hoạch đề ra, nhưng xét về động thái đang có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển ổn định trong các năm sau.

Nguyễn Hiền,Việt Hưng (Theo Dantri)