Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Thông điệp biển Đông từ TT Nguyễn Tấn Dũng



Hiện quan hệ Việt -Trung vẫn còn tồn tại nhận thức khác biệt về vấn đề trên biển. Hai bên cần bàn bạc, thảo luận, kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hợp tác chung hai nước.

> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Công an Trung Quốc

Đó là quan điểm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra tại buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ hôm qua (23/10).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Không để biển Đông ảnh hưởng quan hệ Việt - Trung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Không để biển Đông ảnh hưởng quan hệ Việt - Trung

Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Mạnh Kiến Trụ bày tỏ: “hai bên cần cùng nhau bàn bạc, thảo luận, đàm phán để tìm ra giải pháp thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tin tưởng vấn đề về Biển Đông sẽ không làm ảnh hưởng đến quan hệ đại cục Việt Nam – Trung Quốc”.

Cũng tại buổi tiếp, lãnh đạo hai nước nhất trí cho rằng, để giải quyết được vấn đề này không hề đơn giản, đòi hỏi thời gian lâu dài nhưng với thiện chí, nỗ lực của cả hai bên, trên tinh thần hữu nghị truyền thống, tôn trọng lẫn nhau, công khai minh bạch, Việt Nam và Trung Quốc nhất định sẽ tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng được lợi ích chính đáng của cả hai nước, hai dân tộc.

Việt Nam luôn ứng xử một cách linh hoạt để duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Việt Nam luôn ứng xử một cách linh hoạt để duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền

Cùng với đặc điểm “núi liền núi”, “sông liền sông”, trong những năm qua, các chuyến thăm và gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc luôn được duy trì, giao lưu và hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Quan hệ Việt -Trung từ lâu được các thế hệ lãnh đạo hai nước dầy công vun đắp, trách nhiệm của hai nước là phải cùng nhau phát huy, gìn giữ và đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, sâu rộng, hiệu quả. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Trung Quốc và sẽ nỗ lực hết mình hết mình để cùng với phía Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực vì lợi ích và sự phát triển chung của cả hai bên”.

Xử lý tranh chấp ở biển Đông một cách khéo léo, không làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt – Trung, quả là không hề đơn giản chút nào. Xong từ xưa ông cha ta đã có cách ứng xử với láng giềng là phải biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong mọi tình huống chúng ta sẽ tìm được hướng giải quyết hợp lý. Yêu cầu đặt ra là làm sao thực hiện được đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta một cách linh hoạt, sáng tạo, làm sao duy trì được quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với tất cả các nước; đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Thông điệp của TT Nguyễn Tấn Dũng làm an lòng dân


Đánh giá thông điệp của Thủ tướng trước Quốc hội “làm an lòng” nhân dân, ĐBQH Dương Trung Quốc mong muốn có hình thức giám sát để đánh giá sự sửa chữa của Chính phủ được thể hiện trong thực tiễn.

Ông Dương Trung Quốc trao đổi với VietNamNet bên hành lang Quốc hội sáng 23/10:

ĐBQH Dương Trung Quốc.
ĐBQH Dương Trung Quốc.

Theo ông, thông điệp của Thủ tướng trong bài phát biểu tại Quốc hội hôm qua có tạo sự kết nối với những điều dân đang chờ đợi như thế nào?

Với việc Thủ tướng nhận trách nhiệm của mình với tư cách cá nhân, một cán bộ cao cấp của Đảng, với tư cách Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ, tôi cho là làm sáng tỏ vấn đề Hội nghị TƯ 6 vừa đưa ra.

Thái độ thành khẩn của Thủ tướng phần nào làm an lòng dân. Tâm lý người dân đã nghe nhiều sự thành khẩn, thừa nhận khuyết điểm ở mức độ khác nhau của các thành viên Chính phủ, giờ đây là người đứng đầu Chính phủ, nên điều mong muốn là có hình thức giám sát để có thể đánh giá sự sửa chữa đó được thể hiện trong thực tiễn.

Báo cáo trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong điều hành, quản lý, với những chỉ tiêu không đạt. Cá nhân ông lưu tâm vấn đề nào đang tạo ra cản trở cho những nỗ lực chung?

Tôi nghĩ cần có sự chia sẻ nhất định. Nền kinh tế của chúng ta đang có những khó khăn vô cùng to lớn, nằm chung trong khó khăn của nền kinh tế thế giới vì đất nước hội nhập nhiều rồi.

Nhưng trong việc đưa ra mục tiêu thay đổi, tôi nghĩ quan trọng là thay đổi ngay cách nhận thức. Một ý kiến mà tôi phát biểu từ rất lâu là “hội chứng GDP” mà chúng ta không bao giờ phân biệt GDP tích cực hay tiêu cực. Bên cạnh tham nhũng, có một cái mà tôi cho là chưa đề cập đúng mức là lãng phí, cực kỳ lãng phí. Lãng phí ngay trong lĩnh vực hoạt động kinh tế quan trọng.

Tạo dựng kênh lắng nghe


Ông từng đề cập đến chỉ số lòng tin của Chính phủ và “năng lực lắng nghe” tại kỳ họp trước của Quốc hội. Liệu điều ông kỳ vọng sẽ đem đến ý nghĩa thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?

Tôi cho lắng nghe là cần thiết. Chúng ta không hoàn toàn lý thuyết hóa câu nói “cách mạng là sự nghiệp của toàn dân”. Sự sáng suốt luôn luôn từ phía người dân. Quan trọng là mình có nắm bắt được không, có tập hợp được không, có phát huy được không, và đó gần như là “thuật” cầm quyền. Vì thế nếu Chính phủ quan tâm, bên cạnh cơ quan tư vấn thì cố gắng có kênh lắng nghe các tổ chức xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, rồi những tổ chức chính trị xã hội.

Tôi nhắc lại, ngày xưa, Bác Hồ bận như vậy nhưng rất quan tâm đọc báo, thể hiện thái độ của mình đối với mỗi bài báo, kiểm tra lại, rồi khen đâu, thưởng đâu rất rõ ràng. Tôi thấy có rất nhiều vấn đề báo chí nêu lên mà không thấy cơ quan của Chính phủ trả lời khiến người dân không biết ai đúng, ai sai. Vì thế bên cạnh những bộ máy nằm trong tổ chức của Chính phủ thì Chính phủ cần hết sức tạo dựng kênh để tiếp cận những ý kiến của người dân và phản hồi cho người dân yên lòng.

Bỏ phiếu tín nhiệm phụ thuộc chất lượng ĐBQH


Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Có thể chờ đợi đề án này sẽ tạo ra tác động như thế nào trong việc đánh giá chỉ số tín nhiệm, lòng tin đối với cán bộ, lãnh đạo?

Việc này thực thi những điều Hiến pháp quy định mà lâu nay chúng ta chưa đưa vào cuộc sống. Nghị quyết này của Quốc hội tôi cho sẽ đáp ứng lòng mong mỏi của người dân nhưng để thực thi, băn khoăn nhất của tôi không phải về phía vấn đề thủ tục mà là chất lượng của chính các đại biểu Quốc hội.

Người đại biểu Quốc hội liệu có thật khách quan, đủ năng lực để có thể đưa ra những quyết định phù hợp lòng dân, nhất là cử tri của mình? Trong khi cách bỏ phiếu kín có thể dẫn đến việc người dân không giám sát được vị đại biểu mình bầu ra có thái độ cụ thể như thế nào.

Ở nhiều nước, một trong những yếu tố người ta quan tâm là bên cạnh việc Quốc hội, các tổ chức dân cử giám sát bộ máy hành pháp thì còn có những điều kiện để cho người dân giám sát được chính đại biểu Quốc hội của mình để họ quyết định có tiếp tục tín nhiệm hay không tín nhiệm ở kỳ sau.

Vì thế, tôi cho rằng hiện nay khó khăn của chúng ta là làm sao để cho mỗi quyết định của đại biểu Quốc hội thể hiện thái độ của mình thì người bầu ra họ biết được đại biểu đó đã hành xử như thế nào. Điều đó hết sức quan trọng. Cũng như việc bỏ phiếu ở các nước, người ta bỏ phiếu xong, trừ những bỏ phiếu kín thì tất cả tính danh của đại biểu Quốc hội, thái độ công khai của họ hiển thị trên màn hình hay các hồ sơ mà người dân có thể tiếp xúc được.

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

ĐBQH hoan nghênh lời xin lỗi của TT Nguyễn Tấn Dũng


Lời xin lỗi của Thủ tướng Chính phủ cùng việc nhận “yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” đã nhận được những phản hồi tích cực từ các đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với báo giới bên hành lang kỳ họp chiều 22/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ thái độ hoan nghênh tinh thần mạnh dạn, cầu thị của Thủ tướng trong phần nhận lỗi điều hành.

Đại biểu Trần Du Lịch trả lời báo giới bên hành lang kỳ họp.
Đại biểu Trần Du Lịch trả lời báo giới bên hành lang kỳ họp.

Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng):”“Lần đầu tiên trong lịch sử có điều này”. Tuy nhiên, đại biểu Kiên cho rằng, lời hứa của Thủ tướng trước Quốc hội, đồng bào có thành hiện thực hay không phụ thuộc rất nhiều vào cả bộ máy Chính phủ.
“Một mình Thủ tướng không thể làm được mà toàn bộ hệ thống phải vào cuộc. Và đại biểu Quốc hội với tư cách là đại diện hợp pháp của người dân, đại diện mong muốn của người dân thì ngay trong kỳ họp thứ 4 này phải nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân và nói lên biện pháp để thực hiện điều ấy. Qua đó, Chính phủ phải có trách nhiệm tiếp thu nguyện vọng của người dân để có những chính sách phù hợp”.
Còn theo đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM): Tôi rất hoan nghênh việc Thủ tướng nhận trách nhiệm. Thủ tướng phát biểu sáng nay là thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng vể nhận trách nhiệm và xử lý. Cũng như tại hội nghị Trung ương vừa rồi, Bộ Chính trị nhận những khuyết điểm”.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đánh giá: “Trong báo cáo về kinh tế xã hội, Thủ tướng có nhận những khuyết điểm về chỉ đạo điều hành, tôi nghĩ đây cũng đã thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo là điều hành. Tuy nhiên, theo tôi, phía sau lời nhận lỗi là biện pháp sắp tới mới khắc phục như thế nào lời nhận lỗi đó có giá trị chứ không phải chỉ hứa là xong”.
Cũng theo đại biểu Khá, “giờ đây không chỉ Quốc hội mà kể cả các cử tri trên cơ sở lời hứa đó sẽ theo dõi sát những động thái, chỉ đạo, những chuyển biến và đặc biệt là những biện pháp khắc phục của Chính phủ”.
Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Thanh Hóa) đánh giá sự mạnh dạn khi Thủ tướng nhận lỗi trong phiên khai mạc Quốc hội và cho rằng “các đại biểu Quốc hội ghi nhận việc Thủ tướng tự nhận thấy khuyết điểm của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi hoan nghênh động tác mạnh dạn, cầu thị. Tôi cho rằng Thủ tướng sẽ có chương trình hành động và có hệ thống các giải pháp đi kèm”.
Theo gợi ý của vị đại biểu này, Chính phủ cần phải có hướng đi cụ thể hơn trong việc tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cũng như phải kiểm điểm, chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan…
Còn nhớ, trong phần trình bày báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: “Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc vì nhân dân, vì Đảng vì chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Dự báo khả năng thực hiện kế hoạch năm 2012, Chính phủ cho rằng, với những diễn biến về kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua và triển vọng sắp tới, có thể thấy áp lực là rất lớn để có thể đạt được những mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra trong năm 2012.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2012 có thể sẽ cao hơn so với đầu năm do giá thế giới và giá một số đầu vào, giá dịch vụ,… tăng lên và những hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2012 dự báo sẽ được kiềm chế ở mức khoảng 8%.
Với xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV đạt cao hơn 3 quý đầu năm và cả năm ước tăng khoảng 5,2% (kế hoạch là 6-6,5%), trong đó: giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5%; khu vực dịch vụ tăng 6,3%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù không đạt kế hoạch đề ra, nhưng xét về động thái đang có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển ổn định trong các năm sau.

Nguyễn Hiền,Việt Hưng (Theo Dantri)

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng công khai xin lỗi trước toàn dân


Trong báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội trình bày trước Quốc hội sáng 22/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm và xin lỗi về những khuyết điểm, yếu kém của Chính phủ.

Đại diện Chính phủ trình bày báo cáo trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành phần lớn thời gian để phân tích tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, dự báo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và kế hoạch 2013. Báo cáo cũng dành gần một trang để thông báo kết quả thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI trong nội bộ Chính phủ.

Theo đó, Tập thể Ban cán sự Đảng các bộ và từng thành viên Chính phủ đã “thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra bài học thấm thía, sâu sắc nhất” trong thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như trong toàn bộ quá trình công tác.

Thủ tướng nghiêm túc nhận trách nhiệm và thành thật nhận lỗi trước nhân dân.
Thủ tướng nghiêm túc nhận trách nhiệm và thành thật nhận lỗi trước nhân dân.

“Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành”, Thủ tướng nói.

Trong số những khuyết điểm, yếu kém nêu trên, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tới những vấn đề trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, điển hình là Vinashin, Vinalines, dẫn đến các đơn vị này sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt.

Thủ tướng cũng cho biết, bản thân cũng như từng thành viên Chính phủ sẽ “nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất” để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội

Trước đó, trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Chính phủ cũng như diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các cơ quan chức năng đều thừa nhận nền kinh tế, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nguy cơ trì trệ kinh tế hiển hiện, lạm phát tuy có giảm nhưng chưa vững chắc, việc quản lý giá nhiều mặt hàng còn nhiều bất cập.

Trong số 15 mục tiêu được Quốc hội phê duyệt để Chính phủ điều hành trong năm 2012, theo dự kiến, có 5 hạng mục quan trọng khó hoàn thành: tăng trưởng kinh tế (ước chỉ đạt 5,2% so với kế hoạch 6 – 6,5%), tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (chỉ đạt 29,5% GDP), tạo việc làm (đạt hơn 1,5 triệu lao động, so với kế hoạch 1,6 triệu), giảm nghèo (1,7% so với mục tiêu 2%) và tỷ lệ che phủ rừng.

Những con số này, cùng các tham chiếu khác như số lượng doanh nghiệp giải thể (ước hơn 40.000 sau 9 tháng), sức mua yếu, tồn kho nhiều (khu vực chế biến – chế tạo vẫn tồn trên 20%), sức khỏe ngân hàng chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện, tăng trưởng tín dụng thấp… cũng cho thấy nền kinh tế đang tiếp tục trải qua một giai đoạn khó khăn, và dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2013.

Nhật Minh (Theo VNE)

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Phút trải lòng của CTN Trương Tấn Sang


(Blog Tập viết báo) - TVB đọc bài này xong thì có nhiều ngẫm nghĩ lắm muốn làm chén trà cùng độc giả. Là một con người bình thường khi mất đi trên đời này cái mà người ta mong muốn vẫn là để lại cái gì đó tốt đẹp, có thể không to lớn với thế giới nhưng chí ít cũng mong có tiếng thơm với bà con xóm giềng. Lớn hơn nữa là những người có địa vị trong xã hội, địa vị càng cao thì càng mong muốn mình được tôn trọng, để nhiều người thấy mình luôn trong trạng thái, vị thế tốt đẹp.
Nói xà quần nhiều như vậy đại ý của TVB là để độc giả hiểu rõ làm đến chức vị Chủ tịch nước, Thủ tướng,... thì cái họ mong muốn không phải khi thoái vị, khi mất đi lại để tiếng xấu cho ngàn đời sau với dân tộc Việt. Họ làm gì không thể nào tránh khỏi "180 triệu con mắt" như Chủ tịch nước đã nói, vì một hai căn nhà, vì vài triệu đô la để rồi trăm triệu dân Việt sau này phải chữi rủa, đó là chưa nói tiếng xấu mà con cháu họ phải mang trên mình. Thiết nghĩ đó không phải là những điều mà ở vị trí như Họ là không thấy và nghĩ đến được. Thôi lan man thế đủ rồi, độc giả điểm tin nhé, chén trà cũng đã cạn rồi....
"Nhà tôi nhỏ thôi, 51 mét vuông, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tâm sự với cử tri quận 4, TP.HCM.
Ngày 18/10, ngày thứ hai tiếp xúc với cử tri TP.HCM trước kỳ họp QH, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục chia sẻ những bức xúc trong chống tham nhũng.

Hèn nhát thì xin nghỉ

Một lần nữa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, mặc dù Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tình hình còn nhiều phức tạp, mức độ tham nhũng đang gia tăng hết sức nghiêm trọng.
“Tôi đề nghị cô bác, anh chị nào phát hiện thì chỉ cho chúng tôi những vụ tham nhũng lớn, những cán bộ nào to liên quan đến cấp Trung ương tham nhũng… Những vụ tham nhũng đã xử rồi mà thấy chưa thỏa đáng thì cũng nên bày tỏ chính kiến”, Chủ tịch nước nói.
Để nhấn mạnh đến chống tham nhũng, Chủ tịch nước đã nói về mình. “Các đồng chí bầu tôi, tôi biết phải làm gì. Khi thấy mình nhu nhược thì tôi sẽ làm đơn xin nghỉ. Thậm chí khi về quê, tôi sẽ trả lại nhà cho Đảng. Nhà tôi nhỏ thôi, 51 mét vuông, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Chủ tịch nước cũng nhận khuyết điểm khi không bảo vệ được những người bị trù úm khi tố cáo tham nhũng. “Đúng là trong thực tế có những người đấu tranh chống tham nhũng bị trù dập, nhiều khi gia đình tan tác. Chúng tôi có lỗi lớn là không bảo vệ nổi những con người đó. Một số cán bộ nói với tôi rằng, nếu tôi đấu tranh thì chúng tôi có tồn tại được không? Tôi đã trả lời họ, nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc”, Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri quận 4, TP.HCM. Ảnh: Tá Lâm/Vnn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri quận 4, TP.HCM. Ảnh: Tá Lâm/Vnn.
Cử tri Dương Xuân Biểu, phường 6, nhắc lại ý kiến của một cử tri xung quanh trách nhiệm của những người đứng đầu về nhiều vụ việc gây bức xúc vẫn chưa được làm đến đến chốn. Không chỉ có những “Vinashin”, “Vinalines” tai tiếng, mà ngay đến những “tác giả” của hành động phá nhà dân tại vụ cưỡng chế Tiên Lãng (Hải Phòng) cũng chưa thấy bị xử lý.
Cử tri Phạm Nhật Toàn đặt câu hỏi: “Các vụ tham nhũng tiêu cực lớn thời gian qua chỉ thấy xử lý người đứng đầu các đơn vị sai phạm, còn trách nhiệm của Đảng, Chính phủ đến đâu thì không thấy nói?”.
“Chúng tôi hiểu là chưa quy trách nhiệm hành chính cơ quan quản lý nhà nước thì hình như toàn Đảng toàn dân không hài lòng” - Chủ tịch nước bày tỏ. “Vụ việc này Bộ Chính trị đã nghe hai phiên rồi, không xong. Sẽ còn mấy phiên nữa, làm rất rõ vấn đề này” - Chủ tịch nước khẳng định.
Nói tới vấn đề “văn hóa từ nhiệm” mà các cử tri đề cập, Chủ tịch nước cho rằng, thời gian tới, Quốc hội sẽ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Mỗi vị trí lãnh đạo, kể cả chức danh Chủ tịch nước đều phải rất thẳng thắn, cùng xem xét mức độ tín nhiệm trước dân như thế nào? “Nếu tín nhiệm thấp, tôi sẵn sàng từ chức”. Chủ tịch nước bày tỏ.
“Tính tôi nói rất là thẳng, chứ khiêm tốn cái kiểu mà về nhà ấm ức là không được. Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui”, ông nói tiếp.

Không giấu diếm 'đồng chí X.'

Trước băn khoăn của cử tri Dương Xuân Biểu về việc chưa nêu rõ danh tính của một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị trong thông báo nội dung kiểm điểm hội nghị Trung ương 6, Chủ tịch nước đề nghị, những gì người dân chưa rõ, xin mời phản ánh đến Bộ Chính trị. Về danh tính của cá nhân đồng chí trong Bộ Chính trị, tới đây cũng được chuyển đến cử tri để biết rõ, không giấu diếm.

Vừa nhu vừa cương trong vấn đề biển đông

Về các nội dung liên quan đến đường lối đối ngoại, bảo vệ chủ quyền của đất nước, Chủ tịch nước cho rằng những nội dung này không mới, đã từng được giải đáp trong những lần tiếp xúc trước đây, nhưng một khi nêu ra, Chủ tịch nước vẫn đáp ứng. Chủ tịch nước nhấn mạnh, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm và quan điểm Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tiến hành thường xuyên, kết hợp cả đối nội đối ngoại.
“Công cuộc phát triển kinh tế ở biển Đông được tiến hành như thế nào, mọi người đều rõ. Luật Biển đã được Quốc hội thông qua như thế nào, cử tri đều biết. Khi hệ thống pháp luật xác lập chủ quyền biển đã xây dựng, thì có phải “nhu nhược” hay không? Chủ tịch nước nhấn mạnh, “trị quốc” phải bình tĩnh, tâm nóng nhưng đầu phải lạnh. Quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực tiếp tục tăng cường, những gì gây phương hại thì sẽ cùng trao đổi,” Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước dẫn chứng: “Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 9 lô dầu khí, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam thì cơ quan trung ương phản đối rất nhiều lần. Lãnh đạo cấp cao gặp nhau nói thẳng ra rồi. Và chúng ta vẫn tiến hành thăm dò bình thường”. Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam sẽ không dừng lại công cuộc phát triển kinh tế trên biển Đông. Không chỉ dầu khí mà thủy sản, du lịch cũng mời gọi hợp tác quốc tế, dù có những lúc khó khăn nhưng vẫn tiến hành theo mục tiêu.

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Blog Quan Làm Báo bị hack, không phải chơi chiêu?


Tối ngày thứ Ba, 9 tháng 10, cư dân mạng xôn xao với thông tin blog Quan Làm Báo (QLB) bị hack khoảng 12 tiếng. Bị chuyển hướng đến trang quanlambao.info với nội dung nói về Bà Đặng Thị Hoàng Yến, người được cho là chủ Blog này (Tiêu đề của bài: YÊU CẦU BÀ ĐẶNG THỊ HOÀNG YẾN DỪNG NGAY CÁC HÀNH VI BÔI NHỌ, BỊA ĐẶT, VU KHỐNG NHẰM ĐẨY ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM VÀO NGUY CƠ NỘI CHIẾN MỘT LẦN NỮA). Không những vậy, Facebook Quan Làm Báo cũng bị hacker chiếm.

Với lượng truy cập khá cao (~2000 online cùng thời điểm), việc QLB bị hack đã được loan tải đi rất nhanh đến cộng đồng mạng, tuy nhiên không phải ai cũng tin QLB bị hack, mà nghĩ rằng QLB đang chơi chiêu để tự “đánh bóng” mình bằng chiêu bài cơ bản. Vì lẽ đó, hôm nay chúng tôi mang đến cho quý vị một số chứng cứ mà chúng tôi thu thập được trong thời gian vừa qua, chứng tỏ QLB bị hack thật, chứ ko phải chơi chiêu. Và đường dây của QLB có thể sẽ sớm bị tin tặc phanh phui sau khi quanlambao.vn@gmail.com bị chiếm.

Rõ ràng:

- Sau khi khôi phục lại QLB, quản trị của Blog đã tháo xuống bài viết mà hacker để lại, tuy nhiên cached Google vẫn còn (địa chỉ: http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:KX9EcyndGUMJ:quanlambao.blogspot.com/2012/10/ang-thi-hoang-yen.html+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=us&client=firefox-a)
Hình chụp từ cache Google.
Hình chụp từ cache Google.
- QLB thông báo mất địa chỉ email liên hệ quanlambao.vn@gmail.com
Thông báo của trang QLB.
Thông báo của trang QLB.
- QLB bị hacker nhúng mã khai thác từ địa chỉ www.weekstats.com và chuyển hướng truy cập sang trangwww.quanlambao.info

QLB bị hack như thế nào?

Blog QLB đang vận hành là một dịch vụ miễn phí do Google cung cấp, vì thế để tấn công vào các server mà Google đang quản trị là chuyện không hề đơn giản, tuy nhiên nếu đã khai thác được các server của Google thì không chỉ có QLB bị tấn công mà có thể sẽ có hàng loạt trang Blogspot khác cũng rơi vào tình trạng “mất nhà”.

Sau khi tham khảo một số ý kiến từ các chuyên viên làm về An ninh mạng, có thể khẳng định QLB bị hack trong các trường hợp sau:

TH1: Đồng quản trị blog QLB bị tấn công.

Để đạt được số lượt truy cập cao như QLB đồng nghĩa với việc lượng bài viết đăng tải trên QLB phải thuộc loại “khủng”, nhanh,…đăng bài trong mọi lúc, mọi nơi thì việc QLB có từ 2 quản trị trở lên là bình thường.

TH2: Chủ quản “tối cao” blog QLB bị tấn công.

Đây là “thứ” mà hacker mong muốn nhất, vì chiếm được quản trị tối cao blog QLB thì họ sẽ làm được rất nhiều thứ, tất nhiên địa chỉ email quản trị này QLB sẽ bảo mật cẩn thận trong mọi tình huống nhưng không có chuyện gì là không thể xảy ra, như mọi người vẫn hay đùa trêu “hacker là những người tài năng có hạn mà thủ đoạn thì vô biên”.

Cách thức hacker tấn công QLB.

Giờ chúng ta cùng xem xét đến một vài thông tin của 2 tên miền mà hacker đã sử dụng (weekstats.com và quanlambao.info).
Tên miền weekstats.com được đăng ký sau khi QLB ra đời khoảng 3 tháng và mọi thông tin về chủ sở hữu đã được giấu kín (whois-proof)
Tên miền quanlambao.info được đăng ký được đăng ký vào giữa tháng 09/2012, mọi thông tin về chủ sở hữu đều là giả tạo. Tên miền này hiện nay đã bị nhà cung cấp 101domain thu hồi về (có lẽ do bà Yến đã khiếu nại).

Như đã trình bày ở trên, QLB bị hacker nhúng mã khai thác từ địa chỉ weekstats.com, với những ai đã từng quản trị Blogspot đều biết rằng để nhúng mã Javascript vào Blogspot chỉ có khả năng duy nhất phải là người có quyền quản trị tối cao và hacker đã có quyền này sau khi chiếm được tài khoản email quản trị blog QLB, hacker đã nhúng mã khai thác vào themes (giao diện) của blog chứ không nhúng vào widget.

Tại sao hacker không nhúng mã khai thác trực tiếp vào themes mà phải nhúng mã vào tên miền weekstats.com? Tại sao lại dùng tên miền weekstats.com mà không dùng tên miền khác?

Có thể nói rằng hacker đã theo dõi và chiếm được quyền quản trị blog QLB từ khá lâu, có thể trùng với khoảng thời gian mà 2 domain này được đăng ký. Việc không nhúng mã khai thác trực tiếp vào themes cho thấy hacker đã có tính toán rất kỹ, vì có thể một ngày nào đó chủ nhân của blog QLB phát hiện và thay đổi thông tin tài khoản đi thì hacker sẽ rất khó để vào lại, đồng thời hacker đã rất khôn khéo chọn đúng thời điểm lúc mà bà Đặng Thị Hoàng Yến công bố với BBC “Tôi không phải 'Quan làm báo'”, có lẽ vì lý do sau:
Hình chụp từ bài viết trên QLB khi bị hack
Hình chụp từ bài viết trên QLB khi bị hack
Quan Làm Báo bị hack là thật.

Với trang cung cấp thông tin đầy “nguy hiểm” như QLB, việc sử dụng tài khoản email chính (email tối cao để quản trị QLB) là điều không thể xảy ra, không ai lại “ngu” đến thế bao giờ, vì thế email quanlambao.vn@gmail.com dùng để liên lạc với bên ngoài chỉ là email phụ (vì là email phụ việc bảo mật cho email có thể không được tốt, cụ thể cho đến giờ email vẫn chưa lấy lại được), email chính dùng để quản lý QLB đã được chủ blog QLB “chiếm lại” sau 12 tiếng “vật vã” với Google.

Theo cách thông thường khi xâm chiếm một trang thông tin nào đó, hacker thường deface (xóa hết dữ liệu) và để lại thông báo, tuy nhiên với “nhóm người từ Hoa Kỳ” họ đã rất khôn khéo, tinh tế trong việc này, họ không xóa hết các bài viết của QLB vì nếu làm vậy khác nào “họ tự hại họ”, khi đó chủ blog QLB có đầy đủ chứng cớ để trình báo với Google về việc QLB bị hack.

Liệu đường dây của QLB có bị phanh phui?

Việc mất email quanlambao.vn@gmail.com là một tổn thất to lớn đối với QLB, lượng Cộng tác viên sẽ ra sao khi mọi thông tin về họ đã bị phơi bày trước mặt hacker. Với những thông tin quý giá từ email mang lại như: danh bạ email, địa chỉ IP dùng để gửi email, các địa chỉ IP đã từng truy cập vào tài khoản email,…sẽ như thế nào nếu các thông tin này lọt vào tay An ninh mạng của Việt Nam, có lẽ hậu quả sẽ không đoán trước được.

Bình loạn:
Việc QLB hoạt động trở lại có 2 khả năng:

1/ Bị hack, nhưng chủ nhân phục hồi được email quản trị, và tiếp tục hoạt động điên cuồng.

2/ Bị hack, nhưng chủ nhân không phục hồi được. Tin tặc đã “dụ” bạn đọc liên lạc qua địa chỉ email mới làvualambao@gmail.com để dễ bề thu thập thông tin về đường dây cung cấp thông tin cho Blog này, và QLB bây giờ là giả do tin tặc điều hành. Bài cũ, chủ mới sẽ không xóa, nhưng sẽ lần lượt cho đăng những bài viết có vẻ điên khùng dần dần khác đi hòng lái dư luận và quần chúng nào ngây thơ, thiếu hiểu biết, dễ tin,…chuyển sang một mục đích khác nào đó của tin tặc.

Quan Làm Báo là ai, dựng lên mục đích gì, mọi người đã rõ.

Nguồn: Quỷ Làm Báo - http://quylambao.blogspot.com/2012/10/blog-quan-lam-bao-bi-hack-khong-phai.html

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Học viện CSND


Sáng 16/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và khai giảng năm học 2012-2013 của Học viện Cảnh sát nhân dân.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quốc tế dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và khai giảng năm học 2012-2013 của Học viện Cảnh sát nhân dân
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quốc tế dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và khai giảng năm học 2012-2013 của Học viện Cảnh sát nhân dân

Cơ sở đào tạo nhân lực hàng đầu của Công an nhân dân

Trải qua gần 45 năm xây dựng và trưởng thành, từ một trường đào tạo hạ sĩ quan và bổ túc sĩ quan nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân khi mới thành lập, với 5 khoa, 3 phòng và 43 cán bộ, giáo viên, đến nay, Học viện Cảnh sát nhân dân đã lớn mạnh về mọi mặt.

Học viện hiện có gần 1.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trong đó có nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; tổ chức bộ máy của Học viện không ngừng được củng cố và hoàn thiện để đảm nhận tất cả các khâu công việc quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tính đến nay, Học viện đã đào tạo được gần 4 vạn sỹ quan, hầu hết là trình độ đại học, sau đại học.

Học viện là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trong các trường Công an nhân dân công bố chuẩn đầu ra cho sinh viên các hệ đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo; nghiên cứu khoa học; đào tạo giảng viên, phát triển lý luận nghiệp vụ ngành và chuyên ngành. Cơ sở vật chất kỹ thuật, môi trường cảnh quan ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đào tạo; hợp tác quốc tế được quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt, đã có nhiều đóng góp giúp nước bạn Lào, Campuchia trong việc xây dựng và phát triển các cơ sở đào tạo cấp quốc gia về an ninh và cảnh sát.

Ghi nhận thành tựu của tập thể cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Cảnh sát nhân dân, Đảng và Nhà nước trao tặng Học viện danh hiệu cao quý: “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”.

nguyen tan dung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Học viện Cảnh sát nhân dân cần tiếp tục xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học đó là, xây dựng, phát triển Học viện trở thành một trường đại học trọng điểm của ngành và của quốc gia.

Xây dựng Học viện trở thành một trường đại học trọng điểm của ngành, của quốc gia

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng những thành tích xuất sắc mà các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên Học viện Cảnh sát nhân dân đạt được trong 45 năm qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội là điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân đã làm tốt vai trò tham mưu, vai trò nòng cốt và là chỗ dựa tin cậy của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, chống diễn biến hòa bình, chống các loại tội phạm, góp phần quan trọng tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình an ninh, trật tự vẫn còn diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đang ráo riết lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền thông tin bịa đặt, xuyên tạc để tập hợp lực lượng tấn công vào nội bộ ta, kích động, chia rẽ, gây rối, gây bạo loạn làm mất ổn định chính trị xã hội. Tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm có tính chất quốc tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm chống người thi hành công vụ… có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi; tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng vẫn là vấn đề bức xúc đối với xã hội.

Trong bối cảnh đó, để góp phần cùng lực lượng Công an nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, với chức năng là một trung tâm đào tạo hàng đầu của ngành Công an, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Học viện cần tiếp tục xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đó là, xây dựng, phát triển Học viện trở thành một trường đại học trọng điểm của ngành và của quốc gia theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo cả 3 cấp học: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ; tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cảnh sát góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tiềm lực và sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát nhân dân theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Học viện trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học có chất lượng cao, không chỉ có uy tín trong ngành Công an mà trong cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Học viện Cảnh sát nhân dân.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Học viện Cảnh sát nhân dân.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Học viện Cảnh sát nhân dân cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ của Học viện Cảnh sát nhân dân là đào tạo bậc đại học, sau đại học cho lực lượng Cảnh sát nhân dân; đào tạo giảng viên cho các nhà trường Cảnh sát nhân dân toàn quốc; bồi dưỡng lãnh đạo, chỉ huy cho cán bộ trung và cao cấp của lực lượng Cảnh sát nhân dân toàn quốc; trực tiếp tổ chức nghiên cứu khoa học, sản xuất, chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tổ chức công tác thông tin khoa học cho lực lượng Cảnh sát nhân dân toàn quốc.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo. Phải coi trọng đồng thời việc trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ và các kiến thức khoa học cần thiết khác cho học viên với việc giáo dục phẩm chất đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, lối sống, xây dựng người sỹ quan Cảnh sát nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; có thái độ kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; có ý thức tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có quan hệ chặt chẽ với nhân dân “Vì nhân dân phục vụ”. Mỗi học viên của Học viện phải tự giác, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để trở thành những người Cảnh sát nhân dân “vừa hồng, vừa chuyên”.

Kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy, học tập với nghiên cứu khoa học. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu có trình độ lý luận và thực tế vững vàng. Rèn luyện cho học viên khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và khả năng tự học vươn lên. Đặc biệt coi trọng tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự của Việt Nam đồng thời nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm và tri thức của các nước trên trên thế giới.

Không ngừng phấn đấu xây dựng Học viện trở thành Trường trọng điểm của lực lượng Công an nhân dân và của quốc gia, một trung tâm đào tạo Cảnh sát của khu vực và quốc tế…

Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an gióng hồi trống khai giảng năm học mới 2013-2013 của Học viện Cảnh sát nhân dân.
Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an gióng hồi trống khai giảng năm học mới 2013-2013 của Học viện Cảnh sát nhân dân.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với các bộ, ngành, các địa phương, quan tâm, giúp đỡ Học viện Cảnh sát nhân dân phát triển để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ cho lực lượng Công an nhân dân.

Thủ tướng cám ơn và đề nghị các tổ chức quốc tế, cơ quan Cảnh sát các nước trên thế giới và khu vực tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Bộ Công an Việt Nam và Học viện Cảnh sát nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm và đào tạo cán bộ cảnh sát; khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện để sự hợp tác, hỗ trợ hai bên đạt hiệu quả cao nhất, vì hòa bình và tiến bộ của thế giới và khu vực.