Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Xây xong hơn 2000 km đường tuần tra biên giới

Bộ Quốc phòng tiếp tục xây dựng đường tuần tra biên giới ở 17 tỉnh để tiến tới hoàn thiện hơn 10.000 km đường biên giới trên đất liền.

Ngày 13/2, thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban quản lý Dự án 47, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) cho biết, nhằm củng cố quốc phòng an ninh biên giới trên đất liền, Bộ đã lập đề án “Quy hoạch chi tiết xây dựng đường tuần tra biên giới giai đoạn 2011-2015″.

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Hữu Nghị tuần tra kiểm soát đường mòn biên giới thuộc địa bàn huyện Cao Lộc. Ảnh: TTXVN.

Địa bàn quy hoạch gồm 17 tỉnh biên giới đất liền: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã xây dựng đường tuần tra biên giới giai đoạn 2006-2010 ở 20 tỉnh, với chiều dài 2.070 km và được chia thành 56 dự án. Hiện, đã triển khai được 53/56 dự án với tổng chiều dài 2.042; trong đó 32 dự án có tổng chiều dài tuyến 1.542 km theo tiêu chuẩn đường Tuần tra biên giới.
Các dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2013. Khi đó, hệ thống đường tuần tra biên giới sẽ thông được 2 tuyến, tuyến 1 từ thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) đến cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) dài khoảng 215 km; tuyến 2 từ Kon Tum đến Gia Lai dài khoảng 550 km.

Đề án “Quy hoạch xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo” có tổng chiều dài theo quy hoạch là 10.196 km. Trong đó, đường dọc biên được xây dựng trong khu vực vành đai biên giới trong phạm vi 1.000 m tính từ đường biên giới quốc gia trở vào, với nền đường rộng 5,5 m; mặt đường rộng 3,5m; kết cấu mặt đường bằng bêtông ximăng hoặc đá dăm nhựa. Toàn bộ công trình trên đường xây dựng vĩnh cửu.

Dự án được triển khai phù hợp với tình hình thực tế, gắn kết với hệ thống đường giao thông trong khu vực, tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn ở khu vực biên giới, vành đai biên giới, đồng thời góp phần ổn định an ninh, chính trị tại đây, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng biên.

(Theo TTXVN)

Xin ý kiến Thủ tướng về xử lý tiền cháy ở chợ Quảng Ngãi

Số tiền cháy ở chợ Quảng Ngãi không đủ điều kiện thu đổi theo quy định tại Quyết định số 24 sẽ được tập hợp danh sách báo cáo Thống đốc để trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.
Đó là thông điệp vừa được Ngân hàng Nhà nước phát đi chiều nay. Theo cơ quan này, ngay khi có thông tin phản ánh có một lượng tiền mặt khá lớn của tiểu thương bị cháy tại chợ Quảng Ngãi, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn khẩn số 655 gửi đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi.

Tiền cháy không đủ điều kiện đổi sẽ được tập hợp chờ ý xin ý kiến của Thủ tướng.

Theo đó, Ngân hàng trung ương đã giao Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi nắm tình hình thực hiện và chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thu đổi nhanh chóng, thuận tiện đối với những trường hợp tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho khách hàng khi có nhu cầu theo quy định tại Quyết định số 24 của Thống đốc ban hành Quy chế thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Đối với những trường hợp tiền bị cháy mà không đủ điều kiện thu đổi theo quy định tại Quyết định số 24, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan để tập hợp danh sách, báo cáo kịp thời Thống đốc để trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.

Trước đó, chợ Quảng Ngãi bốc cháy lúc 4h sáng 9/2, kéo dài 7 tiếng khiến cho toàn bộ hàng hóa và tài sản, trong đó có vàng, tiền mặt của tiểu thương bị cháy theo. Ước tính thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ tiểu thương thiệt hại 500 triệu đến 1 tỷ đồng, có hộ 5-7 tỷ đồng.

Nhiều người có tiền mặt để tại kiốt, hầu như toàn bộ số tiền đã bị cháy nham nhở. Một số tiểu thương đã mang số tiền này đến ngân hàng để đổi nhưng không được giải quyết. Vì theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tiền cháy do hỏa hoạn có thể đổi được ở ngân hàng với những điều kiện nhất định. Đó là diện tích tờ tiền tối thiểu bằng 30% tờ tiền cùng mệnh giá; có thể nhận biết được 2 trên 4 yếu tố bảo an như: hình ảnh ở cửa số nhỏ ở góc trái tờ tiền, mực không màu phát quang, ảnh Bác Hồ, hai hàng sơri phát quang.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Diễn biến vụ Tiên Lãng và vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Vụ Tiên Lãng gây chấn động dư luận

Là vụ án về tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vinh Quang với Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, thu hút dư luận của cả nước gần một tháng qua, vì đây được coi là đỉnh điểm về xung đột đất đai của những bất cập về pháp luật đất đai và việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương. Dẫn đến hệ quả làm 2 người thuộc ngành quân đội bị thương, 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, việc thu hồi đất tạm bị hoãn lại.

Diễn biến và hệ quả

Ông Đoàn Văn Vươn trú tại Bắc Hưng, Tiên Lãng được Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng giao sử dụng 21 ha đất bãi bồi ngoài đê quốc gia thuộc địa bàn xã Vinh Quang, tại Quyết định số 447/ QĐ- UB ngày 4/10/1993 để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản với thời hạn sử dụng 14 năm kể từ ngày quyết định giao đất. Sau đó ông Đoàn Văn Vươn tự ý đắp bờ bao phá rừng ngập mặn để lấn chiếm ra ngoài diện tích được giao 19,3 ha. Ủy ban nhân dân huyện đã xử phạt hành chính vi phạm hành vi lấn chiếm đất đai của ông Vươn.

Sau khi nộp phạt, ông Đoàn Văn Vươn có làm đơn xin giao đất. Ngày 4/9/1997, UBND huyện có Quyết định số 220/QĐ-UB giao bổ sung cho ông Đoàn Văn Vươn phần diện tích đất lấn chiếm này, thời hạn 14 năm tính từ 4/10/1993. Hết thời hạn giao đất UBND đã làm thủ tục để thu hồi toàn bộ 40,3 ha đất nói trên. Đối với 19,3 ha đất bổ sung, UBND huyện ban hành Quyết định số 461 QĐ-UBND ngày 7/4/2009 thu hồi giao cho UBND huyện Vinh Quang quản lý.

Không đồng ý với quyết định khiếu nại của Ủy ban nhân dân huyện, ông Vươn khởi kiện tại Tòa án. Ngày 27/01/2010, Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm tại Bản án số 01/2010/HCST, bác yêu cầu khởi kiện của ông Vươn, giữ nguyên quyết định thu hồi đất 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng.

Vụ việc tại Tiên Lãng đã đặt ra nhiều vấn đề về quản lý đất đai (Ảnh: Quốc Đô)

Ông Vươn tiếp tục có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm lên Tòa án nhân dân thành phố. Do trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử người kháng cáo rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo nên Tòa án nhân dân Thành phố đã có quyết định số 02/2010/HCPT-QĐ ngày 22/4/2010 đình chỉ xét xử vụ án hành chính. Tại quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố nêu rõ: “Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2010/HCST ngày 27/01/2010 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định này”.

Căn cứ bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ của tòa phúc thẩm, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng đã nhiều lần vận động, thuyết phục ông Vươn thực hiện quyết định thu hồi đất của huyện bàn giao đất theo quy định, nếu có nhu cầu cần phải làm thủ tục để Ủy ban nhân dân huyện cho thuê đất theo quy định, nếu có nhu cầu cần phải làm thủ tục để Ủy ban nhân dân huyện cho thuê đất theo quy định. Tuy nhiên ông Vươn không chấp hành; yêu cầu huyện tiếp tục giao đất cho ông sử dụng theo hình thức “giao đất” chứ không chấp nhận hình thức thuê đất.

Do không tự giác chấp hành nên Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 3307/QĐ-UBND ngày 24/11/2011 về việc cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn.

Ngày 5-1-2012, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi 19,3 ha đất bãi bồi ven biển được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản tại khu vực Nam cống Rộc thuộc địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn, công dân xã Bắc Hưng huyện Tiên Lãng. Do không đồng ý việc thu hồi đất và quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân huyện, ông Đoàn Văn Vươn cùng những người trong gia đình đã tổ chức chống đối quyết liệt lực lượng cưỡng chế làm 6 cán bộ công an huyện và huyện đội Tiên Lãng bị thương.
Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý sau đó đã bị bắt và khởi tố; hai người vợ của ông Vươn và ông Quý là chị Nguyễn Thị Thương và Nguyễn Thị Hiền (tức Báu) bị khởi tố tội chống người thi hành công vụ, nhưng cho tại ngoại.

Người dân xã Vinh Quang chuẩn bị đơn đề nghị xử lý thêm những cán bộ sai phạm liên quan đến vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn.

Sau khi vụ việc xảy ra, UBND TP.Hải Phòng đã có báo cáo sơ bộ gửi lên Chính phủ. Tuy nhiên, ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố phải điều tra, làm rõ vụ việc, báo cáo lại.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ban thường vụ thành phố Hải Phòng họp, phân tích và thống nhất quan điểm về vụ việc này để làm rõ 3 nội dung: Thứ nhất, việc giao đất, thu hồi đất đúng, sai ở điểm nào, trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Thứ hai, việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, trong quy định của pháp luật khi nào sử dụng cưỡng chế và cách tiến hành cưỡng chế có đúng không? Thứ ba là việc tài sản như ao cá, nhà của ông Vươn bị phá huỷ, ai có chủ trương và chỉ đạo của ai, cấp nào?

Ngày 7/2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành chủ trì họp báo, thông báo Ủy ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã họp, thống nhất đình chỉ chức vụ đối với ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng – và ông Nguyễn Văn Khanh – Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng – để làm rõ những sai phạm trong vụ cưỡng chế đất đai.

Theo công bố của Văn phòng Chính phủ, chiều 10/2, Thủ tướng Chính phủ nghe báo cáo của lãnh đạo Hải Phòng và các Bộ Ngành và kết luận về vụ việc nói trên. Trao đổi với phóng viên vào chiều ngày 9/2, ông Dương Anh Điền, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định:”Chúng tôi sẽ báo cáo trung thực, toàn diện với Thủ tướng và tuân thủ mọi kết luận của Thủ tướng”.

Phản ứng của dư luận cả nước

Chính quyền địa phương

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho rằng: “Quyết định giao đất và thu hồi đất là đúng và phù hợp. Hơn nữa, theo quy định, đất chỉ được giao cho người địa phương, trong khi ông Vươn không phải người ở xã Vinh Quang”.

Ngày 7 tháng 2 năm 2012 Thường vụ Thành ủy thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp báo thông báo quyết định kiểm điểm và ra quyết định kiểm điểm tập thể Ban thường vụ huyện ủy Tiên Lãng; đình chỉ công tác ông Lê Văn Hiền, Phó bí thư, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, và Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh, là người trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.

Lãnh đạo cấp cao

Báo chí đã dẫn lời nhiều chuyên gia, lãnh đạo cấp cao, đảng viên bàn về vấn đề này. Các ý kiến cho rằng Đoàn Văn Vươn và các đối tượng đã vi phạm pháp luật tội chống người thi hành công vụ, nhưng huyện Tiên Lãng cũng có thể sai về mặt pháp luật khi tiến hành cưỡng chế ở vụ án này.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói: trong vụ cưỡng chế này, chính quyền huyện, xã đều sai và đây là bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Ông cũng cho rằng “Thành ủy Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm. Trả lời tiền hậu bất nhất là không thể được” và “sử dụng bộ đội để cưỡng chế với dân là tuyệt đối sai”

Quan điểm của GS Đặng Hùng Võ là: Một mặt, chính quyền huyện Tiên Lãng đã giao đất cho ông Vươn là sai luật. Mặt khác, chính quyền huyện không có đủ thẩm quyền để quyết định thời gian giao đất là bao nhiêu năm và đất giao cho ông Vươn phải gọi là đất nông nghiệp. Bài báo cũng coi đây là đỉnh điểm về xung đột đất đai.

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: đây có thể coi là một tổn thất chính trị lớn.

Các luật sư và trí thức

Luật sư Trần Vũ Hải, gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cũng là đại biểu Quốc hội khu vực 3 Hải Phòng, trong đó có huyện Tiên Lãng) kiến nghị xem xét khởi tố hình sự vụ chính quyền Hải Phòng phá sập nhà ông Vươn và em trai ông. Theo ông Hải, nguyên thủy việc cưỡng chế đầm tôm của ông Vươn cũng sai vì “xuất phát từ quyết định thu hồi sai” và “”Phải xác định xem chính quyền (Tiên Lãng) sai thế nào mới dẫn đến ông Vươn quá bức xúc và có hành động quá khích”.

Dư luận xã hội

Theo bà Trần Thị Mịn, em dâu ông Đoàn Văn Vươn: “Họ dồn đến đường cùng, nên anh tôi bảo là phải giữ, chứ cũng không dám nổ súng đâu… Bây giờ nợ hơn chục tỷ thì gọi là lên bờ chỉ có chết thôi, không thể sống bằng cái gì được, nhà cửa không có. Nên phải giữ lấy đất, chứ không phải chống trả đâu”.


Bà Nguyễn Thị Thương (Vợ ông Vươn) cùng bà con họ hàng làng xóm chăm chú theo dõi diễn biến thông tin cuộc họp của Thủ tướng chính phủ về vụ việc của gia đình mình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuộc

Chiều 10-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với lãnh đạo các bộ, ngành, Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam và lãnh đạo TP.Hải Phòng về các nội dung xung quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất khu vực đầm thủy sản của anh em ông Đoàn Văn Vươn- Đoàn Văn Quý (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) hôm 5-1-2012, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận cả nước quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương và cám ơn báo giới, cập nhật thông tin kịp thời, nhiều chiều về vụ việc. Điều này đã đóng góp tích cực cùng cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc, đưa ra hướng xử lý phù hợp. Thủ tướng mong báo chí tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp chung đất nước, định hướng dư luận. Thủ tướng cám ơn các ý kiến tâm huyết xác đáng của người dân, đặc biệt các nhà lão thành cách mạng…Tuy nhiên vẫn còn nhiều bài viết chưa nêu bật được bản chất sự việc, hơi sa đà, cần rút kinh nghiệm.

Đây là sự việc rất đáng tiếc, mặc dù có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ quan là yếu kém của chính quyền Tiên Lãng và xã Vinh Quang trong công tác quản lý nhà nước, liên quan việc cưỡng chế thu hồi đất.

Đối với việc giao đất: UBND huyện Tiên Lãng đã có 2 quyết định mang số 460-461 không đúng với quy định của pháp luật.

Hệ quả dẫn đến quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác nội dung cưỡng chế thu hồi đất của huyện Tiên Lãng là có sai phạm như không xác định diện tích, thời điểm cưỡng chế nhạy cảm: sát Tết cổ truyền. Việc tổ chức thực hiện càng có nhiều sai sót, gây hậu quả xấu như đã biết.

Về hủy hoại tài sản của ông Đoàn Văn Vươn: đối với việc phá dỡ có sự chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền địa phương, đây là hành vi vi phạm hình sự, Thủ tướng yêu cầu điều tra, khởi tố, làm rõ một cách nghiêm minh.

Về cá trong đầm, theo cơ quan công an báo cáo: thì ông Vươn đã cho người đánh bắt thu hoạch trước khi việc cưỡng chế diễn ra.

Mặc dù TP Hải Phòng đã chỉ đạo xử lý giải quyết hậu quả vụ việc, nhưng vẫn còn nhiều điểm: Lãnh đạo thành phố chưa nhận thức đúng tính quan trọng của vấn đề, nên chưa chỉ đạo sát ngay từ đầu làm rõ trách nhiệm cá nhân.

TP Hải Phòng có 2 báo cáo, song chưa thực sự nghiêm túc và đầy đủ. Việc cung cấp thông tin theo luật báo chí cũng được thực hiện chưa tốt, chưa có người có đủ thẩm quyền để cung cấp thông tin chính thống cho báo giới; thậm chí có việc cán bộ của cấp thành phố, cấp huyện phát ngôn tùy tiện, thiếu thống nhất.

Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hải Phòng phải chỉ đạo thu hồi một cách đúng pháp luật những quyết định trái pháp luật của huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn; chỉ đạo TAND TP HP và TAND huyện Tiên Lãng kiểm điểm nghiêm túc việc xét xử đối với vụ việc này.

Hải Phòng cần xem xét để ông Vươn có thể được tiếp tục thuê đất theo đúng quy định pháp luật. Và phải đình chỉ ngay các cán bộ đã phá dỡ nhà ông Vươn, bất kể người đó là ai.

Thủ tướng cũng yêu cầu Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa vụ án giết người và chống người thi hành công vụ ra xét xử công khai, nhưng có xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TP Hải Phòng phải làm rõ trách nhiệm sự chấp thuận từ phía thành phố cho huyện Tiên Lãng cưỡng chế và việc chậm xử lý hậu quả. Đồng thời Hải Phòng phải rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc này, không để xảy ra các vụ việc tương tự, sớm ổn định tình hình, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Tất cả những việc này phải làm khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao và báo cáo lại với Thủ tướng.

Mừng với kết luận của Thủ tướng

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh thành phải rà soát lại pháp luật về đất đai (cưỡng chế, thu hồi..) cho đúng pháp luật. Việc cưỡng chế thu hồi nếu có, cần thực hiện thì phải làm đúng quy định pháp luật. Cần tập trung rà soát lại đơn thư khiếu nại của người dân trong lĩnh vực này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về sử dụng đất, đưa ra kiến nghị sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với thực tiễn. Bộ Tư pháp cần nghiên cứu đề xuất thể chế để kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính của chính quyền địa phương. Kiến nghị TANDTC xem xét tái thẩm các bản án liên quan đến vụ việc này.

Tùng Dương

Tiểu sử Nguyễn Thiện Nhân: Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam

Để trả lời câu hỏi: Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là ai ? Mời các bạn đọc tóm tắt tiểu sử Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân


Sinh ngày: 12/06/1953.

Quê quán: Trà Vinh.

Học hàm, học vị: Giáo sư – Tiến sỹ.

Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI

Đại biểu Quốc hội khóa X, XII, XIII

6/1970-12/1979: Nhập ngũ, sau đó học đại học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Dân chủ Đức (1972-1979).

1/1980-3/1983: Công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự – Bộ Quốc phòng, Thượng úy.

4/1983-4/1985: Cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

4/1985-7/1988: Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn, Trưởng ban Khoa học – Kỹ thuật rồi Phó Bí thư Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh.

8/1988-10/1990: Tùy viên giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức; Đảng ủy viên Đảng bộ Đại sứ quán.

11/1990-10/1991: Học kinh tế thị trường tại Trường Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Liên bang Đức.

11/1991-8/1995: Phó Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý công nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh rồi học thạc sỹ quản lý cộng đồng tại Trường Đại học Oregon (Mỹ) và khóa đào tạo chuyên gia thẩm định dự án đầu tư tại Trường Đại học Harvard (Mỹ).

9/1995-4/1997: Trưởng khoa rồi Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư kinh tế (1996).

5/1997-12/1999: Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP. Hồ Chí Minh; Đại biểu Quốc hội khóa X.

12/1999-5/2001: Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

5/2001-6/2006: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh; Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và Công nghệ quốc gia. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Giáo sư kinh tế (2002).

7/2006-7/2007: Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại biểu Quốc hội khóa XII.

8/2007-6/2010: Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ 7/2010 đến nay: Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu làm Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Toàn văn kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng

Ngày 10 tháng 2 năm 2012 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tần Dũng đã chủ trì họp về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải phòng. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBKT trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Hội Nông dân Việt Nam, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng và Chủ tịch UBND TP Hải phòng.

Toàn cảnh buổi họp thông báo kết luận - Ảnh: TTXVN

Sau khi nghe báo cáo tổng hơp chung của Văn Phòng Chính phủ và các ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau:

I.

Những năm qua, chính sách pháp luật về đất đai có rất nhiều thay đổi. Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai đã được ban hành mới 3 lần (1987, 1993, 2003) và sửa đổi 2 lần (1998, 2001). Hàng trăm văn bản dưới luật cũng được ban hành, sửa đổi nhưng vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, thậm chí trùng chéo, mâu thuẫn.

Trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế trong khi đất đai đang biến động rất nhanh, văn bản pháp luật về đất đai lại rất nhiều và phức tạp, nên công tác quản lý đất đai trong cả nước còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý và sử dụng đất đai chưa được điều chỉnh và xử lý kịp thời; khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% tổng số vụ khiếu kiện và có nhiều vụ việc kéo dài.

Trong những năm qua, cấp uỷ, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, không ngừng nâng cao hiệu qủa sử dụng đất nói chung và đất bồi ven biển nói riêng, góp phần phát triển KTXH khá nhanh và toàn diện, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Đối với ông Đoàn Văn Vươn chính quyền địa phương đã giao đất, kể cả giao bổ sung phần đất lấn chiếm sau khi đã xử phạt hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho ông Vươn đầu tư tôn tạo, nuôi trồng thủy sản trên diện tích đất được giao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận cuộc họp.

Tuy nhiên, UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã có  những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn như sau:

1. Việc giao đất, thu hồi đất
- Quyết định số 447/QĐ-UB ngày 4 tháng 10 năm 1993 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng giao 21 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn là phù hợp với quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm ban hành.

Quyết định số 220/QĐ-UB ngày 9 tháng 4 năm 1997 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng giao bổ sung 19,3 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn vào mục đích  nuôi trồng thuỷ sản với thời hạn 14 năm, tính từ ngày 4 tháng 10 năm 1993 là đúng thẩm quyền và phù hợp với thực tế sử dụng đất. Tuy nhiên quyết định này không đúng với quy định của pháp luật đất đai về giao đất, cho thuê đất; về thời hạn giao đất và thời điểm tính thời hạn giao đất.

- Các Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 23/4/2008, Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng là không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Nghị Định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003.

2. Việc cưỡng chế thu hồi đất

Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm.

3. Việc phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn

Việc Lãnh đạo chính quyền địa phương chỉ đạo phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cần phải được khởi tố, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh.

II.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận khuyết điểm, trách nhiệm và đã lãnh đạo, chỉ đạo cần thiết đối với vụ việc này. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng tiếp tục thực hiện tốt các công việc sau:

1. Chỉ đạo thu hồi các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn. Xử lý các vi phạm về sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn theo quy định của pháp luật và làm thủ tục cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Chỉ đạo Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng và Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng nghiêm túc kiểm điểm việc xét xử đối với vụ việc này.

2. Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra và sớm đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng qui định của pháp luật việc phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn. Đình chỉ công tác những cán bộ đã chỉ đạo phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn.

3. Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.

4. Chỉ đạo huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến những vi phạm trong việc giao đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế, phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn.

5. Lãnh đạo thành phố Hải phòng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về việc:

- Chấp thuận đề nghị cưỡng chế thu hồi đất không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.
- Khi vụ việc xảy ra chậm chỉ đạo làm rõ đúng sai và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; báo cáo chưa đầy đủ – nghiêm túc với Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện cung cấp thông tin chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ gây bức xúc trong dư luận.

6. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc này và chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, không để xảy ra vụ việc tương tự. Sớm ổn định tình hình mọi mặt của huyện Tiên Lãng. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng, phát huy thành tựu to lớn và truyền thống tốt đẹp của thành phố Hải Phòng, tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015 mà Đại Hội Đảng bộ Thành phố đã đề ra.

Những công việc trên phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

III.

Qua vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Chính yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai

2. Bộ TNMT chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất đai. Khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai để kiến nghị sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với thực tế tình hình và yêu cầu phát triển mới.

Toàn cảnh cuộc họp

3. Bộ Tư Pháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng thể chế để kiểm soát việc ban hành các quyết định hành chính của chính quyền các cấp.

4. Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao theo thẩm quyền xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng và Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng.

5. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp đối với vụ việc này.

Yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Nghiêm túc rút kinh nghiệm, hết sức tránh việc đưa tin không khách quan, không đúng bản chất sự việc làm phương hại đến lợi ích của đất nước và người dân.

Yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chủ quản, tăng cường chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia tuyên truyền định hướng dư luận xã hội; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm để báo chí nước ta ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng đối với vụ việc này của các đồng chí lão thành, các chuyên gia và nhiều cán bộ, nhân dân đã gửi trực tiếp đến Thủ tướng hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp xây dựng đối với việc quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp./.

-> Người dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn báo chí về vụ Tiên Lãng

Lúc 14 giờ, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, lãnh đạo TP Hải Phòng đã vào phòng họp tại trụ sở Chính phủ ở Hà Nội (số 1 Hoàng Hoa Thám). Về phía Hải Phòng có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Dương Anh Điền.


Về phía bộ ngành có lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài Nguyên Môi trường, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Mặt trận TQVN.

Người dân Tiên Lãng nóng lòng chờ kết luận của Thủ tướng

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Luân – Phó chủ tịch Chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng, cho biết: “Trước đó, tôi đã làm đơn gửi Văn phòng Chính phủ bày tỏ nguyện vọng được tham dự cuộc họp do Thủ tướng chủ trì nhưng đến nay tôi chưa nhận được hồi âm nào từ Văn phòng Chính phủ. Có thể do đây là cuộc họp của Thủ tướng với các bộ, ngành nên tôi chưa thể tham dự. Trước đó, tôi cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi đến các đoàn kiểm tra của các bộ, ngành về Tiên Lãng”.

* Lúc 13 giờ 20 phút ngày 10-2, ông Nguyễn Kinh Quốc, Vụ phó Vụ tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, cho biết lúc 17 giờ cùng ngày, Chính phủ sẽ tổ chức họp báo về vụ việc Tiên Lãng.
Theo đó, cuộc họp báo sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong với sự chủ trì của Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tại cuộc họp này, ông Vũ Đức Đam sẽ thông tin về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp diễn ra lúc 14 giờ cùng ngày với đại diện các bộ, ngành liên quan, Ủy ban T.Ư MTTQVN, lãnh đạo TP.Hải Phòng… về vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) vốn gây sự chú ý đặc biệt của dư luận thời gian qua.

14h05: Cuộc họp diễn ra với đại diện nhiều ban ngành liên quan như Ủy ban Trung ướng MTTQ Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Thanh tra Chính phủ… Về phía lãnh đạo Hải Phòng có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Dương Anh Điền.

16h10: Hồi hộp, nóng ruột, ngóng chờ kết luận của Thủ tướng chính phụ về vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng đang là tâm lý chung của dư luận tại Tiên Lãng, Hải Phòng.
Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam cách đây ít phút, bà Hiền (vợ ông Quý) cho biết: “Từ sáng tới giờ, tôi ngồi không yên, đứng cũng không yên, cứ đi lại suốt, cứ mong đợi đến chiều để nghe kết luận của Thủ tướng. Tất cả trông chờ vào kết luận của Thủ tướng, để đem lại cho người dân, không chỉ riêng gia đình tôi một kết quả khách quan, công bằng”.

16h14: Qua điện thoại, luật sư Hồng Bách cho biết: “Bản thân các luật sư là người bảo vệ quyền hợp pháp cho người dân, tôi cũng rất hồi hộp và mong chờ để nghe được một bản kết luận công bằng, khách quan. Vì vậy, mặc dù không đến tận nơi nghe được kết luận đó, nhưng tôi luôn ngồi 24/24 “bám” vào máy tính để theo dõi. Tôi rất tin tưởng thủ tướng sẽ có quyết định đúng đắng, hợp lý”.

16h24: Ông Lương Văn Trong – Phó Chủ tịch Hội Nuôi trồng thuỷ sản cho rằng: “Không chỉ những người dân ở huyện Tiên Lãng mà tôi tin rằng người dân Việt Nam trên cả nước và thế giới cũng đang ngóng chờ tin tức này. Từ rất lâu rồi khi được tin Thủ tướng sẽ chủ trì giải quyết vụ việc này, chúng tôi rất vui mừng và tin vào một kết quả công bằng”.

Anh Nguyễn Đức Cảnh, hàng xóm của chị Hiền chia sẻ: “Dân chúng tôi ở đây rất bức xúc về vụ cưỡng chế, nhưng giờ đây chúng tôi tin vào vào sự sáng suốt của các lãnh đạo Trung ương. Vụ cưỡng chế này đang được dự luận khắp cả nước quan tâm”.

16h55: Trong phòng họp Trung tâm Hội nghị quốc tế lúc này đã có gần 30 phóng viên, từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau.

17h05: Ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bước vào phòng họp. Buổi thông báo kết luận của Thủ tướng về vụ cưỡng chế bắt đầu.

17h07: Ông Vũ Đức Đam nói: “Như chúng ta đã biết, đây không phải là cuộc họp báo. Lần trước tôi đã yêu cầu UBND TP Hải Phòng rà soát lại và báo cáo thủ tướng về 3 vấn đề rất cụ thể về vụ cưỡng chế tại xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng Hải Phòng…

Thứ nhất, việc giao đất, thu hồi đất đúng, sai ở điểm nào, trách nhiệm thuộc cơ quan nào?

Thứ hai, việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, trong quy định của pháp luật khi nào sử dụng cưỡng chế và cách tiến hành cưỡng chế có đúng không?

Thứ ba là việc tài sản như ao cá, nhà của ông Vươn bị phá huỷ hoại như báo chí nêu, ai có chủ trương và chỉ đạo của ai, cấp nào?

Thủ tướng không chỉ dừng ở ba việc đó mà còn xem xét xử lý trách nhiệm ở cấp thành phố Hải Phòng và trách nhiệm cung cấp cho báo giới thế nào. Ở Hải Phòng đã có báo cáo, ngoài ra các cơ quan khác cũng đã cử các đoàn đi giám sát, nắm bắt thông tin”.

Ông Vũ Đức Đam thông báo kết luận của Thủ tướng

17h10: Ông Vũ Đức Đam cho biết: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nghe lãnh đạo thành phố Hải Phòng, các Bộ ngành báo cáo về vụ thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn như Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân… để có kết luận. Tôi xin thông báo với báo chí về kết quả của buổi làm việc

17h12: “Trước hết tôi xin chuyển lời của Thủ tướng chính phủ biểu dương và cảm ơn anh em báo chí đã thông tin rất kịp thời, đa dạng, phong phú, có nhiều bài phân tích đa chiều về vụ việc. Điều đó đóng góp cùng các cơ quan chức năng đưa ra kết luận. Thủ tướng rất mong báo chí ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển chung cả nước, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế đất nước.
Thủ tướng cũng cảm ơn những ý kiến rất xác đáng của nhiều người dân, đặc biệt là các lão thành cách mạng, các chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ, gửi trực tiếp tới Thủ tướng hoặc qua báo giới.

17h14: UBND TP Hải phòng và các Bộ ngành đã trả lời trực tiếp vào các câu hỏi Thủ tướng đặt ra. Cuộc họp đã nghe đại diện ý kiến của các tổ chức liên quan và Thủ tướng đã đi đến kết luận:
Thứ nhất, đây là một vụ việc rất đáng tiếc, mặc dù có nguyên nhân khách quan, nhưng trong đó có nguyên nhân chủ quan và yếu kém của chính quyền huyện Tiên Lãng, của xã Vinh Quang trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là giao đất và cưỡng chế thu hồi đất.

Cụ thể, với việc giao đất: UBND huyện Tiên Lãng đã có hai quyết định giao đất, QĐ 447 ban hành giao 21ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn 14 năm. Tại thời điểm đó theo luật đất đai 1987 phù hợp. Nhưng tới quyết định số 220 giao bổ sung 19,3ha đất, về mặt thẩm quyền thì đúng và phù hợp với mục đích sử dụng đát. Tuy nhiên, quyết định chưa đúng với quy định về Luật đất đai, có thể nói ngắn gọn đây là quyết định không đúng pháp luật.

Việc thu hồi đất, các quyết định 460 và 461 thu hồi đất của ông Vươn đều neu lý do là hết hạn, và giao cho một phòng của huyện Vinh Quang quản lý. Nhưng trên thực tế ông Vươn đang sử dụng đất đó, mặc dù một phần đất của ông Vươn cho thuê là không đúng.

Nhưng ông Vươn cũng đang sử dụng phần lớn nuôi trồng thủy sản. Ông Vươn vẫn có nhu cầu sử dụng. Không có một văn bản nào của cơ quan nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất đó nuôi trồng thủy sản sang mục đích khác, nên quyết định là trái pháp luật.

Theo luật đất đai 2003 thì khu đất này chỉ thu hồi trong 5 trường hợp, nhưng quyết định thu hồi đều không rơi vào 5 trường hợp. Cả hai quyết định vừa nêu trên đều không đúng quy định pháp luật

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp

17h20: Với vấn đề cưỡng chế thu hồi đất, ông Vươn khiếu nại quyết định 461 không đúng quy định pháp luật. Quyết định thu hồi không đúng nên quyết định cưỡng chế cũng không đúng pháp luật.
Mặt khác, quyết định cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng không đúng pháp luật, không kiểm kê tài sản trên diện tích đất thu hồi, có một số điểm pháp luật không cấm nhưng theo phong tục Việt Nam thì không phù hợp, như cưỡng chế gần Tết cổ truyền. Việc cưỡng chế càng sai phạm, gây hậu quả như báo chí đã nêu, gây thương vong cho những người làm công tác cưỡng chế.

17h22: Liên quan tới việc hủy hoại tài sản, phá dỡ của ông Đoàn Văn Vươn, theo báo cáo thì có sự chỉ đạo của một số lãnh đạo chính quyền địa phương, đây là việc vi phạm pháp luật. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luât.

17h23: “Tôi xin nói thêm, báo chí nêu thủy sản trong đầm của ông Vươn bị đánh bắt trộm. Theo báo cáo của cơ quan công an, ông Vươn đã thuê người thu hoạch trước khi cưỡng chế.
Sau khi xảy ra sự việc UBND TP Hải phòng đã tổ chức nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Ban Thường vụ thành ủy đã thống nhất một số giải pháp cụ thẻ, đình chỉ chức vụ một số cán bộ liên quan, Ban thường Vụ đã công khai nhận trách nhiệm trước Bộ chính trị, ban bí thư, trước nhân dân vì để xảy ra sự việc.

Tuy nhiên, việc chỉ đạo xử lý cũng còn một số điểm: Lãnh đạo TP chưa nhận thức đúng tính chất nghiêm trọng phức tạp của vấn đề nên chưa tập trung chỉ đạo ngay từ đầu để làm rõ đúng sai của tập thể và cá nhân. TP Hải phòng trước lần báo cáo này đã có 2 lần báo cáo nhưng các báo cáo chưa nghiêm túc và đầy đủ. Việc cung cấp thông tin thực hiện theo luật báo chí chưa tốt, chưa có người có đủ thẩm quyền cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ, kịp thời cho báo giới. Thậm chí có cán bộ cấp thành phố, huyện phát ngôn tùy tiện thiếu thống nhất.

17h28: “Nguyên nhân sai phạm chủ yếu thuộc về chính quyền huyện Tiên Lãng, xã Vinh quang là chủ yếu. Nhưng cũng có một lý do khách quan, pháp luật đất đai của chúng ta đã nhiều lần sửa đổi, và có hàng trăm văn bản hướng dẫn thực hiện. Hệ thống pháp luật đất đai ở nước ta bây giờ khá đồ sộ, mặc dù nhiều văn bản nhưng còn nhiều vấn đề trồng chéo, mâu thuẫn, cho nên trong thực tiễn quản lý và sử dụng đất đai có nhiều tình huống chưa được diều chỉnh rõ ràng trong văn bản quy phạm pháp luật. Do đó có khó khăn trong xử lý, cùng với đó là năng lực của cán bộ ở địa phương còn nhiều bất cập.
Các vụ khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% về các vụ khiếu kiện, cho tới nay còn nhiều vụ chưa xử lý dứt điểm. Đó là lý do Ban chấp cháp hành TƯ chỉ đạo tích cực xử lý, Chính phủ cũng đang tổng hợp để sửa đổi luật đất đai.

17h36: “Trong quá trình sử dụng đất ông Đoàn Văn Vươn cũng có những vi phạm về quy định sử dụng đất đai mà chưa được xử lý triệt để. TP Hải Phòng phải làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để ông Vươn có thể tiếp tục sử dụng khu đất được giao, nhưng phải đúng quy định pháp luật; đưa ra xét xử những đối tượng phá dỡ nhà ông Đoàn Văn Vươn; Đình chỉ công tác với những người chỉ đạo phá nhà ông Vươn; khẩn trương đưa vụ án giết người ra xét xử, xem xét tới các tình tiết giảm nhẹ cho bị can do các quyết định không đúng pháp luật”.

17h37: “Lãnh đạo TP Hải Phòng có trách nhiệm kiểm điểm xử lý tổ chức, cá nhân xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng trong việc cưỡng chế thu hồi đất và phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn”.

17h40: “Ở cấp lãnh đạo TP phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm: Về việc chấp thuận cưỡng chế không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng, vì huyện đã báo cáo và được thành phố đồng ý cưỡng chế; Thứ hai là khi sự việc xảy ra thì xử lý chưa triệt để, báo cáo chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ với Thủ tướng, cung cấp thông tin chưa rõ ràng, gây bức xúc trong dư luận. TP Hải Phòng cũng phải rà soát lại công tác quản lý đất đai, để không xảy ra những vụ việc tương tự”.

17h41: Thủ tướng cũng yêu cầu TP Hải Phòng khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng CP cũng đề nghị các tỉnh thành phố trên cả nước rà soát lại công tác thu hồi đất đai, phải đảm bảo đúng quy định pháp luật; khi cần thiết phải cưỡng chế là bình thường, nhưng phải làm đúng pháp luật. Đề cao hơn nữa những tố cáo của công dân về quản lý đất đai. Đối với vụ việc tại xã Vinh Quang, ông Đoàn Văn Vươn đã khiếu nại nhiều năm, nếu tập trung giải quyết thì đã không xảy ra sự việc này. Bộ TNMT phải chủ trì cùng các Bộ ngành khẩn trương rà soát và đưa ra kiến nghị luật đất đai phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất việc ban hành quyết định hành chính chính của các cấp

Thủ tướng cũng yêu cầu TAND tối cao xem xét giám đốc thảm đúng pháp luật bản án của TAND TP Hải phòng và TAND huyện Tiên Lãng liên quan tới vụ việc này”.

>> TIẾP TỤC CẬP NHẬT

Tiểu sử Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh

Để trả lời câu hỏi: Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh là ai ? Mời các bạn đọc tóm tắt tiểu sử / lý lịch Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh



Họ và tên khai sinh: Nguyễn Bá Thanh

Khoá: XII

Họ và tên thường gọi: Nguyễn Bá Thanh

Giới tính: Nam

Ngày sinh: 8/4/1953

Dân tộc: Kinh

Tôn giáo: Không

Quê quán: Xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng

Nơi cư trú (nơi ở hiện nay): Số 189 đường Cách mạng Tháng Tám, tổ 45, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Trình độ học vấn: Tiến sĩ

Nghề nghiệp, chức vụ (khi trúng cử): Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng

Nghề nghiệp, chức vụ (hiện nay): Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng; Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Nơi làm việc: Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, 72 đường Bạch Đằng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Ngày vào Đảng: 13/2/1980

Kỷ luật: Không

Trước đó là đại biểu quốc hội khoá (nếu có): IX, XI

Trước đó là đại biểu hội đồng nhân dân khoá, cấp (nếu có): Đại biểu HĐND cấp tỉnh

Đại biểu Chuyên trách: Không