Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Bộ Ngoại giao phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Ngày 21/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc phía Trung Quốc đã bắt và hiện đang giam giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của Việt Nam mang số hiệu QNg66101TS và QNg 66074TS, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị

“Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam.”
VNA

Philippines không cho phép Mỹ lập căn cứ quân sự

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết nước này chào đón sự hiện diện của lính Mỹ nhưng loại trừ khả năng cho phép Washington lập căn cứ lâu dài.

Trong buổi phỏng vấn hôm qua với AFP, ông Aquino cho biết hai nước đồng minh lâu năm vẫn đang tiếp tục thảo luận về việc tổ chức thêm các đợt huấn luyện Quân sự ở Philippines cũng như tăng cường các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ đến quốc đảo này.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino

“Chúng tôi đang bàn bạc với họ. Chúng tôi sẽ có thêm nhiều hoạt động tương tự”, ông Aquino cho biết. “Tàu Mỹ có thể đến và ghé thăm chúng tôi, nhưng hiến pháp của chúng tôi sẽ không cho phép lưu trú vĩnh viễn dưới bất kỳ hình thức nào”.

Manila cũng cho phép quân đội Mỹ sử dụng các máy bay không người lái, nhưng chỉ để do thám chứ không được phép thực hiện bất kỳ phi vụ tấn công nào.
Tổng thống Philippines cho hay số lượng quân nhân Mỹ hiện diện ở nước này có thể tăng lên nhưng Mỹ cần thông báo rõ về lịch trình. Hiện Mỹ có khoảng 600 lính đặc nhiệm ở Philippines, làm nhiệm vụ hỗ trợ quốc đảo chống khủng bố.

Các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Philippines diễn ra khi Washington đang nỗ lực mở rộng hiện diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương. Năm ngoái, Mỹ đạt thỏa thuận đưa 2.500 binh sĩ luân phiên tới Australia, lực lượng này sẽ bắt đầu được chuyển đến vào tháng tới. Mỹ cũng dự kiến triển khai tàu tuần tra ở Singapore.

Ông Aquino cho hay Philippines cũng muốn Mỹ hỗ trợ tăng cường năng lực quốc phòng, trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc dâng cao và nhiều vấn đề an ninh khác nảy sinh. Manila đã đề xuất Mỹ cung cấp các máy bay chiến đấu F-16 cùng các tàu tuần tra, máy bay vận tải và hệ thống radar.

“Mỹ vẫn đang cân nhắc yêu cầu về các máy bay F-16. Chúng tôi hy vọng mọi việc sẽ thuận lợi”, ông nói.

Ông cho hay các máy bay chiến đấu là ưu tiên hàng đầu của Philippines khi quân đội nước này là một trong những quân đội trang bị lạc hậu nhất trong khu vực. Ông nhấn mạnh rằng nhiều có lý do để Manila củng cố năng lực quân sự, trong đó có vấn đề chống khủng bố, đối phó với thiên tai và sơ tán người Philippines khỏi các khu vực khủng hoảng ở hải ngoại.
Một trong các lý do nữa là do tình hình Biển Đông thời gian qua có các diễn biến phức tạp hơn. Biển Đông là nơi có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei.

Theo Vnexpress

Mỹ lập trung tâm tình báo điện tử lớn nhất thế giới

Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiết lộ, cơ quan này đang xây dựng một Trung tâm tình báo ở tiểu bang Utah để chặn thu các dữ liệu liên lạc điện tử trên toàn cầu.

Ngày 19/3/2012, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiết lộ, cơ quan này đang xây dựng một Trung tâm tình báo điện tử lớn nhất thế giới ở tiểu bang Utah để chặn thu các dữ liệu liên lạc điện tử trên toàn cầu.

Trung tâm này nằm ở hạt Bluffdale, thuộc thành phố Salt Lake, tiểu bang Utah, Mỹ. Trung tâm được thiết kế để chặn thu, phân tích và lưu trữ lượng lớn thông tin liên lạc, trong đó có nội dung các cuộc gọi điện thoại, email, tin nhắn và truy cập internet.


Trung tâm tình điện tử có chức năng hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ An ninh nội địa (DHS) nhằm thu thập thông tin tình báo về mối đe dọa tấn công mạng.

Ngoài ra, theo Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), trung tâm tình báo này còn chặn thu được các sóng liên lạc từ vệ tinh thông qua cáp ngầm dưới lòng đất hoặc đáy biển và có thể xử lý hàng triệu gigabytes dữ liệu.

Chức năng của trung tâm tình báo trên là cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ An ninh nội địa (DHS) nhằm thu thập thông tin tình báo về mối đe dọa tấn công mạng.

Trung tâm tình báo điện tử này sẽ đóng vai trò quan trọng trong phân tích mã dựa trên khả năng xử lý dữ liệu về thông tin tài chính, giao dịch chứng khoán, giao dịch kinh doanh, bí mật quân sự và ngoại giao nước ngoài, văn bản quy phạm pháp luật, bảo mật thông tin liên lạc cá nhân đã được mã hóa nhờ vào bước đột phá mà NSA đã thực hiện cách đây vài năm như, phân tích ngầm (cryptanalyze) hoặc phá vỡ hệ thống mã hóa không thể mã thám (unfathomably) do các chính phủ, tổ chức và cá nhân sử dụng.


Sơ đồ hỗ trợ tác chiến, thu thập, giải mã và cung cấp dữ liệu cho các cơ quan cấp cao hơn của trung tâm dữ liệu Utah.

Về phương thức chặn thu, trung tâm này sẽ đột nhập vào vỏ toán học phức tạp như AES (Advanced Encryption Standard - Tiêu chuẩn mã hóa tiên tiến, một thuật toán mã hóa khối được chính phủ Mỹ áp dụng làm tiêu chuẩn mã hóa) và giải mã dựa vào máy tính siêu nhanh để tiến hành các cuộc tấn công trên các tin nhắn được mã hóa và cung cấp cho các máy tính để phân tích.

Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cho biết, trung tâm dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 9/2013, với tổng kinh phí xây dựng khoảng 2 tỷ USD trong phạm vi khoảng 304.000 m2.

- Hoàng Ngân (theo Presstv, RT)

Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam – Hàn Quốc

Chiều 19-3, tại Hà Nội, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp xã giao Ngài Lee Young Geol, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Ngài Lee Young Geol đã thông báo với Đại tướng Phùng Quang Thanh những kết quả đã đạt được trong cuộc Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt – Hàn lần thứ nhất. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tán thành việc cần từng bước chuẩn bị, xúc tiến các vấn đề đã trao đổi để đưa hợp tác giữa hai bên đi vào chiều sâu.


Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tiếp Ngài Lee Young Geol, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Qua trao đổi, Bộ trưởng mong muốn Việt Nam và Hàn Quốc nhanh chóng xây dựng các văn bản hợp tác mang tính pháp lý về hợp tác quốc phòng để nâng tầm quan hệ hai nước, tích cực góp phần xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định. Nhân dịp này, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng chuyển lời mời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sang thăm Việt Nam.
Trước đó, trên tinh thần hợp tác, cởi mở, Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam – Hàn Quốc đã diễn ra tốt đẹp sáng 19-3 tại Hà Nội, dưới sự đồng chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Ngài Lee Young Geol, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Đây là lần đầu tiên hai nước tiến hành đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng. Phát biểu tại Đối thoại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Ngài Lee Young Geol đều nhất trí, bên cạnh sự hợp tác về kinh tế, thương mại đã có, sự kiện này sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh.


Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Ngài Lee Young Geol chụp ảnh lưu niệm cùng hai đoàn.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhận định, những năm gần đây, trước những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam và Hàn Quốc vẫn nỗ lực duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế. Với riêng Việt Nam, những thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của quân đội. “Đặc trưng của chính sách quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Quân đội nhân dân Việt Nam đang được xây dựng theo hướng tinh gọn, từng bước hiện đại”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn có những lực lượng đặc biệt là các binh đoàn làm kinh tế, vừa tham gia vào quá trình ổn định tình hình an ninh, chính trị trong nước, vừa góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Hoạt động đối ngoại quốc phòng của Việt Nam dựa trên tinh thần đường lối đối ngoại chung đã được Đảng và Nhà nước xác định sau Đại hội Đảng XI, đó là “tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới”. Trong những năm qua, Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh đối ngoại quốc phòng cả song phương và đa phương, đáng chú ý là các diễn đàn ADMM và ADMM+ trong đó có sự tham gia của Hàn Quốc với mục đích cơ bản là tăng cường sự tin cậy giữa Việt Nam và các quốc gia đối tác cũng như với cộng đồng thế giới và khu vực. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Lee Young Geol cũng khẳng định, Hàn Quốc coi trọng mối quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam và đánh giá cao kết quả hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Liên quan đến vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đề cập trong cuộc đối thoại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chủ trương phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và sẽ làm hết sức mình để đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định tại khu vực Đông Bắc Á”.

Hai bên cũng thống nhất cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến các lĩnh vực mà cả hai bên cùng quan tâm như đào tạo nhân lực, công nghiệp quốc phòng, các hoạt động nhân đạo, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm trên các diễn đàn đa phương. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng hi vọng, phía Hàn Quốc sẽ hợp tác và giúp đỡ Việt Nam thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia về rà phá bom mìn.

Tin, ảnh: Vũ Hùng

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay

Ngày 20-3, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với sự tham dự của hơn 800 đại biểu.

Chủ trì hội nghị, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM truyền đạt nội dung và chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Sau khi giới thiệu, phân tích các quan điểm, nội dung quan trọng trong nghị quyết, đồng chí nêu rõ sự cần thiết ra đời của nghị quyết về xây dựng Đảng; về mục đích, yêu cầu, quá trình chuẩn bị, phạm vi của nghị quyết; những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 và những vấn đề cần lưu ý trong chỉ đạo học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện. Sau phần đánh giá, phân tích thành quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí phân tích một số mặt hạn chế, yếu kém, nhất là những khuyết điểm kéo dài, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cùng các cán bộ TP tại hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Lê Thanh Hải chỉ rõ, để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng, cần tiếp tục thực hiện tốt tám nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những vấn đề cấp bách đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi. Khắc phục tư tưởng coi khuyết điểm chỉ là của người khác, đơn vị khác… Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 phải được đặt trong tổng thể thực hiện các nghị quyết khác, bảo đảm thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại.

Đồng chí Lê Thanh Hải yêu cầu việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết cần phải có quyết tâm chính trị rất cao trong toàn Đảng bộ TPHCM. Các đồng chí trong Thành ủy TPHCM, các cấp ủy Đảng, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị ở TPHCM, phải thật sự gương mẫu làm trước. Phải làm kiên quyết, kiên trì, xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành; làm từng bước vững chắc, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Vì công tác xây dựng Đảng là công việc hệ trọng, nên đồng chí Lê Thanh Hải nhắc nhở khi thực hiện phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ; đồng thời không được để rơi vào trì trệ, hình thức, không làm chuyển biến được tình hình. Sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 lần này, các cấp ủy, tổ chức Đảng ở TPHCM cần duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ tự phê bình, phê bình hàng năm, gắn với kiểm điểm theo chức trách, nhiệm vụ được giao…

Hội nghị cũng đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giới thiệu dự thảo kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thực hiện chỉ thị, kế hoạch của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Buổi chiều, hội nghị nghe giới thiệu dự thảo hướng dẫn kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình, phê bình; hướng dẫn thực hiện “Quy định về những điều đảng viên không được làm”; dự thảo hướng dẫn kế hoạch công tác tư tưởng…

Hôm nay (21-3), hội nghị thảo luận tổ và nghe đồng chí Lê Thanh Hải giải đáp, tổng kết hội nghị.

TUẤN SƠN

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc

Nhận lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Lee Myung Bak và Phu nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Hàn Quốc từ ngày 26-27/3 và thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 28-29/3.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc

Ngày 11/11/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang Sik nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Seoul.

Một trong những nội dung thảo luận giữa lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc và Việt Nam bên lề Thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2012 tại Seoul tới đây là khả năng xúc tiến hợp tác trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tiếp theo ở Việt Nam.

Bên lề các hoạt động chính thức của hội nghị Thượng đỉnh, lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc và Việt Nam dự kiến sẽ có cuộc tiếp xúc song phương nhằm trao đổi rộng rãi về hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bí thư Nguyễn Bá Thanh: Cảnh sát tiêu cực sẽ cho vườn

Đó là tuyên bố của ông Nguyễn Bá Thanh – bí thư Thành ủy Đà Nẵng – trong buổi nói chuyện với gần 200 cán bộ chủ chốt của cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát chống tội phạm cướp giật của Đà Nẵng sáng 19-3.

Tại cuộc nói chuyện về công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, ông Thanh nhấn mạnh: “Tình hình giao thông đang có dấu hiệu hỗn loạn, băng nhóm tội phạm cũng manh nha. Vì vậy lực lượng cảnh sát rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố đáng sống”.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng làm nhiệm vụ

Lắp camera giám sát CSGT

Nói chuyện với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), ông Thanh cho biết năm 2012 sẽ có nhiều chủ trương chính sách mới vừa khuyến khích, động viên nhưng cũng phải có chế tài mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Theo ông, với việc xử lý quyết liệt trên địa bàn TP, từ gần 10 năm qua đã không có hiện tượng đua xe như các TP lớn khác. Ông Thanh yêu cầu CSGT tại bốn trạm cửa ô mỗi quý phải đổi tất cả quân một lần để tránh tình trạng cánh lái xe đường dài quen biết xin xỏ, nảy sinh tiêu cực. Ông ví von: “Đừng để giống như con cá trê ở lâu trong hang rồi mọc râu dài vươn ra ngoài”.

Lực lượng CSGT tại bốn trạm Hòa Phước, Hòa Hải, Kim Liên, Hòa Nhơn làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường ngoài tiền lương, thưởng theo chế độ còn được UBND TP hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/người/tháng (từ ngân sách TP), hưởng 10% tổng số tiền phạt vi phạm, thanh tra giao thông mỗi tháng hỗ trợ 2 triệu đồng. “Bộ phận làm việc trực tiếp ngoài đường được hỗ trợ cụ thể như vậy. Còn đối với bộ phận gián tiếp cuối năm đề xuất lên TP để có hướng giải quyết hỗ trợ thêm” – ông Thanh động viên.

Ngược lại, ông Thanh đặt hàng cho CSGT. “Với mức thu nhập như vậy, nếu biết làm thì mỗi tháng mỗi CSGT có thể có thu nhập hơn chục triệu đồng. Nhưng nếu chỉ cần phát hiện nhận chung chi một vài trăm nghìn đồng thì lập tức bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành, cho về vườn chứ không cần phải theo mức độ nặng nhẹ gì cả. Không có chuyện ưu tiên con gia đình chính sách hay ông này ông nọ mà xử nhẹ” – ông Thanh nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy yêu cầu trong tháng 3 mỗi CSGT phải viết một bản cam kết không nhận tiền hối lộ và luôn nhớ điều đã cam kết. Không chỉ vậy, Công an TP Đà Nẵng còn phải lắp đặt camera giám sát tại các trạm này. Mọi hoạt động của CSGT trong quá trình tiếp tài xế, người dân đều được lưu lại và chuyển về trung tâm chỉ huy của lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, cũng có thể linh hoạt một số trường hợp cuối năm bồi dưỡng cho CSGT có thể chấp nhận được, nhưng phải công khai mọi khoản.

Tăng quân, mua súng, sắm xe chống cướp

“Cảnh sát chống cướp giật sẽ có đủ điều kiện để làm việc” là lời hứa của ông bí thư với lực lượng cảnh sát chống cướp giật (thuộc Phòng cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an Đà Nẵng). Ông Thanh ghi nhận những chiến công của lực lượng này trong việc trấn áp loại tội phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, việc lực lượng này sử dụng môtô đồng loạt đã tạo ra hạn chế là tội phạm phát hiện, không còn bí mật nữa. Ông Thanh đề nghị cảnh sát chống cướp giật phải sử dụng những loại xe như người dân bình thường và “nâng cấp” thêm. Vấn đề này liên quan đến ngành giao thông nên ông Thanh đã yêu cầu trợ lý gọi điện ngay cho ông Đặng Việt Dũng – giám đốc Sở Giao thông vận tải (ông Dũng không có trong thành phần họp) – trong mười phút phải đến để cho ý kiến về việc này. Ông Dũng lập tức có mặt và cho biết sẽ cùng Công an TP nghiên cứu cho phù hợp.

Đại diện cảnh sát trật tự và chống cướp giật đề nghị được đầu tư thêm về kinh phí, phương tiện, nhân lực cho phù hợp với tình hình hiện nay. Ông Thanh lập tức đồng ý tăng thêm 20 quân cho lực lượng chống cướp giật, mua thêm súng của Đức và 50 môtô. Trước đề nghị tăng mức hỗ trợ trực, tuần tra cho chiến sĩ từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng, ông Thanh quả quyết: “Đã tăng thì tăng lên hẳn 100.000 đồng luôn để đảm bảo đời sống chiến sĩ”. Đầu tư mua ba máy đo độ ồn cho cảnh sát trật tự để chấm dứt tình trạng mỗi lần có việc lại phải đi mượn máy. Ngoài ra, TP sẽ đầu tư mở rộng trại giam Hòa Sơn thêm 5ha. Ngân sách TP mỗi năm dành 3,4 tỉ đồng đầu tư cho lực lượng chống cướp giật sẽ được chia đều cho công an và lực lượng biên phòng.

Theo ông Thanh, việc đầu tư cho lực lượng này không phải do tình hình phức tạp, mà đã tốt rồi nên muốn làm thêm cho tốt hơn. “Chúng ta đang xây dựng TP du lịch, TP đáng sống, vì vậy không thể hô bằng khẩu hiệu. TP đáng sống thì không thể để tội phạm tồn tại, TP du lịch thì không thể có lang thang, xin ăn, chèo kéo du khách được” – ông Thanh khẳng định.

ĐOÀN CƯỜNG