Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Ý kiến gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chiến lược giáo dục, đào tạo

Một bài viết rất tâm huyết của một độc giả trung thành website http://thutuongnguyentandung.net/ đã gửi cho ban biên tập, TVB xin trích đăng lại những bức xúc cũng như trăn trở của 1 người dân Việt Nam đứng trước nền giáo dục hiện tại

Kính gửi:  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

                   Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận

Tôi là phụ huynh của 2 đứa con hiện đang học phổ thông và đại học, nhưng gia đình tôi đang rất bức xúc trước việc các cháu phải học thuộc lòng quá nhiều. Ngoài ra, các cháu còn phải học thêm ở nhà. Mỗi tháng vợ chồng tôi phải bỏ ra 3 đến 4 triệu đồng thuê thầy dạy các môn mà ở lớp đã học. Người nông dân nghèo thì lấy tiền đâu để học hành như vậy? Theo tôi tìm hiểu ở lớp thì hần như tất cả các em học sinh, gia đình nào cũng phải cho con đi học thêm chính các môn cơ bản đã học ở lớp. Vậy chất lượng học ở lớp thế nào? khi Nhà nước tốn bao nhiêu tiền để trả lương cho thầy cô giáo, xây trường lớp, đóng học phí…

Cuộc sống luôn đặt ra câu hỏi cho chúng ta phải giải quyết, phải trả lời

Tôi xin gửi đến các Ngài ý kiến cá nhân của tôi về nền giáo dục, đào tạo hiện nay của nước ta như sau:

Hiện giáo dục, đào tạo của chúng ta quá thiên về học thuộc lòng, thiếu tư duy lô-gích, thiếu giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra. Và đây là lý do mà tôi cho là nguyên nhân chính dẫn tới chất lược giáo dục, đào tạo của nước ta quá lạc hậu và rất thấp so với các nước. Học thuộc quá nhiều làm cho học sinh dễ dẫn đến quay cóp khi đề thì yêu cầu học thuộc. Tạo ra thế hệ dối trá, hình thức, thụ động. Không có bản lĩnh giải quyết vấn đề.

Tôi đề xuất nên thay đổi chương trình giảng dạy của tất cả các cấp, từ tiểu học, phổ thông đến đại học và sau Đại học.

Mục đích của giáo dục đào tạo là gì?

Là tạo ra các thế hệ con em biết tư duy, biết cách giải quyết các vấn đề của cuộc đời đặt ra!

Học môn Văn không phải là học “biết để chơi” mà là “biết để làm”. Môn Văn không chỉ là môn “bồi dưỡng tâm hồn” mà quan trọng hơn là “công cụ” để học sinh có thể vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học ứng dụng vào trong cuộc sống tâm hồn như làm ra các bài thơ, câu chuyện, kịnh bản phục vụ cuộc sống, công việc và sự nghiệp.

Học môn Toán không phải suốt ngày bắt học sinh trình bày định nghĩa, trình bày khái niệm. Làm như thế, môn Toán sẽ là một môn học rất khô khan và khiến học sinh ghét. Mà chúng ta nên dạy Toán thông qua những ví dụ, những bài toán rất gần gũi mà cuộc sống đang đặt ra cho học sinh.

Học đại số đề làm gì? nếu chỉ dạy đại số thì học sinh sẽ ngán. Nhưng nếu đưa ra 1 vấn đề sinh động trong thực tế, buộc học sinh phải tìm hiểu đại số, và vận dụng đại số. Lúc đó học sinh mới thấy ý nghĩa của đại số. Học hình học để làm gì? nếu chỉ dạy hình học, học sinh sẽ ngán. Nhưng đưa ra vấn đề đo độ cao của ngôi nhà của bạn, buộc học sinh phải tìm hiểu hình học để giải quyết bài toán thực tế trên. Lúc đó học sinh sẽ thấy ý nghĩa của hình học.

Chương trình giáo dục phổ thông và đào tạo bậc Đại học, chúng ta nên giảng dậy cho học sinh, sinh viên là “tại sao?”, “giải quyết như thế nào”, hơn là “trình bày”, “nêu khái niệm”. Làm cách này sẽ giảm tải cho học sinh, sinh viên, và công sức của giáo viên rất nhiều. Sẽ bớt đi phần học thêm đang đè nặng con em chúng ta. Chính cách giảng dạy này đang tiêu tốn đi nguồn lực rất lớn trong xã hội.

Cuộc đời luôn đặt ra những bài toán khó cần phải giải quyết

Học sinh trước khi thi Đại học, bò lăn bò lộn để ôn thi học thuộc với khối lược kiến thức cực lớn, có em còn bị thần khinh khi thi trượt Đại học. Khi thi xong rồi thì xả hơi, quên cho bằng hết. Suốt 4 đến 5 năm trời mài ghế giảng đường Đại học, vẫn là học thuộc là nhiều, tư duy thì ít! Thi vẫn “đề đóng” là nhiều! Cuối cùng, khi tốt nghiệp ra trường, các doanh nghiệp vẫn kêu la là yếu kém, doanh nghiệp phải đào tạo lại các kỹ năng. Có sinh viên còn không viết nổi bản xin việc, hoặc lý lịch cho mình, không biết thuyết trình một đề tài nào ra hồn. Tất cả là do cách giảng dạy của chúng ta bắt con em học thuộc quá nhiều hơn là tư duy.

Chúng ta đang biến cái đầu của con em chúng ta thành cái “ổ cứng” để nhớ, chứ không phải là “CPU” biết xử lý, biết giải quyết các bài toán cuộc đời đặt ra.

Đối với Học sinh thì không phải là học thuộc 1 bài thơ, bài văn. Mà là cảm nhận bài thơ đó nhưu thế nào? biết phân tích nó, và hơn hết là biết làm ra 1 bài thơ, 1 bài văn! Khi lớn lên, biết viết cách viết 1 bài báo, biết viết 1 kịch bản phim chuyện hay, biết phổ biến văn hóa Việt ra thế giới.

Nhiều em học sinh đi học khoác cặp sách to hơn người vì phải mang quá nhiều sách vở tới trường, nhìn mà thấy tội nghiệp. Có em không mang nổi phải nhờ bố mẹ mang cặp giúp mình.

Đối với Sinh viên thì không phải hãy trình bày, nêu định nghĩa….Mà hiểu vấn đề đó như thế nào? và tại sao? muốn trả lời được tại sao, buộc sinh viên phải tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để trả lời cho thuyết phục!

Đối với Luật sư là khi bào chữa vụ án, không ai cấm nghiên cứu tài liệu, không ai cấm nghiên cứu các Bộ luật. Vấn đề là tìm tòi, nghiên cứu các điều luật, các chứng cứ, các tình tiết để giải quyết được việc bào chữa chính xác khách quan đem lại công bằng cho thân chủ.

Đối với Kỹ sư thì không ai cấm anh ta nghiên cứu tài liệu, không ai cấm anh ta học hỏi, tìm tòi những người đi trước. Vấn đề là với những thứ đó, anh vận dụng thế nào để tạo ra các sản phẩm kỹ thuật tốt, có giá trị cao. Kỹ sư ô tô thì tạo ra các chiếc xe hơn tốt. Kỹ sư đóng tàu thì tạo ra các tàu chiến, tàu khách hiện đại, phục vụ cho chính cuộc sống đang đặt ra.

Đối với nhà lãnh đạo đất nước, không ai cấm vị lãnh đạo tìm hiểu tài liệu. Vấn đề là Lãnh đạo xử lý thế nào? điều hành ra sao? quyết định và phán đoán thế nào? trước những vấn đề đặt ra của đất nước!

Hạn chế học thuộc, mà tập trung giải quyết vấn đề sẽ tiết kiệm công sức cho giáo viên, và giảm tải cho học sinh, sinh viên.

Tất cả những gì tiết kiệm được, Nhà nước bỏ ra để trả lương cao, đầu tư chất lượng cho thầy cô giáo, để hạn chế dạy thêm, mà tập trung dạy cho tốt, giúp học sinh sinh viên giải quyết được các bài toán cuộc đời đặt ra.

Tôi xin Thủ tướng và Bộ trưởng xem xét lại chương trình Giáo dục và Đào tạo hiện nay của nước ta. Nếu ta thay đổi, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực rất lớn cho xã hội. Tạo ra các thế hệ con em tài giỏi, biết giải quyết vấn đề, đưa đất nước ta tiến lên.

Nguyễn Văn Trí

Tp.HCM

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ

Chiều 20/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae để trao đổi một số nội dung mà hai nước đang cùng hợp tác thực hiện.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển tốt đẹp, với nhiều kết quả hợp tác cụ thể, đặc biệt là sau chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007 và chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10/2011.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ, ông Ranjit Rae.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thông báo với Đại sứ Ranjit Rae về chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Đoàn cấp cao Việt Nam vào cuối tháng 3 tới. Chuyến thăm này nhằm triển khai hiệu quả và cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 10/2011). Trọng tâm của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ.

Đại sứ Ranjit Rae hoan nghênh chuyến thăm Ấn Độ tới đây của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và tin tưởng, chuyến thăm sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, đồng thời là dịp để thúc đẩy và phát triển toàn diện các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ.

Ông Ranjit Rae khẳng định, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của Ấn Độ để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm chính thức của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến Ấn Độ trong thời gian sắp tới.

Triều Tiên đe dọa Hàn Quốc trước hội nghị hạt nhân

Triều Tiên đe dọa về hậu quả thảm khốc nếu như các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Seoul vào tuần tới đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.


Bất cứ tuyên bố nào được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Seoul cũng được coi là một tuyên bố chiến tranh.

Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân diễn ra vào ngày 26-27 tháng 3, với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo thế giới, sẽ tập trung vào vấn đề đẩy lùi khủng bố hạt nhân. Tuy nhiên, chương trình nguyên tử của Triều Tiên và tuyên bố về kế hoạch phóng tên lửa của nước này sẽ được thảo luận sâu tại các cuộc họp bên lề.

Triều Tiên cho rằng hội nghị hạt nhân – sự kiện ngoại giao lớn nhất từ trước tới nay tại Hàn Quốc – là một “trò hề nhạt nhẽo” nhằm mục đích biện minh cho một cuộc tấn công nguyên tử do Hàn Quốc và Mỹ tiến hành.

“Đó là một nỗ lực nực cười và một mưu đồ không thể tha thứ được của Lee Myung Bak”-Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm qua tuyên bố.

“Bất kỳ hành động khiêu khích cũng sẽ được coi là một tuyên bố chiến tranh chống lại chúng tôi và hậu quả của nó sẽ tạo ra những trở ngại để đàm phán về một vùng phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.”-KCNA nói thêm.

KCNA cũng nói rằng chính quyền của ông Lee Myung-bak đang cố gắng “biến một sự kiện thế giới thành một nơi đối đầu với Triều Tiên, giành lợi thế với tư cách là chủ nhà. Đồng thời KCNA cũng nhắc lại cái được gọi là “vấn đề hạt nhân Triều Tiên” không tồn tại. Không có bằng chứng nào được đưa ra.”

Hầu như ngày nào truyền thông Triều Tiên cũng đưa ra các bài báo và các bài bình luận lên án hội nghị thượng đỉnh hạt nhân kể từ đầu tháng này, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Triều Tiên đe doạ chiến tranh với các nước tham dự.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Triều Tiên thất vọng khi Trung Quốc và Nga cũng tham gia hội nghị vì thế truyền thông nước này đã cố gắng tăng cường hăm dọa”. Nhưng Seoul “sẽ không đáp lại tất cả các tuyên bố từ họ”, ông nói thêm.

Sầm Hoa (Theo Chosunilbo/Bangkokpost)

Việt Nam phản đối Trung Quốc bắt tàu cá, đòi tiền chuộc

“Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”

-> ĐỌC: Bộ Ngoại giao phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Phản đối Trung Quốc bắt tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ như vậy, trước sự việc Trung Quốc đã bắt và hiện đang giam giữ  21 ngư dân cùng hai tàu cá của Việt Nam mang số hiệu Quảng Ngãi, QNg 66074 TS; QNg 66101 TS. Do ông Trần Hiền và Lê Vinh làm  thuyền trưởng, khi đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa ngày 3/3.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị.

Những người này chủ yếu là dân xã An Vĩnh, Lý Sơn, hiện đang bị giữ trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Trong thời gian các ngư dân này bị giam giữ thì phía Trung Quốc đã gọi điện cho gia đình họ đòi tiền chuộc. Với số tiến là 70.000 nhân dân tệ, tức khoảng 11.000 đôla Mỹ.
Đề cập tới vấn đề này, chiều 21/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Yêu cầu nước này thả ngay và vô điều kiện các ngư dân, tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam”. Về phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam để “giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân”.
Đánh đập ngư dân

Theo báo Sài Gòn Tiếp thị dẫn nguồn từ Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn ngày 27/2 vừa qua, hai tàu cá mang số hiệu QNg 96197 TS; QNg 96103 TS với 31 thuyền viên của Lý Sơn khi hoạt động trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã bị phía Trung Quốc đập phá tài sản, cản trở không cho đánh bắt. Trước đó, ngày 22/2, 11 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trên tàu cá Qng 90281 TS khi đi vào quần đảo Hoàng Sa để tránh gió đã bị Trung Quốc dùng vũ lực ngăn cản, đánh đập, lục soát và tịch thu tài sản.
Sau đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đến Toà đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội phản đối và yêu cầu nước này bồi thường cho ngư dân. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có hành động bồi thường cho ngư dân Việt Nam.

Mộc Lan -  nguồn: http://thutuongnguyentandung.net/viet-nam-phan-doi-trung-quoc-bat-tau-ca-doi-tien-chuoc.html

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp ngài Faris Al-Ani, Đại sứ Iraq

Kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, hôm nay ngày 21/3 tại Hà Nội, Ngài Faris Al-Ani, Đại sứ Iraq đã dến chào tạm biệt Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, ngài Faris Al-Ani bày tỏ vui mừng và cảm ơn sự giúp đỡ của các cơ quan Việt Nam trong nhiệm kỳ công tác. Ngài Đại sứ khẳng định rằng Iraq coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhân dân Iraq luôn ngưỡng mộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Ngài Faris Al-Ani, Đại sứ Iraq tại Việt Nam

Ngài Đại sứ nhấn mạnh đất nước Iraq vừa trải qua nhiều thay đổi, đang trong quá trình tái thiết đất nước; đánh giá cao những tiềm năng của Việt Nam và mong muốn Việt Nam góp phần tham gia vào công cuộc tái thiết đất nước.

Ngài Faris Al-Ani cho rằng hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác, không chỉ trên lĩnh vực dầu khí; tin tưởng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt và vượt ngưỡng 1 tỷ USD; khẳng định Iraq ủng hộ Việt Nam sớm mở lại Đại sứ quán tại Baghdad, góp phần tạo cầu nối quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những đóng góp của Ngài Đại sứ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị nhiều mặt giữa hai nước.

Ông Trướng Tấn Sang cho biết Việt Nam luôn quan tâm theo dõi những thành tựu quan trọng mà nhân dân Iraq đã đạt được trong việc ổn định tình hình chính trị, tái thiết đất nước và phát triển nền kinh tế; vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian gần đây đã có bước phát triển tích cực, đặc biệt là thành công của kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Iraq tại Baghdad hồi tháng 5/2011.

Chủ tịch nước đề nghị hai nước tăng cường quan hệ cấp cao; hợp tác chặt chẽ tìm giải pháp nâng cao kim ngạch thương mại song phương.

Iraq từng là một trong những đối tác thương mại chính của Việt Nam tại Trung Đông, Chủ tịch nước mong muốn phía Iraq tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, hoạt động hiệu quả tại Iraq.

Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ và Bộ Ngoại giao Iraq tiếp tục hỗ trợ Việt Nam sớm khôi phục hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Baghdad. Qua ngài Đại sứ, Chủ tịch nước mời Tổng thống đương nhiệm Iraq sang thăm Việt Nam. Chủ tịch nước tin tưởng đất nước Iraq sẽ sớm ổn định, có bước phát triển mới./.

Theo (TTXVN)

Tăng sĩ ở Trường Sa - những cột mốc tín ngưỡng và văn hóa

Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn sẽ đón tăng sĩ từ đất liền ra tiếp quản các ngôi chùa vừa xây xong.

Từ đây, trên quần đảo Trường Sa, ngoài những ngôi trường vang tiếng trẻ thơ, còn có những ngôi chùa với câu kinh lời kệ, nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tôn giáo cho cán bộ, chiến sĩ và người dân.

Tăng sĩ ở Trường Sa - những cột mốc tín ngưỡng và văn hóa

Những người khoác áo cà sa ra Trường Sa không phải chỉ tìm cho mình một nơi để tu tập, một cộng đồng để hành đạo, mà lựa chọn một vùng biển đảo phên giậu của tổ quốc để dấn thân. Những tăng sĩ tuổi còn rất trẻ, đến Trường Sa vì làm việc phật sự nhưng cũng vì một lẽ yêu nước thương nòi. Lịch sử đất nước còn ghi danh nhiều nhà sư yêu nước. Ngày nay cũng thế.
Trường Sa có những ngọn hải đăng là cột mốc chủ quyền, có cán bộ, chiến sĩ là những cột mốc sống. Hôm nay, Trường Sa có những ngôi chùa của nước Việt, có lời kinh được đọc bằng tiếng Việt, đó là những cột mốc tín ngưỡng và văn hóa được đóng sâu, chôn chặt vào biển đảo ngàn dặm quê hương. Nhiệm vụ đó được các tăng sĩ đảm đương. Đã đến Trường Sa, nhiệm vụ nào cũng khó khăn, cũng đối diện với hiểm nguy và với tinh thần dấn thân cao nhất.

Chùa ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: Mỹ Giang

Người tu hành không thiếu những sóng gió, những cám dỗ của đời thường, những mời mọc an thân. Cho nên, đến với những hòn đảo san hô xa xôi để hành đạo cũng là một lựa chọn rất đáng trân trọng.

Tọa lạc trên hòn đảo xa nhất trong toàn quần đảo Trường Sa, chùa Song Tử Tây có quy mô hoành tráng cùng cảnh quan thoáng đãng, trong lành. Phía sau ngôi chùa là ngọn hải đăng trên đảo.
Không chỉ hành đạo, những tăng sĩ ra Trường Sa tiếp quản các ngôi chùa đều là những trí thức được đào tạo bài bản, có người được tu học ở nước ngoài. Cho nên, ngoài dạy đạo, tăng sĩ trên Trường Sa còn là những người thầy dạy chữ, dạy văn hóa, lịch sử, ngoại ngữ. Sự kết hợp giữa tu và hành, đạo và đời thật rất có ý nghĩa.

theo thutuongnguyentandung.net

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Bộ Ngoại giao phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Ngày 21/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc phía Trung Quốc đã bắt và hiện đang giam giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của Việt Nam mang số hiệu QNg66101TS và QNg 66074TS, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị

“Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam.”
VNA