Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Trung Quốc chi 4 tỉ USD mua Su-35 của Nga

Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký kết một hợp đồng cung cấp 48 máy bay Su-35 với giá trị lớn chưa từng có trong những năm đầu của thập kỷ.

Theo Nhật báo Kommersant, Nga và Trung Quốc có thể sẽ nhanh chóng ký kết một hợp đồng trị giá 4 tỷ USD về việc cung cấp 48 máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi Su-35 Flanker-E cho Lực lượng Không quân Trung Quốc (PLAAF).

Theo nhiều nguồn tin thân cận với Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexpor, "các bên hầu như đã thống nhất thỏa thuận về số lượng máy bay được cung cấp. Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng mua 48 máy bay chiến đấu đa năng Su-35", Theo ông, tổng giá trị của hợp đồng được dự kiến lên tới 4 tỷ USD (tức là vào khoảng 85 triệu USD/chiếc Su-35). Tuy nhiên, nguồn tin cho rằng, giá trị của hợp đồng sẽ có thể thay đổi trong quá trình đàm phán.

Hợp đồng cung cấp 48 chiến đấu cơ đa năng Su-35 sẽ là thương vụ lớn nhất trong lịch sử hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Trung trong những năm gần đây.

Thị phần xuất khẩu vũ khí Nga sang Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ năm 2007, và từ năm 2003, các hợp đồng vũ khí lớn giữa Bắc Kinh và Moscow đã không được ký kết.

Tuy nhiên, trong thỏa thuận ký kết giữa hai bên, Nga đòi hỏi Bắc Kinh đảm bảo pháp lý về bản sao các máy bay chiến đấu Nga. Đáp lại, Trung Quốc cho rằng điều khoản như vậy là vội vã.

Lần đầu tiên Trung Quốc tỏ ra quan tâm đến máy bay Su-35 là vào năm 2008, tại hội trợ triển lãm hàng không Trung Quốc. Tư lệnh Lực lượng Không quân PLA là Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) đã có chuyến đến thăm gian hàng trưng bày các chiến đấu cơ của công ty Sukhoi và đánh giá cao về hiệu quả và hiệu suất của chiến đấu cơ đa năng mới.

Trong năm 2010, xuất hiện có một số thông tin không chính thức về việc Trung Quốc mong muốn có được các chiến đấu cơ đa năng thế hệ 4++ Su-35 của Nga. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ được xác nhận trong tháng 2/2012, khi Phó Giám đốc liên bang về Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga Alexander Fomin cho biết: "Trong năm 2011, phía Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng mua các máy bay Su-35 với một số lượng nhất định".

Tuy nhiên, theo yêu cầu trong hợp đồng mới, Nga nhấn mạnh một yêu cầu rằng, phía Trung Quốc phải đảm bảo pháp lý của quyền sở hữu trí tuệ. "Đây thực sự là một điều kiện cần thiết", nguồn tin khẳng định.


Su-35 là chiến đấu cơ đa năng thế hệ 4++, máy bay được trang bị với động cơ lực đẩy vector 117S, hệ thống radar mảng pha tiên tiến, và được ứng dụng một số công nghệ hiện đại nhất trên máy bay thế hệ thứ 5.

Moscow hoàn toàn có cơ sở để lo ngại Trung Quốc sao chép công nghệ. J-11 của Trung Quốc là một bản sao của Su-27 Flanker, Thẩm Dương, FC-1 là bản sao từ MiG-29 Fulcrum của Nga. Một trường hợp khác liên quan đến loại tiêm kích hạm Su-33, Trung Quốc đã sao chép nó từ một nguyên mẫu T-10K của Ukraina thành một máy bay tương tự gọi là J-15 để trang bị trên tàu sân bay đầu tiên của họ. Vụ việc mới đây nhất, Trung Quốc đã sao chép thành công máy bay Su-30MK2 với tên gọi J-16, và giao nhiệm cho nhà máy sản xuất máy bay ở Thẩm Dương nhiệm vụ sản xuất loạt 24 chiếc J-16 đầu tiên cho Hải quân.

Nguồn tin trong chính phủ Nga nhắc lại, từ các sản phẩm sao chép, Trung Quốc xúc tiến xuất khẩu máy bay của họ cho các nước thứ ba. Trong năm 2009, bản sao máy bay FC-1 đã được Trung Quốc bán cho Myanmar, và một năm sau đó là Ai Cập.

Hơn nữa, công nghệ chế tạo máy bay ở Trung Quốc lạc hậu hơn nhiều so với Nga, dẫn đến chi phí chế tạo máy bay cũng rẻ hơn 3,5 lần. Do đó, Moscow đã bắt đầu suy nghĩ về những mối nguy hiểm tiềm tàng bởi đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc.

Trong tháng 7/2010, Văn phòng chính sách đối ngoại của Chính phủ Nga thậm chí con đưa ra một nghiên cứu đặc biệt về chủ đề này.

Chuyên gia Vasily Kashin tại Trung tâm Phân tích Công nghệ và Chiến lược Nga cho biết: "Việc sẵn sàng mua một lô lớn máy bay chiến đấu chỉ ra rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về kỹ thuật trong quá trình chế tạo các máy bay của họ mà dựa trên các biến thể Su-27 của Nga",

"Họ có thể học được nhiều từ các máy bay chiến đấu mới", ông Kashin nói.

Cần lưu ý, trong năm 2008, Nga và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận khung về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực mua bán vũ khí. Trung Quốc đã đưa ra những phản ứng tích cực. Tuy nhiên, chuyên gia Kashin cảnh báo, ngay cả khi Trung Quốc đồng ý để hợp thức hóa quyền sở hữu chí tuệ trên máy bay Su-35, việc theo dõi để biết được liệu Bắc Kinh có thực hiện đúng thỏa thuận hay không là điều không thể, ông kết luận.

Quả chuông kỳ lạ nhất trong lịch sử Việt Nam

Được coi là quả chuông kỳ lạ nhất trong lịch sử Việt Nam, mỗi khi đất nước có biến động, chuông Vân Bản lại tự mình "tìm đường xuống đáy biển trú ẩn", đến khi đất nước bình yên lại trở về…

Nằm trong một góc khuất của Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia (Hà Nội), chuông cổ Vân Bản hàng ngày vẫn im lặng trước cái nhìn của hàng trăm lượt khách tham quan. Có lẽ, đa phần trong số họ chỉ coi đây như một quả chuông cổ bình thường như nhiều hiện vật khác trong bảo tàng. Ít ai biết rằng đây là một quả chuông “có linh hồn” với số phận gắn với những câu chuyện hết sức lạ lùng trong lịch sử.

Chuông được tìm thấy năm 1958 tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng, sau đó được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng cho đến ngày nay. Trên thân chuông không khắc niên đại. Theo nghiên cứu của các nhà sử học, chuông được đúc trong thời Trần (thế kỷ 13), là một trong 3 quả chuông cổ nhất Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Trong thời kỳ đầu tiên, chuông được treo tại chùa Vân Bản (Đồ Sơn - Hải Phòng). Tương truyền rằng vào thời Trần, một nhà sư Ấn Độ đã đến Đồ Sơn dựng chùa Hang. Vì chùa nằm sát mép nước, sợ biển đe dọa nên nhân dân dời về chùa Vân Bản và đúc chuông. Bài minh văn trên chuông tuy bị mờ mòn nhiều, nhưng vẫn còn có thể đọc được phần lớn số chữ, trong đó có đoạn mô tả ngôi chùa nằm trên một mỏm núi hướng ra biển.

Vị trí gần với biển cũng liên quan trực tiếp tới những âu chuyện nửa hư nửa thực lưu truyền trong dân gian, khiến chuông Vân Bản được coi là quả chuông có số phận kỳ lạ nhất Việt Nam.

Chuông Vân Bản được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ năm 1958.

Theo đó, chuông Vân Bản được cho là một quả chuông "thiêng", do người dân khu vực Đồ Sơn gìn giữ nhiều đời. Trải qua cuộc bể dâu của đất nước, chuông đã nhiều lần nằm dưới đáy biển sâu. Tuy vậy, như có một thế lực nào xui khiến, đến một thời điểm nào đó chuông lại được "thỉnh về". Tính ra, thời gian chuông Vân Bản nằm dưới đáy biển nhiều hơn thời gian được treo tại chùa.

Tương truyền, sau nhiều thăng trầm lịch sử, chùa Vân Bản bị đổ nát, chuông lăn xuống biển. Ít lâu sau, dân chúng hò nhau trục vớt được quả chuông ở bến đò Họng, rồi rước về chùa Nam gần đó. Trải qua vài trăm năm sau, do một trận bão lớn, chùa bị đổ sập, chuông lại bị lăn xuống biển ở chân núi Tháp. Đến thời Lê, chùa Vân Bản được dân chúng dựng lại ở ven núi. Sau khi chùa mới dựng xong, người dân Đồ Sơn lại tìm được quả chuông, đem về treo ở chùa.

Những thế kỷ sau đó, chuông Vân Bản còn nhiều lần tuyệt tích dưới đáy biển. Dân gian cũng đồn đại rằng những lần chuông biến mất đều trùng với thời điểm đất nước có biến loạn. Chuông đã một lần bị thất lạc từ thế kỷ 15 để tránh cuộc hủy hoại văn hóa Đại Việt trên quy mô lớn của giặc Minh. Đầu thế kỷ 19, chuông lại “lặn” xuống biển để tránh việc phá chùa Tháp của Hoàng Cao Khải... Đến khi nào "muốn" trở lại đất liến thì chuông sẽ "tự" cho con người những dấu hiệu để trục vớt.

Cũng có ý kiến cho rằng người dân Đồ Sơn đã chủ động giấu chuông Vân Bản xuống đáy biển và dựng lên những câu chuyện kỳ bì để bảo vệ quả chuông này. Và đến khi đất nước bình yên, họ tìm lại quả chuông để đưa về chùa.

Chuông được cho là đã tự "lăn" vào lưới của một ngư dân ở Đồ Sơn vào năm 1958 -thời điểm đất nước ta lập lại hòa bình được một thời gian ngắn, khi người này đang buông lưới đánh cá. Thấy lưới nặng, người ngư dân tưởng một con cá lớn mắc lưới nhưng kéo mãi không lên. Người ngư dân này đành nhờ người lặn xuống biển gỡ lưới, không ngờ "con cá" trong lưới chính là một quả chuông lớn. Khi quả chuông được phát hiện, người dân Đồ Sơn đã phỏng đoán đó là chuông Vân Bản vì câu chuyện về chiếc chuông nhiều lần đắm mình xuống đáy biển đã được lưu truyền từ lâu.

Điều đặc biệt là chuông bị chìm dưới biển hàng thế kỷ nhưng không hề bị nước mặn ăn mòn, làm hư hỏng. Có người lý giải rằng, chuông bền như vậy vì được đúc với một tỷ lệ vàng rất cao.

Một số hình ảnh về chuông Vân Bản:


Chuông Vân Bản có kích thước to lớn, cao 125cm, đường kính miệng 80cm.


Quai chuông trang trí hai con rồng đấu lưng vào nhau, nơi tiếp giáp ở vị trí cao nhất trang trí hình búp sen vẩy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng.


Hình tượng rồng mang nhiều đặc trưng của thời Trấn.



Thân chuông có nhiều đường gân ngang dọc tạo thành 8 ô, 4 ô trên hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật.


Chuông có 6 núm gõ, xung quanh mỗi núm có 16 núm tròn nhỏ tạo thành hình bông cúc. Phần vành miệng trang trí 52 cánh sen.


Trong hai ô trên có hai bài minh văn khắc chìm chữ Hán, 4 ô dưới để trơn.


Không chỉ là một quả chuông cổ gắn với các huyền tích của Đồ Sơn, đây còn là một quả chuông có giá trị nghệ thuật rất cao.


Chuông bị chìm dưới biển hàng thế kỷ nhưng không hề bị nước mặn ăn mòn, làm hư hỏng. Có người lý giải rằng, chuông bền như vậy vì được đúc với một tỷ lệ vàng rất cao.


Ấn Độ và Mỹ tiến hành tập trận chống khủng bố

Quân đội Ấn Độ và Mỹ ngày 5/3 đã bắt đầu cuộc tập trận chống khủng bố thường niên mang tên "Yudh Ahbyas" tại bang Rajasthan ở miền Tây Ấn Độ.

Quân đội Ấn Độ và Mỹ ngày 5/3 đã bắt đầu cuộc tập trận chống khủng bố thường niên mang tên "Yudh Ahbyas" tại bang Rajasthan ở miền Tây Ấn Độ.
Một cuộc tập trận của binh sỹ Mỹ. (Nguồn: Internet) Tham gia cuộc tập trận kéo dài 2 tuần này, Ấn Độ cử 200 binh lính thuộc Bộ Tư lệnh Tây Nam đóng tại thành phố Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan.


Mỹ cũng cử 200 binh sỹ tương ứng thuộc Lữ đoàn công binh số 2, cùng các phương tiện cơ giới chiến đấu.

Nội dung cuộc tập trận chủ yếu nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, kiểm tra các kỹ năng tác chiến trên sa mạc của binh sỹ hai bên.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết hai bên sẽ kiểm tra các kỹ năng chiến đấu trong môi trường sa mạc khô nóng, thực hành kỹ chiến thuật lấy bối cảnh hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với sự tham gia của các lực lượng cơ giới.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Đà Nẵng sẽ nỗ lực trong việc giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn

Ngày 6/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với các cán bộ phụ nữ và trao giải “Chi hội Phụ nữ tiêu biểu”.

Trong buổi gặp mặt này, ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định, các cấp ủy Đà Nẵng sẽ nỗ lực hết sức trong việc giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn, các hộ phụ nữ nghèo đơn thân bằng nhiều hành động thiết thực, không để họ cô độc trong cuộc sống.


Ông Nguyễn Bá Thanh trao quà cho người già neo đơn.

Hai chủ trương đáng chú ý của Thành ủy là bố trí nhà chung cư cho những hộ phụ nữ nghèo khó và xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo tại địa bàn dân cư theo phương thức đối ứng.
Theo đó, mỗi hội viên phụ nữ sẽ đóng góp 500.000 đồng/hội viên/năm vào quỹ, đồng thời sẽ huy động nguồn vốn từ các nhà hảo tâm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ hỗ trợ suất tiền này với những phụ nữ đặc biệt nghèo.

Phía thành phố sẽ hỗ trợ thêm vốn đối ứng. Các chi hội phụ nữ sẽ dùng nguồn quỹ này để hỗ trợ, cho vay đối với các trường hợp quẫn bách, khó khăn của mỗi hội viên.
Trao đổi về việc bố trí nhà chung cư cho các hộ phụ nữ nghèo đơn thân, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, đến nay thành phố đã bố trí miễn phí 300 căn nhà chung cư cho cho phụ nữ nghèo, làm các dãy nhà liền kề cho phụ nữ đơn thân ở nhà thuê.

Trong năm 2012, thành phố sẽ bố trí cho tất cả phụ nữ nghèo đơn thân đang ở nhà thuê sang các chung cư mới xây, để họ có một nơi ở đàng hoàng, yên tâm làm ăn. Còn từ nay đến cuối tháng 6/2012, sẽ tập trung rà soát lại hộ nghèo và trong vòng 3 năm rưỡi sẽ kết thúc việc xóa nghèo cho các hộ này.

Giúp 948 hộ phụ nữ thoát nghèo

Theo chị Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, thành công lớn của Hội trong năm 2011 là phong trào thi đua “Giúp 1.000 họ phụ nữ thoát nghèo bền vững” của các cấp hội. Sau 1 năm triển khai, đã có 948 hộ phụ nữ thoát nghèo.

Đây là sự góp sức không chỉ của các hội viên phụ nữ mà còn là sự nỗ lực của bản thân của mỗi phụ nữ nghèo được giúp đỡ vươn lên thoát khỏi đói nghèo thông qua các mô hình: nuôi heo đất, ống tre tiết kiệm, hũ gạo tình thương…

Bên cạnh đó, với chương trình thi đua đặc biệt “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo” do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng đã huy động được trên 1 tỷ đồng.

Tại buổi gặp mặt, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cũng trao giải thưởng cho 10 Chi hội Phụ nữ tiêu biểu.

Theo ChinhPhu -  http://nguyenbathanh.net/dong-chi-nguyen-ba-thanh-da-nang-se-no-luc-trong-viec-giup-do-cac-hoi-vien-phu-nu-kho-khan.html

Tiểu sử Nguyễn Phú Trọng: Tổng bí thư ban chấp hành TW Đảng

Để trả lời cho câu hỏi ông Nguyễn Phú Trọng là ai? là người như thế nào ? Mời các bạn theo dõi những luồng thông tin đúng sự thật về tiểu sử/lý lịch và quá trình hoạt động của Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng


Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944, xuất thân trong gia đình nông dân, dân tộc Kinh. Quê quán: xã Ðông Hội, huyện Ðông Anh, thành phố Hà Nội. Nơi ở hiện nay: số 5, phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Nghề nghiệp khi được tuyển dụng: học sinh.

Ngày được tuyển dụng làm cán bộ, công chức, viên chức: 5-12-1967.

Ngày vào Ðảng: 19-12-1967; ngày chính thức: 19-12-1968.

Trình độ được đào tạo: giáo dục phổ thông: tốt nghiệp hệ 10 năm.

Chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Ðại học Tổng hợp Hà Nội (hệ 4 năm).

Học hàm, học vị: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Ðảng).

Lý luận chính trị: Cao cấp

Ngoại ngữ: Tiếng Nga

Khen thưởng: Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí, Huy chương Vì sự nghiệp thế hệ trẻ…

Ủy viên chính thức Trung ương Ðảng các khóa VII, VIII, IX, X.

Ủy viên Bộ chính Trị các khóa VIII, IX, X; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8-1999 – 4-2001).

Ðại biểu Quốc hội các khóa XI, XII.

Tóm tắt quá trình công tác

1957-1963: Học Trường phổ thông cấp II, cấp III Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội.

1963-1967: Sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

12-1967 – 7-1968: Cán bộ Phòng Tư liệu, Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí cộng sản).

7-1968 – 8-1973: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Ðảng, Tạp chí Cộng sản. Ði thực tập ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (1971); Bí thư Chi đoàn cơ quan Tạp chí Cộng sản (1969-1973).

8-1973 – 4-1976: Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế – Chính trị, Trường Ðảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Chi ủy viên.

5-1976 – 8-1980: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Ðảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư chi bộ.

9-1980 – 8-1981: Học Nga văn tại Trường Ðảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

9-1981 – 7-1983: Thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Ðảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.

8-1983 – 2-1989: Phó Trưởng ban Xây dựng Ðảng (10-1983), Trưởng Ban Xây dựng Ðảng, Tạp chí Cộng sản (9-1987); Phó Bí thư Ðảng ủy

(7-1985 – 12-1988), Bí thư Ðảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản (12-1988 -12-1991).

3-1989 – 4-1990: Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản.

5-1990 – 7-1991: Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

8-1991 – 8-1996: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

1-1994 đến nay: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt nam các khóa VII, VIII, IX, X.

8-1996 – 2-1998: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Cán sự Ðại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

12-1997 đến nay: Ủy viên Bộ chính Trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X.

2-1998 – 1-2000: Phụ trách công tác Tư tưởng-Văn hóa và Khoa giáo của Ðảng.

8-1999 – 4-2001: Tham gia Thường trực Bộ Chính trị.

3-1998 – 8-2006: Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (3-1998 – 11-2001); Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, phụ trách công tác lý luận của Ðảng (11-2001 – 8-2006).

1-2000 – 6-2006: Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV.

5-2002 đến nay: Ðại biểu Quốc hội các khóa XI, XII.

6-2006 đến nay: Bí thư Ðảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng (tháng 1- 2011), đồng chí đã được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thân mật Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Chile

Thúc đẩy quan hệ hợp tác và tăng cường đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai nước,  Chiều 29/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Chile do Chủ tịch Guido Girardin Lavin  tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Chủ tịch Thượng viện Chile Guido Girardin Lavin và Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Chile sang thăm Việt Nam; đánh giá cao kết quả các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo cấp cao Quốc hội và Nhà nước Việt Nam.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Thượng viện Chile, Guido Girardi Lavin

Chúc mừng những thành tựu của nhân dân Chile trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Tổng Bí thư cũng cảm ơn những tình cảm đoàn kết và sự ủng hộ quý báu mà nhân dân Chile dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay; bày tỏ hài lòng về sự phát triển nhanh chóng của quan hệ hai nước, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo với Chủ tịch Thượng viện Chile một số nét lớn về tình hình Việt Nam gần đây; mong muốn Quốc hội hai nước tăng cường quan hệ hợp tác, góp phần củng cố, phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước và sự thịnh vượng của mỗi nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á, Mỹ La tinh và trên thế giới.

Về phía Chile, Chủ tịch Thượng viện Guido Girardin Lavin chúc mừng những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới ở Việt Nam; tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Chủ tịch Thượng viện Chile thông báo với Tổng Bí thư kết quả của các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo cấp cao Quốc hội, Nhà nước Việt Nam và một số nét lớn về tình hình Cộng hòa Chile gần đây; đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của quan hệ hai nước trong đó có quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp; mong muốn và khẳng định tiếp tục thúc đẩy và tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa Quốc hội, Nhà nước và nhân dân hai nước, đưa quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn./.

Theo (TTXVN)

Nguyễn Bảo Hoàng Tổng Giám Đốc IDG Venture Việt Nam

Đánh giá cao khả năng phân tích thị trường và năng lực quản lý của Nguyễn Bảo Hoàng, người sáng lập Tập đoàn IDG toàn cầu – Patrick McGovern đã giao cho Hoàng đảm đương vị trí Tổng giám đốc điều hành của IDG Venture Việt Nam kể từ năm 2003.

Trong giới đầu tư tài chính ở Việt Nam, Nguyễn Bảo Hoàng được “xét nét” nhất vì anh xuất thân từ một bác sĩ y khoa tốt nghiệp tại Mỹ nhưng lại được giao điều hành một quỹ đầu tư được xem là mạo hiểm nhất tại thị trường Việt Nam: IDG Ventures Việt Nam.

Nguyễn Bảo Hoàng tốt nghiệp xuất sắc ngành văn học cổ điển tại Đại học Harvard khóa học 1991-1995. Sau đó, anh lấy bằng bác sỹ y khoa của Trường Y Feinberg (Feinberg School of Medicine, thuộc Đại học Northwestern) và thạc sĩ khoa quản trị kinh doanh thuộc Trường Quản trị Kinh doanh Kellogg (Kellogg School of Management) cũng của Trường Đại học Northwestern) cùng trong năm 2000 (khoá học 1995-2000).

Nhưng có lẽ bước ngoặt cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bảo Hoàng là cuộc gặp tình cờ vào năm 2003 giữa anh với tỷ phú Mỹ Patrick McGovern-người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn IDG của Mỹ.
Đánh giá cao khả năng phân tích thị trường và năng lực quản lý của Nguyễn Bảo Hoàng, Patrick McGovern đã giao cho Hoàng trọng trách là Tổng giám đốc điều hành của IDG Venture Việt Nam kể từ năm 2003.

IDG Venture Việt Nam là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên về công nghệ thông tin tại thị trường Việt Nam với số vốn ban đầu lên đến 100 triệu USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong một hai năm tới. IDG Việt Nam dự kiến sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển trên quy mô toàn cầu.
Thời tuổi trẻ

Nguyễn Bảo Hoàng là Tổng giám đốc điều hành của IDG Venture Việt Nam kể từ năm 2003.
Nguyễn Bảo Hoàng sinh năm 1974, là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em gồm 2 trai, 2 gái. Gia đình anh rời Sài Gòn năm 1975 di cư sang Mỹ và định cư tại ngoại ô Washington thuộc bang Virginia, khi anh mới 22 tháng tuổi.

Ngay từ khi 8 – 9 tuổi, Hoàng được cha mẹ dành dụm cả 3 tháng lương để mua cho con một chiếc máy tính IBM, lúc đó là mơ ước của nhiều người kể cả đối với người Mỹ. Với chiếc máy tính đó, ngoài việc chơi game như bao đứa trẻ khác, Hoàng đã mày mò tìm hiểu các linh kiện của nó, học cách lập trình.

Khi thấy thông tin rao bán nhà của những người họ hàng xung quanh mình khá lộn xộn, Hoàng đã giúp họ đánh lại văn bản, trình bày sạch đẹp, lại có thêm những bức ảnh minh họa khá đẹp mắt, dễ nhận diện. Kể từ đó, hầu hết những người buôn bán bất động sản trong vùng đều tới nhờ Hoàng làm giúp những tờ rơi (brochures).

Số tiền thù lao mà họ trả đủ để Hoàng mua thêm hai chiếc máy tính nữa. Có thêm máy, Hoàng rủ thêm hai người bạn cùng làm. Yêu thể thao và chơi giỏi một số môn thể thao, Hoàng còn tham gia viết báo thể thao và làm việc cho đài phát thanh của trường.

Các anh chị của Hoàng đều là bác sĩ. Hoàng kể “Các anh chị tôi đều muốn trở thành bác sĩ, bởi vì chúng tôi coi đó là cách tốt nhất có thể trực tiếp giúp đỡ người khác. Lúc đầu tôi vẫn nghĩ mình sẽ theo đuổi nghề bác sĩ và tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học ở Mỹ như các anh chị tôi. Thế nhưng, dịp trở về quê hương Việt Nam sau 20 năm xa cách đã làm thay đổi sự nghiệp và cả cuộc đời tôi”.

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành văn học cổ điển tại Đại học Harvard, Nguyễn Bảo Hoàng lần đầu tiên trở về Việt Nam sau thời gian dài xa cách. Được tham quan nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội và nhiều vùng miền của đất nước kể cả các vùng thôn quê đánh dấu một cảm xúc khác lạ trong dòng máu con cháu Lạc Hồng trong anh.

Thực ra những năm tháng theo gia đình định cư trên đất Mỹ, ký ức về quê hương của anh là những điệu hò xứ Nghệ mà mẹ hát cho anh nghe, và những câu chuyện mà cha anh kể lại về những vùng đất mà ông từng đi qua. Vị mặn nồng quê hương như theo lời ru của mẹ cứ thấm dần vào cảm xúc của một người con xa quê lâu ngày.

Đặc biệt, trong chuyến về Việt Nam đó, Hoàng đã được gặp lại bà nội của mình, dù cho tiếng Việt của Hoàng lúc bấy giờ chưa rành lắm. Nhưng tình thương yêu và sự chăm sóc của những người thân trong gia đình ở quê nhà đã trỗi dậy trong anh nỗi thiết tha trở lại Việt Nam và gắn bó lâu dài hơn với đất nước quê hương.

Sau chuyến thăm đó anh lại trở về Mỹ, tiếp tục học lấy bằng bác sỹ y khoa của Đại học Northwester. Cũng trong thời gian này anh đồng thời theo học thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Trường Quản lý kinh doanh Kellogg (Kellogg School of Management cũng trực thuộc Đại học Northwestern) và tốt nghiệp hai trường này vào năm 2000.

Trong thời gian theo học Trường Y khoa, anh đã cùng các cộng sự xây dựng nhóm S2S Medical Publishing chuyên xuất bản sách, tài liệu học tập cho sinh viên y khoa, thành lập website medschool.com chuyên sâu nghiên cứu việc phát triển hệ thống học tập từ xa cho sinh viên y khoa và đã thu hút được hơn 25 triệu USD vốn đầu tư cho công trình này.

Trên 8 năm làm việc trong lĩnh vực y học, Hoàng đã có công trình nghiên cứu về chu kỳ và sự suy giảm của protein và sự phát triển của cấu trúc neuron, được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành The Journal of Biological Chemistry.

Năm 2000, Nguyễn Bảo Hoàng quay lại Việt Nam lần thứ hai để giúp một doanh nghiệp viễn thông Mỹ mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Anh trở thành giám đốc điều hành cho Công ty Viễn thông Mỹ VITC tại khu vực châu Á – một công ty chuyên về giao thức Internet và công nghệ.
Trong suốt thời gian làm việc tại VITC, Hoàng đã góp sức biến công ty mới được thành lập, phát triển lớn mạnh và đạt doanh thu hơn 30 triệu USD hàng năm.
Bước ngoặt

Trước khi đầu tư vào Việt Nam, Tập đoàn IDG cũng đã cân nhắc rất nhiều vì họ cũng chưa hình dung hết những khó khăn, thách thức mang tính đặc thù rất riêng biệt của thị trường Việt Nam.
Chỉ đến khi tỷ phú Mỹ Patrick J. McGovern – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG – tình cờ gặp Bảo Hoàng trong năm 2003, bài toán này mới tìm ra lời giải. Patrick không chỉ là người đặt nền móng cho lĩnh vực truyền thông trong ngành công nghệ thông tin mà còn có tầm nhìn rất rộng về tương lai và sự phát triển của lĩnh vực này.

Năm 2003, Nguyễn Bảo Hoàng tình cờ gặp ông Patrick McGovern – vào một buổi ăn sáng do Hội đồng thương mại Mỹ (Amcham) tổ chức cách đây hơn 6 năm. Họ trao đổi rất nhiều về tình hình công nghệ thông tin tại Việt Nam, về lĩnh vực truyền thông, viễn thông và về tương lai của chúng trong nhiều năm tới.

Sau đó ít lâu, bằng những lập luận của mình, Nguyễn Bảo Hoàng đã thuyết phục được hơn 300 nhà lãnh đạo của Tập đoàn IDG khi họ đồng ý đầu tư vào Việt Nam.

Hoàng cảm nhận được sự đồng cảm của Patrick khi ông chia sẻ với Hoàng về tương lai của việc hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, về niềm tin rằng ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và thu hút thật nhiều nhà đầu tư trong một tương lai không xa.
Hoàng cắt nghĩa đầu tư mạo hiểm là số vốn bỏ ra để đầu tư vào các công ty hoặc các nghiên cứu mang tính đổi mới và sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, nơi tiềm ẩn cả hai khả năng mất vốn hoặc thu được lợi nhuận cao đều có thể xảy ra.

Nhưng thực ra đối với Hoàng anh không thích dùng từ “mạo hiểm” lắm, và Hoàng thích dùng khái niệm đầu tư triển vọng hơn, bởi quỹ hỗ trợ cho những công ty mới, có nhiều tiềm năng phát triển. Tất nhiên, đối với việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam, khả năng mất vốn và kinh doanh có lãi đều có thể xảy ra.

Hoàng nói: “Vốn đầu tư sẽ không hạn chế, mà điều quan trọng là doanh nghiệp xin cấp vốn phải chứng tỏ được tiềm năng của mình”. Anh cho biết trong số gần 2.000 doanh nghiệp xin cấp vốn đầu tư trong năm 2007, chỉ có 13 doanh nghiệp được IDG Venture Việt Nam lựa chọn.
Ngoài ra, IDG Ventures Việt Nam còn đóng vai trò là cầu nối cho thị trường công nghệ thông tin ở Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. “Khi hiểu rõ thị trường Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng giới thiệu những công ty về công nghệ thông tin tốt nhất của Việt Nam tới các đối tác nước ngoài”, Hoàng nhấn mạnh.

Người viết : Ban điều hành website www.kinhdoanhmlm.com