Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Chile

Chiều 22/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Chile Sebastian Pinera Echenique đang thăm chính thức Việt Nam .

Nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Sebastian Pinera Echenique sang thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Chile thời gian qua; cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Sebastian Pinera Echenique sẽ là dấu mốc quan trọng, góp phần đưa quan hệ hai nước lên bước phát triển mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Chile
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Cộng hòa Chile Sebastian Piñera Echenique.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ quý báu mà Chile đã đã dành cho Việt Nam nhất là trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; khẳng định Việt Nam luôn mong muốn cùng với Chile đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng, hiệu quả trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển chung của cả hai nước.

Đề cập tới quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Chile, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hai bên cần tiếp tục dành ưu tiên cho các lĩnh vực hợp tác mà tiềm năng, lợi thế còn lớn, nhất là hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nội dung của Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam-Chile; đưa kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm tới tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định quan điểm ủng hộ Chile mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN, đề nghị hai bên triển khai mạnh mẽ hơn cơ chế hợp tác liên Chính phủ hai nước, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Chile trên các lĩnh vực nhất, là hợp tác về kinh tế.
Vui mừng được sang thăm Việt Nam, Tổng thống Sebastian Pinera Echenique bày tỏ tình cảm và lòng ngưỡng mộ đối với đất nước và nhân dân Việt Nam, truyền thống, văn hiến cũng như lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng thống khẳng định Chile sẽ nỗ lực hết mình để Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam-Chile được thực thi có hiệu quả; đồng thời sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam dễ dàng hơn trong thâm nhập vào thị trường Chile.

Bên cạnh tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, Chile mong muốn tăng cường hơn nữa hoạt động đối thoại chính trị, văn hóa với Việt Nam .

Hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm hai nước cần tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế; cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, phát sinh trong quá trình hợp tác, đầu tư; tăng cường hoạt động xúc tiến các chương trình hợp tác mới giữa hai nước trên các lĩnh vực./.

Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)

Đề xuất tăng an ninh biển của Việt Nam được đánh giá cao

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã trình bày tham luận có tiêu đề “Tăng cường hợp tác nhằm đối phó với các thách thức an ninh biển,” tại Diễn đàn Đối thoại Quốc phòng Quốc tế Jakarta lần thứ hai (JIDD II), với chủ đề tăng cường an ninh và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, đã diễn ra trong các ngày từ 21-23/3 tại Jakarta.

Đề xuất tăng an ninh biển của Việt Nam được đánh giá cao
Tuần tra ven biển trên đảo Trường Sa. (Ảnh: Hoàng Tùng/TTXVN)

Trong tham luận nhấn mạnh an ninh biển đang nổi lên là một trong những thách thức mang tính toàn cầu đáng lo ngại trong thế kỷ 21, bởi nó liên quan đến quyền chủ quyền, quyền tài phán và chủ quyền biển.
Các bất đồng, tranh chấp liên quan đến an ninh biển, trong đó có Biển Đông, gây ra những ảnh hưởng toàn diện về chính trị, kinh tế, chiến lược, địa chính trị và cả văn hóa, đòi hỏi giải quyết phải có sự hợp tác và thiện chí hợp tác ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Liên quan vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, các đại biểu tham dự JIDD II đã chia sẻ quan điểm với trình bày của Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, cho rằng đây là khu vực rất quan trọng về giao thông biển, cần được đảm bảo tự do và an ninh hàng hải, và giải quyết thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở tôn trọng Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc (UNCLOS 1982).

Các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng đánh giá cao các giải pháp cơ bản cho vấn đề Biển Đông của đoàn Việt Nam, trên cơ sở coi tranh chấp tại đây là thách thức song cũng là cơ hội cho hợp tác, nhất là cần tuân thủ nghiêm chỉnh và thực hiện đầy đủ UNCLOS 1982; tăng cường đối thoại và xây dựng lòng tin trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước, củng cố các cơ chế đối thoại như Diễn đàn ASEAN (ARF), Diễn đàn Đông Á (EAS), Đối thoại Shangrila, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM mở rộng (ADMM +).

Diễn đàn năm nay do Bộ Quốc phòng Indonesia và Đại học Quốc phòng Indonesia tổ chức tập trung trao đổi về các vấn đề như quan điểm quốc gia và khu vực về những hoạt động quân sự khác ngoài chiến tranh (MOOTW); quan điểm quốc gia, khu vực và toàn cầu về mối đe dọa an ninh phi truyền thống liên quan MOOTW…/.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Nhật Bản có thể bắn tên lửa phóng vệ tinh của Triều Tiên

Chính phủ Nhật đang xem xét khả năng ra lệnh đánh chặn tên lửa đẩy vệ tinh của CHDCND Triều Tiên nếu nó bay về hướng nước này.

Nhat ban ban ten lua Trieu Tien
CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đẩy Unha-2 năm 2009

Đó là động thái chuẩn bị mới nhất của Tokyo trước thông báo của Bình Nhưỡng về việc phóng tên lửa tầm xa Unha-3 đẩy vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo trong khoảng thời gian từ ngày 12-16.4. Báo Yomiuri Shimbun ngày 18.3 dẫn lời giới chức Nhật Bản tin rằng khả năng CHDCND Triều Tiên kiên quyết thực hiện kế hoạch là rất cao. Vì thế, nếu tên lửa Unha-3 bay về hướng lãnh thổ Nhật Bản, Lực lượng phòng vệ nước này sẽ bắn chặn ngay lập tức. Tờ báo trên dẫn lời Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda nói trong cuộc gặp với người đồng cấp Lào Thogsing Thammavong vừa qua tại Tokyo rằng: “Chúng tôi pHải Phòng vệ vững chắc để ứng phó CHDCND Triều Tiên”.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tổ chức họp khẩn và tuyên bố hợp tác chặt chẽ với Mỹ theo dõi mọi động tĩnh xung quanh vị trí phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Giới chức còn khẳng định Tokyo cùng Washington dự kiến thực hiện các bước ứng phó tương tự với lần Bình Nhưỡng phóng tên lửa đẩy Unha-2 vào tháng 4.2009. Khi đó, 2 nước đã tăng cường hoạt động của các hệ thống vệ tinh, radar cảnh báo sớm và điều động tàu khu trục mang tên lửa Aegis, máy bay do thám đến vùng biển giữa Nhật và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, cũng có quan chức Nhật cho rằng CHDCND Triều Tiên sẽ “không dám mạnh tay khiêu khích” do vừa đồng ý hoãn thử hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa và làm giàu uranium để nhận 240.000 tấn lương thực từ Mỹ.

Không riêng gì Mỹ, Nhật và Hàn Quốc chỉ trích thông báo phóng tên lửa Unha-3 của CHDCND Triều Tiên mà ngay cả Nga, Trung Quốc, châu Âu cùng LHQ đều tỏ ra quan ngại. Trong khi đó, Ủy ban Công nghệ không gian CHDCND Triều Tiên ngày 17.3 tuyên bố sẽ mời chuyên gia và phóng viên nước ngoài đến quan sát quá trình phóng vệ tinh, theo KCNA. Đến ngày 18.3, Bình Nhưỡng khẳng định kế hoạch không có gì thay đổi, đồng thời nhấn mạnh rằng việc phóng vệ tinh chỉ nhằm phục vụ mục đích dân sự và quỹ đạo đã được tính toán kỹ để không ảnh hưởng các nước láng giềng. CHDCND Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc kiếm cớ triển khai vệ tinh, máy bay do thám và “xâm phạm chủ quyền” nước này. Giới chức cũng tuyên bố sẽ “vững vàng trước mọi áp lực kinh tế, chính trị và Quân sự”.

Văn Khoa

Ý kiến gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chiến lược giáo dục, đào tạo

Một bài viết rất tâm huyết của một độc giả trung thành website http://thutuongnguyentandung.net/ đã gửi cho ban biên tập, TVB xin trích đăng lại những bức xúc cũng như trăn trở của 1 người dân Việt Nam đứng trước nền giáo dục hiện tại

Kính gửi:  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

                   Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận

Tôi là phụ huynh của 2 đứa con hiện đang học phổ thông và đại học, nhưng gia đình tôi đang rất bức xúc trước việc các cháu phải học thuộc lòng quá nhiều. Ngoài ra, các cháu còn phải học thêm ở nhà. Mỗi tháng vợ chồng tôi phải bỏ ra 3 đến 4 triệu đồng thuê thầy dạy các môn mà ở lớp đã học. Người nông dân nghèo thì lấy tiền đâu để học hành như vậy? Theo tôi tìm hiểu ở lớp thì hần như tất cả các em học sinh, gia đình nào cũng phải cho con đi học thêm chính các môn cơ bản đã học ở lớp. Vậy chất lượng học ở lớp thế nào? khi Nhà nước tốn bao nhiêu tiền để trả lương cho thầy cô giáo, xây trường lớp, đóng học phí…

Cuộc sống luôn đặt ra câu hỏi cho chúng ta phải giải quyết, phải trả lời

Tôi xin gửi đến các Ngài ý kiến cá nhân của tôi về nền giáo dục, đào tạo hiện nay của nước ta như sau:

Hiện giáo dục, đào tạo của chúng ta quá thiên về học thuộc lòng, thiếu tư duy lô-gích, thiếu giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra. Và đây là lý do mà tôi cho là nguyên nhân chính dẫn tới chất lược giáo dục, đào tạo của nước ta quá lạc hậu và rất thấp so với các nước. Học thuộc quá nhiều làm cho học sinh dễ dẫn đến quay cóp khi đề thì yêu cầu học thuộc. Tạo ra thế hệ dối trá, hình thức, thụ động. Không có bản lĩnh giải quyết vấn đề.

Tôi đề xuất nên thay đổi chương trình giảng dạy của tất cả các cấp, từ tiểu học, phổ thông đến đại học và sau Đại học.

Mục đích của giáo dục đào tạo là gì?

Là tạo ra các thế hệ con em biết tư duy, biết cách giải quyết các vấn đề của cuộc đời đặt ra!

Học môn Văn không phải là học “biết để chơi” mà là “biết để làm”. Môn Văn không chỉ là môn “bồi dưỡng tâm hồn” mà quan trọng hơn là “công cụ” để học sinh có thể vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học ứng dụng vào trong cuộc sống tâm hồn như làm ra các bài thơ, câu chuyện, kịnh bản phục vụ cuộc sống, công việc và sự nghiệp.

Học môn Toán không phải suốt ngày bắt học sinh trình bày định nghĩa, trình bày khái niệm. Làm như thế, môn Toán sẽ là một môn học rất khô khan và khiến học sinh ghét. Mà chúng ta nên dạy Toán thông qua những ví dụ, những bài toán rất gần gũi mà cuộc sống đang đặt ra cho học sinh.

Học đại số đề làm gì? nếu chỉ dạy đại số thì học sinh sẽ ngán. Nhưng nếu đưa ra 1 vấn đề sinh động trong thực tế, buộc học sinh phải tìm hiểu đại số, và vận dụng đại số. Lúc đó học sinh mới thấy ý nghĩa của đại số. Học hình học để làm gì? nếu chỉ dạy hình học, học sinh sẽ ngán. Nhưng đưa ra vấn đề đo độ cao của ngôi nhà của bạn, buộc học sinh phải tìm hiểu hình học để giải quyết bài toán thực tế trên. Lúc đó học sinh sẽ thấy ý nghĩa của hình học.

Chương trình giáo dục phổ thông và đào tạo bậc Đại học, chúng ta nên giảng dậy cho học sinh, sinh viên là “tại sao?”, “giải quyết như thế nào”, hơn là “trình bày”, “nêu khái niệm”. Làm cách này sẽ giảm tải cho học sinh, sinh viên, và công sức của giáo viên rất nhiều. Sẽ bớt đi phần học thêm đang đè nặng con em chúng ta. Chính cách giảng dạy này đang tiêu tốn đi nguồn lực rất lớn trong xã hội.

Cuộc đời luôn đặt ra những bài toán khó cần phải giải quyết

Học sinh trước khi thi Đại học, bò lăn bò lộn để ôn thi học thuộc với khối lược kiến thức cực lớn, có em còn bị thần khinh khi thi trượt Đại học. Khi thi xong rồi thì xả hơi, quên cho bằng hết. Suốt 4 đến 5 năm trời mài ghế giảng đường Đại học, vẫn là học thuộc là nhiều, tư duy thì ít! Thi vẫn “đề đóng” là nhiều! Cuối cùng, khi tốt nghiệp ra trường, các doanh nghiệp vẫn kêu la là yếu kém, doanh nghiệp phải đào tạo lại các kỹ năng. Có sinh viên còn không viết nổi bản xin việc, hoặc lý lịch cho mình, không biết thuyết trình một đề tài nào ra hồn. Tất cả là do cách giảng dạy của chúng ta bắt con em học thuộc quá nhiều hơn là tư duy.

Chúng ta đang biến cái đầu của con em chúng ta thành cái “ổ cứng” để nhớ, chứ không phải là “CPU” biết xử lý, biết giải quyết các bài toán cuộc đời đặt ra.

Đối với Học sinh thì không phải là học thuộc 1 bài thơ, bài văn. Mà là cảm nhận bài thơ đó nhưu thế nào? biết phân tích nó, và hơn hết là biết làm ra 1 bài thơ, 1 bài văn! Khi lớn lên, biết viết cách viết 1 bài báo, biết viết 1 kịch bản phim chuyện hay, biết phổ biến văn hóa Việt ra thế giới.

Nhiều em học sinh đi học khoác cặp sách to hơn người vì phải mang quá nhiều sách vở tới trường, nhìn mà thấy tội nghiệp. Có em không mang nổi phải nhờ bố mẹ mang cặp giúp mình.

Đối với Sinh viên thì không phải hãy trình bày, nêu định nghĩa….Mà hiểu vấn đề đó như thế nào? và tại sao? muốn trả lời được tại sao, buộc sinh viên phải tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để trả lời cho thuyết phục!

Đối với Luật sư là khi bào chữa vụ án, không ai cấm nghiên cứu tài liệu, không ai cấm nghiên cứu các Bộ luật. Vấn đề là tìm tòi, nghiên cứu các điều luật, các chứng cứ, các tình tiết để giải quyết được việc bào chữa chính xác khách quan đem lại công bằng cho thân chủ.

Đối với Kỹ sư thì không ai cấm anh ta nghiên cứu tài liệu, không ai cấm anh ta học hỏi, tìm tòi những người đi trước. Vấn đề là với những thứ đó, anh vận dụng thế nào để tạo ra các sản phẩm kỹ thuật tốt, có giá trị cao. Kỹ sư ô tô thì tạo ra các chiếc xe hơn tốt. Kỹ sư đóng tàu thì tạo ra các tàu chiến, tàu khách hiện đại, phục vụ cho chính cuộc sống đang đặt ra.

Đối với nhà lãnh đạo đất nước, không ai cấm vị lãnh đạo tìm hiểu tài liệu. Vấn đề là Lãnh đạo xử lý thế nào? điều hành ra sao? quyết định và phán đoán thế nào? trước những vấn đề đặt ra của đất nước!

Hạn chế học thuộc, mà tập trung giải quyết vấn đề sẽ tiết kiệm công sức cho giáo viên, và giảm tải cho học sinh, sinh viên.

Tất cả những gì tiết kiệm được, Nhà nước bỏ ra để trả lương cao, đầu tư chất lượng cho thầy cô giáo, để hạn chế dạy thêm, mà tập trung dạy cho tốt, giúp học sinh sinh viên giải quyết được các bài toán cuộc đời đặt ra.

Tôi xin Thủ tướng và Bộ trưởng xem xét lại chương trình Giáo dục và Đào tạo hiện nay của nước ta. Nếu ta thay đổi, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực rất lớn cho xã hội. Tạo ra các thế hệ con em tài giỏi, biết giải quyết vấn đề, đưa đất nước ta tiến lên.

Nguyễn Văn Trí

Tp.HCM

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ

Chiều 20/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae để trao đổi một số nội dung mà hai nước đang cùng hợp tác thực hiện.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển tốt đẹp, với nhiều kết quả hợp tác cụ thể, đặc biệt là sau chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007 và chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10/2011.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ, ông Ranjit Rae.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thông báo với Đại sứ Ranjit Rae về chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Đoàn cấp cao Việt Nam vào cuối tháng 3 tới. Chuyến thăm này nhằm triển khai hiệu quả và cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 10/2011). Trọng tâm của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ.

Đại sứ Ranjit Rae hoan nghênh chuyến thăm Ấn Độ tới đây của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và tin tưởng, chuyến thăm sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, đồng thời là dịp để thúc đẩy và phát triển toàn diện các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ.

Ông Ranjit Rae khẳng định, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của Ấn Độ để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm chính thức của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến Ấn Độ trong thời gian sắp tới.

Triều Tiên đe dọa Hàn Quốc trước hội nghị hạt nhân

Triều Tiên đe dọa về hậu quả thảm khốc nếu như các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Seoul vào tuần tới đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.


Bất cứ tuyên bố nào được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Seoul cũng được coi là một tuyên bố chiến tranh.

Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân diễn ra vào ngày 26-27 tháng 3, với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo thế giới, sẽ tập trung vào vấn đề đẩy lùi khủng bố hạt nhân. Tuy nhiên, chương trình nguyên tử của Triều Tiên và tuyên bố về kế hoạch phóng tên lửa của nước này sẽ được thảo luận sâu tại các cuộc họp bên lề.

Triều Tiên cho rằng hội nghị hạt nhân – sự kiện ngoại giao lớn nhất từ trước tới nay tại Hàn Quốc – là một “trò hề nhạt nhẽo” nhằm mục đích biện minh cho một cuộc tấn công nguyên tử do Hàn Quốc và Mỹ tiến hành.

“Đó là một nỗ lực nực cười và một mưu đồ không thể tha thứ được của Lee Myung Bak”-Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm qua tuyên bố.

“Bất kỳ hành động khiêu khích cũng sẽ được coi là một tuyên bố chiến tranh chống lại chúng tôi và hậu quả của nó sẽ tạo ra những trở ngại để đàm phán về một vùng phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.”-KCNA nói thêm.

KCNA cũng nói rằng chính quyền của ông Lee Myung-bak đang cố gắng “biến một sự kiện thế giới thành một nơi đối đầu với Triều Tiên, giành lợi thế với tư cách là chủ nhà. Đồng thời KCNA cũng nhắc lại cái được gọi là “vấn đề hạt nhân Triều Tiên” không tồn tại. Không có bằng chứng nào được đưa ra.”

Hầu như ngày nào truyền thông Triều Tiên cũng đưa ra các bài báo và các bài bình luận lên án hội nghị thượng đỉnh hạt nhân kể từ đầu tháng này, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Triều Tiên đe doạ chiến tranh với các nước tham dự.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Triều Tiên thất vọng khi Trung Quốc và Nga cũng tham gia hội nghị vì thế truyền thông nước này đã cố gắng tăng cường hăm dọa”. Nhưng Seoul “sẽ không đáp lại tất cả các tuyên bố từ họ”, ông nói thêm.

Sầm Hoa (Theo Chosunilbo/Bangkokpost)

Việt Nam phản đối Trung Quốc bắt tàu cá, đòi tiền chuộc

“Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”

-> ĐỌC: Bộ Ngoại giao phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Phản đối Trung Quốc bắt tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ như vậy, trước sự việc Trung Quốc đã bắt và hiện đang giam giữ  21 ngư dân cùng hai tàu cá của Việt Nam mang số hiệu Quảng Ngãi, QNg 66074 TS; QNg 66101 TS. Do ông Trần Hiền và Lê Vinh làm  thuyền trưởng, khi đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa ngày 3/3.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị.

Những người này chủ yếu là dân xã An Vĩnh, Lý Sơn, hiện đang bị giữ trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Trong thời gian các ngư dân này bị giam giữ thì phía Trung Quốc đã gọi điện cho gia đình họ đòi tiền chuộc. Với số tiến là 70.000 nhân dân tệ, tức khoảng 11.000 đôla Mỹ.
Đề cập tới vấn đề này, chiều 21/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Yêu cầu nước này thả ngay và vô điều kiện các ngư dân, tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam”. Về phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam để “giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân”.
Đánh đập ngư dân

Theo báo Sài Gòn Tiếp thị dẫn nguồn từ Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn ngày 27/2 vừa qua, hai tàu cá mang số hiệu QNg 96197 TS; QNg 96103 TS với 31 thuyền viên của Lý Sơn khi hoạt động trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã bị phía Trung Quốc đập phá tài sản, cản trở không cho đánh bắt. Trước đó, ngày 22/2, 11 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trên tàu cá Qng 90281 TS khi đi vào quần đảo Hoàng Sa để tránh gió đã bị Trung Quốc dùng vũ lực ngăn cản, đánh đập, lục soát và tịch thu tài sản.
Sau đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đến Toà đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội phản đối và yêu cầu nước này bồi thường cho ngư dân. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có hành động bồi thường cho ngư dân Việt Nam.

Mộc Lan -  nguồn: http://thutuongnguyentandung.net/viet-nam-phan-doi-trung-quoc-bat-tau-ca-doi-tien-chuoc.html