Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Việt Nam xây dựng hệ thống chỉ thị mục tiêu cho tên lửa

Mới đây, Viện Kỹ thuật Hải quân đã xây dựng được hệ thống chỉ thị mục tiêu cơ động cho tên lửa đối hải.

Viện Kỹ thuật Hải quân (Quân chủng Hải quân) đã nghiên cứu xây dựng thành công hệ thống chỉ thị mục tiêu từ bên ngoài trang bị trên tàu cảnh giới và hệ thống nhận chỉ thị mục tiêu, tính toán tự động các tham số bắn cho tên lửa đối hải.

Hệ thống hoạt động tin cậy, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, chiến thuật đặt ra, góp phần nâng cao tính năng và hiệu quả chiến đấu cho các tàu tên lửa.

Tên lửa Việt Nam
Với hệ thống chỉ thị mục tiêu sẽ giúp khai thác hết tầm bắn của tên lửa.

Chức năng của hệ thống chỉ thị mục tiêu và tính toán phần tử bắn cho tên lửa đối hải là trinh sát phát hiện mục tiêu, truyền tham số mục tiêu về sở chỉ huy và các lực lượng tên lửa, máy bay chiến đấu để tiến công mục tiêu một cách bất ngờ ngoài tầm radar hỏa lực, bảo đảm tính toán phần tử bắn và bắn hết tầm của tên lửa.

Hiện nay, quân đội nhiều nước tiếp tục nghiên cứu phát triển, sử dụng các hệ thống chỉ thị mục tiêu hiện đại. Quân đội Nga đã sản xuất và sử dụng trực thăng Ka-32 có chức năng chỉ thị mục tiêu.
Nhiều nước sử dụng hệ thống chỉ thị mục tiêu lắp trên các máy bay cảnh báo sớm… nhưng nhìn chung giá thành của các hệ thống này rất đắt (lên đến hàng trăm triệu USD).

Các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Hải quân đã nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa… để thiết kế, xây dựng hệ thống chỉ thị mục tiêu từ bên ngoài trang bị trên tàu cảnh giới cơ động trên biển.

Xây dựng hệ thống nhận chỉ thị mục tiêu và tính toán tự động các tham số bắn cho tên lửa; lắp đặt thử nghiệm và tích hợp hệ thống lên tàu; xây dựng các phần mềm tính toán, truyền số liệu và đồng bộ hệ thống… Hệ thống chỉ thị mục tiêu có khả năng quan sát phát hiện, chỉ thị mục tiêu cho tên lửa, bảo đảm phát huy hết tầm bắn của các loại tên lửa đối hải.

Hệ thống chỉ thị mục tiêu cơ động trên biển cho tên lửa đối hải có giá thành thấp, hoạt động tin cậy, đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ, chiến thuật đặt ra. Hệ thống đã được lắp đặt, thử nghiệm thành công và bàn giao cho các đơn vị phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Cùng với các hệ thống chỉ thị mục tiêu hiện có, việc đưa vào sử dụng hệ thống chỉ thị mục tiêu này sẽ góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Hải quân.

PV - http://thutuongnguyentandung.net/

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam luôn coi Pháp là đối tác hàng đầu ở châu Âu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp, đối tác ưu tiên của Việt Nam tại châu Âu và trên thế giới.

Chiều 26/3, bên lề hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Pháp Francois Filon. Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Pháp phát triển tốt đẹp trên con đường tiến tới đối tác chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Pháp Francois Fillon
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Pháp Francois Fillon

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp, đối tác ưu tiên của Việt Nam tại châu Âu và trên thế giới. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Pháp trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, hàng không, vũ trụ, hạ tầng giao thông, nhà ở…

Hai Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa phong phú giữa hai nước trong thời gian qua đã góp phần thiết thực vào việc củng cố tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc, thúc đẩy giao lưu kinh tế và gắn kết cộng đồng người Việt tại Pháp với sự phát triển chung của quan hệ hai nước.

Hai Thủ tướng nhất trí hai bên tích cực phối hợp tổ chức các sự kiện trong Năm Pháp – Việt 2013; đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt về khoa học và công nghệ. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, Pháp ngữ, UNESCO và cùng nhau chia sẻ quan điểm về các cơ chế quốc tế và khu vực…

Phiên họp đầu tiên của Hội nghị An ninh hạt nhân 2012 bắt đầu

Phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân Seoul 2012 đã bắt đầu vào sáng nay, 27/3.

Sáng ngày 27/3, phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân Seoul 2012 đã bắt đầu với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện từ hơn 50 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012

Các nhà lãnh đạo và đại diện từ hơn 50 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế đã tới Seoul tham dự Hội nghị An ninh Hạt nhân.

Các đại biểu sẽ thảo luận về việc ứng phó với khủng bố hạt nhân, bảo vệ vật liệu hạt nhân và các cơ sở cũng như công tác phòng chống buôn bán bất hợp pháp nguyên liệu hạt nhân.

Khi đưa ra một phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nhấn mạnh sự cần thiết của phối hợp quốc tế chặt chẽ để tăng cường an ninh hạt nhân toàn cầu.

"Tôi hy vọng hội nghị thượng đỉnh Seoul, xây dựng dựa trên các thành tựu đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Washington, để có một bước xa hơn trong việc tạo ra một sự đồng thuận và kế hoạch hành động" – Tổng thống Lee cho biết.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Toàn cảnh phiên họp.

Với con số 1.600 tấn uranium làm giàu cao và 500 tấn plutonium có khả năng sản xuất 126.500 vũ khí hạt nhân đang được chứa trên toàn thế giới, ông Lee cho biết việc giảm thiểu và sau này là loại bỏ vật liệu hạt nhân là một giải pháp cơ bản để ngăn ngừa khủng bố hạt nhân.

Ông Lee nói thêm rằng, đó là nghĩa vụ của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm duy trì hòa bình và an ninh cho toàn nhân loại. Vì vậy, họ phải thực hiện tất cả các biện pháp để ngăn chặn những kẻ khủng bố có được nguyên liệu hạt nhân.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho hay: "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu không một quốc gia nào có thể làm điều này một mình và mục tiêu sẽ chỉ được thực hiện khi chúng ta hành động như một cộng đồng quốc tế.

"Chúng tôi đã làm những gì ở Washington và những gì  ở Seoul sẽ là một phần trong nỗ lực toàn cầu được đưa ra nhằm làm giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân, theo đuổi mục đích hoà bình của công nghệ hạt nhân" - Obama cho biết.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Phiên họp sẽ được tổ chức trong hai tiếng rưỡi đồng hồ.

Phiên họp sẽ được tổ chức trong hai tiếng rưỡi đồng hồ. Sau đó, các nhà lãnh đạo sẽ có một bữa ăn trưa và một phiên họp toàn thể khác, trước khi Tổng thống Hàn Quốc tổ chức họp báo nêu bật những thành tựu của hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày.

Hội nghị An ninh hạt nhân 2012
Các nhà báo đang theo dõi phiên họp Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2012.

Thông cáo Seoul, được công bố vào ngày 27/3, dự kiến sẽ tái khẳng định cam kết quốc tế về giảm thiểu việc sử dụng uranium làm giàu cao và plutonium cũng như mở rộng các cuộc thảo luận về an toàn hạt nhân trong bối cảnh an ninh hạt nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết sau thảm họa sóng thần gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản.

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Trung Quốc bất tín trong quan hệ với Việt Nam

Ngang nhiên bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa nước ta là những hành động không hề mới của Trung Quốc. Chỉ có điều nó được các cơ quan chức năng của Trung Quốc lặp đi lặp lại với tần suất ngày một nhiều hơn. Điều đó không chỉ chứng tỏ sự coi thường luật pháp quốc tế, sự vô nhân đạo mà quan trọng hơn đó là sự bất tín của họ trong quan hệ Việt – Trung.

Bắt tàu cá Việt Nam bất chấp luật pháp và đạo lý


Trước sự việc Trung Quốc bắt và hiện đang giam giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 66101TS và QNg 66074TS. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã nêu rõ: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của nước ta. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này, yêu cầu Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân, tàu cá nói trên. Chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.”

Tàu cá và ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam. Còn nhớ, trước đó tròn 1 tháng (ngày 22/2), 11 ngư dân của ta trên tàu cá QNg 90281TS cũng của tỉnh Quảng Ngãi đã bị phía Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp, ngăn cản không cho vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tránh gió, đánh đập, lục soát lấy tài sản. Trước sự việc đó, hôm 29/2, Người phát ngôn Lương Thanh Nghị đã khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc hai quần đảo này là việc làm bình thường từ bao đời nay và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.” Đồng thời nhấn mạnh: Hành động dùng vũ lực uy hiếp, đánh đập, lục soát lấy tài sản của ngư dân ta của phía Trung Quốc “đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).”

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Ngang nhiên lặp lại hành vi bắt và đánh đập tàu cá Việt Nam


Những hành động như kể trên của phía Trung Quốc không có gì là mới, chỉ có điều nó được các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc lặp đi lặp lại với tần suất ngày một nhiều, ngang nhiên hơn. Điều đó không chỉ chứng tỏ sự coi thường luật pháp quốc tế, sự vô nhân đạo mà quan trọng hơn đó là sự bất tín của họ trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

Không những thế, ngày 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn lớn tiếng cho rằng: Việc các ngư dân Việt Nam bị bắt là do đã xâm phạm chủ quyền và lãnh hải của Trung Quốc, vì thế phản ứng của Trung Quốc là hợp lý và đúng luật. Vờ lên mặt đạo đức khi nhắc nhở, Việt Nam nên quản lý và giáo dục ngư dân của mình, đừng để họ xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải Trung Quốc nữa. Hoà theo giọng điệu đó, một số cơ quan truyền thông của Trung Quốc đăng tải ý kiến của một vài chuyên gia Trung Quốc cho rằng đây chỉ là hành động cảnh cáo với những ai có ý định xâm phạm lãnh hải của họ. Những lý lẽ họ đưa ra cho thấy sự cố tình bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những chứng cứ lịch sử luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa đã tồn tại từ bao đời nay, bất chấp cả đạo lý khi giở trò bắt bớ, đánh đập các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá ngay trong vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung Quốc: Lời nói không đi đôi với việc làm


Theo luật pháp quốc tế thì Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được thế giới công nhận là của Trung Quốc. Một trong những chứng cứ minh chứng cho điều này là tại Hội nghị San Francisco năm 1951  đa số nước tham dự hội nghị bỏ phiếu không chấp nhận giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Một năm sau, trong Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật cũng đã nhấn mạnh việc không thừa nhận hai quần đảo trên là của Trung Quốc.

Cho tới năm 1974 Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa khi đó đang được quản lý bởi chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đến năm 1988 lại dùng vũ lực đánh chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa thuộc quyền quản lý hợp pháp của Việt Nam. Những hành động trên được coi là sự cưỡng chiếm bất hợp pháp hay nói cho đúng là hành động xâm lược một cách trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế. Nay, họ lại muốn tuyên bố chủ quyền và mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là điều không thể được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Bởi, theo Luật quốc tế cụ thể là theo UNCLOS 1982 thì tuyên bố như thế sẽ chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Lễ ký kết thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc (trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào 10/2011)

Mà đã là vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, đương nhiên ngư dân của Việt Nam có quyền đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản và các hoạt động kinh tế khác. Vì sao Trung Quốc lại trắng trợn có hành vi bắt bớ, đánh đập, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu xét về luật pháp quốc tế là đây là hành vi sai trái, Trung Quốc đã không từ một thủ đoạn nào kể cả bắt giữ, đánh đập, lục soát lấy tài sản của những ngư dân Việt Nam bình thường – những con người chỉ quanh năm biết làm bạn với biển cả của Tổ quốc, lấy con tàu làm nhà, chứ không hề biết đến súng đạn, thù hận. Trung Quốc cố tình làm thế với mục đích khiến cộng đồng quốc tế hiểu sai về vùng đặc quyền kinh tế nằm trong sự quản lý của Việt Nam. Hành vi ấy chứng tỏ ý đồ cướp đất của phía Trung Quốc là quá rõ ràng. Nó không hề phù hợp với hành vi của một cường quốc, với xu thế của cộng đồng quốc tế hiện nay khi giải quyết các vấn đề trên biển bằng hoà bình. Có lẽ cũng vì thế mà họ đã buộc phải bội tín với phương châm “16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt” mà chính họ hay rao giảng. Cách đây chưa đầy 6 tháng, ngày 11/10, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao Đảng ta tới Trung Quốc, họ đã cùng với chúng ta ký “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước” làm kim chỉ nam cho việc giải quyết những tồn tại về các vấn đề trên biển.

Đối với Trung Quốc thì lời nói không hoặc chưa bao giờ đi đôi với việc làm. Cách hành xử của họ không thể được coi là cách hành xử của một “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Tin rằng, cộng đồng quốc tế sẽ tự tìm cho mình câu trả lời thông qua hành xử kiểu “vừa ăn cướp, vừa la làng” của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây. Còn về phía Việt Nam, kết hợp với sự đấu tranh cương quyết đúng về lý, hợp về tình, chúng ta sẽ tìm được tiếng nói chung với cộng đồng quốc tế, với những người có lương tri. Hành vi bất chấp đạo lý và luật pháp của Trung Quốc trước sau sẽ bị lên án bởi công luận, cộng đồng quốc tế.

Bạch Dương

Mỹ Linh: "Anh Đinh La Thăng quá kém cỏi"

Trước việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí lưu hành ô tô, xe máy, Diva Mỹ Linh cho rằng việc này là hết sức phi lý, chứng tỏ Bộ trưởng Đinh La Thăng quá kém!

Năm 2009, ca sĩ Mỹ Linh và Anh Quân cùng cả gia đình chuyển tới sống trong căn nhà rộng tới 1,3 hecta tại Sóc Sơn – nơi cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 phút đi ô tô.

Nhà có tới 2 chiếc xe bốn bánh, nên đề xuất thu phí lưu hành xe máy 500.000-1 triệu đồng và ôtô 20-50 triệu mỗi năm đã khiến ca sĩ Mỹ Linh vô cùng bức xúc.

Ca sĩ Mỹ Linh búc xúc trước đề xuất thu phí giao thông của Bộ trưởng Đinh La Thăng
Ca sĩ Mỹ Linh búc xúc trước đề xuất thu phí giao thông của Bộ trưởng Đinh La Thăng

Chia sẻ với báo chí, chị cho rằng: “Chừng nào còn chưa rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, chừng nào quy hoạch giao thông còn đầy rẫy những bất cập thì chừng đó, tai nạn giao thông vẫn còn là một vấn nạn nhức nhối mà trong đó, lỗi không thuộc về người dân.

Nên càng không thể giải quyết nó bằng một giải pháp đơn giản và phi lý hết sức là bắt dân đóng phí và phải “mua” một “mặt hàng” mà họ không ưng ý và không tự nguyện.

Đề xuất giải pháp đó, theo tôi, chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!”

Chị dẫn chứng thêm, việc thu đủ thứ thuế, phí ô tô nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông là hoàn toàn bất hợp lý, trong khi đi xe máy ở Việt Nam mới là dễ bị tai nạn nhất.

Hiện Mỹ Linh đang sử dụng Mitsubitshi Grandis 7

Hiện Mỹ Linh đang sử dụng Mitsubitshi Grandis 7 chỗ. Chiếc xe này chị đã mua được 6 năm. (Ảnh Vnmedia)

“Trong khi đó, thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí khi cuộc sống người dân còn muôn vàn khó khăn, chất lượng công trình giao thông không đảm bảo cho sự an toàn của người dân và chưa tương xứng với những khoản tiền mà dân phải đóng thì thử hỏi, như thế liệu có công bằng với người dân không?

Sao không hỏi người dân họ cảm thấy thế nào, sức chịu đựng của họ ra sao”, Mỹ Linh đặt câu hỏi.


Trước đó, ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Theo đó, cả ôtô và xe máy đều phải đóng thêm một loại phí gọi là "phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ". Ôtô tùy theo dung tích xilanh sẽ phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng mỗi năm. Với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) phải đóng 500.000 đồng cho xe có dung tích dưới 175 cm3 và 1 triệu đồng cho xe có dung tích lớn hơn.

Ngoài thu phí lưu hành, Bộ cũng đề xuất thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm (buổi sáng là từ 6h đến 8h30, buổi chiều từ 16h đến 19h hằng ngày, trừ ngày nghỉ, ngày lễ), trong đó miễn thu phí với xe công và xe bus.

Việc thu phí áp dụng tại khu vực nội đô thành phố, thu qua các trạm thu phí ở chiều vào với mức dự kiến là 30.000 đồng một lượt xe ôtô đến 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại ôtô còn lại. Khu vực thu và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định.

'Hai vị Vua' ở Quân cảng Cam Ranh

Đến Cam Ranh lần này, chúng tôi không có ý định tìm hiểu nhiều về lịch sử của quân cảng mệnh danh là “pháo đài bên bờ Thái Bình Dương”. Chúng tôi đến đây để "yết kiến" hai vị "vua".

Sáng mờ sương, chiếc xe loại UAZ 469 huyền thoại chở chúng tôi xuyên qua những trảng cát lúp xúp bụi cây, những đầm phá nhỏ xen giữa các triền đồi thấp. Sau chừng 20 phút chạy từ sân bay Cam Ranh, đã thấy trước mặt một vùng trời nước. Vịnh Cam Ranh tĩnh lặng như nàng tiên nằm ngủ yên lành giữa những triền núi thẳm xanh, dù phía xa kia Biển Đông không ngơi sóng gió.

Vịnh Cam Ranh - Địa thế chiến lược


Đặc trưng địa lý khu vực Đông Nam Á với thềm lục địa ngắn, dốc, biển ăn sâu vào đất liền thể hiện rất rõ nơi vùng đất này. Biển đang mênh mông, khi vào đến đây chợt gặp bán đảo Cam Ranh như cánh tay vươn dài, với núi Ao Hồ thuộc phần nam của dãy núi Đồng Bò sừng sững, cao gần 500m án ngữ, bao bọc lấy một vùng nước rộng bên trong.

Dường như thấy rằng chừng ấy cũng chưa đủ chở che, thiên nhiên đã kiến tạo thêm một hòn đảo nằm ở đầu mút bán đảo Cam Ranh – đảo Bình Ba, án ngữ nơi cửa vịnh cùng tên. Ở phần cuối vịnh Bình Ba về hướng tây bắc, biển đột nhiên thu hẹp lại thành một eo nước nhỏ, hai bên là hai mũi đất cao – Mũi Điện và Mũi Hời. Xuyên qua eo Bé là vịnh Cam Ranh mênh mông, thẳm sâu nhưng tĩnh lặng.

Thiên nhiên đã dành cho Cam Ranh một thế núi biển ngọa hổ tàng long. Thế nên, từ lâu vùng đất hiểm trở này đã được sử dụng vào mục đích quân sự. Sau khi khởi sự công cuộc thực dân tại Đông Dương vào nửa cuối thế kỷ 19, người Pháp đã chọn Cam Ranh để xây dựng quân cảng.

Trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật hồi đầu thế kỷ 20, khi quân Nga liên tiếp thất trận ở Thái Bình Dương, Nga hoàng Nicholas II đã lệnh cho Đô đốc Zinovy Rozhestvensky chỉ huy Hạm đội Baltic sang Thái Bình Dương tiếp viện.

Đội tàu Baltic đã làm một chuyến hải trình từ Đại Tây Dương xuống cực nam châu Phi rồi vòng lên Ấn Độ Dương. Sau khi vào Biển Đông, vào năm 1905, Đô đốc Rozhestvensky đã chọn Cam Ranh làm nơi đồn trú trong chừng một tháng trời để chuẩn bị cho trận hải chiến tại eo biển Tushima.

Khi bóng dáng những chiến hạm của Nga vừa khuất giữa mịt mù sóng nước Biển Đông cũng là lúc người Pháp ráo riết biến Cam Ranh từ một quân cảng nho nhỏ thành căn cứ quân sự lớn, phục vụ cho các chiến dịch thực dân khắp Đông Nam Á.

Hình vẽ minh họa hoạt động nhộn nhịp của tàu chiến Hải quân Liên Xô tại vịnh Cam Ranh.

Kể từ giờ phút đó, Cam Ranh với địa thế đắc địa hiếm hoi bên bờ Biển Đông luôn giữ vai trò là quân cảng quan trọng của Pháp.

Sau này, người Mỹ cũng đã xây dựng Cam Ranh thành căn cứ không quân, hải quân lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Lúc cao điểm, có tới hơn 30.000 quân Mỹ và đồng minh cùng các đội tàu khu trục, hộ tống, tàu đổ bộ và máy bay tuần tra, tiêm kích, cường kích đóng ở Cam Ranh.

Sau ngày đất nước thống nhất, Cam Ranh dần trở thành một căn cứ quân sự lớn của Liên Xô, làm thế đối trọng với quân Mỹ tại căn cứ Subic ở Philippines.

Vào thời điểm năm 1986, có tới hơn 6.000 người Nga bao gồm quân nhân, kỹ sư, công nhân đóng tại Cam Ranh, kèm theo đó là một đội tàu hùng mạnh, với khu trục hạm, tiểu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm hạt nhân và tàu cao tốc.

Tháng 5/2002, quân nhân Nga cuối cùng rời Cam Ranh, chấm dứt thời kỳ hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài tại quân cảng này. Người Nga rời đi, nhưng Cam Ranh với thế núi chở che biển cả vẫn giữ nguyên giá trị chiến lược đặc biệt của mình.

Đến Cam Ranh lần này, chúng tôi không có ý định tìm hiểu nhiều về lịch sử của quân cảng vốn được mệnh danh là “pháo đài bên bờ Thái Bình Dương”. Chúng tôi đến đây để “yết kiến” hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Tên của hai vị hoàng đế thuộc thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc giờ đây được đặt tên cho hai chiến hạm tối tân nhất của một lực lượng Hải quân đang trên đường hiện đại hóa – hai tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9.

"Hai vị vua" ở Cam Ranh

Khi chiếc UAZ 469 còn ở trên triền dốc xa, chúng tôi đã thấy bóng dáng những chiếc tàu xám trên nền nước ửng hồng buổi bình minh. Có thể dễ dàng nhận ra hai chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ qua vóc dáng đồ sộ, cũng như lớp vỏ thép nhẵn nhụi vốn là đặc trưng của những tàu chiến tàng hình, nằm giữa những chiến hạm nhỏ hơn, thuộc các lớp Molniya, đậu theo đội hình gần đấy.

Tàu Gepard 3.9 được đóng tại Nhà máy Zelenodolsk ở nước Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga. Đây là loại tàu chiến hiện đại, có khả năng tàng hình và hỏa lực rất mạnh, với hệ thống vũ khí chống ngầm, chống hạm và phòng không ứng dụng các công nghệ mới nhất. Tàu được thiết kế để chịu các điều kiện đại dương khắc nghiệt nhất và có thể hoạt động liên tục trong nhiều ngày liền. Hiện nay, chỉ mới có Nga – nước sản xuất – và Việt Nam đưa vào biên chế hải quân loại tàu này.

Chiếc Gepard 3.9 đầu tiên chính thức được biên chế vào Lữ đoàn 162 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đóng tại Cam Ranh vào tháng 3/2011 và được đặt tên theo người anh hùng đã bình định 12 sứ quân để lên ngôi vua – Đinh Tiên Hoàng.

"Hai vị vua" tuần tra bảo vệ biển đảo Việt nam.


Chiếc thứ hai được biên chế vào cùng đơn vị hồi tháng 8/2011, và mang tên vị vua dời đô Lý Thái Tổ. Như vai trò của hai vị hoàng đế thuộc thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập, hai chiến hạm Gepard 3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ đóng vai trò tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam, với ưu tiên hướng tới Hải quân và Không quân.

Chủ trương này đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ vào ngày 3/8/2011: “Phương hướng xây dựng quân đội sẽ theo hướng cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó Hải quân, Phòng không – Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử… đi thẳng vào hiện đại để bảo vệ đất nước”.

Quân đội sẽ từng bước được hiện đại, riêng Hải quân và Không quân sẽ được hiện đại hóa nhanh chóng. Trong xu hướng đó, sắp tới đây, các chiến hạm Gepard tân tiến hơn, với các tính năng chiến đấu mạnh mẽ hơn, sẽ được bổ sung vào lực lượng Hải quân Việt Nam. Song song đó là các nỗ lực tự chế tạo tàu chiến và tên lửa đã, đang và sắp được triển khai.

Lúc tới thăm quân cảng Cam Ranh, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến không khí hối hả trên công trường xây dựng căn cứ cho tàu ngầm lớp Kilo. Sau vài năm nữa, một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại sẽ chính thức ra mắt tại đây, như chính tuyên bố của Đại tướng Phùng Quang Thanh vào ngày 3/8/2011: “Trước mắt, trong 5, 6 năm tới, ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu hiện đại”.

Huấn luyện làm chủ Gepard 3.9


Trong căn phòng nhỏ nằm giữa thân chiến hạm Lý Thái Tổ, Thượng úy Nguyễn Hải Dương dán mắt vào màn hình radar, bên tai anh, chốc chốc lại vang lên khẩu lệnh của Thuyền phó – Thiếu tá Nguyễn Đình Giảng từ phòng chỉ huy trên cao vọng về: “Mạn phải 30, góc tầm 45, mục tiêu bay vào…”.

Trên màn hình xuất hiện tín hiệu chiếc máy bay mục tiêu lúc này đang đảo vòng trên bầu trời vịnh Cam Ranh. Chiếc máy bay lúc ẩn lúc hiện, như cố tìm cách thoát ra khỏi “vùng phủ sóng” của radar, nhưng bất kể thế nào, Dương và tổ chiến đấu của anh vẫn khóa chặt được “con mồi”. Nếu đây là thực tiễn chiến đấu, chàng sĩ quan trẻ chỉ cần nhấn nút phát hỏa là mục tiêu bị hạ.

Nguyễn Hải Dương vốn là học sinh chuyên toán ở Nghệ An. Thế rồi tình yêu biển đã thôi thúc anh gia nhập Hải quân. Sau khi ra trường, anh nhanh chóng trở thành một chuyên gia súng pháo, tên lửa cừ khôi trên các tàu tên lửa.

Chuẩn bị cho tiến trình hiện đại hóa Hải quân nhanh chóng, Nguyễn Hải Dương cùng nhiều sĩ quan thuộc thế hệ trên dưới 30 tuổi như anh đã được chọn đào tạo bài bản để tiếp nhận loại tàu chiến hiện đại Gepard 3.9. Từ khi lên tàu mới, Dương như chú đại bàng biển mọc thêm cánh. Những kỹ năng chiến đấu của anh và đồng đội không ngừng được hoàn thiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, Dương và đồng đội đã làm chủ được con tàu.

Trong chừng hai tiếng đồng hồ, lực lượng trên hai chiến hạm Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng đã thực hành bài bắn hạ mục tiêu trên không. Mục tiêu là một chiếc tàu lượn bay rất cao, ẩn hiện giữa những quầng mây xám trên biển. Các vị trí chiến đấu từ chỉ huy tàu, sĩ quan tín hiệu, sĩ quan cao xạ, súng, pháo, radar và tên lửa đã phối hợp với nhau nhuần nhuyễn, dồn tất cả hỏa lực vào mục tiêu.

Thuyền phó Nguyễn Đình Giảng trên buồng chỉ huy.

Thuyền phó Nguyễn Đình Giảng cho biết: “Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ thuộc thế hệ tàu chiến hiện đại, có khả năng tác chiến độc lập trên biển rất cao. Chiến thuật được áp dụng với loại tàu này cũng có nhiều khác biệt so với truyền thống.

Thế nên, việc đào tạo cho các sĩ quan chỉ huy là rất quan trọng. Anh em chúng tôi ở đây đều là những sĩ quan từng kinh qua các lớp tàu tên lửa thế hệ trước, giờ được đào tạo rất kỹ càng ở trong và ngoài nước nên làm chủ phương tiện rất nhanh. Sau hai năm đào tạo, giờ đây từ sĩ quan chỉ huy tàu tới sĩ quan các bộ phận đều đã thành thạo các kỹ năng chiến đấu”.

Còn Thượng tá Đỗ Quốc Tuấn – Thuyền trưởng tàu Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: “Không chỉ tiếp thu các thao tác kỹ thuật để điều khiển tàu từ các chuyên gia Nga, anh em còn dịch thuật tài liệu, nghiên cứu các bài tập chiến thuật mới để hoàn thiện kỹ năng chiến đấu. Trên cơ sở chiến thuật của nước ngoài, chúng tôi kết hợp với chiến thuật của Việt Nam, đặc biệt là từ kinh nghiệm chiến đấu của các thế hệ cha anh, để áp dụng vào loại tàu chiến hiện đại này”.

Luyện tập bắn mục tiêu trên không.

Rời quân cảng Cam Ranh vào buổi chiều muộn, khi buổi thao luyện vừa kết thúc, chúng tôi cảm nhận được nhiệt tình và quyết tâm của các anh qua từng cái bắt tay chắc nịch. Từ những chiếc “xuồng tên lửa”, giờ đây các anh đã bước lên những chiếc tàu chiến tối tân, đại diện cho một lực lượng Hải quân Việt Nam hiện đại.

Từ chốn cỏ lau, Đinh Bộ Lĩnh đã dấy binh dẹp loạn, lên ngôi hoàng đế, đem thái bình thịnh trị khắp cõi trời nam, đặt nền móng vững chắc cho một quốc gia độc lập. Lý Thái Tổ dời đô từ chốn chật hẹp ra chỗ mênh mông, cũng với quyết tâm tạo nên một chỗ đứng vững chắc, một vị thế đĩnh đạc cho nước nhà trong bối cảnh vừa thoát khỏi sự đô hộ của phương Bắc.

Trên tinh thần đó, hai chiến hạm Gepard 3.9 ở quân cảng Cam Ranh, mang hiệu hai vị hoàng đế thuộc thời đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc, là một minh chứng cho quyết tâm không gì lay chuyển được, là biểu trưng cho ý nguyện của toàn dân Việt Nam trong việc bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc biển mà cha ông ngàn xưa để lại.

Tên vịnh Cam Ranh có nghĩa là “bến nước ngọt”, nằm ở cực Nam của tỉnh Khánh Hòa phía Nam Việt Nam, là đỉnh tột cùng nhô ra nổi bật nhất của đường bờ biển hình vòng cung phía Đông Nam Việt Nam, là vị trí yết hầu chiến lược kiểm soát cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Khoảng cách từ vị trí này đến tuyến hàng hải quốc tế ở hai đại dương nói trên chỉ bằng hải trình một tiếng đồng hồ, vì thế Cam Ranh có vị trí chiến lược hết sức đắc địa, từ trước đến nay vẫn luôn là vị trí giành giật tất yếu của các nhà quân sự.

Vịnh Cam Ranh bốn bề được bao bọc bởi một quần thể núi đá cao khoảng 400m, ăn sâu vào đất liền 17km, rộng 6km, diện tích thủy vực rộng hơn 100km2. Độ sâu trong vịnh bình quân từ 16 đến 25m, chỗ sâu nhất đến 32m, là một trong những cảng nước sâu tự nhiên có giá trị nhất thế giới.

Trong vịnh có thể đỗ được hàng trăm tàu cỡ lớn hàng vạn tấn, kể cả tàu sân bay. Nội cảng được phân thành hai khu vực là cảng quân sự và cảng thương mại, trong đó cảng quân sự nằm ở thị trấn Cam Ranh bờ phía đông, sâu 14m, có 6 cầu tàu chính, xưởng đóng tàu có thể sửa chữa các tàu cỡ lớn và đóng tàu cỡ nhỏ, còn có kho chứa dầu, kho đạn dược và kho quân nhu đảm bảo cơ sở vật chất, hệ thống trinh sát điện tử và thông tin cũng tương đối hoàn thiện. Khu ngoại cảng hay còn gọi là đảo Bình Ba, sâu trung bình từ 10 đến 22m, tương đối thuận tiện, có đường sắt và đường bộ liền nhau.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nghiên cứu xây dựng Đề án kéo dài tuổi lao động

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trên cơ sở báo cáo điều tra của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề án về kéo dài tuổi lao động phù hợp với xu hướng sức khỏe và tuổi thọ của người Việt Nam tăng, nhu cầu nhân lực có trình độ cho phát triển đất nước và kinh nghiệm của các nước khác về việc nâng tuổi về hưu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ chủ trì trình Đề cương sơ bộ với Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vào quý III/2012.

Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người cao tuổi


Để đưa Luật Người cao tuổi vào cuộc sống, đẩy mạnh công tác chăm sóc người cao tuổi, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, hướng dẫn thủ tục để người cao tuổi chưa đủ hồ sơ xác định tuổi được hưởng trợ cấp theo quy định của Luật, nhất là đối với người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và miền núi.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nghiên cứu xây dựng Đề án kéo dài tuổi lao động
Ảnh minh họa

Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn cơ sở y tế duy trì việc khám, chữa bệnh, kể cả khám, chữa bệnh lưu động ít nhất 1 lần/năm cho người cao tuổi, chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và miền núi.

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người cao tuổi thông qua cuộc vận động “Ánh sáng cho người cao tuổi”, “Câu lạc bộ liên thế hệ giúp đỡ nhau”. Nghiên cứu hàng năm tổ chức liên hoan các tấm gương và mô hình chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi cô đơn.

Các địa phương tiếp tục rà soát việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi, nhất là xóa nhà tạm cho người cao tuổi đơn thân, người cao tuổi là hộ nghèo; phối hợp với các đoàn thể vận động các tổ chức, cá nhân chăm sóc người cao tuổi đơn thân.

Xây dựng Đề án “Nhà chăm sóc người cao tuổi độc thân”


Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2012. Trong đó, cần làm rõ các mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 cũng như các chính sách, giải pháp, cơ chế tổ chức và nguồn lực thực hiện, lưu ý xu hướng già hóa dân số để đề xuất chính sách phù hợp.

Để thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng Đề án “Nhà chăm sóc người cao tuổi độc thân”, nhất là ở vùng khó khăn, trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi cho ý kiến vào quý III/2012, sau đó hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV/2012.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án hỗ trợ, chăm sóc đời sống văn hóa và tinh thần cho người cao tuổi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án hỗ trợ người cao tuổi trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế và Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng kế hoạch định kỳ phổ biến nội dung, giới thiệu mô hình về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên sóng phát thanh, truyền hình, chú ý các bệnh ở người cao tuổi, trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vào quý II/2012.

Hình ảnh diễn tập chiến đấu của Trung đoàn bộ binh 141

Hình ảnh những người lính bộ binh ôm trên mình khối thuốc nổ thoăn thoắt áp sát, tiến công mục tiêu, đánh phá lô cốt, xe tăng, hay đánh cửa mở, chiếm đầu cầu…

Đó là những bài huấn luyện của Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Được chứng kiến bài tập của các chiến sĩ ở Trung đoàn 141 mới thấu hiểu “chất thép” của những người lính bộ binh ở tuyến 1, đòi hỏi ở mỗi người lính sự tập trung cao độ và tính quyết đoán cao.

Dưới đây là một vài hình ảnh cuộc diễn tập chiến đấu bộ đội Trung đoàn 141:

Chiến sĩ Đại đội 14 trên đường cơ động ra bãi tập.

Đại đội 14, Trung đoàn 141 luyện tập lấy phần tử cho pháo cối 100 mm.

Đại đội bộ binh tiến công địch địa hình rừng núi.

Bài tập dùng bộc phá đánh lô cốt, xe tăng địch.

Việc tạo và sử dụng bộc phá luôn đòi hỏi người lính tính cẩn thận, tỉ mỉ và sự tập trung cao độ.

Trong thực tế chiến đấu, một cây nổ dài gồm 34 bánh thuốc nổ TNT tương đương 6,2kg thuốc nổ.


Thực hành tạo cây nổ dài để phá hàng rào địch.

Luyện tập chiến thuật ở Đại đội 7 Tiểu đoàn Bộ binh 2.

Theo Baodatvietdatviet

Hoạt động, điều hành nổi bật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tuần 3/3/2012

[Chuyên mục hoat dong, điều hành trong tuần của thủ tướng Nguyen Tan Dung] Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp và làm việc với lãnh đạo các nước Nhật Bản, Séc, Chile, Argentina, Hoa Kỳ. Và Yêu cầu PetroVietnam ngừng thực hiện tháp dầu khí, ký quyết định phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu…Những hoạt động, văn bản chỉ đạo điều hành nổi bật của Thủ tướng từ 18 – 24/3/2012 đã nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi của nhân dân.

Lấy đất lúa phải được Thủ tướng đồng ý


Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong 2 ngày 19-20/3, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Một vấn đề được nhiều ý kiến tham gia thảo luận là dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Nguyen Tan Dung

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việc đề xuất xây dựng dự án luật, pháp lệnh phải thực sự cần thiết, có tính khả thi trong thực tiễn cuộc sống, được thẩm tra chặt chẽ, khoa học.

Theo đó, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, xây dựng nghị định này là yêu cầu cấp bách, nhất là để giữ 3,812 triệu ha đất lúa theo mục tiêu đã được Quốc hội thông qua. Về vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ: “Dứt khoát các dự án lấy đất lúa phải có quy hoạch đã được thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý trước khi phê duyệt quy hoạch. Về trường hợp buộc phải sử dụng diện tích đất lúa vì mục tiêu quốc gia, Thủ tướng đồng tình quan điểm phải có biện pháp bù đắp diện tích ngay tại địa phương đó.

Việt Nam hỗ trợ Nhật Bản trong công cuộc tái thiết đất nước


Tiếp Nguyên Thủ tướng Nhật Bản, ông Yukio Hatoyama đang có chuyến thăm Việt Nam ngày 20/3, tại Trụ sở Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Nhật Bản trong công cuộc tái thiết đất nước. Cảm ơn Chính phủ Nhật Bản trong điều khiện khó khăn nhưng vẫn tiếp tục dành viện trợ ODA cho Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Nguyen Tan Dung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Myanmar Thein Sein.

Thúc đẩy hợp tác trong tiểu vùng sông Mê Công


Tại buổi hội kiến với Tổng thống cộng hoà Liên bang Myanmar Thein Sein, chiều 20/3, tại trụ sở Chính Phủ, Thủ tướng đề nghị hai bên duy trì cơ chế tham khảo chính trị thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao, thúc đẩy hợp tác trong tiểu vùng sông Mê Công (CLMV).Đồng thời, hai bên đẩy mạnh triển khai các chương trình, các thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất. Khẳng định quan điểm của Việt Nam là ủng hộ để Myanmar đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2014.

Nguyen Tan Dung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg.

Doanh nghiệp Séc muốn tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam


Ngày 22/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg. Và bày tỏ mong muốn Séc hỗ trợ Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời khẳng định quan điểm của Việt Nam ủng hộ Séc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg nhấn mạnh việc các doanh nghiệp của Séc luôn coi trọng và muốn tìm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Nguyen Tan Dung

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Chile Sebastián Pinera Echenique
Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam – Chile

Tại buổi tiếp Tổng thống Cộng hòa Chile Sebastián Pinera Echenique, chiều 22/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam luôn mong muốn cùng với Chile đưa quan hệ 2 nước phát triển sâu rộng, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Do đó 2 bên cần tiếp tục dành ưu tiên cho các lĩnh vực hợp tác mà tiềm năng, lợi thế còn lớn, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nội dung của Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – Chile, đưa kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 nước trong 5 năm tới tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.

Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Argentina và Hoa Kỳ


Chiều 23/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Argentina và Thị trưởng thành phố New York.

Tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Argentina, Thủ tướng khẳng định sự coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Argentina, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai nước tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn hợp tác đa phương; thúc đẩy mạnh mẽ thương mại hai chiều, đưa kim ngạch thương mại Việt Nam – Argentina cao hơn con số 1 tỷ USD so với hiện nay.

Nguyen Tan Dung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thị trưởng New York, ông Michael Bloomberg.

Tiếp Thị trưởng thành phố New York, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những kết qủa tích cực trên các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Thương mại 2 chiều Việt Nam – Hoa Kỳ tăng nhanh qua các năm, đạt 21 tỷ USD năm 2011, đồng thời Hoa Kỳ là nhà đầu tư đứng thứ 6 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Khẳng định, chuyến thăm Việt Nam lần này của Thị trưởng sẽ đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Một số ý kiến, chỉ đạo Thủ tướng Nguyen Tan Dung ban hành


1. Chỉ đạo kiểm tra việc phá rừng tại Hà Tĩnh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra sự việc nêu trong bài báo “Phá rừng chắn sóng, dân thiệt, ai lợi?” đăng trên Báo Tiền Phong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/3/2012
2. Lập Ban tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 320/QĐ-TTg về thành lập Ban Tổ chức cấp quốc gia kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/1912 – 11/6/2012). Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban Ban tổ chức.
3. Yêu cầu PetroVietnam ngừng thực hiện tháp dầu khí
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) không tiếp tục thực hiện Dự án “Tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại, Công viên giải trí và Tháp Dầu khí tại khu đất 25 ha tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội” để tập trung nguồn lực cho hoạt động của ngành, nghề kinh doanh chính theo đúng chủ trương của Chính phủ.
4. Bắc Ninh chuyển mục đích sử dụng đất cho 7 dự án
Ngày 20/3, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Bắc Ninh chuyển mục đích sử dụng 11,8 ha đất để thực hiện 7 dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai.
5. Kiểm tra thông tin báo nêu về khu “đất vàng” bỏ hoang tại Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng kiểm tra sự việc nêu trên Báo Đời sống và Pháp luật trong loạt bài phản ánh tình trạng các khu “đất vàng” bị bỏ hoang từ nhiều năm nay trên khắp các địa bàn của Hà Nội.
6. Sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc tỉnh Nam Định
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc tỉnh Nam Định giai đoạn 2011 – 2015. Duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn (Cty TNHH) 1 thành viên Xổ số kiến thiết Nam Định và các Cty TNHH 1 thành viên Khai thác công trình thủy lợi: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Ninh, Xuân Thủy, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Thành.
7. Hỗ trợ 9 địa phương phòng, chống dịch bệnh
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 100.000 liều vắc xin LMLM type O; 52.000 liều vắc xin LMLM tam giá; 50.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid; 5.000 lít hóa chất Han-Iodine; 90 tấn hóa chất Chlorine thuộc hàng nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ 9 địa phương phòng, chống dịch bệnh.
8. Đánh giá việc thực hiện bảo lưu quyền mở dịch vụ phân phối dược phẩm
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện cam kết của Việt Nam với WTO về nội dung bảo lưu quyền mở cửa dịch vụ phân phối dược phẩm cho nhà đầu tư nước ngoài, đề xuất hướng xử lý.
9. Viện trợ 84,6 triệu USD cho dự án “Mô hình trường học mới tại Việt Nam”
Thủ tướng vừa phê duyệt danh mục Dự án “Mô hình trường học mới tại Việt Nam” do Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE) viện trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB).
10. Điều chỉnh Dự án quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về khả năng cân đối vốn đối ứng cho dự án xây dựng quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội -Thái Nguyên từ kế hoạch ngân sách hàng năm và chịu trách nhiệm toàn diện về tính hiệu quả của dự án.
11. Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền, bể sông Hồng
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền, bể sông Hồng” nhằm điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên than phần đất liền bể sông Hồng làm cơ sở để lựa chọn các diện tích thăm dò tiếp theo.
12. Phân bổ lại vốn dự án “Kế hoạch loại trừ Methyl Bromide”
Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc phân bổ lại vốn cho Dự án “Kế hoạch loại trừ Methyl Bromide” do Ngân hàng Thế giới (WB) viện trợ không hoàn lại.
13. Khung chính sách tái định cư Dự án Quản lý Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung chính sách tái định cư Dự án Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo Chủ đầu tư dự án phối hợp với UBND các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người bị ảnh hưởng của dự án theo đúng quy định.
14. Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu. Theo đó, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu gồm 22 thành viên do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Chủ tịch Ủy ban.

Mộc Lan

Việt Nam - Hàn Quốc tăng cường hợp tác an ninh hạt nhân

Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu Việt Nam tới Seun dự Hội nghị cấp cao An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc từ ngày 26 đến 27 – 29/3.

Tham gia Đoàn chính thức có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ; lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an và lãnh đạo một số địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong cuộc gặp tại Nhà Xanh (dinh tổng thống Hàn Quốc) tại Seoul ngày 30/5/2009.

Việt Nam sử dụng năng lượng hạt nhân vì hoà bình


Chuyến thăm lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm khẳng định chính sách nhất quán của nước ta về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Nêu bật những nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện sau Hội nghị cấp cao An ninh hạt nhân lần thứ nhất về   bảo đảm an ninh và an toàn hạt nhân. Đồng thời, tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước. Khẳng định chính sách nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta coi trọng và muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai tại Hàn quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp hơn liên quan đến an ninh, an toàn hạt nhân, trong đó có sự cố hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản.

Với sự tham dự của trên 50 nước, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai sẽ là cơ hội để các nước cùng nhìn lại những nỗ lực triển khai các cam kết, khuyến nghị đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất. Đồng thời thảo luận những biện pháp tăng cường an ninh, an toàn hạt nhân trong tình hình mới. Là diễn đàn để các nước duy trì, củng cố ý chí chính trị, thúc đẩy sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, thảo luận về cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân.

Việt Nam xác định bảo đảm an toàn năng lượng hạt nhân


Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Hàn Quốc một lần nữa khẳng định với thế giới: chính sách nhất quán của Việt Nam trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, thể hiện rõ Việt Nam là thành viên trách nhiệm, chủ động và tích cực đóng góp vào nỗ lực giải quyết một vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 2 sẽ có một thông cáo thể hiện quyết tâm chung ứng phó với mối đe dọa khủng bố hạt nhân, khẳng định vài trò của IAEA (cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế), đề cao nhu cầu hợp tác và hỗ trợ quốc tế cũng như khẳng định quyền của các quốc gia phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Năm 2015, đưa kim ngạch thương mại 2 chiều Việt– Hàn lên 20 tỷ USD


Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Hàn Quốc. Đây là lần thứ 3, Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc và là sự kiện chính trị lớn đầu tiên trong năm hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc 2012, kỷ niệm 20 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhằm thắt chặt tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc, nhất là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, giáo dục đào tạo, lao động…

Liên tục trong nhiều năm qua, Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên tới trên 23 tỷ USD. Và Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng của Hàn Quốc.

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, nhất là quyết tâm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc lên 20 tỷ USD vào năm 2015.

Bạch Dương

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Mạng TQ đánh giá lực lượng phòng thủ bờ biển Việt Nam

Những khả năng của K-300P Bastion là một mối đe dọa lớn đối với tàu chiến chúng ta, chúng ta không được chủ quan và xem nhẹ đối phương.

Sau khi báo giới Nga loan tin, Việt Nam tiếp tục mua lô thứ 2 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động K-300P Bastion. Các trang mạng quốc phòng Trung Quốc đã cảnh báo rằng, Trung Quốc cần phải tìm biện pháp để đối phó với hệ thống tên lửa chống hạm tối tân này.

Một bài viết trên trang mạng Xinjunshi đã phân tích các tính năng của hệ thống K-300P Bastion. Theo đó, đây là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển được thiết kế bởi Cục thiết kế NPO cùng với đối tác Belarus.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngoài Nga sở hữu hệ thống phòng thủ bờ biển tối tân này. Hệ thống sử dụng tên lửa chống hạm đa năng P-800 Yakhont. Tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu tàu chiến mặt nước cũng như các mục tiêu trên đất liền.


Mạng quốc phòng TQ cảnh báo K-300P Bastion là mối đe dọa lớn đối với tàu chiến của nước này.

Tên lửa có hai chế độ hành trình khác nhau, ở chế độ bay thấp, tầm bắn tối đa 120km, trong chế độ bay hỗn hợp tên lửa có tầm bắn lên đến 300km. Hệ thống có thời gian triển khai sẳn sàng chiến đấu chỉ trong 5 phút. Một khẩu đội K-300P Bastion có thể phóng đi 8 tên lửa chống hạm chỉ trong thời gian 2,5 giây.

Tên lửa P-800 Yakhont có tốc độ lên đến 2,5 lần tốc độ âm thanh, ở chế độ bay cao, tốc độ của tên lửa tới 780m/giây, khoảng 2808 km/giờ, ở chế độ bay thấp, tốc độ tên lửa ở mức 680 m/giây, khoảng 2448km/giờ.

Tên lửa được dẫn hướng kết hợp quán tính và radar bị động, radar này có khả năng khóa mục tiêu ở cự ly 50km, ăng ten của radar có khả năng quét góc phương vị ±45 độ. Một khi đã khóa mục tiêu, tên lửa sử dụng radar bị động để lao thẳng đến mục tiêu. Việc sử dụng đầu dò radar bị động khiến tên lửa có khả năng kháng nhiễu rất cao.

Mỗi tổ hợp K-300P Bastion có khả năng quản lý đường bờ biển dài 600km.

Sau khi phóng đi, toàn bộ thệ thống có thể rút khỏi vị trí và giao việc dẫn hướng tên lửa cho máy bay trực thăng.  Khả năng cơ động cao trên khung gầm xe MZKT của Belarus khiến việc phát hiện vị trí phóng của đối phương cực kỳ khó khăn.

Trang mạng Xinjunshi bình luận, những mối đe dọa với tàu chiến Trung Quốc bao gồm, khả năng tấn công tầm xa 300km, hệ thống dẫn hướng chính xác với khả năng kháng nhiễu tốt.

“Những khả năng của hệ thống K-300P Bastion thực sự là một mối đe dọa rất lớn đối với tàu chiến chúng ta, chúng ta không được xem nhẹ và chủ quan đối với vấn đề này”. Trang mạng này đã bình luận như vậy.


Những hệ thống phòng thủ ven bờ như 4K44B REDUT vẫn là mối đe dọa lớn cho bất cứ chiến hạm  nào.

Ngoài ra, trang mạng quốc phòng Trung Quốc cảnh báo thêm, trong biên chế lực lượng phòng thủ bờ biển Việt Nam còn có một số hệ thống tên lửa chống hạm được chuyển giao từ thời Liên Xô như  4K51 Rubezh và đặc biệt là biến thể 4K44B REDUT có tầm bắn lên đến 500km. Tuy rằng các biến thể này đã lạc hậu phần nào so với hiện tại, nhưng đây vẫn là những mối đe dọa cho bất kỳ chiến hạm nào nằm trong tầm bắn của nó.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Thượng tướng Trần Đại Quang: tổng hợp video hoạt động tháng 03/2012

TVB xin cung cấp một số video về hoạt động của thượng tướng Trần Đại Quang -  Bộ trưởng Bộ Công An, để quý độc giả có thể nắm rõ những thông tin hữu ích và thay vì phải đọc hàng dài những tin tức thì chúng ta có thể xem qua tổng hợp các video này.

Mọi ý kiến về các video hoạt động của ông Trần Đại Quang vui lòng gửi về địa chỉ email: banbientap@trandaiquang.net, chúng tôi tiếp thu tất cả các ý kiến của quý độc giả.

Ông Trần Đại Quang chủ trì Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị TW 4



Tội phạm hình sự dưới tuổi vị thành niên tăng mạnh tại khu vực ngoại thành



Bộ trưởng Trần Đại Quang dự Hội nghị tổng kết Bảo vệ bí mật nhà nước



Ông Trần Đại Quang làm việc về công tác bảo đảm an toàn giao thông tại TPHCM




Ông Trần Đại Quang dự phiên họp 3 Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp



Ông Trần Đại Quang dự buổi họp báo chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương



Ông Trần Đại Quang dự hội nghị toàn Quốc về phòng chống tham nhũng



Để có thể theo dõi thường xuyên hơn các video hoạt động của thượng tướng Tran Dai Quang, quý độc giả có thể theo dõi tại: http://www.youtube.com/user/trandaiquangvideo

Mục kích dàn máy bay chiến đấu của Alaska-Mỹ

Một số hình ảnh về hoạt động của các máy bay trực thăng, tiếp dầu trên không trung thuộc biên chế của Lực lượng bảo vệ không phận bang Alaska, Mỹ thời gian gần đây.

máy bay chiến đấu của Alaska-Mỹ

máy bay chiến đấu của Alaska-Mỹ

máy bay chiến đấu của Alaska-Mỹ

máy bay chiến đấu của Alaska-Mỹ

máy bay chiến đấu của Alaska-Mỹ

máy bay chiến đấu của Alaska-Mỹ

máy bay chiến đấu của Alaska-Mỹ

máy bay chiến đấu của Alaska-Mỹ

ORSIS T-5000 - súng bắn tỉa thế hệ mới của Nga

Thương hiệu vũ khí Nga đang trở lại thị trường vũ khí thế giới bằng việc giới thiệu súng bắn tỉa có thiết kế “độc nhất” mang tên ORSIS T-5000.

Một trong những triển lãm quốc tế mới, triển lãm súng săn và súng thể thao IWA & OutdoorClassics được tổ chức ở Nuremberg, Đức vào tháng 3/2012.

Tại đây, lần đầu tiên Nga trưng bày và giới thiệu sản phẩm súng bắn tỉa chiến thuật mới nhất của họ, ORSIS T-5000.

Ra mắt thành công ORSIS T-5000


IWA & OutdoorClassics là triển lãm được tổ chức ở không gian ngoài trời và là một trong những sự kiện lớn nhất cho các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về đây.

Tại triển lãm, các nhà sản xuất vũ khí nổi tiếng thế giới tập trung vào việc giới thiệu các sản phẩm súng ngắn, phụ tùng, thiết bị quang học, dao, đồ dã chiến chiến thuật, đạn dược và các phụ kiện dành cho môn thể thao bắn súng, phụ kiện săn bắn, thiết bị an toàn cá nhân cho các hoạt động ngoài trời và ngay cả cung tên và các thiết bị hỗ trợ bắn cung cũng đã được mang đến.

Đối với nhóm chuyên gia và nhân viên của công ty Survey Systems, triển lãm IWA & OutdoorClassics là thành công cũng như kinh nghiệm đầu tiên của họ trên thị trường quốc tế.

ORSIS T-5000 đã tạo ra mối quan tâm lớn từ những khách hàng và du khách tham gia triển lãm. Các du khách nước ngoài và khách hàng tại IWA & OutdoorClassics đều đánh giá cao loại súng bắn tỉa chiến thuật mới của công ty Nga về chất lượng cao, thiết kế hợp lý, hiện đại và hiệu quả của súng.

Người đẹp Nga bên súng trường bắn tỉa ORSIS T-5000
Người đẹp Nga bên súng trường bắn tỉa ORSIS T-5000 thế hệ mới.

ORSIS T-5000 đã thành công bước đầu khi được đại diện các cơ quan luật pháp và cả khách hàng dân sự tỏ ý quan tâm và muốn sở hữu nó. Trong đó, Thụy Sĩ, Anh, Đức, Ý, Israel, Nam Phi, Trung và một số nước Đông Âu đã bày tỏ mong muốn có được loại súng này.

Sau triển lãm, Tổng Giám đốc công ty Survey Systems, ông A.M.Sorokin tuyên bố, công ty đã nhận được một số đơn đặt hàng nòng súng từ một số nhà sản xuất vũ khí châu Âu.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia IWA & OutdoorClassics, điều này là vô cùng có ý nghĩa để chúng tôi có được kinh nghiệm, chúng tôi muốn thể hiện với các quốc gia phương Tây một cái nhìn tích cực và thân thiện hơn về vũ khí Nga. Sản phẩm của chúng tôi đã được đánh giá rất tích cực, một số lượng lớn đơn đặt hàng đã được ký kết và bắt đầu thực hiện," ông Sorokin nói.

Điểm được du khách chú ý nhất là ORSIS được giới thiệu với vật liệu thép không gỉ, tất cả mọi người có thể thấy được sự mới mẻ hơn là sự nhàm chán từ những sản phẩm sao chép, cắt dán công nghệ của nước ngoài.

Đặc điểm thiết kế “độc nhất”


ORSIS T-5000 là súng bắn tỉa chiến thuật được sản xuất dưới nhãn hiệu ORSIS, một trong những vũ khí mới nhất và hiện đại nhất được Nga sản xuất

Điểm đặc biệt, T-5000 lại được chế tạo bởi một nhà máy sản xuất súng thuộc sở hữu tư nhân. T-5000 được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm vũ khí và đạn dược Nizhny Tagil, hồi tháng 9/2011.

ORSIS T-5000 được thiết kế dựa trên nguyên lý hoạt động chốt vận hành bằng tay, súng được sản xuất dưới hai phiên bản sử dụng với mục đích khác nhau.

Loại cỡ đạn là 7,62x51 mm (.308 Win) cho sử dụng tiêu diệt mục tiêu ở cự li ngắn và trung bình và loại đạn cỡ 8,6x70 mm (.338 Lapua Magnum) sử dụng tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa. Súng có thể sử dụng cho xạ thủ thạo tay phải và cả tay trái.

Tất cả các bộ phận quan trọng của súng như nòng súng, cò súng (đã  xử lý nhiệt và xử lý hóa học đặc biệt), kim hỏa, bệ khóa nòng và thoi đẩy về đều được gia công từ thép cao cấp không gỉ, có thời gian tản nhiệt nhanh, nắp hộp khóa nòng được làm từ hợp kim titan (sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ, tàu ngầm và nhiều lĩnh vực khác vì nhẹ, bền, chống ăn mòn tốt).

ORSIS T-5000
ORSIS T-5000 được chế tạo với vật liệu siêu bền, siêu cứng, không gỉ.

Cấu hình hình học bên trong của súng được tối ưu hóa và được chế tạo với kích thước cực kỳ chính xác (dung sai về độ sâu của rãnh xoắn là 0,0025 mm), công thức độc quyền bên trong súng (số rãnh xoắn, số vòng xoắn, chiều dài nòng, chiều dài ổ nạp đạn) không được nhà sản xuất nào trên thế giới sử dụng, nòng súng được sản xuất theo công nghệ ốp lát tay lưới mắt cáo đã được thay đổi (sản xuất bằng hợp kim cứng), cho phép nòng súng đạt được những đặc tính riêng biệt. Vì vậy súng được đánh giá là cho phép đạt được độ chính xác và độ chụm khi bắn loạt phát một cao “chưa từng thấy”.

Các bộ phận của súng đều được sản xuất trong không gian hoàn toàn tách biệt với bên ngoài để giảm sự ảnh hưởng, nắp hộp khóa nòng được cố định bằng 4 khớp, cho phép trong trường hợp cần thiết có thể tháo lắp hoàn toàn súng trong vòng 5-15 giây để sửa chữa và thay thế các bộ phận bên trong một cách nhanh chóng, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.

Sự đơn giản trong thiết kế làm cho việc điều chỉnh súng về độ sai lệch, vị trí kim hỏa và lực tác dụng lên cò súng dễ dàng hơn. Áp lực lên cò súng có thể được điều chỉnh giữa 500-900 gam hoặc giữa 1.000-1.500 gam, tất cả các thông số tới hạn như độ dịch chuyển của cò súng để làm thay đổi độ nhạy cũng có thể điều chỉnh theo sở thích tự nhiên của xạ thủ.

Chốt an toàn được thiết kế ở ở vị trí thuận tiện ở phía cuối thoi nạp đạn với ba chế độ (bắn, an toàn và khóa nòng an toàn). Tất cả những đặc điểm này tạo nên một khẩu ORSIS T-5000 vô cùng tiện lợi.

Cụm khóa cò của T-5000 có giới hạn chịu lực tăng thêm 30%, điều này làm tăng đáng kể mức an toàn khi sự sử dụng súng. Các thành phần của cụm khóa cò cũng đều được sản xuất từ thép không gỉ và được xử lý nhiệt để có được những đặc tính mong muốn như độ cứng và độ bền cao, điều này làm cho các bộ phận của súng hoạt động gần như hoàn hảo và tạo ra đường bắn chính xác, ổn định.

Báng súng được làm bằng hợp kim dura D16T, hợp kim này thường được sử dụng trong ngành hàng không, cho phép đạt được độ bền cao nhất. Trên báng  lắp một tấm thép tỳ má có rãnh trượt để điều chỉnh vị trí, tạo tư thế thoải mái và chắc chắn khi ngắm bắn, kỹ thuật gấp báng có "một không hai" với một chốt cơ khí ở vị trí gấp (làm bằng thép) để có thể thu gọn chiều dài súng khi mang vác.

Chốt giật lên đạn được ép chặt vào bề mặt gối trụ bằng một đinh ốc đặc biệt, cho phép tăng sự ổn định của đường ngắm khi bắn. Đặc điểm thiết kế của báng súng tạo ra sự phân bổ chính xác về lực chuyển động trong quá trình chốt giật về sau (cân bằng lực), làm giảm lực giật của súng.

Điểm "độc nhất" này cho phép xạ thủ có thể lấy được đường ngắm vào mục tiêu mới nhanh và chính xác hơn, giảm được đáng kể thời gian lấy lại đường ngắm sau phát bắn đầu tiên.

Các bộ phận thân súng có thể được sơn với nhiều màu khác nhau theo yêu cầu của khách hàng như lớp phủ Cerakote hoặc SoftTouch.

Ngoài ra, ORSIS còn được lắp thêm cả bộ bù lực hãm phanh 3 ngăn ở đầu nòng, giảm được độ giật của súng tới 50%.

T-5000
Kết quả bắn của T-5000 ở cự ly 300m.

Tất cả các bộ phận của súng ORSIS đều do Nga tự sản xuất, bao gồm máy gia công bu-lông bằng máy tính điều khiển số (Computer Numerical Control - CNC), khối cò súng và kim hỏa, rãnh xoắn nòng súng sản xuất từ thép cấp độ cao nhất, cũng như vật liệu polymer, gỗ hoặc nhôm ở những bộ phận hỗ trợ khác.

Triển lãm Tagil, lần đầu tiên ORSIS chứng minh độ chính xác tuyệt vời của loại súng bắn tỉa mới của họ trong điều kiện chiến trường giả định, T-5000 đã thực hiện 3 bài bắn ở các cự li 100m, 300m và 540m, trong đó, ở cự li 300m súng đã bắn bốn phát đạn vào mục tiêu với độ tản mát so với tâm vòng 10 chỉ khoảng 0,5 MOA, và thậm chí còn tốt hơn vậy.

Súng bắn tỉa ORSIS T-5000 sử dụng hai loại hộp tiếp đạn tháo rời, loại 5 viên và 10 viên. Bản ORSIS T-5000 tiêu chuẩn không được trang bị đường ngắm cơ khí, thay vào đó là rãnh ngắm Picatinny Mil-Std 1913 được trang bị đầy đủ, cho phép lắp đặt nhiều loại khí tài hỗ trợ ngắm bắn như kính ngắm quang học, kính ngắm hồng ngoại tầm xa cho tác chiến ban đêm, hoặc các thiết bị hỗ trợ theo yêu cầu của khách hàng đều được hỗ trợ đầy đủ. Một số phụ tùng khác có thể dễ dàng tháo rời như giá bắn hai chân (nhiều loại khác nhau), dây đeo...

Các chuyên gia cho rằng, T-5000 đã đủ sức thuyết phục để chứng minh hiệu suất của súng, đảm bảo cho phép xạ thủ tấn có thể tấn công mục tiêu bất cứ thời điểm nào, ngày hay đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Việc đào tạo các xạ thủ sẽ tập trung vào bài bắn ở khoảng cách 1km (với bản 8,6x70 mm). Ngay sau khi ra mắt, súng bắn tỉa chiến thuật ORSIS T-5000 đã được xét đưa lên chính phủ Nga để thử nghiệm.
Bản cỡ nòng nhỏ .308 Winchester có chiều dài súng 1230/1060 mm (báng không gấp và có gấp), chiều dài nòng 673 mm, sử dụng cả hai loại hộp tiếp đạn 5 viên và 10 viên, trọng lượng 6,6/6,3 kg (có đạn và không đạn), độ tản mát ở cự li 300 m là 0,3 MOA, tầm bắn hiệu quả 800 m, giá 160.000 ruble (khoảng 5.472 USD).

ORSIS SE T-5000, bản cỡ nòng lớn hơn 0.338 Lapua Magnum, chiều dài súng 1270/1020  mm, chiều dài nòng súng 698,5  mm, sử dụng hộp tiếp đạn 5 viên, trọng lượng 7,5kg, độ tản mát đường đạn ở cự li 300 m là 0,3 MOA, tầm bắn hiệu quả 1.500 m,  giá 180.000 ruble (khoảng 6.156 USD).

Nga và cuộc chơi tại Syria

Những tuyên bố gần đây của Nga tạo một cảm giác “phản bội” đối với chính quyền của Tổng thống Syria Assad song thực tế mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Thái độ khác thường của Nga


Những ngày gần đây, thái độ mà chính quyền Nga dành cho đồng minh Syria khiến cộng đồng quốc tế không khỏi ngỡ ngàng.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Mikhail Margelov tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần rút lực lượng khỏi các thành phố và cho phép triển khai hoạt động viện trợ nhân đạo, xem đây là bước đầu tiên nhằm giải quyết xung đột.

Hai hãng tin Itar-Tass và Ria Novosti dẫn lời ông Margelov cho hay: "Theo quan điểm chính thức của Nga, Tổng thống Syria Bashar Assad cần lập tức sửa chữa hàng loạt sai lầm mà ông đã gây ra. Ông Assad phải thực hiện bước đi đầu tiên là rút quân đội Syria khỏi các thành phố lớn. Việc cung cấp viện trợ nhân đạo tới những khu vực bị ảnh hưởng bởi giao tranh cũng rất cần thiết".

Tuyên bố trên thể hiện sự chuyển hướng so với lập trường trước đây của Nga, vốn cho rằng cả Chính phủ lẫn lực lượng đối lập Syria phải đồng thời rút quân khỏi các thành phố.

Giới chức Nga bất ngờ yêu cầu chính quyền Assad rút quân.

Sự thay đổi bất thường này còn thể hiện ở tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Nga Lavrov khi thẳng thắn chỉ trích Damascus “đã phản ứng không đúng” ngay từ đầu, khi các cuộc biểu tình còn diễn ra trong hòa bình và chính quyền Syria đang “phạm phải rất nhiều sai lầm”.

Không chỉ vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov còn cho biết, Đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Arab Kofi Annan sẽ tới Moscow trong "hai ngày tới" để thảo luận về giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và Nga cũng sẽ chủ trì cuộc họp với phái đoàn phe đối lập Syria tại Thủ đô Moscow.

Tuy nhiên, bất thường hơn cả là động thái mà Nga cùng Trung Quốc, hai nước từng hai lần phủ quyết nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Syria (vào tháng 10/2011 và tháng 2/2012) bất ngờ ủng hộ Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố yêu cầu Syria lập tức thực thi kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên Kofi Annan.

Văn kiện này nhấn mạnh, Hội đồng bảo an sẽ cân nhắc “các bước đi tiếp theo” nếu Tổng thống Assad không thực thi kế hoạch của ông Annan gồm: chấm dứt bạo lực, thực hiện viện trợ nhân đạo, phóng thích những người bị giam giữ liên quan tới các vụ biểu tình và rút lực lượng an ninh khỏi các thành phố diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối Chính phủ.

Tuy tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng bảo an không mang nhiều sức nặng như một nghị quyết chính thức nhưng nó cho thấy bước chuyển biến quan trọng về thái độ của Nga và Trung Quốc đối với chính quyền của Tổng thống al Assad.

Kế hoạch hoàn hảo của ông Putin?


Sự thay đổi trong các tuyên bố cũng như hành động của chính quyền Nga làm dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng điện Kremlin đã hết kiên nhẫn và không còn muốn sát cánh bên chính quyền của Tổng thống Assad.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ sẽ thấy đây là một "âm mưu" của giới lãnh đạo Nga cho những kịch bản khác nhau tại Syria.


Nếu mọi chuyện diễn ra trong tầm kiểm soát của Nga thì vị thế của ông Putin (phải) trên trường quốc tế sẽ được nâng cao hơn nữa.

Tuyên bố mới nhất của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria, với sự đồng thuận của Nga và Trung Quốc, đặc biệt ở chỗ các bên liên quan có thể hiểu theo cách riêng để coi đó là thắng lợi của mình và nhượng bộ của phía bên kia. Sự nhất trí của Nga và Trung Quốc được phương Tây coi là một thất bại ngoại giao của Syria.

Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả những nội dung trong tuyên bố này đều không có gì mới và đã được hai phe trong Hội đồng bảo an đưa ra từ lâu dưới hình thức, mức độ khác nhau. Đã không có gì mới, tuyên bố này lại không có tính ràng buộc bởi không phải một nghị quyết chính thức.

Do đó, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, thái độ hưởng ứng tuyên bố này của điện Kremlin chỉ là một chiêu câu giờ cho chế độ Assad. Bằng cách chấp thuận hưởng ứng và tham gia động thái mới nhất của Hội đồng bảo an, Nga đã khéo léo loại bỏ được thời hạn một tuần dành cho chính quyền Assad tuân thủ các yêu cầu của Hội đồng bảo an cũng như xóa được yêu cầu Tổng thống Assad từ chức khỏi văn kiện mới này của Liên Hiệp Quốc.

Ngoài ra, nếu góp phần củng cố vai trò của ông Annan trong nỗ lực hòa giải tại Syria, Nga sẽ có được cảm giác an tâm bởi vấn đề Syria chắc chắn sẽ chỉ loanh quanh các bàn hội nghị của Liên Hiệp Quốc, nơi Nga có quyền phủ quyết, mà không “đi chệch hướng” vào các cuộc thương thảo ngầm của các nước phương Tây. Khi đó, Nga sẽ không hay biết và cũng không thể làm gì để cứu giúp đồng minh.

Bên cạnh đó, với tuyên bố kêu gọi chính quyền Assad rút quân khỏi các thành phố, sau này Nga có thể lớn tiếng cáo buộc phe đối lập tại Syria gây nên tình trạng bạo lực kéo dài tại quốc gia này. Điều đó đồng nghĩa với việc phương Tây cũng không có nhiều lý do để kêu gọi ông Assad từ chức.

Tuy nhiên, kế hoạch của Nga trong sự thay đổi thái độ này không chỉ đơn giản như vậy mà nó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra tại quốc gia Trung Đông này.

Nếu mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng xấu và ông Assad buộc phải từ bỏ quyền lực thì chính quyền Nga sẽ không bị “lỡ nhịp” với thời cuộc bởi rút kinh nghiệm từ bài học Libya. Khi đó, Nga và Trung Quốc trở thành những “kẻ lạc dòng” khi phe nổi dậy, lực lượng mà Moscow và Bắc Kinh từng kịch liệt phản đối, lên nắm quyền.

Giờ đây, bằng những tuyên bố đầy cứng rắn như Assad không phải đồng minh của Nga, Moscow không có bất cứ quan hệ đặc biệt nào với Damacus hay quan điểm của Nga dựa trên việc tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền của một quốc gia và vì lợi ích của người dân chứ không phải phục vụ cho lợi ích của bất cứ cá nhân nào, Nga có thể tạo một cảm giác cảm thông với phe đối lập Syria. Và như vậy, chính quyền Syria mới, nếu có, sẽ không có sự thù hận đối với Nga, theo đó, Moscow vẫn có cơ hội duy trì lợi ích tại quốc gia này.

“Rõ ràng Nga không muốn bị nhìn nhận là đồng minh cuối cùng của Tổng thống Assad, để rồi khi ông này buộc phải ra đi, Moscow sẽ lại phải lội ngược dòng”, Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Moscow nhận định.

Tóm lại, với kế hoạch đổi thay này, điện Kremlin hy vọng có thể làm chủ được tình hình Syria, theo đó, duy trì được lợi ích của mình tại quốc gia Trung Đông này trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Không chỉ vậy, sự chủ động trong vấn đề Syria này còn có thể giúp Nga gửi một thông điệp rõ ràng đến phương Tây cũng như các nước Arab rằng: “Vai trò của Nga đóng vai trò hết sức quan trọng trên trường quốc tế và không quốc gia nào nên phớt lờ lợi ích của Nga”.

Sự coi trọng này có ý nghĩa rất lớn đối với Thủ tướng cũng là Tổng thống tương lai Putin. Do đó, có thể nói, đây là một kế hoạch hoàn mỹ giúp tăng cường vị thế của ông Putin trên chính trường thế giới trong thời gian tới.

Thứ trưởng Tô Lâm tiếp Đoàn doanh nghiệp Israel

Ngày 15/3, tại Hà Nội, Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an đã tiếp Đoàn doanh nghiệp Israel do ông Amihaz Lustig, Chủ tịch Tập đoàn LR Group làm Trưởng đoàn. Tham dự buổi tiếp có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Tô Lâm đánh giá cao chuyến thăm, làm việc của Đoàn doanh nghiệp Israel với các cơ quan chức năng nói chung, Bộ Công an Việt Nam nói riêng; bày tỏ sự nhất trí về các lĩnh vực hợp tác mà ông Trưởng đoàn doanh nghiệp Israel đã nêu ở trên.

Theo Thứ trưởng Tô Lâm, trong phương hướng hợp tác thời gian tới, cần xây dựng lộ trình, bước đi cụ thể đối với phần việc, dự án cần xin ý kiến của Chính phủ hai nước thông qua. Đồng chí Thứ trưởng cũng đề cập đến những vấn đề doanh nghiệp Israel có thể hợp tác trong thời gian trước mắt với Bộ Công an Việt Nam như đào tạo chuyên gia về an ninh mạng, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ về quản lý hành chính, về lĩnh vực an ninh, trật tự…

Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an
Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Đoàn doanh nghiệp Israel. Ảnh: Hiếu Quỳnh.

Tại buổi tiếp, ông Amihaz Lustig bày tỏ cảm ơn sự đón tiếp trọng thị mà lãnh đạo Bộ Công an đã dành cho Đoàn và cho biết, phía doanh nghiệp Israel sẽ hỗ trợ nông dân Việt Nam về kinh nghiệm quản lý, công nghệ, máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng suất và chất lượng chế biến cà phê. Về lĩnh vực hợp tác đảm bảo an ninh, trật tự, doanh nghiệp Israel chú ý hỗ trợ về công nghệ, phần mềm hiện đại, bảo đảm an ninh biên giới, an ninh mạng. Phía Israel cũng chú ý đến việc hợp tác về cung cấp, sản xuất trang thiết bị và hợp tác trong lĩnh vực đào tạo các chuyên gia kỹ thuật, nâng cao năng lực của các nhà quản lý… trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng thăm và làm việc với huyện Ba Tơ

Sáng 14/3, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Ba Tơ về tình hình kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Tỉnh ủy; một số sở, ban ngành của tỉnh.

-> Tiểu sử Võ Văn Thưởng: Bí thư Tỉnh Ủy Quảng Ngải

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Viết Nho-Bí thư Huyện ủy Ba Tơ đã báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, chính quyền của huyện Ba Tơ năm 2011 cũng như định hướng trong năm 2012. Năm 2011, kinh tế huyện Ba Tơ tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông-lâm nghiệp, tăng tỷ trọng thương mại-dịch vụ. Tổng giá trị sản xuất đạt gần 400 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 243 tỷ đồng; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt trên 71 tỷ đồng, Tuy nhiên, đối với địa bàn huyện miền núi, nông-lâm nghiệp vẫn là chính trong cơ cấu kinh tế.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với huyện Ba Tơ
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với huyện Ba Tơ.

Huyện Ba Tơ hiện có hơn 97.000 ha rừng. Đây là thế mạnh của huyện trong việc phát triển kinh tế rừng, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Năm 2011 toàn huyện còn gần 6.400 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 46% tổng số hộ trong huyện.

Trong công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng và củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên. Đến nay, Đảng bộ huyện có 58 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức vụ trưởng, phó các cơ quan, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì huyện Ba Tơ vẫn còn một số hạn chế, đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; chất lượng dạy và học ở một số trường học còn thấp; tình trạng học sinh bỏ học còn diễn ra, nhất là các xã vùng cao; vẫn còn để xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là bệnh “lạ” ở xã Ba Điền.
Công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, số hộ thoát nghèo chưa nhiều, diện tái nghèo và phát sinh nghèo vẫn còn diễn ra; tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế; việc qui hoạch cán bộ, nhất là cơ sở thực hiện chưa đảm bảo qui trình, chất lượng chưa cao; tinh thần phê và tự phê bình ở một số cấp ủy đảng, đảng viên chưa mạnh, việc kiểm tra của các chi, đảng bộ cơ sở còn yếu, có những vụ việc nảy sinh ở cơ sở chậm phát hiện và giải quyết chưa kịp thời, có vụ kéo dài, chưa kiên quyết…

Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Phạm Viết Nho đề xuất, kiến nghị với tỉnh một số vấn đề như: Xin bổ sung 1 phó bí thư Huyện ủy phụ trách phong trào xã, thị trấn; bổ nhiệm lãnh đạo một số phòng ban thiếu nhưng không đủ chuẩn theo qui định của Tỉnh ủy…

Tỉnh sớm cho chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Ba Tơ (30/10/1972-30/10/2012). Nâng cấp Trường THCS Dân tộc Nội trú thành Trường THPT dân tộc nội trú; đổi tên thị trấn Ba Tơ thành thị trấn Ba Đình; giải quyết một số dự án còn vướng mắc…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Cao Khoa-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Ba Tơ trong tất cả các lĩnh vực từ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đến xây dựng Đảng, chính quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian đến, huyện Ba Tơ cần xác định những công trình trọng điểm để ưu tiên đầu tư, không đầu tư dàn trãi; trong đó chú trọng đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30a; thực hiện tốt công tác dạy nghề, xóa đói giảm nghèo; phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế lâm nghiệp…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng đã ghi nhận những kết quả mà huyện Ba Tơ đã làm được trong thời gian qua. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, so với các huyện miền núi thì Ba Tơ là địa phương phát triển khá đều trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên huyện vẫn còn một số mặt hạn chế. Trong thời gian đến, huyện Ba Tơ cần tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 30a của Chính phủ và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; nhất là Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh và bền vững ở các huyện miền núi.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn tới 46%, vì vậy nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của huyện trong những năm đến là giảm nghèo. Huyện phải tính đến các biện pháp hỗ trợ cho người dân giảm nghèo nhanh và bền vững. Để làm được điều này cần phải tích cực hỗ trợ sản xuất, gắn kết dạy nghề với tạo việc làm cho nông dân. Thúc đẩy chăn nuôi, để làm sao để chăn nuôi trở thành hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân địa phương.

Cần quan tâm đến việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động, giáo dục đào tạo nâng cao dân trí, khắc phục tình trang học sinh bỏ học. Phải nâng cao hiệu quả của các trạm y tế, phục vụ tốt việc khám chữa bệnh ban đầu.

Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý: Huyện cần triển khai tốt việc học tập, quán triệt các nghị quyết của TƯ, của tỉnh. Cần quan tâm đến xây dựng đội ngũ, đào tạo, đào tạo lại và chăm lo cho đội ngũ cán bộ một cách tích cực hơn. Đổi mới phương thức công tác, phương thức lãnh đạo của đội ngũ cán bộ các cấp.

Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý huyện Ba Tơ cần phải rà soát, tính toán công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ. Phải xây dựng cho được một tập thể thống nhất, đoàn kết. Tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính, củng cố mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày một gắn bó. Xây dựng mặt trận tổ quốc, các hội đoàn thể ngày càng vững mạnh…

Theo (QN)

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Sân golf không có lỗi

Nghiêm cấm xẻ đất sân golf để xây biệt thự, song Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng bản thân sân golf không có lỗi vì lĩnh vực này có thể tạo việc làm hút du lịch.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (phải) trả lời trực tuyến.

Chiều nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có buổi đối thoại trực tuyến với người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Trả lời câu hỏi: “Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng liệu có thêm sân golf?”, ông Vinh chia sẻ, trước hết phải nói là sân golf không có lỗi. Bởi lĩnh vực này có thể tạo việc làm, thu hút dịch vụ, du lịch. Việt Nam chưa phải nước có nhiều sân golf. Tuy vậy, bộ trưởng Vinh khẳng định, nếu lấy đất sản xuất, đất màu rừng phòng hộ thành sân golf thì không chấp nhận được.

Trong tháng 2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn thảo một chỉ thị về tăng cường quản lý việc xây dựng các sân golf và dự kiến sẽ ban hành trong tháng 3. Điểm nổi bật là sẽ rà soát, loại bỏ những sân xây sai quy hoạch đồng thời xử phạt dự án dùng đất lúa, hoa màu, rừng phòng hộ làm sân golf. Bộ chỉ cấp phép cho những địa phương có tiềm năng du lịch và chỉ xây dựng ở những khu vực đất trống, đất hoang, đất cát.

“Chủ trương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không cho phép sử dụng đất lúa đất rừng… làm sân golf và vừa rồi 3 sân golf đã bị loại bỏ và 2 sân bị di chuyển. Bộ càng không cho phép dùng đất phân xây dựng sân golf để xây biệt thự bán”, ông Vinh nói.

Chỉ thị mới sẽ giao ra soát lại quyết định 1946 ban hành từ năm 2009. Bởi số quy hoạch được duyệt trong quyết định là nhiều nhưng trên thực tế triển khai được rất ít. Bộ trưởng Vinh cho biết, trong thời gian qua, có 28 sân golf xin cấp phép do địa phương trình lên. “Các dự án đều không lấn đất lúa, đã được tổ công tác liên ngành của Chính phủ kiểm tra, thẩm định. Tuy nhiên, Chính phủ đã thận trọng, không bổ sung vào trong quy hoạch mà chỉ giữ lại quy hoạch từ 2009″, ông Vinh nói.

Đối với 28 sân golf xin cấp phép, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, chỉ thị sắp tới sẽ quy định tùy sân, nếu đạt được tiêu chí tốt, mang lại lợi ích cho địa phương, không ảnh hưởng đến đất lúa, đất rừng thì có thể xem xét. Với mỗi trường hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có đoàn công tác đi thẩm định riêng thì Thủ tướng mới xem xét cấp phép.

Trước đó, theo kết quả kiểm tra thực hiện sân golf của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì có tới hàng chục sân golf xây sai quy định. Trong số diện tích đất quy hoạch làm sân golf, tỷ lệ các chủ đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại… chiếm đến hơn 50%. Thực tế mới có 24 sân golf đang có người chơi, có 3 dự án thực hiện xong việc xây dựng nhà ở, biệt thự để bán với diện tích 304 ha. 13 chủ đầu tư sân golf đã có quyết định thu hồi đất là sử dụng đất đúng mục đích, xây dựng đúng tiến độ.

Có tới 46 chủ đầu tư làm chậm tiến độ hoặc sai quy định như làm sân golf khi chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt, chưa ký hợp đồng thuê đất; chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định. 9 dự án chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong số 90 dự án sân golf, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf. Còn lại 69 dự án kết hợp kinh doanh sân golf với bất động sản, du lịch. Đoàn kiểm tra đánh giá, hiệu quả của các dự án sân golf chủ yếu là kinh doanh bất động sản như bán, cho thuê biệt thự trong khu vực dự án và thẻ hội viên. Kinh doanh thu phí sân golf khoảng 100 USD mỗi lượt, thì các chủ đầu tư sẽ bị lỗ.